Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ông NGUYỄN MINH NHỊ "chơi" Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN rồi .

Trịnh Kim Thuấn
Thứ sáu ngày 9 tháng 11 năm 2012 5:40 AM

Đọc tựa bài báo :  Tâm tình Ông Bảy Nhị “ CHỈ CẦN RÀNH BỐN PHÉP TOÁN là làm được lãnh đạo “ do Hồ Cúc Phương thực hiện là tôi có ý nghĩ ngay : Ông Bảy Nhị (nguyên Chủ Tịch UBND Tỉnh AnGiang) chơi ông Nguyễn Thiện Nhân Phó Thủ Tướng Chính Phủ (nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục ĐT) rồi.

Lý do :  Đề án lớn của Ông Nguyễn Thiện Nhân là đến năm 2020 Việt Nam ta phải đào tạo cho đủ 20.000 tiến sĩ , mới vừa rồi ngài vừa đặt hàng với Bộ GDĐT thực hiện.

- Đến năm 2020 các cán bộ thuộc Thành Ủy TP.Hà Nội phải có bằng tiến sĩ.
- Các Bộ, Vụ, Viện, các tỉnh, thành phố  khác trong cả nước nữa …..

Thì với lời nói của Ông Bảy Nhị, chỉ cần rành 4 phép toán là làm được lãnh đạo rồi, thì Nhà nước tốn tiền, tốn sức đào tạo nữa mà chi … khỏi sợ lời ra tiếng vào .. nhỉ ? Tiết kiệm được khối tiền, kể từ nay tệ nạn mua bán bằng giả, bằng thật chấm hết, đồng thời các trường Đại học nước ngoài cũng đóng cửa, dẹp tiệm luôn.

Đọc kỹ bài phỏng vấn, thì cái ý rất tốt, có 1 người lãnh đạo như Ông Bảy Nhị là hiếm, học chưa hết lớp Nhất, tự học, tự phấn đấu vào Đảng, có nhiều sáng kiến, quyết sách táo bạo đem lợi ích lớn cho địa phương. DÁM LÀM – DÁM CHỊU . Một người trình độ học vấn thấp mà đảm trách chức vụ Chủ Tịch UBND Tỉnh là hiếm có.

Nhưng người phỏng vấn đặt cái tựa làm giật cả mình, kết luận rõ ràng của 4 phép toán là :
                                 - Cộng   :  thêm nghĩa tình, yêu thương.
                                 - Trừ      :  đi những oán thù, ghét bỏ .
                                 - Nhân   : lên của cải cho người dân, xã hội.
                                 - Chia     : sẽ hạnh phúc.

Hiểu chung đó là cái TÂM , là TRÁI TIM của người lãnh đạo.

Tôi vô cùng khâm phục, nhưng chuyện nầy chỉ xảy ra với Ông Bảy Nhị thôi, chứ đất nước nầy được tất cả như ông thì : học trò không còn đu dây qua sông đến trường, chương trình bửa cơm có thịt cho học trò miền núi, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết …. Không cần phải lo nữa ! Xem truyền hình thì tỉnh nào đều có chương trình : Vòng tay nhân ái, Những tấm lòng vàng, Vượt lên chính mình … phải bỏ rồi, thay vào đó là thi ca, thi múa, thi người đẹp …  Thực tế đất nước ta còn nghèo, nghèo lắm quí vị ơi !

Cái TÂM vẫn chưa đủ, phải có cái TẦM nữa mới được, xin kể việc có cái Tâm thiếu cái Tầm  :

Nhà nước đang cưỡng bách chương trình phổ cập giáo dục cấp 2 trong toàn quốc, hiện nay nếu chỉ biết làm 4 phép toán thì bị xem là DỐT rồi.

CHUYỆN XƯA  :  Dốt làm lãnh đạo .

