Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Bích Câu Thơ 1" lẵng hoa chung của 10 tác giả

Bùi Thị Sơn
Thứ hai ngày 1 tháng 10 năm 2012 7:23 PM

 

“Như thể là hương, như thể là hoa… một sân chơi nhỏ, một bàn tròn thơ gọn nhẹ không mấy ồn ào. Ấy là Bích Câu Thơ, tập hợp 10 cây bút tâm đầu ý hợp, bỏ quên tuổi tác lại phía sau để đến với thơ, yêu thơ, thăng hoa thi tứ. Ngày 28 hàng tháng là ngày sinh hoạt thường kỳ. Mười cây bút nhóm Bích Câu, cách đây chưa lâu từng là những dược sĩ, bác sĩ, nhà giáo: họ hợp nhau về cách cảm, cách nghĩ trước sự đời, lẽ sống mà nên một sân chơi tao nhã. Sau một năm bên nhau sáng tác, mỗi người đều “gặt hái” được một chùm thơ để hôm nay trình làng lẵng hoa chung mùa đầu.
Tất cả đều đã có bề dày sáng tác văn chương, sáng tạo thơ ca. Bác sĩ Đinh Nhật Hạnh với 4 tập thơ; bác sĩ Phạm Công Hội 9 tập thơ; lương y Phùng Gia Viên 3 tập thơ đã xuất bản. Còn lại mỗi người đều có tập thơ in riêng,  in chung, các chùm thơ in trên báo chí trung ương và địa phương.
Ngày 28 tháng 2 năm 2009, Bích Câu Thơ vừa tròn một năm ngày thành lập, xin tặng bạn bè tác phẩm : Bích Câu Thơ – tập 1 (NXB Hội Nhà văn - 2009).
Tôi đã thức trọn đêm, đọc đi đọc lại và suy ngẫm về những thông điệp 10 tác giả cao niên  gửi gắm trong “Lẵng hoa chung mùa đầu” này. Đề tài tập thơ khá phong phú, đa dạng nhưng lắng lại trong lòng người đọc là những nghĩ suy trăn trở, những trải nghiệm cuộc đời của những người đã qua và đang cận kề bước tới lứa tuổi “Cổ lai hy” mà còn nặng lòng yêu thơ, yêu đời, yêu người tha thiết…
Hai tác giả lớn tuổi nhất là bác sĩ y khoa Đinh Nhật Hạnh và bác Phạm Công Trợ - chuyên viên cấp Bộ, cùng sinh năm 1929.
Tôi rất tâm đắc với những câu thơ trải nghiệm sâu sắc của bác Đinh Nhật Hạnh:
“Khoanh tay ngồi ngẫm sự đời
Đoàn La- Hán- tượng vẫn ngồi, ngàn năm
Ngàn năm ! Sáng mấy vạn Rằm
Mà sao Bể khổ vẫn đằm Mười phương?”
                    (Nỗi đau La Hán)
“Nhiều cây đa, cây đề rỗng ruột, khinh bạc
Ngơ ngác, giật mình
Dụi mắt, không tin!
Nhìn,
Những ngọn Chò vùn vụt
Vun vút chọc trời,
Lên!”
(Rừng)
“Thương thân sâu rượu! Say ngờ tỉnh
Tiếc những vần thơ ! Thiếu lại thừa…
                               (Ly rượu vọng)
Những ẩn dụ thâm trầm kín đáo của tác gỉả khiến người đọc liên tưởng tới loại người sống an phận thủ thường, suốt đời chỉ nghĩ, chỉ than  mà không hành động nên chẳng  cứu rỗi nổi ai; loại người tham quyền cố vị,  càng sống lâu càng rỗng tuyếch, chẳng dám thừa nhận “Hậu sinh khả úy”, loại người  sống nhàn nhạt, vô hồn, ngộ nhận… chẳng làm được  điều chi có ích cho đời…
Về hưu rồi, đâu phải chỉ ngồi an hưởng thú vui tuổi già? Nỗi đau nhân tình thế thái, nỗi trăn trở thương đời vẫn trở đi trở lại trong thơ người bác sĩ giàu lòng nhân ái ấy…
Bác Phạm Công Trợ viết:
“Nằm buồn  mà đếm ngón tay
Đếm đi đếm lại cả ngày có năm
Đếm rồi vẫn tưởng rằng nhầm
Đếm đi đếm lại có năm rõ ràng”
                     (Đếm ngón tay)
