Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Những mới lạ trong" Dấu về gió xóa"

Nghiêm Lương Thành
Chủ nhật ngày 11 tháng 11 năm 2012 6:30 AM

Đây là câu chuyện giải phóng một nhà tù lạ lùng, xảy ra ở một đảo quốc nhỏ nằm trên Ấn Độ Dương bao la bí ẩn. Quốc gia này có tên là Green Island, Đảo Xanh, cái tên gợi sự thuần khiết, nguyên sơ, khiến người ta không khỏi liên tưởng đến cái cõi có tên là Địa đàng. Sự liên tưởng tự nhiên này, thực ra, hoàn toàn sai lạc. Sai lạc nhưng không có lỗi. Không có lỗi bởi trí tưởng tượng của con người vốn rất có hạn.

Tục ngữ có câu: đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Nhà cầm quyền nào cũng có phương pháp của mình. Nhà cầm quyền của đảo quốc đã chọn vế đầu của trước tác dân gian đó làm phương châm hành xử. Theo đó, từ chế độ gia trưởng bộ lạc, họ đã đưa đảo quốc tiến thẳng lên chế độ cộng hòa dân chủ, khuyến mãi thêm cho đám dân chúng cái nghị viện uy nghiêm huy hoàng do ngài Chủ tịch gọi Tổng thống bằng bác ruột điều hành. Trong cái nghị viện lung linh tình họ hàng hả hê, mọi nghị viên cứ việc tung tăng tư tưởng, vô tư ngôn luận, đấu tranh quyết liệt theo kiểu năm cha ba mẹ giành giật một đứa con chung, ai cũng muốn xé lấy một mảnh của thằng bé chứ không chịu chung nuôi một cơ thể hoàn chỉnh. Ở đây, không khí sôi nổi của ngôn luận chín chắn, được trợ lực bằng sự tung bay của giày dép ly cốc, luôn bị ắng bặt khi có một tiếng đằng hắng hờ hững vu vơ vang lên. Đằng hắng? - Đúng vậy, từ cái cổ họng có chất gang thép của ngài Tổng thống. Hờ hững vu vơ? - Vâng, dĩ nhiên rồi, bởi đấy là điều kiện cần và đủ để đảm bảo cho phép đo xác định mức hiệu năng của quyền lực ít mắc phải sai số nhất. Hờ hững vu vơ đấy, nhưng dường như vị tanh tưởi ghê rợn của những kiếp nạn trần ai đầy hứa hẹn đã lập tức tràn ngập tất cả các ngóc ngách nơi không gian nghị phòng.

*

Không có cái roi mây giắt lỏng nơi mái hiên nhà, không thể coi là một ông bố chân chính. Không có cái nhà tù cho ra mẽ ra hồn sao có thể gọi là một quốc gia chính đính hùng mạnh. Trong lịch sử thế giới, đã từng có một quốc gia, vì dân số quá thấp, diện tích quá hẹp, chuyện chẳng đừng được, đã phải đi thuê nhà tù của nước láng giềng để lấy chỗ mà nghiêm quốc pháp. Phạm nhân của nước ấy một trăm phần trăm có số xuất ngoại, phạm nhân xịn; có điều, họ luôn cúi gằm mặt tủi hổ mỗi khi không tránh được việc phải tiếp xúc với phạm nước bạn ở sân phơi nắng. Cũng là phạm hình sự, nhưng là loại hình sự có tâm hồn quốc sỉ.

