TRUYỆN KIỀU VÀ KHOAI LANG MÙA LŨ.
Hôm chạy lũ qua cầu Trường Tiền, tôi gặp một Mệ già (chắc cũng đã ngoài bảy mươi tuổi) cùng một gánh khoai lang vừa luộc xong còn khói nghi ngút, trùm áo mưa ngồi bán nơi đầu cầu. Tôi hỏi :
- Sao Mệ không ở nhà? Lũ lên lút hết cả phố rồi kìa !
Mệ trả lời tỉnh queo:
- Lều của Mệ lút từ hôm qua rồi!
- Thế đồ đạc của Mệ trôi hết à? Tôi tò mò hỏi.
- Có chi mà trôi, có bây nhiêu đây thôi... Mệ chỉ cào cái rổ ở một bên quang. Tôi nhìn thấy hai cái nồi nhỏ, dăm cái lọ con con ( chắc là đựng gia vị ) vài cái rổ nhựa cũ. Đặc biệt có một quyển sách cũ bỏ cẩn thận trong bao ni lông buộc lên thân chiếc quang một cách chắc chắn.
- Đây là sổ ghi nợ của Mệ à? Tôi chọc đùa Mệ!
- Truyện Kiều của Mệ đó, nợ nần chi, nợ đời thì có. Lúc nào không có người mua khoai, Mệ lại bói Kiều cho khách du lịch, kiếm tiền mua thuốc rê hút chơi...Mà chú có muốn bói không? Mệ xem cho...linh lắm!!!
Mệ săm soi nhìn tôi, ánh mắt ngời lên sự tự tin của một pháp sư cao thủ. Tôi nổi hứng tò mò, gật đầu đồng ý.
- Phải thành tâm vào nghe chưa! Mệ dặn dò, rồi mở bao ni lông, lấy quyển Kiều cũ kĩ trịnh trọng đặt vào tay tôi. Tôi nghiêm trang khấn vái rồi giở ngay trang đầu tiên.
- Chu cha...Chú thi tài năng, nhưng mà bị ghen tỵ lắm đó nghe!
- Ai ghen tỵ hả Mệ?
- Đời chứ ai nữa. Đây nè: Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài, chữ mệnh khéo là...
- Trời ơi! Mệ đúng là thông tuệ hơn người...Gía Mệ là trưởng phòng tổ chức cán bộ thì con được nhờ hung rồi...Mệ có muốn con viết tặng Mệ mấy câu thơ không?
- Chú cũng là bí sỹ hả ?
- Bí sỹ là gì hả Mệ /
- Là mấy người làm thơ đó!
- Mệ ơi...là thi sỹ chứ không phải là bí sỹ...
- Rứa hả!!! Mệ cứ nghe mang máng vậy...chứ có được học hành chi mô!
Tôi với Mệ nhìn nhau cười sặc sụa...Dứt trận cười, Mệ lau nước mắt bảo tôi :
- Chú viết đi.
Tôi viết vào mảnh giấy rồi đưa cho Mệ.
- Trăm năm trong cõi người ta
Lụt ni to rứa chắc là đói hung...
Mệ đọc to, há miệng định cười, nhưng không hiểu sao nụ cười bỗng méo xẹo, tắt ngủm...
- Ừ hè, lụt đã to, thủy điện còn sả thêm nước, lũ cao quá. Cái lều của Mệ bên Cồn Hến bữa ni chắc trôi luôn rồi!!!
- Chắc không sao đâu! Tôi cố gắng an ủi Mệ...Con gửi tiền bói Kiều. Mệ xem hay lắm.
- Thiệt khôông ?
- Thiệt.
- Nhưng mà năm mươi ngàn thì nhiều quá...Người ta chỉ trả Mệ mười ngàn thôi!
- Mệ cứ cầm lấy, con biếu Mệ.
- Cảm ơn chú. À mà này: Chú cầm mấy củ khoai lang ăn cho vui. Khoai tím thơm và ngon lắm đó.
Tôi cầm gói khoai nóng hổi đi qua cầu Trường Tiền. Dưới cầu..." Con sông dùng dằng, con sông không chảy..." của Thu Bồn đã biến đâu mất, thay vào đó là cả một biển nước mênh mông nhấn chìm mọi nẻo đường thành phố. Trên dòng chảy chính của nó, đầy những xoáy nước dữ dội và những con sóng rít lên như sói hú. Dòng lũ mang từ thượng nguồn về thành phố, về biển vô vàn những củi gỗ rác rưởi, xác chết của đủ loài động vật, nồng nặc mùi xú uế. Nhưng chỗ Mệ già ngồi bán khoai nơi đầu cầu, mùi khoai lang tím xứ Huế vẫn thơm ngát, lan tỏa trong gió trong mưa...Và cả truyện Kiều của Nguyễn Du cũng vẫn đồng hành với người dân Huế mỗi mùa mưa bão. Một tứ thơ dâng lên trong lòng, "Bí sỹ" tôi phải ghi lại ngay kẻo quên mất :
Sông Hương sóng vỗ trên bờ
Đâu sông? Đâu phố? Bây giờ hỏi ai!