Mới đọc qua tưởng chẳng có gì - người già lại trở về trẻ thơ ấy mà… nhưng càng ngẫm càng thấm cái ẩn ý sâu xa tác giả ngầm nói sau cái việc “đếm ngón tay” tỉ mẩn, lạ lùng ấy thông qua biện pháp tu từ  hoán dụ.
Rồi nữa:
“Muốn lên chất vấn chị Hằng
Gốc đa trên ấy một thằng Cuội thôi
Mà sao ở dưới gầm trời
Bao nhiêu là Cuội quậy người trần gian”
                       (Cuội)
Bằng biện pháp nhân hóa, những câu thơ như thật như đùa khiến người đọc phải cười, mà cười ra nước mắt!
Và một sự cảm thông sâu sắc với nữ sĩ tài sắc mà duyên phận bạc bèo Hồ Xuân Hương thông qua một bài thơ Đường rất chỉnh âm chỉnh ý, chỉnh vần:
“Lập lờ thi tứ thanh hay tục
Lắt léo ngôn từ đục hóa trong
Diễu cợt nhân tình cho hả dạ
Cười đùa thế sự để khuây lòng”
                   (Thưa bà chúa thơ Nôm)
Bác sĩ y khoa Phạm Công Hội (sinh năm 1937) nói đến vấn đề lớn lao về quốc gia, lãnh thổ  bằng giọng thơ nhỏ nhẹ, giản dị mà hiển nhiên như một chân lý:
“Ta ngược lên cùng trời
ở nơi không cột mốc
Sự phân chia là dòng sông trong vắt
Tự bao đời vẫn rạch ròi ngăn.”
                     (Lên bản địa đầu)
Nỗi niềm bâng khuâng, man mác, dự cảm se sắt hiu buôn khi sắp tiễn biệt thu:
“Lại sắp thu đi, Hà Nội ơi
Sầu đông thay lá, lá sầu rơi
Mở ô cửa sổ trời mây đục
Những cánh nhạn thưa về cuối trời”
                (Thu đi)
Niềm hoài tiếc một thời gian khổ thiếu thốn mà nồng ấm tình hàng xóm láng giềng nơi phố thị:
“Nước sôi hào một phích
Rổ bắp luộc hơi bay
Ấm trà xanh nghi ngút
Chiếc điếu cày truyền tay”
                        (Một thời thân thương)
Những vần thơ tả thực mộc mac, giản dị mà ẩn chứa tình yêu quê hương đất nước, con người sâu nặng biết bao !
Bác sĩ y khoa Phạm Sán và PGS.TS Y học Lê Đình Công cùng sinh năm 1938, cùng sinh hoạt trong CLB Bích Câu Thơ nhưng thơ mỗi người mang một phong cách riêng theo một nguồn cảm hứng riêng không trộn lẫn với ai. Bác Phạm Công Sán luôn có cái nhìn cảm thông với những con người lao động nghèo khổ thông qua các bài thơ Đường luật:
“Chất nặng đầy xe mía bán rong\
Mồ hôi mặn chát tắm lưng còng
Ra đi ướt sũng trong lòng mía
Trở lại khô giòn bãi vỏ không
Ước vọng  vơi xoong trưa bữa gạo
Mơ nhìn chặt bụng tối khoai dong
Con còn bé quá phong phanh áo
Vợ lưỡng quyền dô mắt trũng tròng”.
                   (Anh học trò bán mía)
Và đây :
“ Chạy chợ mò sông kín mỗi ngày
Trường quê bụi phấn bám đầy tay
Sang ngang bến muộn đò thêm chuyến
Gió lộng lều sông sóng nước lay”
(Mưu sinh)
Và đây nữa:
“Tản Sơn ba mống giương cao
Hớt mây trời thả mãi vào Đà Giang
“Bán than” chồng vợ sang trang
Đa tình làm khách dọc ngang xứ Đoài
“Ngựa người- người ngựa “những ai
Gom mồ hôi đổ Suối Hai tràn bờ”.
                  (Lan man xứ Đoài)
Người đọc tưởng như trông thấy những cảnh ngộ đau xót ấy diễn ra ngay trước mắt mình…
Thơ bác Lê Đình Công mang nét hóm hỉnh , lạc quan mà ung dung tự tại của một người trí thức có tâm và có tầm:
“Bảy mươi, hề!Bảy mươi
Thoáng một chút tự cười
Khi nghe người: “chào cụ !”
“Cụ” rồi sao?
Mình thấy mình vẫn thế:
Ngực vẫn xốn xang
Đầu vẫn mải mê suy nghĩ…
nỗi đời.