Vậy mà ở cái xứ Đảo Xanh trong lành, đậm bản sắc lãng mạn này lại có một cái International Prison, một cái nhà tù quốc tế hẳn hoi. Tù nhân là những loại người nào? – Nguyên thủ quốc gia bị đảo chính, phe tiếm quyền tuyên bố ông ta đã cùng cận thần bỏ trốn ra nước ngoài. Lãnh tụ đối lập bị bắt cóc. Các bố già mafia. Lãnh tụ của các phong trào kháng chiến bị quy tội khủng bố. Các thủ lĩnh khủng bố được coi là phe kháng chiến. Cũng có thể là một nhà văn, một ngôi sao điện ảnh, một ca sỹ tiếng tăm bị đối thủ tuyên bố từ trần sau một cơn đau tim đột ngột và bị gửi vào đây. Cũng có thể là một nhà bác học mà phát minh có thể tiêu diệt cả nhân loại trong vòng ba mươi giây, một nhà khoa học có thể nhân bản cả nhân loại trong phòng thí nghiệm, tất thảy đều bị đi đày chung thân trong cái nhà tù này, chung thân nghiên cứu phát minh phục vụ cho một thế lực. Nhân loại không ai biết đến sự tồn tại của họ. Một sự đày đọa, bóc lột, một kiểu thủ tiêu nhân sinh man rợ, ghê rợn, hiểm độc ngoài sức tưởng tượng của những cái đầu lập pháp và hành pháp lãng mạn nhất. So với phương thức tù đày này, một phát đạn vào tim sẽ được coi là hình phạt êm ái nhất. Trong thế giới tội phạm, Mussolini, Polpot... thuộc loại tội phạm chống lại nhân loại, nếu đem so sánh với những kẻ bị nhốt trong cái nhà tù bí mật này, họ lại là những kẻ tội đồ có phúc nhất. Khác với cái nhà tù đi thuê của quốc gia nọ, nói theo lối Hồ Anh Thái, đây là thứ nhà tù hợp chủng phạm.

Sự tồn tại của cái nhà tù loại này thực ra là ý tưởng nảy sinh từ thế lực nào? Thế lực đó có dây mơ rễ má gì với Hitler hoặc những kẻ cùng chí cùng khí với ông ta không? So với cái nhà tù trên xứ Đảo Xanh này, thứ địa ngục trong kinh kệ tôn giáo chỉ là trò chơi nhởi mục đồng. Thế thì tại sao thế giới không lên án và kiên quyết xóa bỏ? Và, nếu kiên quyết, liệu có làm được không, khi nó là một nhà tù bí mật giữa đại dương mênh mông, khi còn có nhiều vị tai to mặt to, nhiều băng đảng thậm thụt còn khát khao cần đến nó; khi sự thù địch, lòng đố kỵ, quyền lợi cốt lõi, sự ác độc hung hiểm thiên bẩm vẫn còn nguyên đó?

Ai là chủ và vận hành cái nhà tù này? - Ông chủ Đảo Xanh. Ngài là đầu nậu đại gia máu cá của thứ dịch vụ siêu ngạch. Siêu ngạch bởi nó đem lại thứ lợi nhuận siêu ngạch. Mức lợi nhuận cao đến nỗi ngài Tổng thống quyết định không hơi đâu mà rách chuyện đấu tranh, vất vả chiến đấu, giành lại bằng được cái mỏ dầu ngoài thềm lục địa của quốc gia đang nằm trong tay một lũ cướp giật hải ngoại. Giành lại được thì liệu ngài được gì chứ? Rõ ràng, không tầm thường, ngài là người khôn ngoan và có giáo dục.

*

Lịch sử một đất nước luôn cho thấy vua chẳng làm vua mãi. Vua này đổ đã có vua khác thế chỗ, chính phủ đương nhiệm hỏng đã có chính phủ dự khuyết thay chân. Chỉ dân là còn nguyên.

Trong lịch sử loài người, các chế độ xã hội lần lượt được thiết lập, phát triển, thịnh vượng rồi tàn lụi. Hình thái xã hội này tàn lụi thì tất có hình thái xã hội khác thay thế. Hình thái xã hội sau bao giờ cũng tiến bộ hơn hình thái xã hội trước. Duy có tôn giáo là còn nguyên.

Trong Dấu về gió xóa , Hồ Anh Thái đã đưa ra một ba rem gồm năm tiêu chuẩn, dựa vào đó ta có thể xác định một tín ngưỡng đã phát triển thành một tôn giáo hay chưa: 1) Có khái niệm về một đấng tối cao; 2) Có người sáng lập; 3) Có kinh sách; 4) Có nơi linh thiêng để thờ phụng và 5) Thực hành tụng niệm. Và xét theo năm tiêu chuẩn ấy, nhà văn đã nghiêm túc đặt ra một câu hỏi: Có mấy ai trên thế gian này thực sự không có tôn giáo? Và, hình như thở dài: nhiều thứ chủ nghĩa đang tồn tại hội đủ những điều trên, thực tế cũng là một kiểu tôn giáo.

