Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Những câu thơ, bài thơ trong trí nhớ

Vũ Quốc Túy
Thứ năm ngày 8 tháng 11 năm 2012 10:38 PM

Từ thuở còn học trò cấp 3 cách nay đã 50 năm, đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in bài thơ của Nguyễn Du viết về mùa xuân mà tôi đọc được trên báo. Nội dung bài thơ được dịch như sau:

Trời xấu thâu mùa cửa chặt cài
Giá nồng quanh quẩn đuổi nhau hoài
Tha hương người biệt cùng năm cũ
Quỳnh Hải xuân từ đâu tới nơi?
Nam Phố lòng buồn trông cỏ biếc
Đông Hoàng xuân ướm ở chồi mai
Lãn ông khật khưỡng quanh thôn miếu
Cơm rượu say mềm vẫn chẳng lui.

Bài thơ toát lên nỗi niềm u hoài của kẻ tha hương khi mùa xuân đến trong cái giá rét của thời tiết miền Bắc. Tham khảo một số tài liệu, tôi mới biết rằng đại thi hào Nguyễn Du đã từng một thời về sống với vợ ở xã Quỳnh Hải huyện Quỳnh Côi (nay là Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình quê mình. Phải chăng bài thơ này ra đời từ những năm tháng ấy? (Tức là năm 1789 Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Đoàn Nguyễn Tuấn hợp tác với Tây Sơn, giữ chức Thị lang bộ Lại).  Phải chăng các địa danh trong bài thơ nằm trên đất Quỳnh Phụ bây giờ, có điều nó chỉ mang tên khác mà thôi? Câu trả lời phải nhờ đến các nhà nghiên cứu văn học.
Những năm 60 của thế kỉ trước, có những bài thơ Xuân đượm buồn của Nguyễn Du đã được dịch và đăng trên báo Văn học, tiền thân của tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam bây giờ, chắc cũng được Nguyễn Du sáng tác trong thời kì nói trên. Đại loại có đoạn như sau:
 (...)  Phương trời vật thiếu uổng thanh minh
Câu ca học lấy lời đồng ruộng
Tiếng khóc nghe nhường khúc chiến chinh
Quán khách ngậm sầu khôn xiết nỗi
Cỏ mao chớ để mọc quanh mình.
Cũng những năm tháng ấy, cả nước đang sôi sục khí thế chống Mỹ, thơ ca chỉ tập trung viết về đề tài chiến tranh, trận mạc, thì trên báo Văn học có đăng bài thơ của nhà thơ Tế Hanh mang tên “Biển và em”
Biển một bên, em một bên
Anh đi trên bãi cát êm đềm
Xa khơi lòng vọng xa khơi mãi
Sóng biển vào anh với sóng em.
   Sau này có một nhà thơ nổi tiếng (xin được giấu tên) cũng có bài thơ về biển, lại cũng có câu thơ “Biển một bên, em một bên” và bài thơ đã được phổ nhạc, thường thấy hát trên đài Tiếng nói Việt Nam. Khi nghe bài hát và nghe bài thơ được ngâm trên đài tôi thấy ngờ ngợ. Rồi cũng hiểu ra, ông nhà thơ đi sau đã vô tình dẫm phải dấu chân của người đi trước. Cũng chẳng nên vội định lỗi cho người đi sau, bởi những câu thơ hay thường dễ nhập vào hồn người đọc. Với người sáng tác mà thuộc lòng thơ của người khác, đôi khi trong sáng tạo nghệ thuật, lúc xuất thần, những câu thơ ấy bỗng bò ra nằm trên trang giấy mà người sáng tác vô tình không biết. Ôi, thật là… tai họa! Có thể tạm coi đó là tai nạn nghề nghiệp vậy. Phải chăng vì thế mà các nhà thơ hiện đại bây giờ thường không thèm, không thích, hay không muốn… đọc thơ của nhau?