Thôi thì đừng làm duyên cho anh nữa
Em ơi
Tóc có trắng nhưng lòng ta chẳng bạc
Cứ để trên đầu mây trắng trôi
Mây trắng thênh thênh
Một nụ cười
                     (Tự trào)
Có những lúc, con tim người nhói đau nỗi đớn đau nhân tình thế thái:
“Bớ… thằng Hai, thằng Ba, thằng Tư…
Khôn thiêng ở mô
Về nghe má biểu:
Ngày xưa
Tụi bay báo hiếu
Đánh giặc giành đất cho dân
Bây giờ chưa ấm bàn chân
Đất thành sân gôn, zì- zọt (resort)
Hồn về mai mốt
Theo má di dân!

Lẩy bẩy trước sân
Chiều xiên nắng quái
Bóng má đổ dài
Ôm mảnh đất thiêng”.
                 (Lời thiêng của má)
Đau đớn, xót xa, uất hận dâng trào. Sao người ta nỡ…?
Từng trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc, các bác là người hiểu hơn ai hết nỗi đau này đâu của riêng ai?
Đến với Thơ không phải tìm nơi du dương thả tâm hồn bay bổng, quên hết sự đời. Người cầm bút- dù là nghiệp dư- phải có cái tâm trong sáng, biết đau nỗi đau của nhân dân:
“Tránh bão đời
Tôi trốn vào thơ
Mà thơ…nào có bình yên!

Những con tim biết đau
Thường không nơi ẩn nấp!”
                  ( Không nơi ẩn nấp)
Cùng sinh năm 1939, kém bác Phạm Sán và bác  Lê Đình Công có một tuổi nhưng tôi vẫn gọi nhà báo Hoàng Xuân Họa (bút danh: Hải Xuân, Phú Cát) và nhà giáo Nguyễn Bình (bút danh: Lý Viễn Giao) bằng anh là bởi cái tình thơ giao lưu trên Thi viện.nét. Nhờ tình bạn vong niên với hai anh, tôi được biết giữa Hà thành hoa lệ có một Câu lạc bộ mang tên Bích Câu Thơ tọa lạc ngay cạnh  đền Bích Câu (Phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội).
Thơ anh Hoàng Xuân Họa  trẻ trung, lãng mạn , hào phóng:
“Tôi ngồi trên núi để say
Cả hồ Thủy điện ngất ngây như mình
Tôi - một trái núi đa tình
Ra về muốn cắp Hòa Bình về theo”.
              (Tôi - một trái núi đa tình)
Thông qua  phép tu từ  ngoa dụ, anh thể hiện liên tưởng độc đáo, táo bạo, rất riêng  và…rất đàn ông  :
“Ngực em chót vót Ba Vì
Làm tôi chết đứng một thì trẻ trai”.
                     (Áo Mường)

 

