Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thủ đô không của riêng ai

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ hai ngày 12 tháng 11 năm 2012 5:51 AM

Người xưa chọn kinh đô (thủ đô) nhằm trước là chốn nhân tâm thuần hậu, sau là nơi hiểm yếu, lúc loạn đạt yêu cầu tiện thủ thuận công, lúc yên lại dễ dàng cho việc giao lưu hội nhập. Sự phát triển của nó mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt của một cộng đồng người đồng hành với sự hình thành và phát triển một quốc gia độc lập.

Mỗi quốc gia thường gồm nhiều sắc tộc cư trú ở những vùng lãnh thổ khác nhau liên kết lại xây dựng một quốc gia thống nhất, hợp thành một dân tộc thống nhất và chọn một thủ đô thống nhất – nơi biểu trưng văn hóa văn minh của khối cộng đồng các dân tộc ấy. Dân tộc Việt Nam bao gồm 54 sắc tộc sống rải rác từ núi rừng xuống đồng bằng và biển, trải dài hơn 2.000Kilômet từ Bắc vào Nam bên bờ biển Đông. Kinh đô Thăng Long biểu trưng cho nền văn hóa lúa nước sông Hồng.

Bởi vị trí đặc biệt về địa-chính trị như thế mà thủ đô được coi như trái tim, khối óc, bộ mặt của quốc gia. Sự phồn vinh của thủ đô không chỉ tự nó làm nên mà người cả nước đồng tâm hiệp lực mới thành. Người dân cả nước hướng về nó và tự hào về nó. Đó là chốn thiêng liêng bất khả xâm phạm của quốc gia. Khi tổ quốc bị xâm lăng thì thủ đô là mục tiêu xâm chiếm cuối cùng để kẻ thù được coi là toàn thắng. Mất thủ đô coi như là mất nước. Chẳng may thủ đô bị biến thành hang ổ của quân cướp nước và lũ bán nước thì đó là nỗi đau của toàn dân tộc. Tổ quốc như mang một trái tim bệnh hoạn, một khối u trong đầu, sự phồn hoa chỉ là giả tạo! Nên khi thủ đô bị lâm nguy thì người dân cả nước sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nó như quê hương đất tổ của mình.

Thủ đô không của riêng ai!                

Việc hình thành thủ đô tiền khởi từ việc lập nên các đô thị song hành với sự xuất hiện tầng lớp thị dân. Thị thành là chốn đô hội giống như nơi hợp lưu sông. Bao nhiêu phù sa sản vật lẫn những rác rến từ mọi nguồn đổ dồn về. Những đô thị lớn sinh ra đủ giới thượng lưu, trung lưu, hạ lưu và trong mỗi giới bên những người lương thiện, những bậc hiền tài có lẫn cả bầy bất lương đủ loại. Chớ vội coi mang danh dân tỉnh, dân kinh đã là vinh – Đó là nơi vừa trong vừa đục, lúc sáng lúc mờ! Câu ca “Chẳng thơm cũng thể hoa lài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” chớ nên hiểu là tính cách riêng của người Hà Nội. Đó là tính cách thị dân chung ở chốn đô thành: người Hà thành cũng như người Tràng An, người Paris, người Pêtersbua, người người Mumbai, ngườiTokyo… vậy. Tất nhiên mỗi đô thị đều mang đặc trưng riêng của văn hóa vùng miền. Trong lịch sử Việt Nam, không chỉ riêng Hà Nội mà kinh kỳ Huế đã tạo nên lớp người xứ thần kinh rất đáng tự hào và xứ thuộc địa Nam kỳ cũng sinh ra lớp người Sài Gòn có sắc diện khác hẳn mọi nơi, mọi thời trên đất nước ta.

