Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tiền sự

Hoàng Thảo Chi
Chủ nhật ngày 30 tháng 9 năm 2012 8:38 PM


  Mỗi lần nghe thấy ai nhắc đến cụm từ: Tiền án, tiền sự…là tôi cứ muốn cãi lại. Bởi theo tôi, là phải nói: Tiền sự, tiền án…thì mới đúng. Cái lý mà tôi đưa ra đơn giản là như thế này: Ai đó đã làm một việc gì không đúng pháp lý hay đạo lý, thì bị đưa ra tòa xét xử. Tùy theo sự sai sót đến đâu, thì tòa tuyên án đến đó. Nghĩa là nhất định phải có SỰ trước, mới có ÁN sau. Vậy Tiền sự…Tiền án là phải đạo! Nhưng thôi, chuyện đó khi nào có dịp, tôi sẽ viết hẳn một tham luận hẳn hoi, gửi lên tận bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi cụm từ này. Còn bây giờ, tôi phải trở lạị Tiền sự…của tôi, kẻo mọi người lại cho là đồ rỗi hơi, hoặc cầm đèn chạy trước ô tô…tóm lại là dở hơi…cũng nên.
    Tôi đồ rằng, tất cả mọi người chúng ta, thuở thiếu thời đều có…Tiền sự  cả. (Nếu ai đó phản đối điều này, thì tôi cũng xin lỗi, nhưng trong thâm tâm, có đánh chết, tôi cũng cứ tin như thế.) Tất nhiên, những tiền sự  mà tuổi thơ chúng ta mắc phải, có thể là chưa đến mức phải đưa ra tòa, nhưng mỗi khi nhớ lại cũng thấy hơi mắc cỡ một chút. (Mà nói theo tiếng của người Huế, tôi cho là rất hay và rất lạ. Âý là: Ốt dột…Cứ mỗi lần nghe hai tiếng này, tôi cứ thấy gai gai ở sống lưng). Có thể đó là những lần ta nói dối cha mẹ, thầy cô. Có thể đó là những lần ta lấy trộm một thứ vặt vãnh gì đó mà không ai biết, hoặc bị bắt quả tang, nhưng được khổ chủ tha cho...Mọi Tiền sự ấý, tưởng như chúng ta lãng quên, nhưng thực ra chúng mãi mãi nằm trong hành trang, đi theo cùng ta trong suốt cuộc đờì. Nhiều khi nó đóng góp rất tích cực vào sự hoàn thiện nhân cách của con người, nếu những tiền sự ấy được nhìn nhận dưới những ánh mắt hiểu biết, bao dung và những tấm lòng cảm thông, yêu thương, vị tha của người lớn.
  Tôi sinh ra và lớn lên ở một xóm nhỏ vô cùng nghèo khó, giữa vùng đất đồng chiêm trũng Bắc bộ. Cùng trang lứa với tôi có đến chục thằng con trai. Chúng tôi nghịch ngợm, phá phách thì quỷ còn lè lưỡi, đứng từ xa mà nhìn. Mọi người trong xóm gọi chúng tôi là: Bọn giặc cỏ. Cái thời cách đây gần nửa thế kỉ, chúng tôi đi học rất chi là nhàn nhã. Mỗi thằng chỉ vài ba cuốn vở, ba thằng chung nhau một bộ sách giáo khoa. Chỉ học một buổi, còn một buổi tha hồ đi chơi, đá bóng hoặc chăn trâu, chăn vịt, cắt cỏ, bắt cua, mò cá…nô đùa thỏa thích. Trong vô vàn những kỉ niệm tuổi thơ ấy, có một kỉ niệm tôi không thể nào quên. Bởi nó là một kỉ niệm vô cùng đặc biệt, và tôi liệt nó vào hạng…Tiền sự trong tuổi thơ của mình.