Bên cạnh những  bài thơ trữ tình viết theo thể thơ truyền thống nhịp nhàng,duyên dáng của anh, tôi rất tâm đắc với những bài anh viết về thế sự bằng thể thơ tự do phóng khoáng:
“Cháo lú  bùa mê tràn tâm bão cuốn đêm say chảy
lá cúc tần trộn dầu Tây đánh gió linh hồn
giải cảm được đâu thêm nhiễm lạnh tinh thần
da bọc xương gày beo nhái bén
hớn hở vác ngày chạy tắt qua đêm
đĩa đèn dầu lạc lập lòe đòi sáng trưng cao áp
chân đất đầu trần oản quả bồng lai
rứt nắm cỏ nhai mong quên bớt dại khờ…”
                    (Đêm thao thức)
Những bài thơ thâm trầm như thế tôi thường đọc và suy ngẫm  rất lâu… chỉ mong sao với tay chạm được một phần nào tư tưởng người thơ tôi từng hâm mộ.
Thầy giáo Nguyễn Bình mô phạm, lặng lẽ mà đằm sâu triết lý trong từng câu  chữ:
“Cứ để lặng yên trống đồng tỏa sáng
Đừng dóng lên âm hưởng của ngàn xưa
Hãy chắt nắng lời vọng ngân hào sảng
Lót bè trầm nâng khúc hát xa đưa”
                                     ( Trống đồng)
Nhà giáo ấy nhìn thiên nhiên, cảnh vật bằng đôi mắt họa sĩ, cái tai nhạc sĩ và tấm lòng cuả thi sĩ:
“Trời xanh mịn như trang giấy
Lưới điện giăng giăng kẻ dòng
Đàn sáo ùa về chấm nốt
Bản nhạc ai vừa viết xong”
                                        (Khúc xa xanh)
Thơ của thầy giáo dạy bộ môn tự nhiên hàm ngôn, súc tích. Nhất là những bài anh viết theo thể thơ Hai- Kư có sức gợi rất lớn:
“Giọt mưa chẳng đợi nhau
Những vần thơ loang loáng trôi mau
Riêng em chờ ướt sũng”
                                        (Chùm xanh Hai Kư)
Những vần thơ của bác sĩ y khoa Nghiêm Xuân Đức(sinh năm 1940)
thường mang âm điệu hoài cổ:
“Vua Lê trả kiếm Thần Rùa
Vua về Lam Sơn cày sâu cuốc bẫm”
                     (Ảo vọng Hồ Gươm)
“Trời sáng trong, sao nước hồ xanh đục
Ông Nguyễn Siêu rửa bút ở đây
Cái đài nghiên mực đen có còn đầy
Sao ông phải viết lên trời xanh thẳm?”
                      (Tự hỏi bên Hồ Gươm)
 Hơn cả sự  đồng cảm hay tiếc nuối,  tác giả đưa ta trở về với hiện tại để sống tốt hơn, đẹp hơn giữa đời thường.
  Một trong những bài thơ tôi tâm đắc nhất của bác sĩ  Nghiêm Xuân Đức là bài “Tóc mẹ”. Người bác sĩ đã từng đi muôn nơi, cứu bao người bệnh, luôn nhớ về thuở ấu thơ mỗi lần bị ốm lại được bàn tay dịu dàng của mẹ xát lên lưng, đánh cảm bằng đồng tiền bạc, rượu gừng và tóc rối. Mái tóc thơm đen mượt mà hồi trai trẻ bố từng mê đã bạc dần theo năm tháng cứ day dứt mãi trong lòng tác giả:
“Mẹ xót thương màu bạc thành xám nhợt
Bệnh phong hàn đã nhiễm vào con
Con biết rằng bạc nào chẳng xám hơn
Khi ngâm rượu gừng. Nhưng con tin vậy
Bệnh phải lùi. Lẽ đời phải vậy.
Khi tóc mẹ ta áp da ta…”
 Những câu thơ  không hề sử dụng một thủ pháp nghệ thuật tu từ nào mà vẫn làm nao lòng người  đọc bởi tình mẫu tử sâu sắc, chân thành, bởi cái thật có lối đi riêng tới những tâm hồn đồng cảm.
 Và đây là lời thơ tiến sĩ dược khoa Nguyễn Văn Đồng(sinh năm 1945) viết về người liệt sĩ trẻ  vô danh ở Trường Sơn năm xưa:
“Mộ ai dưới mưa rơi
Tóc xanh biếc cỏ
Nhiệt huyết dồn hoa đỏ
Phiêu diêu đất trời.”
                                              (Mưa Trường Sơn)
 Những câu  tả thực, cô đọng và biểu cảm như thế thường trở  đi trở lại trong thơ của anh:
“Gập ghềnh xe lắc lay
Đường miềnTrung uốn lượn
Nắng rang cô muối mặn
Gió Lào quạt gừng cay”
                               (Miền Trung)
 Trong số những bài thơ in chung ở tập sách này của anh, có một hình ảnh vừa tả thực vừa ẩn dụ về hoa quỳnh mà tôi rất thích:
“Chẳng nóng đợi người no mắt ngủ