Thực tế, có những thứ tôn giáo - chủ nghĩa đã cho thấy có sức lôi cuốn thật mạnh mẽ; chỉ non thế kỷ số lượng tín đồ đã vượt xa số tín đồ của những tôn giáo khác đi trước hàng nghìn năm. Sự hứa hẹn một thiên đường ngay tại thế giới này đã làm nên sức mạnh cuốn hút nhưng đồng thời cũng là điểm yếu, là con dao hai lưỡi, ảnh hưởng tiêu cực đến sức mạnh và tuổi thọ của nó. Vậy bản vị của tôn giáo là gì? - Chất lượng cuộc sống tại chính thế giới trăm năm một đời người này thường là thước đo khách quan và chân xác. Điều hứa hẹn một cuộc sống thiên đường tại thế cho những đời sau thật ra cũng chẳng khác lời hứa hẹn nơi thiên đường chín tầng mây sau cái chết. Nhưng việc lên thiên đường chín tầng mây có cái hơn là phần hồn, phần tinh túy của con người ta vẫn tồn tại. Sức mạnh và sự bền vững đích thực của tôn giáo chính ở lòng cảm thông, tình bác ái và những giá trị trí tuệ tâm linh – Bản vị của tôn giáo là những giá trị tinh thần này chăng?

Lâu nay, trong văn học, tôn giáo là một đề tài có rất ít người đề cập. Nếu thảng hoặc có nói đến thì lại với thái độ phê phán ít nhiều tư ý, thái độ đặc trưng của típ người luôn mặc cảm nhỏ bé và chỉ có sức mạnh đầy đủ, tự tin đầy đủ khi nào có cả một tập thể. Đó không phải là cách nhìn của những người thấu hiểu về sự tồn tại, biết rõ tôn giáo nào cũng có những kẻ phản phúc Judas, tôn giáo nào cũng chứa chất trong nó tính mâu thuẫn tất yếu giữa hai mặt đối lập thường tồn; nhìn nhận sự việc đúng đắn là cái nhìn toàn diện trên cả hai mặt. Đó cũng không phải là cái nhìn của những người không bao giờ dám tự tin đến mức tự cho mình là những ông bà Biết Tuốt, những Mr và Ms Know-all.

Tạo nên một thế giới phẳng về thông tin và kinh tế là điều ít nhiều khả thi. Nhưng, hình như, với hơn sáu tỷ người trên cõi thế gian này, một thế giới phẳng về trí tuệ, tài năng và sinh đức là điều không thể. Có thể vì thế mà đạo Lão đã nhìn nhận thế giới như một thực thể mang thuộc tính “phù vật bất tề”, phàm là vật thì không thể đồng đều. Vậy mà, thật hóm, những người bình thường chúng ta thường ngứa mắt với những gì nổi trội, khác biệt, không giống số đông, không giống ta, dù chỉ một chút: một đôi mắt không bao giờ trông ngang, một kiến giải khác biệt, một người không uống rượu... hoặc cao hơn: một lối tư duy, một xu hướng, một hành động muốn thoát khỏi những niêm luật đã trở nên nhàm nhạt cũ kỹ... Thay vì vươn lên cho bằng người thì lại tìm cách kéo người xuống bằng ta. Chưa thỏa, phải kéo nó xuống nữa, xuống nữa, nó phải ê chề cô độc, nó phải “biết thân” ta mới “hépby” hài lòng. Con người chúng ta đã tạo ra thế giới phẳng về trí tuệ, tài năng và đức hạnh như thế đấy. Nguồn cơn từ đâu? – Nhiều người bảo đó chính là lòng đố kỵ. Đố kỵ? Một sự tiến hóa ô nhục của tư duy chăng? Lòng đố kỵ khiến mọi sự trở nên tối tăm chật chội, nó có thể đưa một ngôi sao màn bạc thế giới vào cái “nhà tù quốc tế” trên Đảo Xanh ngay cả khi cô đã từ giã trường quay để làm một người “phổ cập”, để thực hiện một ước muốn giản dị là được đi dạo chơi. Thậm chí, lòng đố kỵ làm người ta có thể nghi ngờ và sổ toẹt vào tính cao cả, tấm lòng trong sáng của những bậc chân tu bằng những thứ xảo hoạt ngôn sởn người: Tu cho lắm vào để làm gì, để lên thiên đàng, để lên cõi Niết bàn? Tu hành đầy tính mục đích như thế cũng chẳng phải là chân tu. Câu này nghe quen. Rất không ít người khôn ngoan và lành mạnh chúng ta đến đền chùa là để xin xỏ cầu lợi cầu lộc cho ấm vào thân. Đã có mấy ai đến đấy để chiêm bái cái đức cả của các bậc thánh Phật để tự răn mình và rốt ráo noi theo? - “Ôi dào, trần sao thánh vậy!” là điều cốt lõi trong tư duy tâm linh thuần tục chăng? Thế thì, làm Phật làm Thánh có vui không?