Những ngày sau 30/4/1975 Chánh Quyền Cách Mạng tiếp quản bộ máy hành chính mới, đương nhiên cán bộ kháng chiến ra Thành phải có 1 số trình độ thấp, đã gây thiệt hại lớn cho xã hội, chúng tôi hầu chuyện với các chú, các anh ở Bắc về, thì các anh, chú bảo : Nhiệt tình + Dốt nát = Phá hoại. Nghe vậy, hiểu vậy .

Đơn cử 1 vụ : Tại thành phố Long Xuyên – An Giang, trước 30/4/1975 tại công trường Trưng Nữ Vương : Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín (cũ) xây tặng cho 1 Bông Lúa bằng đồng thật đẹp, có vòi nước phun, buổi chiều tối nam thanh, nữ tú dập dìu … Ai ngụ ở Long Xuyên đều biết .

Tiếp quản xong, Ủy Ban Quân Quản – Chánh quyền Cach Mạng đem công nhân, máy hàn, máy cắt đến phá, dỡ ngay Bông lúa, Bông lúa biến mất kể từ dạo ấy … Chỉ còn lại cái trụ đỡ  . Có hôm, sau 1 ngày làm việc buổi tối chúng tôi (công tác Phòng Tài Chính TXLX) đến ngồi chổ cái trụ đỡ uống cà phê (quán cóc lưu động), anh Nguyễn Minh Hừng (Út Đường) Trưởng phòng Tài chính ( xin đọc bài Ông Chủ Tịch Hội Khuyến Học AnGiang trên trannhuong.com ngày 18/10/2012 )            ngồi ngậm ngùi : “Can chi mà phá, nó chỉ là 1 bông lúa biểu tượng cho nông nghiệp, nếu ta có ngại hoặc thành kiến chi đó thì làm thêm 1 ngôi sao đỏ gắn lên chóp Bông lúa có phải hay hơn hay không ? Tiếc thương mà chi ! thì cũng qua rồi . Ngày nay tại bùng binh trước cửa UBND Tỉnh AnGiang cũng có dựng 1 Bông lúa, nhưng Bông lúa nầy vẫn không đẹp bằng Bông lúa ngày xưa .

CHUYỆN NAY  : Thủy Điện Sông Tranh 2

Mấy chục vị Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ khảo sát, nghiên cứu tranh luận đến nay vẫn chưa kết luận được Đập thủy điện nầy bị lỗi ở chỗ nào : Thiết kế, Chủ đầu tư, thi công, giám sát … sập hay không ? nếu sập thì bao lâu nữa ? đến nay vẫn chưa ngã ngũ, nhưng người dân huyện Bắc Trà My nhà tường bị nứt, sống trong hồi hộp lo âu, có 1 số đành phải bỏ nhà lên núi ở tạm, người ở lại ăn chẳng ngon mà ngủ cũng chẳng yên …

Có cái Tâm còn phải có cái Tầm, mà cái Tầm phải thật cao nữa kìa , chứ cái tầm xòang xòang như thế nầy thì chỉ rách việc, khổ cho người dân lắm.

Xin gát lại chuyện cái Tâm với cái Tầm . Tôi rất có ấn tượng về Ông Bảy Nhị, tuy chưa có tiếp xúc với Ông lần nào, chỉ biết qua báo chí, truyền hình …. Các bài viết của Ông hay. Nhất là bài : VỤ TIÊN LÃNG : ANH EM HỌ ĐOÀN CÓ CÔNG HAY CÓ TỘI ? (Báo NLĐO thứ hai ngày 13/02/2012 09.47).

Ngược dòng thời gian một tí : Vụ án nổi đình, nổi đám nầy thật quá nổi, một vụ án xảy ra ở cấp xã mà phải đích thân Thủ Tướng Chính Phủ chủ trì họp hành và chỉ đạo giải quyết. Báo chí các lề viết thoải mái, số bài viết và người đọc kỷ lục : 1.500 bài báo và 5 triệu người vào mạng Gú gờ chấm Tiên Lãng (nguồn tin từ miệng của Ông Nguyễn Văn Thành – Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân Anh văn, Cử nhân Luật, Bí thư Thành Ủy – TP.Hải Phòng) Bài viết nầy không dài, cô đọng, dễ hiểu xin chép lại nguyên văn để quí vị khỏi tốn công tìm lại .