Bởi những biến động của thời thế, vị trí của thủ đô có thể được di dời do yêu cầu của việc phòng thủ hoặc của việc phát triển kinh tế và xã hội. Bên Tàu, ngoài kinh đô Tràng An (Thiểm Tây) lâu đời nhất, còn có Lạc Dương (Hà Nam), Nam Kinh (Giang Tô) và Yên Kinh (Bắc Kinh). Kinh đô Đại Việt từng đóng ở Cổ Loa, Mê Linh, Hoa Lư, Thăng long, Huế.

Quá trình phát triển của loài người song hành với sự tiến bộ của các nền văn minh nhân loại trong đó là sự hình thành và phát triển của hệ thống các đô thị. Thế giới càng hội nhập, các đô thị càng phát triển. Dần dần thủ đô không còn địa vị độc tôn tiêu biểu nữa. Sự tồn tại của nó chỉ còn mang ý nghĩa lịch sử, chính trị và văn hóa. Để làm nhẹ đi gánh nặng của một đô thị quá lớn, các quốc gia hiện đại có xu hướng hình thành những trung tâm kinh tế, văn hóa tách biệt ra nhằm mục đích cân bằng việc điều tiết dân cư, mở mang dân trí phát triển đồng bộ cũng như tránh được việc hủy hoại môi trường dù cho con người có ý thức hết sức giữ gìn. Thủ đô chỉ là trung tâm chính trị và hành chính, càng làm phong phú hình ảnh một quốc gia.

Thủ đô Hà Nội có dấu ấn đặc biệt với người dân Đại Việt. Từ thời Lê trung hưng (thế kỷ XVI), thật sự nước ta đã bị phân chia thành hai phần Nam-Bắc, các tập đoàn phong kiến và thực dân thay nhau cát cứ và đô hộ mà Hà Nội vẫn mang dấu ấn sâu đậm trong lòng những người Việt tha phương tứ xứ. Cho đến đại thắng mùa xuân 1975, Hà Nội mới thật sự là thủ đô của một nước Việt Nam thống nhất và độc lập.

Lòng người chưa nguôi nỗi mừng vui phấn khởi thì nỗi đau tiền kiếp lại hiển hiện ra! Trước kia là do bè lũ tà tâm và giặc gây nên, giờ thì do sự phân biệt kẻ chữ nghĩa ăn trắng mặc trơn với người ít chữ chân lấm tay bùn! Chẳng lẽ Thủ đô không còn là trái tim của Tổ quốc? Chẳng lẽ mỗi công dân không được như một hồng cầu lưu thông trong dòng máu chuyển về tim? Thì làm sao để Thủ đô gắn với mọi nhà? gắn với mọi người? Xin kể ra đây một câu chuyện có thiệt rất bi hài ít người được biết: Hồi những năm 1990, một vị Đại tá QĐND gửi thư lên Trung ương “xin phép vượt biên”(!) với lý do ông bỏ nhà đi kháng chiến đã 4-5 chục năm trời, từng bị thương khi đánh vào thành phố. Nhưng lúc về già lại không được nhập khẩu ở thành phố vì theo chủ trương chung thì quân nhân phục viên quê đâu trả về đấy. Ông trong cái cảnh “Thiếu tiêu ly gia lão đại hồi. Hương âm vô cải mấn mao tồi. Nhi đồng tương kiến bất tương thức. Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai (Khi đi trẻ, lúc về già. Giọng quê không đổi tóc bạc rồi. Trẻ con nhìn lạ không chào. Hỏi rằng khách tự xứ nào tới đây). Bây giờ gọi là về quê hương mà lạ cả nước lẫn cái thì sống làm sao? Ông bị dồn tới thế cùng rồi! Tất nhiên hồi hậu là việc nhập khẩu của ông được giải quyết nhanh gọn. Nhưng liệu có mấy người “liều mà được việc” như ông?! Cái thời ngây ngô ấu trĩ tệ hại ấy lẽ ra là phải qua đi mãi mãi! 