Trong tiểu thuyết Dấu về gió xóa, Hồ Anh Thái đã dành một dung lượng lớn để nói về tôn giáo. Với một vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa phương Đông; với sự trải nghiệm thực tế sâu rộng nhiều năm ở nhiều quốc gia và ngay từ chính bản ngã, tác giả đã đưa người đọc đến trạng thái đứng ngoài tôn giáo để cùng xem xét, cùng cảm nhận, cùng mổ xẻ... và cùng xác quyết về tính không thể thiếu, tính thực hành vị nhân của tôn giáo trong hành trình mưu cầu hạnh phúc cho con người. Một hành trình không ít máu và nước mắt nhưng ngập tràn ánh sáng và hoa trái. Trong vầng ánh sáng ấy, con người, vượt lên muôn loài, đã tìm thấy cho mình những giá trị phổ quát tất yếu.

Tôn giáo nào cũng hướng con người đến những điều tốt lành. Có phải đó là cái lý để ngài Giáo sỹ xây nên một ngôi đền Đa giáo, Hợp chủng giáo? Trong ngôi đền lớn đó, ngài đã từng đạt đến tầm cao của phép nhẫn. Ngài đã tự nguyện dùng khẩu trang tự bịt miệng mình để đạt mức Vô ngôn. Ngài đã tự nguyện để người ta tống giam bàn tay của mình để đạt mức Vô vi. Nhưng rồi trước những trải ngiệm thực tế về nỗi thống khổ, nhục nhã, đắng cay, ngang trái ngoài đời mà người dân phải chịu; sự đày đọa tinh thần, nhục mạ nhân phẩm cùng sự bóc lột vật chất và tinh thần trong cái siêu “nhà tù quốc tế” mà những con người ưu tú phải chịu đựng, vị Giáo sỹ chủ trương ngôi đền Đa giáo ấy đã nhức nhối băn khoăn: Một giáo sỹ có nên dấn sâu vào sự ngộ nhận hỗn loạn của đời sống hay không? Không. Tôi tự nhủ như vậy. Sự can thiệp của một giáo sỹ vào cái vô minh vô thường là một hành động vô nghĩa. Phải hay trái cũng chỉ nằm trong giới hạn trăm năm một đời người. Qua hết trăm năm ấy mọi hình hài đều nhập diệt. Giàu hay nghèo rồi cũng là cát bụi. Phải hay trái rồi cũng là nấm mồ. Nhưng, cuối cùng, sức mạnh trí tuệ của thiên lương đã giúp ngài đã ngộ ra: Nhưng tốt đạo phải đẹp đời. Ta không thể ngồi yên nhìn sự ngang trái mà tự bảo rồi cái ngang trái sẽ bị phủ định bằng cái ngang trái khác, rồi sự ngang trái khác sẽ hủy diệt cùng vòng quay trăm năm một kiếp người. Tôn giáo khoanh tay đứng nhìn không phải là tôn giáo, mũ ni che tai bịt mắt che miệng không phải là tôn giáo. Và đã đến lúc người muốn điếc muốn mù muốn câm cũng phải đứng lên hành động.