Trông chờ ai thổn thức trăng vơi
Sương nhạt rượu, thơ khàn tiếng vạc
Òa canh ba cánh trắng bừng trời”
                   (Hoa quỳnh)
 Động từ “Òa”, “bừng”  như  hai nhãn tự  làm sáng cả bài thơ, một tiếng reo ngạc nhiên thích thú trước vẻ đẹp trắng trong tinh khiết  của đóa quỳnh mỏng manh kiều diễm…
 Tác giả trẻ nhất trong “Bích Câu Thơ 1” là Lương y Phùng Gia Viên, sinh năm 1953, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.Tôi chưa có may mắn được gặp anh trong đời nhưng qua thơ, tôi biết anh là người thơ  có tâm hồn nhạy cảm tinh tế:
“Tháng ba hoa gạo nở đầy
Tiếng chim rụng đỏ lối này hỡi ai
Chợ nghèo mỗi buổi sớm mai
Cùng em mua sắm lấy vài nhớ thương”
                                      (Tháng ba)
 Sự chuyển đổi cảm giác thật là kỳ diệu! Người ta chỉ nghe thấy tiếng chim chứ có ai nhìn thấy tiếng chim rụng có màu đỏ bao giờ?Thơ chấp nhận những liên tưởng tưởng chừng phi lí và chính cái đó làm nên nét sáng tạo độc đáo riêng của nhà thơ. Trước anh, ta đã nghe một câu thơ tả về tiếng chim thật tài hoa của nhà thơ Khương Hữu Dụng:
“Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”.
Tôi thích hình ảnh này của anh:
…”Cùng em mua sắm một vài nhớ thương”
 “Nhớ thương” là một trạng thái tâm lí trừu tương không cầm nắm được nhưng qua mắt nhìn của người thơ, nhớ thương được cụ thể hóa gần gũi thân thương quá ! Chẳng phải “mua sắm”bằng tiền đâu mà mua bằng thời gian  “anh”  cùng “em”qua chợ nghèo buổi sớm mai trong vắt đó !
 Ta còn bắt gặp nhiều hình ảnh sáng tạo độc đáo khác trong thơ anh như:
“Giấc mơ cháy xém
Chim gù tiếng đau”
     (Tạ từ)
“Anh nhìn sắc cỏ sương cười
Biết lòng nhẹ bớt chín mười đa mang
Cuối thu vị nắng say loang
Cầm lên tan giữa khẽ khàng lại thôi”
                (Cuối thu)
 Thú vị thật đấy khi anh cảm nhận được “vị nắng say loang”, mà cái từ ghép “say loang” thật là sáng tạo mới của anh, nghe là lạ nhưng lại thấy thinh thích !
      Trong đêm thu dịu dàng man mác, tôi nhắm mắt hình dung ra mười gương măt thơ của các bậc cha chú,  bậc anh cả của tôi trong CLB Bích Câu Thơ- những người đã cống hiến tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình cho sự nghiệp xây đựng và bảo vệ Tổ quốc suốt mấy chục năm trường…Giờ tóc của những người thơ ấy ai cũng đã ngả màu sương khói nhưng tâm hồn họ còn rất trẻ. Họ yêu thơ, yêu đời, yêu người tha thiết ; họ  ghét  thói giả dối, đê tiện, ghét những kẻ háo danh, tham lam, độc ác, chà đạp lên người dân nghèo lương thiện bởi hơn ai hết, bằng sự trải nghiệm cuộc đời, họ thấm sâu câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu: “ Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”. Qua giao lưu trên blog và gặp gỡ ngoài đời, tôi nhận thấy các bác, các anh khiêm tốn lắm ! Họ không  bao giờ tự nhận mình là những nhà thơ nhưng cuộc đời của họ  thực sự là những bài thơ Đẹp. Tôi xin mượn những câu thơ trong bài “Tiên lão sông Tô” của Nhà thơ- Đạo diễn Điện ảnh  Nguyễn Anh Tuấn để kết thúc bài viết này:
“…Những tâm hồn yêu đời và say thơ
Từng nếm trải nhiều gian nan, cay đắng
Lòng giữ gìn, chắt chiu những lẽ đời cao rộng
Để đi qua Thật - Giả, Đục và Trong…
Có dễ gì nhìn thấy cái mênh mông
Bị che khuất bởi hàng rào ích kỷ
Phải chăng, tuổi nào cũng cần hồn rất trẻ
Để lắng vào cái Đẹp của Vô cùng
Tôi yêu vần thơ của những trái tim không bị cỗi cằn
Không bị đầu độc bởi hoài nghi, cố chấp
Những thú chơi tuổi già lấp lánh tài hoa của ngàn đời dân tộc
Và thơ…những viên ngọc sáng ngời ngời”

B.T.S