Bác Hồ nói: “Đoàn kết-Đoàn kết-Đại đoàn kết” mà không có sự bình đẳng thì làm sao “Thành công-Thành công-Đại thành công” được?! Bác Hồ nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà quyền “tự do cư trú” bị tước đoạt thì sự “độc lập” có là giả hiệu? Hãy nhìn khẩu hiệu trương lên: “Thủ đô vì cả nước, cùng cả nước tiến lên CNXH” đồng nghĩa là “Nhân dân cả nước vì Thủ đô, Thủ đô chia sẻ cùng cả nước”. Để Thủ đô trở về lòng dân tộc như hôm nay đã tốn bao nhiêu máu xương và mồ hôi của người Thủ đô? của người cả nước? Có ai nghĩ đến người lao động cả nước hôm nay đang còn trong cảnh khó khăn nghèo khổ vẫn phải ưu ái dành cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô? Nguồn vốn ODA mà Thủ đô được ưu đãi nhận nhiều hơn hết nhưng nhân dân cả nước phải gánh trả đến mấy đời con cháu? Và khi Thủ đô đòi được quyền ưu ái riêng cho mình thì các tỉnh thành khu vực khác như TPHCM, Cần Thơ, Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên… cũng có quyền đòi hỏi những quy chế riêng chăng? Hy sinh tất cả cho đất nước thống nhất để rồi lại băm giang sơn thành những “sứ quân”? Đó là nỗi đau tận cùng của những người đã nằm xuống cho đất nước hôm nay!

Việc cư trú đi đôi với quyền công dân có việc làm. Nơi này không giải quyết được thì trước hết người dân tự tha phương tìm kế sinh nhai. Một nhà nước từ dân, do dân và vì dân không thể làm khó cho công dân khi mình chưa đáp ứng được nhu cầu về quyền sống của họ. Đấy là dân chủ.                                                                      Nói rằng vì Thủ đô mang tính đặc trưng vậy thì khi “nằng nặc” đòi mở rộng Thủ đô hẳn các nhà quy hoạch vĩ mô nhằm mục đích sẽ giảm thiểu được nhiều nỗi khổ cho dân và bớt đi nhiều gánh nặng cho các nhà quản lý? Chẳng lẽ ta dắt dân đi vào ngõ cụt để rồi viện lý do không còn cách nào khác lại bày ra việc “vượt rào” làm cho dân tình chia rẽ!     

Thu gom nhân tài vật lực của cả nước và những nguồn vốn đầu tư từ mọi phía vào một thủ đô với mong muốn làm đẹp bộ mặt quốc gia là tự làm mất đi sự cân xứng của một cơ thể, sẽ như một người dị dạng, hậu quả khôn lường về nhân tâm, đạo đức, kỷ cương xã hội thì sự mất ổn định về đời sống, nhân tâm và an ninh xã hội là điều tất nhiên phải đến. Mơ tưởng một thủ đô cân đối về công nghiệp và nông nghiệp như một vùng lãnh thổ biệt lập giàu nhất nước, mạnh nhất nước, đi đầu cả nước, làm gương cho cả nước là ý tưởng xa lạ với các quốc gia tân tiến văn minh. Và liệu có bao nhiêu phần trăm trong một phần mười quốc dân được hưởng?

Khi thủ đô không là của riêng ai nó sẽ luôn được đổi thay theo đà văn minh tân tiến, là một thủ đô văn hóa và trong trẻo. Thủ đô không thể là nơi ngự trị cố hữu của những nhóm người đặc ân, đặc sủng, những băng nhóm xã hội đa dạng về quyền lợi, những dòng tộc với những đẳng cấp ăn trên ngồi chốc đua nhau hưởng lộc thì có khác chi cái ao tù đọng, một làng xã khổng lồ sinh ra muôn sự trớ trêu! Còn ai thiết tha đến một thủ đô đầy những điều bất ổn? Sự hưng phế của một triều đại khởi từ đây.