 Dạo đó, tôi luôn là thủ lĩnh của đám giặc cỏ trong xóm . Mà đã là thủ lĩnh thì phải luôn nghĩ ra những trò hấp dẫn, mới lạ bọn thuộc hạ mới phục. Nhưng tôi chỉ là con cháu ngàn đời của cụ Đinh Bộ Lĩnh nên chỉ nghĩ ra toàn những trò nghịch ngợm dại dột. Đại loại như chia đám giặc cỏ ấy ra làm hai phe, mỗi phe chiếm một phía của bãi tha ma rồi tấn công nhau, bằng những cục đất vẫng cầy cứng như đá. Kết thúc cuộc chiến, mỗi phe thế nào cũng có vài thằng u đầu sứt trán. Những chiến binh này, nhất định sẽ còn phải nhận vài cán quạt nan vào đít, khi chúng chiềng cái mặt thâm tím ấy ra trong bữa cơm cùng gia đình, vì không sao giải thích một cách lọt tai, cái nguyên nhân xuất hiện những vết thương đó. Chiến tranh mãi thì cũng phải hòa bình. Chúng tôi đã chán trò ném nhau, và muốn tìm kiếm những trò chơi khác. Cái này là nhiệm vụ của tôi, trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của một thủ lĩnh…
 Nằm sát cạnh nhà tôi, là nhà ông Th làm nghề thợ may. Ngôi nhà ba gian, tường xây gạch, mái lợp ngói của ông lúc đó, đối với chúng tôi tựa một biệt thự tráng lệ. Ông chắc chắn là người giàu có và hiểu biết nhất xóm tôi lúc đó. Bằng chứng là ở gian nhà trong cùng, ông treo toong teng cái xe đạp(Cứ như ông nói là của Pháp và lúc đó cả xóm tôi chỉ có cái đó là duy nhất) lúc nào cũng láng coong, sạch như lau như lia.Trên khung xe treo một tấm biển đăng kí hình chữ nhật màu trắng có đến mấy con số màu đen. Ông Th bảo đó là “cái chứng minh thư” của xe đạp. (Chúng tôi cũng gật gù ra vẻ biết, chứ thực ra chúng tôi chả hiểu chứng minh thư nghĩa là gì !!!) Cái chúng tôi thích nhất vẫn là cái chuông xe, chỉ cần bấm nhẹ, là nó ngân lên kính coong… du dương như một bản nhạc. Trên tường nhà ông, treo nhiều tấm ảnh mà chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Âý là những tấm ảnh chụp khi ông đứng trước cổng chợ Bến Thành, bên hồ Hoàn Kiếm… Còn tấm ảnh bán thân ông mặc com-lê, đầu đội mũ phớt, tay cầm điếu thuốc lá, mắt đăm chiêu nhìn khói thuốc ngoằn ngèo bay lên, thì y hệt một minh tinh màn bạc nổi tiếng vậy. Những bức ảnh ấy, ông bảo là ông chụp tại Sài Gòn, Hà Nội đầu những năm năm mươi. Cứ như cách Mẹ tôi nói: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn…thì ông hẳn là một người từng trải, lịch lãm khôn ngoan có thừa. Tuy vậy ông lại rất thích và quý bọn giặc chúng tôi.  (Chắc ông không có con trai nên ông quý chúng tôi cũng nên. Âý là tôi nghĩ vậy).Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn kéo cả lũ đến nhà, xem ông may quần áo, xin ông cho mỗi đứa bấm chuông xe đạp một lần, rồi thu nhặt những miếng vải đầu thừa đuôi thẹo, bó lại thành quả bóng, mang ra sân đình tranh cúp. Một lần, thấy chúng tôi kéo đến, ông ngừng chân đạp máy, lôi trong cái túi vải treo trên cánh tủ một quả bóng cao su đỏ au, to bằng quả bưởi rồi nói:
- Đây! Tặng cho bọn giặc cỏ quả bóng cao su thiệt. Tha hồ mà đá nhé.