Thứ hai, 13/02/2012 09.47
Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh AnGiang)
(NLĐO) “ Chống người thi hành công vụ “ về hình thức thì rõ ràng là có tội, nhưng về bản chất thì là chống người làm sai, cướp phá tài sản của công dân thì lại là có công .

Luật pháp được đặt ra để bảo vệ quyền lợi công dân và trật tự xã hội. Luật pháp quy định những việc nhà nước phải làm và công dân không được làm.

Xét theo tinh thần nầy thì chính quyền nhà nước huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng đều sai. Từ cái sai có tính mở đường dẫn đến cái sai của anh em ông Đoàn văn Vươn “Chống người thi hành công vụ”

Sự việc đã được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận tại buổi làm việc chiều ngày 10/02 . Bây giờ dư luận chờ xem chính quyền Hải Phòng xử sai và sửa sai cán bộ, công chức của mình như thế nào và tòa sẽ xử anh Vươn vào tội danh nào ?

Xét ra hai việc này có mối quan hệ biện chứng rất chặt chẽ với nhau. Vì nguyên nhân ông Vươn phạm tội chống người thi hành công vụ là do chính quyền làm sai , ức hiếp dân nên “tức nước vỡ bờ “

Cũng trên ý nghĩa đó mà Thủ Tướng đề nghị ngành tư pháp xem xét tình tiết giảm nhẹ cho các bị can. Đây là một dấu son cho cả nước thấy rõ tính nhân văn, tính nhân dân của Chánh phủ đối với vụ việc.

Việc đưa ra tội danh của anh Vươn và những người liên quan cũng hết sức quan trọng,
“Chống người thi hành công vụ “ về hình thức rõ ràng là có tội, nhưng về bản chất thì là chống người làm sai, cướp phá tài sản của công dân thì lại là có công.

Thử hỏi, không có tiếng nổ do gia đình ông Vươn gây ra thì ai nghe để mà vạch trần những việc làm sai trái của chánh quyền Hải Phòng ? Đó chính là tình tiết giảm tội, tăng công.

Còn tội danh “Giết người” là quy chụp theo lối suy diễn tất yếu : Có nổ vũ khí tự chế có thể gây thương vong.

Vậy lực lượng cưỡng chế có cả bộ đội, trang bị vũ khí hiện đại, có cả chó bẹc giê chực xé xác người để làm gì, nếu không nói là để chuẩn bị giết người ? Chưa kể sau đó còn phá hoại tài sản công dân – phá nhà người ta trước ngày Tết cổ truyền thiêng liêng thì có gọi là quá ác ?

Nếu quy tội giết người cho anh em họ Đoàn trong trường hợp nầy thì cũng giống như quy tội người nằm dưới dùng dao định đâm người nằm trên đang dùng lưỡi lê đâm vào bụng mình để lấy tiền !

Nếu tội danh giết người mà tòa có nêu ra là của cả hai phía thì tội nặng hơn thuộc về phía các nhân viên công quyền . Tội ác thúc giục tội ác !

Trước khi viết bài nầy, tôi xem vụ án Đồng Nọc Nạn năm 1928 ở tỉnh Bạc Liêu. Tôi không ngờ ngành tư pháp thực dân mà xử án có hậu như vậy.

Liên hệ lại vụ án năm 1968 ở huyện Tân Châu – AnGiang, con gái ông Ban Tống là Nhan Kim Thu, có chồng là thiếu tá chế độ Sài gòn, đòi lại nhà cho ông Nở thuê, nhưng tòa vận dụng điều luật về “quyền lưu cư thâm niên” mà ông Nở thắng.