Người ta không thể truyền đời sống mãi ở thủ đô vì đó là nơi sôi động nhất của một quốc gia, hội tụ những người tài đến đây đua chen thi thố lúc trí còn sáng, sức còn sung để làm nên sự nghiệp mang lại trước là ấm no, vinh hiển cho mình, sau là vẻ vang cho quê hương xứ sở. Khi sức đã cạn, trí đã mòn họ tìm về làng quê vui với gió trăng mây nước và sự tĩnh lặng cho tâm hồn thư thái để cuối cùng gửi thân nằm cạnh ông bà trên mảnh đất tổ tiên. Vua chúa và những hiền tài để tinh anh lại chốn kinh kỳ còn thể phách gửi về nơi đất tổ (Các vua triều Lý về Bắc Ninh. Các vua triều Trần về Nam Định. Các vua triều Hậu Lê về Thanh Hóa). Sự lưu chuyển ấy hợp với luật nhân sinh làm cho cõi tâm linh yên ổn và cũng thuận theo đà xã hội tiến hóa tạo nên sự bồi bổ nhân lực, trí lực thường xuyên và gắn bó máu thịt giữa nơi làng quê yên ả với chốn phố phường đô hội. Tình dân nghĩa nước sâu xa bền chắc. Thủ đô đêm ngày mở rộng các cửa ô ở cả bốn phương tám hướng để người ta tự đến, tự đi mà không cần mở rộng nghĩa trang!