Trường Tiền, Mệ gánh trĩu vai
Bên Kiều bạc mệnh, bên khoai lót lòng .
Huế mùa lụt 2011
Hoàng Thảo Chi
VÁ ĐƯỜNG
( Tặng con gái nhân ngày sinh 5/5)
Lúc con gái khoảng ba tuổi, cứ chiều mát tôi lại đèo con trên xe đạp đi một hai vòng trên đoạn quốc lộ chạy sát qua nhà. Dạo ấy đoạn đường này đầy những ổ gà, ổ voi. Ngày nào cũng thấy mấy tổ công nhân đào đào, bới bới vá đường. Một hôm, cũng như thường lệ, ba con tôi đưa nhau đi chơi. Thấy mấy bác công nhân rưới một xô nhựa đưỡng xuống mảng đường vừa vá xong, khói còn bốc nghi ngút khét lẹt, nó hỏi:
- Bác ấy làm gì thế Ba?
- Bác ấy vá đường!
Tôi trả lời rất nhanh, rồi lại đuổi theo những suy nghĩ miên man trong đầu. Đi được một đoạn, con gái tôi im lặng. Tôi chắc mẩm là câu trả lời vừa rồi đã làm nó thỏa mãn. Nếu không cô nương chẳng để tôi yên. Vì thường ngày, mỗi buổi đi chơi tôi phải trả lời hàng tỷ câu chất vấn: Cái gì? Tại sao?...của nó. Tôi yên chí, tà tà đạp xe.
- Không phải!
Tôi giật mình vì câu phản đối với ngữ điệu rất chi là cương quyết của cô con gái rượu.
- Cái gì không phải hả con?
- Không phải vá đường!
- Sao không phải?
- Bà Ngoại vá áo bằng kim chỉ cơ!
Chao ơi! Nhìn cái kiểu nó trả lời: Cằm thì hơi vênh lên, môi thì mím lại...Tôi biết là lúc này có Thánh cũng chẳng có cách chi thuyết phục được cô nàng rằng: Vá đường là như vậy chứ không cần kim chỉ!!!
...Đến tận bây giờ (Sau hai mươi hai năm xa cách), vì ở cách xa nên câu chuyện "VÁ ĐƯỜNG" của ba con chúng tôi vẫn chưa thống nhất với nhau được. Mỗi lần gặp những cảnh vá đường, tôi lại nhớ ngay cái vẻ mặt đầy tự tin và cái giọng nói dứt khoát của con gái tôi lúc đó:
- Bà Ngoại vá áo bằng kim chỉ cơ!
Phải rồi: Vá áo bằng kim chỉ, vá đường bằng sỏi đá, còn nỗi nhớ thương thì vá bằng gì???
Điều đó có ai trả lời được không các quý vị?
Hãy giúp tôi với!!!
Huế 29/4/2012
Hoàng Thảo Chi
ĐÔI DÉP
Dạo tốt nghiệp trung cấp, tháng lương đầu tiên tôi nhận được trên bốn mươi đồng. Tôi mua tặng Mẹ đôi dép nhựa trắng hiệu Tiền phong. Hơn mười năm sau, tôi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. Trước khi bay về nước, tôi mua cho Mẹ một đôi dép, một cái áo ấm, một cái khăn choàng. Tối đoàn tụ đầu tiên, khi bà con hàng xóm đến mừng tôi vinh quy bái tổ đã về hết, tôi mang quà ra tặng Mẹ. Mẹ mặc thử áo, quàng khăn bảo ấm lắm con ạ. Còn đôi dép mới, Mẹ bảo là cất để dành, vì đôi dép ngày xưa mày mua cho Mẹ còn tốt chán. Mẹ cúi xuống gầm giường, lôi ra đôi dép Tiền phong tôi mua cho Mẹ cách đây hơn mười năm trước. Tôi thấy nó đã chuyển màu nâu đỏ như da chân Mẹ. Tôi lật đế dép lên, quả thật nó chỉ mới mòn một chút. Mẹ bảo: Tối nào Mẹ cũng xách dép ra cầu ao, rửa chân rồi mới xỏ vào dép, đi từ cầu ao vào nhà.Của bền tại người con ạ!
Tôi nhẩm tính: Từ cầu ao vào trong nhà khoảng mười bước chân. Mỗi ngày Mẹ đi dép khoảng mười giây!!!
Tôi cầm chặt đôi dép, thấy tim mình tràn nước mắt. Tôi muốn ôm chặt lấy Mẹ mà khóc Mẹ ơi!!!
Huế 8/10/2012
Hoàng Thảo Chi