Hoàng tử, Giáo sỹ và những người yêu tự do, công lý - lực lượng cấp tiến - đã đem lại cho người dân Đảo Xanh một môi trường xã hội trong lành và đầy sinh khí. Hơn ba trăm tù nhân được giải phóng khỏi cái “siêu nhà tù”, địa ngục của địa ngục ấy. Hoàng tử trực tiếp lên truyền hình tuyên bố với toàn thể dân chúng Đảo Xanh thiết lập một nền cộng hòa dân chủ thực sự... Tất cả những danh xưng tàn tích thời chế độ quân chủ đều phải bị thủ tiêu. Hãy ném vào sọt rác lịch sử những danh từ hoàng gia, triều đại, Nhà vua, Hoàng tử... dù chỉ là thói quen. Chúng ta phải làm quen với một nền dân chủ đúng nghĩa...

Theo kế hoạch của phe cấp tiến: Một ngày nữa cả thế giới sẽ phải nhớn nhác lên vì cuộc họp báo chưa từng có ở sân bay JFK. Ba trăm con người danh tiếng cùng lúc đổ bộ xuống sân bay New York. Ba trăm con người không có visa sẽ làm cho cả nước Mỹ và bao nhiêu nước liên quan hoảng hồn. Liên Hiệp Quốc chuẩn bị khai mạc kỳ họp thường niên sẽ vô cùng bối rối.

Nhưng hai ngày sau không có thông tin gì từ phi trường JFK về việc chiếc máy bay Đảo Xanh hạ cánh.

Tại sao? - Thế giới đã phẳng đâu!

Thế là Anh – nhân vật chứng kiến và tham gia sự kiện giải phóng Đảo Xanh từ đầu đến cuối – đã phải đặt câu hỏi cho chính mình: Đi hay về? Đi đâu cho thoát kiếp người? Đi đâu cho thoát chính mình? khi tiến bộ khoa học đã khiến cho Thế giới này đã là một cái làng toàn cầu. Nơi chôn rau cắt rốn của ta là ở cái xóm nói tiếng mẹ đẻ, nơi ta trưởng thành kiếm kế sinh nhai lại ở một xóm khác, nói thứ tiếng khác. Nơi chôn rau cắt rốn không còn là nam châm hút ta trở về. Câu hỏi truyền kiếp tưởng như đã cũ kỹ với bao kiếp người tang bồng hồ thỉ, chí ở bốn phương, nay được nâng cấp: bốn phương quốc tế cộng hòa. Đi: là kiếm ăn, là hòa mình vào Ngôi làng Toàn cầu thượng vàng hạ cám những tư tưởng, mưu mô, ánh sáng và bóng đen diễm lệ, là góp phần vào sự nghiệp Quốc tế cộng hòa? Về: là về với cái xóm nói tiếng mẹ đẻ đầy rẫy lề thói để rồi trở thành một công chức “khôn ngoan và có giáo dục” đầy hãnh tiến hay một người ôm trọn một hoài bão bên một đầm nước bát ngát phủ đầy cành sen lá sen hoa sen che mất tầm nhìn mà từ từ xuống mồ? Cái biết của nàng Draupadi chỉ trong năm đêm tân hôn đã đủ cho cả một đời? Nguồn vốn trải nghiệm ở Đảo Xanh chỉ ba năm đã đủ cho cả một kiếp người? – Có thể như vậy. Nhưng đau xót. Nhưng cay đắng. Nhưng là sự thật.

Đi hay về? sẽ còn lâu, về sau này, vẫn là câu hỏi lớn đau đáu lòng người.