Đồng thời với việc hiện đại hóa thủ đô là việc mở mang các đô thị và đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đó là những việc làm phối hợp nhịp nhàng cân đối đưa đời sống của thị dân và nông dân phát triển đồng bộ hài hòa, người dân có nhiều lựa chọn cư trú và lập nghiệp ở đâu tùy sức tùy ý của mình.    Người nông dân chịu bất công nhiều bề, chẳng những thiếu về vật chất mà đời sống tinh thần cũng quá nghèo nàn trong khi tổ chức xã hội ở nông thôn quá ư thắt ngặt đến nỗi ai đã bước chân thóat khỏi lũy tre làng, con đường nhỏ là không nghĩ tới ngày về. Bao giờ người dân ở khu vực nông thôn được bình đẳng hưởng mọi quyền lợi như người dân đô thị thì xã hội mới nguôi đi sự hóan chuyển dân cư. Giá như ngân sách đầu tư vào thủ đô được san sẻ đáng kể sang việc phát triển nông thôn, đời sống khu vực nông thôn trở nên phong phú và được nâng lên sẽ là sức hấp dẫn và lời khuyên hữu hiệu nhất với dòng người đua chen chảy về thành phố và khuyến khích người thành phố về mở mang và xây dựng nông thôn. Ai thích hợp nơi đâu thì ở đấy.           Một nưóc độc lập tự do, người dân có quyền cư trú ở mọi nơi trên tổ quốc mình để mưu sự tiến thân. Mỗi địa phương có thể có điều luật riêng để bảo vệ tính đa dạng tập quán sắc tộc và đặc thù sinh thái của từng vùng lãnh thổ nhưng vẫn phải tôn trọng những điều đã được ghi trong hiến pháp vì Tổ quốc như ngôi nhà lớn thiêng liêng của tất cả mọi người. Mỗi người có thể thích nghi với một vùng miền nào đó và sự thích nghi có thể thay đổi theo thời gian và sở thích của mỗi người. Chốn đô hội là nơi thử thách nghiệt ngã, mỗi người tự lượng sức mình, nếu ai không đủ sức sẽ bị trôi đi như cọng rơm chiếc lá, nếu lì ở lại sẽ như sạn sỏi chỉ để lót đường mà chẳng cần phải ngăn sông cấm chợ. Việc làm đúng nhất của những người quản lý quốc gia là tạo ra nhiều nơi nhiều chỗ với nhiều cơ hội cho mỗi người dân lựa chọn tùy theo tài sức của mình để họ có công việc làm ổn định đặng nuôi được bản thân và làm tròn trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Một thực tế là người nông dân sinh sôi nảy nở nhanh và nhiều hơn so với người thị thành thì đất đai của họ co lại nhanh chóng bởi nhiều nguyên nhân. Nơi biên cương lãnh thổ cứ bị gậm nhấm trường kỳ! Miền duyên hải, nước biển dâng xâm lấn vùng ven và nhiễm mặn sâu vào đồng đất vốn phì nhiêu. Trong khi thành phố phình trương ra nhanh chóng biến đất đai bờ xôi ruộng mật thành những khu chế xuất mênh mông, những sân golf bát ngát, những cụm giải trí liên hợp khổng lồ, những khu dân cư cao cấp thóang rộng phồn hoa, những khu tưởng niệm hòanh tráng họa hoằn mới có người tới viếng, những trung tâm triển lãm đồ sộ, chợ búa, siêu thị đủ loại mọc khắp nơi…. 70% dân số là nông dân nhanh chóng lâm vào cảnh vô công rồi nghề tất nhiên là đói kém.                                                                                                                                                         Balzac có chuyện Miếng da lừa thần ban cho anh chàng Rafael lười biếng. Cứ mong muốn một điều gì, anh ta cắt đi một mảnh da kia thì điều ao ước có ngay và cuộc đời anh ta tất nhiên ngắn lại. Anh sài miếng da như sài tiền. Khi còn mẩu da cuối cùng anh ta mới chợt tỉnh ra hối không kịp nữa! Tự anh hủy hoại đời anh! Đất đai do ông bà giao lại cũng giống như miếng da lừa thần ấy. Để được chiếc xe máy, ngôi nhà tầng với vài vật dụng tiện nghi thì chẳng những cuộc đời người nông dân mau tàn theo đó mà con cháu họ sẽ chuốc vô lụy thảm là những kẻ không học, không nghề nếu không đi lượm banh như “Xuân tóc đỏ” thì cũng dấn thân đến chợ bán người, bán rẻ mồ hôi cơ bắp rồi cũng bị lưu manh hóa dần thôi! Làng quê ta đang vỡ ra từng mảnh bởi sự xâm chiếm đất đai, bởi lòng người bất an không định hướng.                                             Đặc tính của người thị thành là không cố hữu với nơi trú ngụ. Đất đâu lành thì chim đến đậu! Mà sao người Hà Nội mới bây giờ quyết tâm bám trụ, “một tấc không đi – một ly không rời”, dù có chết vẫn mơ một chỗ mặt tiền không là Mai Dịch cũng phải là Thanh Tước! Vì sao mà khi chết vẫn mơ đến một sự giàu sang quyền quý ở cõi hư vô như người trần vậy? Vì sao người ta sợ, không dám nhận gốc tích của mình? Phải chăng quê hương không còn là chỗ dựa tinh thần nữa?! Đây không phải là chuyện mê tín dị đoan ở một số người. Nó đang là tâm trạng phổ biến hiện nay. Trong khi ta có một hệ thống tuyên giáo khổng lồ nhằm xây dựng con người mới?! Các nhà chính khách, các nhà xã hội học, các nhà văn hóa, các nhà tư tưởng có cho rằng đó là sự bất thường chăng? Và các nhà hoạch định chính sách quốc gia lo cho con người có lưu tâm tới?

Dù sao dòng Nhị hà không là thứ nước thần như Achille được tắm.                       

Những người tài đức không cần chọn chỗ để sinh ra. Họ như hạt quí ở đâu cũng trồi lên cây đẹp. Cứ đâu phải là người Hà thành mới nên danh giá.

Mang tiếng là đất đế đô nhưng đã một thiên niên kỷ, trải chục triều vua, hai triều chúa Bắc, chúa Nam, lại đến thời cộng hòa dân chủ, có ai phát tích từ đất Đại La – Thăng Long – nơi có linh vật Rồng bay lên, thành bậc đế vương đâu? Tao nhân mặc khách lèo tèo dăm vị. Công nghiệp để đời là khách thập phương.