Tôi nhớ không lầm, lịch sử nước ta có ghi nhận, sau cách mạng tháng tám thành công, trong khi chính quyền chưa có điều luật mới, Hồ Chủ Tịch ra sắc lệnh đầu tiên ;”Những luật của chánh quyền củ- thực dân về dân sự tiếp tục được thực hiện, trừ những điều khoản thực dân. Một xã hội một ngày không có luật là loạn.

Trở lại vụ án chống người thi hành công vụ của anh em họ Đoàn, nếu tòa xử hợp lòng dân là tiền đề cho yên lòng dân chớ không phải tiền lệ xúi giục dân chống chánh quyền mà cũng đã có người “lo xa “. Vì xét cho cùng luật pháp bảo vệ dân mà !
                                                                                                                        N.M.N

.  .    .     ..     .   .   .   .
                                               Nhưng đến nay 08/11/2012 – 13/02/2012  bao ngày tháng trôi qua, người có công vẫn còn ở trong vòng lao lý, mặc dù ‘ Thủ Tướng đề nghị ngành tư pháp xem xét tình tiết giảm nhẹ cho bị can. Đây là một dấu son cho cả nước thấy rõ tính nhân văn, tính nhân dân của Chính phủ đối với vụ việc. Như thế DẤU SON nầy ông Bảy Nhị chấm hơi sớm rồi phải không ?

Đặc biệt là 2 vụ án ông Bảy Nhị đề cập đến xảy ra vào năm 1928 Đồng Nọc Nạn Bạc Liêu, năm 1968 ở Tân Châu AnGiang, xảy ra vào thời kỳ Pháp thuộc và Mỹ ngụy chiếm đóng, cả hai chế độ nầy vô cùng xấu xa và tàn ác, nhân dân Việt Nam ta tốn không biết bao nhiêu là xương máu để tiêu diệt cho bằng được 2 chế độ tàn bạo nầy.

Hai phiên Tòa xử ở hai thời điểm khác nhau : Năm 1928 và 1968, kết quả phần thắng về phía người nghèo. Ông Bảy Nhị viết “Tôi không ngờ ngành tư pháp thực dân mà xử án có hậu như vậy “.

Riêng phần nầy tôi không đồng ý với ông Bảy Nhị : KHÔNG PHẢI CÓ HẬU, ĐÓ LÀ CÔNG LÝ. CÔNG LÝ KHÔNG Ở BÊN GIÀU HOẶC BÊN NGHÈO.

Các quan tòa của hai phiên tòa kể trên, các vị nầy trọng công lý hơn tiền bạc. Họ không để tiền bạc đè bẹp công lý.

Hàng ngày, đọc báo thấy nhan nhãn các tin : thư ký tòa án chạy án, thẩm án nhận hối lộ … kể cả 1 Phó Viện Trưởng Viện KSND TC chạy án cho trùm xã hội đen, sự việc lỡ dỡ phải vào tù ….

Thì chữ TÂM (là 4 phép làm toán) ông Bảy Nhị nói thì đúng, nhưng nay thì xưa rồi, lạc hậu rồi, đến Ông Chủ Tịch Nước phải kêu lên : trước có 1 con sâu, nay thì cả bầy sâu đó sao ?

Trở lại vụ Tiên Lãng : Hai anh em họ Đoàn có công thì ở tù, còn những quan chức địa phương (theo ý ông Bảy) là có tội, thì chưa ra làm sao cả ! Ông Bảy nghĩ sao ?

Vừa rồi, nghe đài báo bão Sơn Tinh sắp vào đất liền, vào mạng tìm từ : bão Sơn Tinh chơi thì thấy có Núi Tản Sông Đà, thấy có ông Tản Đà với mấy câu thơ nầy :

                                         Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn.
                                         Mặt sắt còn bia miệng thế gian.
                                         Cũng bởi thằng dân ngu hóa lợn.
                                         Cho nên quân nó dễ làm quan .

                                08/11/2012    TRỊNH KIM  THUẤN