*

Với tôi, Dấu về gió xóa là một cuốn tiểu thuyết không sao đọc nhanh được. Điều này diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên, không hề có sự can dự của lý tính. Sau khi đọc mỗi phần (được tác giả đánh số) tâm không định mà tay từ từ hạ cuốn sách xuống bởi có điều gì đó âm ỉ, quẫy đọng trong đầu. Điều này có thể giống như chuyện thích bánh khảo của phần lớn những đứa trẻ thế hệ tôi. Háo hức đấy, nhưng không thể nuốt ừng ực. Phải từ từ, nếu không muốn bị ngẹn, sau đó sẽ thấy cái hương gạo nếp, cái vị ngọt dịu quyện mãi nơi cổ họng... và cảm giác chắc dạ dễ chịu mà món quà, vốn không được làm ra cho mục đích ấy, mang lại.

Một câu chuyện không thể nói là không có cốt truyện. Nhưng cái cốt như thế thì cũng có thể coi như không có. Truyện ngắn không có cốt truyện không phải là hiếm, nhưng tiểu thuyết mà như vậy thì cũng có phần khác lạ. Không ngừng muốn thoát khỏi chính mình cũng là điều lạ. Mạc Ngôn cho rằng nhà văn phải là người hiếu kỳ, rằng không có những con người lạ, không có những việc lạ thì thế giới chỉ là cái ao tù. Gương hiếu kỳ của Kim Thánh Thán vẫn còn đó. Một người đến chết vẫn không ngừng hiếu kỳ. Một người đến giờ danh xưng vẫn còn nguyên. Cũng là chuyện lạ.

Tiểu thuyết Dấu về gió xóa lại có mấy cái lạ nữa:

Thứ nhất: nó là một cuốn tiểu thuyết chính trị - tôn giáo, thứ khó có thể “đụng hàng” ở Việt Nam.

Thứ hai: mặc dù vậy, cuốn sách lại có sức lôi cuốn người đọc, sự lôi cuốn đó không khiến người ta phải ngấu nghiến cho thỏa mà buộc phải thưởng thức như một thứ trà đạo.

Thứ ba: sự hài hước hóm hỉnh đã đạt tới độ đằm và bén đến khó lường, có lúc mang vẻ như ngô nghê, xen vào nhiều chỗ nhiều tình huống, đem lại cái cười hạ hỏa cho những vấn đề rất nghiêm túc nhưng nóng đầu. Kinh dịch nói bậc trí giả thường biểu hiện ra ngoài như kẻ ngu đần là vậy chăng?

Ở đoạn xưng tội, tác giả đã sử dụng thứ ngôn ngữ hình sự và thể thức biên bản hình sự hiện trường để tóm tắt màn xưng tội của một ả gái điếm được thuê cám dỗ, sập bẫy Giáo sỹ, một bậc chân tu, hòng đưa ông ra bêu riếu trước pháp tòa đã khiến người đọc phải gập bụng mà cười. Điều thú vị ở đây là tại sao tác giả không dùng loại ngôn ngữ khác - ví dụ toán học, sex học, máy móc học, tâm lý học, động vật học ... – mà lại là hình sự học? Thật ngoạn mục khi dùng mỡ nó để rán nó.

Và đây là đoạn tả về không khí làm việc của cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia Đảo Xanh:

Một cái chợ cá. Một cuộc ẩu đả giữa buôn làng.

Cuộc ẩu đả ấy không thể dẹp bằng phương pháp của nền dân chủ. Phải là cách giải quyết của già làng giữa nhà rông...

-           Nghị sỹ Một, cái chân bệnh gút cụ thân sinh nhà ông có đỡ chưa? – Nhà Vua hỏi.

Giọng nói qua micrô, nhẹ nhàng nhưng đầy quyền uy. Câu nói lạc đề, nhưng nó nhắc nhở cái đám chợ vỡ kia rằng chợ nào cũng có chủ. Tộc trưởng đang ngồi đây. Vua đang ngồi đây. Tổng thống đang ngồi đây...