Chẳng cần đốt đuốc đi tìm, một đời ngắn ngủi mà thấy nhãn tiền không chỉ một người:

Cụ NGUYỄN DU là nhà nho xứ Nghệ nhưng những dấu son thi nhân để lại nơi đây mãi chẳng phai mờ cùng với nỗi lòng đau đáu nhớ tới cố kinh hỏi có người Hà Nội nào sánh được:

Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành

Do thị Thăng Long cựu đế kinh

Cù hạng tứ khai mê cựu tích

Quản huyền nhất biến tạp tân thanh

Thiên niên phú qúy cung tranh đoạt

Tảo tuế thân bằng bán tử sinh

Thế sự phù trầm hưu thán tức

Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh

                        (Trăng xưa soi thành phố mới

                         Thăng Long – Hà Nội cố đô

                         Phố phường… đường xưa lạc lối

                         Rập rình điệu nhạc lạ tai

                         Bon chen ngàn năm phú qúy

                         Người thân nửa mất nửa còn

                         Than chi sự đời chìm nổi

                         Trên đầu tóc trắng như mây)

Ông NGUYỄN ĐÌNH THI từ miệt tỉnh Đông lên Hà Nội học. Là người đa tài, ông đã làm nên bài ca Người Hà Nội: “Đây Hồ Gươm – Hồng Hà – Hồ Tây… Đây lắng hồn núi sông ngàn năm… Đây Thăng Long… Đây Đông Đô… Đây Hà Nội… Hà Nội mến yêu!…” Những ai từng gắn dù chỉ một khoảng đời mình với Thủ đô, nghe điệu nhạc lời ca thiết tha ngọt ngào sâu lắng ấy đều thấy xốn xang lay động trong lòng. Có người Hà Nội gốc nào làm được như ông?

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, giáo sư bác sỹ HỒ ĐẮC DI là vị thầy thuốc tiêu biểu của thế kỷ XX. Với xã hội, Cụ là nhà chí sỹ gắn mình với sự nghiệp giải phóng và phục hưng tổ quốc. Với người bệnh, Cụ là người thầy thuốc đức độ tài năng. Với học trò, Cụ là người thầy mẫu mực. Người Huế tự hào vì đã sinh ra HỒ ĐẮC DI và người Hà Nội tự hào vì HỒ ĐĂC DI đã làm đẹp thêm nền văn hóa Thăng Long.

Nhà khoa học TRẦN ĐẠI NGHĨA, người lục tỉnh Nam kỳ, được nhà nước bảo hộ cho qua Pháp học nghề xây dựng cầu đường. Nhưng anh học sinh yêu nước Phạm Quang Lễ noi gương ông Cao Thắng, lén học thêm nghề chế súng đạn, rồi theo Cụ Hồ về nước, dựng lên những công binh xưởng phục vụ kháng chiến. Ông đã chế ra những khẩu súng thần công DKZ làm giặc khiếp vía và biến tên lửa SAM II của Nga thành những con Rồng lửa Việt Nam, góp công to vào chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, giữ yên bầu trời Thủ đô. Người Hà nội nào không ghi nhớ công tích của ông ?

Vậy hà cớ gì người ta không dám nhận cái gốc thực của mình mà thích vơ vào cái gốc rễ vu vơ?!

Tổ đã không thương thì sao yêu Quốc được?!

Hãy để mỗi người dân trong nước ý thức được rằng dù ai không sống ở thủ đô nhưng thủ đô là của mọi người và dù ai đang sống ở thủ đô vẫn nhớ rằng thủ đô không phải là của riêng mình để có thể định cư theo kiểu cha truyền con nối. Người người hướng về thủ đô, cùng yêu thủ đô và bảo nhau giữ sạch bộ mặt thủ đô như là danh dự và trách nhiệm công dân. Thành thị với nông thôn xa mà gần, gắn với nhau như thế.

Thủ đô không ở đâu và không bao giờ là của riêng ai

TPHCM ngày 07/11/2012

Địa chỉ: - 01278505858 - 08/38 943279