Lần đầu tiên, chúng tôi chứng kiến quả bóng bằng cao su hẳn hoi. Từ xưa tới giờ, chúng tôi toàn đá những quả bóng bằng vải, hoặc bằng những quả bưởi nướng lên, nên bây giờ mục kích quả bóng bằng cao su, chúng tôi không tin vào mắt mình nữa. Cả bọn chuyền tay nhau quả bóng, sờ sờ, nắn nắn rồi đưa lên mũi hít hà. Chà! quả bóng mới thơm làm sao!!!
- Ông cho chúng cháu thật ạ! Tôi rụt rè hỏi ?
- Ừ! Ông mất cả buổi chiều hôm qua, tìm hết cả thành phố Nam Định, mới mua được quả bóng này cho các anh đấy.
- Chúng cháu cảm ơn ông ạ! Bọn tôi nhao nhao cảm ơn, rồi ném quả bóng xuống sân nhà ông đá thử.
- Âý khoan đã!
Ông giơ tay ngăn chúng tôi lại, rồi chỉ vào tôi nói:
- Anh cu L vào đầu giường, bê cái hộp giấy ra đây cho ông!
Theo tay ông chỉ, tôi tìm ngay được cái hộp giấy mà ông đã nói, bê ra sân. Cả lũ chúng tôi vây quanh lấy cái hộp, phấn khích đến vô cùng. Ông từ từ mở nắp hộp, tôi thấy mấy gói kẹo lạc, hàng chục quả cam mọng căng.
-  Liên hoan hả ông???…Tôi hỏi trong trạng thái gần như là ngộp thở!!!
- Có bóng mới thì phải liên hoan chứ. Đây là kẹo lạc ông mua ở phố hôm qua, còn đây là cam ông hái trong vườn nhà. Các anh mang ra sân đình liên hoan, rồi đá bóng. Bây giờ ông phải làm việc.
 Chúng tôi tranh nhau cảm ơn ông rối rít, rồi rầm rập chạy ra sân đình cứ như đi cứu hỏa vậy.
  Cuộc chơi với quả bóng cao su phải kéo dài hàng tháng. Suốt thời gian đó, chúng tôi không còn thiết tha với bất kì trò gì khác. Hễ rảnh lúc nào là chúng tôi tập trung đá bóng lúc đó. Nhiều khi chỉ có hai đứa, cũng chia đôi đá chí tử. Chúng tôi càng đá thì càng khỏe, nhưng quả bóng thì mỗi ngày lại tả tơi thêm một ít. Cái gì thì cũng có giới hạn cả. Qủa bóng cao su quý giá của chúng tôi cũng thế. Một buổi chiều, khi hiệp một của trận đấu đang ở tỷ số 0 – 1 (nghiêng về đội bên kia) thì xảy ra sự cố. Khi tôi dẫn bóng đến trước khung thành của đối phương, thì thằng B hậu vệ, xông thẳng vào tôi với một cú ngáng chân như trời giáng.Tôi ngã lộn đến mấy vòng.Tất nhiên là một quả phạt đền trực tiếp xuất hiện. Cay cú vì đang thua và nhất là vì cái ngáng chân kia, tôi đã sút quả phạt với một một sức mạnh kinh hoàng. Không biết là vận tốc quả bóng đạt mấy mét một giây, mà thằng T, thủ môn của đối phương chỉ biết đứng há hốc mồm, nhìn quả bóng bay vút vào gôn như một tia chớp, và đập vào tường nghe” bốp” một phát, y hệt tiếng đập của một cục đá vậy. Cả đội tôi nhảy cỡn lên vì quả gỡ hòa 1-1 vô cùng ngoạn mục. Nhưng niềm vui sướng của chúng tôi chưa kéo dài được mấy giây, thì đã bị tiếng thét thất thanh của thằng T thủ môn, dập tắt trong chớp mắt:
- Vỡ rồi!!!
- Vỡ cái gì??? Tất cả chúng tôi như đồng thanh hỏi cùng một lúc rồi chạy dồn về phía nó.
- Bóng vỡ rồi!