Chuỗi câu thông báo cảnh báo Tộc trưởng đang ngồi đây. Vua đang ngồi đây. Tổng thống đang ngồi đây... thực tế không hề được phát ra nhưng ai cũng nghe thấy rất rõ, thậm chí còn thấy chúng được tập hợp trong một giai điệu gồm những quãng tăng nối nhau liên tiếp. Thế rồi, câu cuối cùng, vẫn vô thanh, nhưng đậm chất dân gian sơ mộc, đột nhiên vút hẳn lên một quãng tám đậm đà bản sắc chợ cá, réo rắt lanh lảnh như tiếng kim loại chà siết lên nhau: Bố chúng mày đang ngồi đây. Câu này không có dấu chấm than đặt ở cuối, có lẽ bởi từng chữ trong câu đều đã mặc định trong nó sắc thái của cái dấu ấy rồi. Đến đây, chất hài và lối biểu tả, thiết tưởng, đã đến ngưỡng mẫu mực, đằm và bén. Đằm vì không phô lộ ồn ã, bén vì tiếu ý tiếu tượng tuy giản đơn mà cứ tửng tưng lắng tích vào tâm tư người đọc, tự nhiên như sự hít thở, khiến mỗi lần nhớ lại, người đọc không thể hãm được một nụ cười, cười một mình, rất dễ bị bác sỹ khoa thần kinh hiểu nhầm một cách tai hại. 

Thứ tư: ngôn từ có vị phóng túng nhưng không tùy tiện, mới mẻ mà không ẩu (Hợp chủng giáo; thỏa dục; khẩu dâm...), độn chút Anh ngữ vào câu Việt mà không thấy lố bởi chăng đó cũng là một cách phản ảnh tình hình dân trí xã hội Việt Nam đương đại. Dùng nhiều câu ngắn, có câu chỉ gồm hai từ, thậm chí một từ. Hồ Anh Thái đã sử dụng thành công loại câu này trong việc tạo ra những tiết tấu phù hợp với văn cảnh, cảm xúc biểu tả, nâng cao hiệu quả cảm thụ và sự thú vị cho người đọc; việc này khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến một trường phái túc cầu có lối chơi bóng ngắn với hiệu quả khó đoán trước. Cách dùng dấu phẩy của tác giả cũng thật tinh tế; hãy lấy một câu làm ví dụ: Anh thấy rõ hai gương mặt của họ, trẻ trung, đẹp đẽ, mắt nhắm lại như đang thiu thiu ngủ, bên nhau. Hãy thử bỏ dấu phẩy giữa chữ ngủ và chữ bên mà xem. Câu vẫn chỉnh, ý cần diễn đạt vẫn thế. Nhưng có dấu phẩy này, nhịp câu văn sẽ khác, bởi nó tạo nên sự ngân nga của hai chữ bên nhau. Nếu câu này là lời của một ca khúc thì sau nốt nhạc của chữ ngủ có thể sẽ là một dấu lặng ngắn và phía trên nốt nhạc của chữ nhau chắc hẳn sẽ được đặt một dấu mắt ngỗng . Bên nhau là quy luật lớn nhất của trời đất mà. Đẹp lắm. Ai cấm “ta đi yêu người ta yêu nhau” , ai cản ta ngợi ca người ta yêu nhau?

Thứ năm: lối viết giản dị, tự nhiên. Cứ như nghĩ thế nào viết ra thế ấy. Có thể do cái tự nhiên giản dị đó, tác giả đã đem đến chất tươi tắn cho một tiểu thuyết thuộc thể loại khô khan, dễ làm cho người đọc nhức đầu mệt mỏi; loại tiểu thuyết nếu có đọc thì cũng là việc cố xem cho hết một cách ý chí. Là tiểu thuyết chính trị - tôn giáo nhưng được viết dưới cảm quan của cái tâm nên khả năng dẫn cảm cao. Đoạn nói về gia đình của nhân vật “Anh” thật cảm động. Đọc đoạn ấy, ta thấy xót xa cho những con người bị vùi lấp, bị tước đoạt mất cái quyền làm việc, quyền cống hiến cho những người đồng bào của mình chỉ vì những ý thích vu vơ ngớ ngẩn và ngu ngốc nhưng luôn được coi là sáng tạo, được dễ dãi pháp lệnh hóa bằng các thủ tục hành chính hời hợt. Như một hệ quả tất yếu, gia đình, cái tế bào của xã hội cũng bị lâm vào tình cảnh nhân đi một nơi, nguyên sinh chất đi một nẻo. Xót xa. Xót xa như xót xa cho bạn, cho tôi, cho những thân phận không bao giờ được bảo hiểm... Nhưng, như khả năng trời ban, con người vẫn cất tiếng hát: “... In the dark we’ll dream about the sun. In the dark we’ll feel the light. Warm our hearts and everyone.../ Trong đêm đen chúng ta mơ về vầng dương. Trong tối tăm chúng ta cảm nhận ánh sáng. Hãy sưởi ấm trái tim chúng ta và mọi người...”. Người Cha, bên đầm sen ngát hương, vẫn bền bỉ với từng trang viết cho đời; người Mẹ quay về quê, sống giữa những người họ hàng “mới lạ”, đem tri thức đến cho con cháu và hớn hở chẳng giữ lại gì cho mình, chia hết những đồng tiền Anh tiết kiệm gửi về nuôi bà.

Với tiểu thuyết Dấu về gió xóa, người đọc khó mà tránh được cảm giác bị ngợp trước một hàm lượng tri thức nhân văn đậm đặc và phong phú; người đọc cũng không khỏi ngạc nhiên về tính ngẫm luận thông thái, sự thông thái trong một hỗn thể hàn lâm và đời. Chỉ mấy câu Cái biết của nàng Draupadi chỉ trong năm đêm tân hôn đã đủ cho cả một đời. Nguồn vốn trải nghiệm ở Đảo Xanh chỉ ba năm đã đủ cho cả một kiếp người. Đi đâu cho thoát cõi người. Đi đâu mà không thấy nhàm thấy chán thấy những cuộc phiêu lưu không lặp lại. Đi đâu cho thoát chính mình cũng đủ suy tư, nghĩa lý, cảm hứng để người đời viết ra nhiều chuyên luận lớn và nghiêm túc. 

Tuy thế, trong mạch viết, đôi chỗ, tác giả có vẻ hơi “tham”. Nhưng, xin bạn đọc lượng thứ, tôi lại học thêm được nhiều điều ở những chỗ “tham” ấy. Rồi lại nghĩ, trong khi viết, tỷ như tác giả thỉnh thoảng lại dừng bút hoặc vừa viết vừa phân tâm tự biên tập thì còn đâu cái hứng mà viết tiếp, còn đâu cái tươi mới để truyền vào từng trang viết? Đạo lý lợi lực thì thiệt đường đi là như vậy chăng?

Trong khi đọc cuốn tiểu thuyết này, nhiều lúc tôi như nghe từ đâu đó, trong những trang sách, văng vẳng giai điệu của bản Piano Concerto No2 của Rachmaninov. Lạ. Đọc hết cuốn sách, tôi thử nghe lại bản nhạc đó. Càng lạ. Một sự tương đồng kỳ thú! Trong Concerto này, gây ấn tượng với tôi nhất chính là phần bốn: một bầu trời u ám, mây đen quánh đặc mà không sao mưa được. Cảnh vật xác xơ tiêu điều, con người âm thầm tiều tụy, có gì đó như sự quằn quại, đè nén... rồi gió nổi lên, nổi lên, mạnh, càng mạnh. Những đám mây đen bị gió thổi thốc tung, rã rời tơi tả. Những vệt lửa xoạc ngang bầu trời, mạnh mẽ, nhằng nhịt; sấm nổ, sấm rền rĩ, rền vang... Đột nhiên, những đám mây đen bị xé toang... mảng trời xanh, xanh thẳm, xanh mướt lộ ra. Một luồng ánh sáng rực rỡ, không, sáng chói, chói lòa, thứ ánh sáng kỳ diệu, như phát ra từ trí tuệ, lòng khao khát tự do, công lý và sáng tạo, tỏa tràn xuống mặt đất héo khô đang thoi thóp trong chút sinh khí còn lại... khiến tôi có cảm giác không chịu nổi, cặp mắt vô thức nhắm lại, nheo nheo... 

Cầm cuốn sách trên tay, tôi băn khoăn tự hỏi: có phải đây là tiếng sấm đầu mùa, một dẫn sáng mở đầu cho một loại hình, một hướng viết mới trong văn học Việt Nam đương đại?

25/10/2012