 Tất cả chúng tôi đứng chết lặng. Thằng T giơ quả bóng lên cao. Qủa bóng gần như rách đôi. Chúng tôi chuyền tay nhau vĩnh biệt quả bóng vỡ, với tất cả nỗi buồn thê thảm. Kỉ nguyên bóng cao su đã chấm dứt. Ngày mai chúng tôi lại trở về với những quả bóng bưởi và bóng vải…muôn năm cũ.
 Trong thời khắc đen tối ấy, trong đầu tôi bỗng lóe một quyết định:
-  Tối mai, bọn mình sẽ chơi trò: Đưa ma quả bóng. Thằng T chuẩn bị đào huyệt cho quả bóng ngoài ruộng mạ. Thằng B thì chuẩn bị 10 cái thăm.
 Cả bọn nhao nhao bàn tán, nhưng cuối cùng cũng thống nhất một trăm phần trăm. Cái trò “đưa ma” của chúng tôi rất đơn giản. Một thằng giả vờ chết, nằm thẳng đơ trên mặt đất, hai tay chắp lên bụng. Chín đứa còn lại thì bố trí đội hình như sau: Một đứa nâng đầu, chia mỗi bên bốn đứa, đứng đối xứng với nhau. Tất cả chỉ dùng một ngón tay trỏ bên phải để nâng thằng chết. Chuẩn bị nâng, thì đứa khênh phía đầu thằng chết, quay sang phía tay phải hỏi thầm: Ông đi đâu đấy? Đứa được hỏi trả lời: Tôi đi đưa đám đây. Cứ lần lượt hỏi đáp vô cùng trang nghiêm như thế cho đến hết. Khi thằng cuối cùng vừa trả lời dứt, thì đồng loạt nâng thằng chết lên, im lặng di chuyển đến chỗ gọi là lỗ huyệt thị hạ xuống. Trò chơi nàỳ, chẳng thằng nào muốn làm thằng chết, rất hay cãi nhau, nên phải sinh ra trò bốc thăm là như vậy. Tối mai, thằng nào bốc phải lá thăm ghi chữ “chết “ thì sẽ đặt quả bóng lên ngực để khênh đi.
 Đang định giải tán ra về thì thằng B đột ngột nêu ra một câu hỏi:
- Thế mai chôn quả bóng thật, mà lại không có lễ gì à?
Một câu hỏi thật khó trả lời. Cả bọn bàn đi tính lại, rốt cuộc cũng chẳng nghĩ được cái chi. Gần hai chục con mắt tự dưng chăm chú nhìn vào tôi. Tôi hiểu ngay là chúng muốn gì! Giữa phút gay cấn đó, tự nhiên hình ảnh những quả cam căng mọng trong vườn nhà ông Th thợ may hiện ra thấp thoáng trong đầu tôi. Nhưng lập tức tôi vội xua chúng đi. Một cảm giác tội lỗi dâng lên làm tôi tự nhiên toát cả mồ hôi trán. Thật xấu hổ, nếu mò vào vườn vặt trộm mấy quả cam, mà ông Th tóm được…thì chỉ có cách là độn thổ, chứ làm sao mà còn có thể vác mặt nhìn ông được. Bí quá, tôi đành phải nói thật với cái lũ đang dương mắt nhìn tôi kia:
- Tao vừa nghĩ là đêm nay lủi vào vườn nhà ông Th, vặt trộm mấy quả cam để tối mai làm lễ. Nhưng tao sợ, ông ấy mà tóm được thì chết bỏ mẹ!!!
Nghe tôi nói, bọn chúng không nhìn tôi nữa mà quay sang nhìn nhau, có vẻ suy nghĩ lung lắm. Thấy bọn chúng im lặng, tôi bàn lùi luôn:
- Thôi không cần lễ nữa, chôn quả bóng không cũng được!
Chẳng thấy thằng nào nói gì, tôi đang định thở phào thoát nạn, thì thằng B thủng thẳng lên tiếng:
- Mày sợ, thì cùng chúng nó chờ bọn tao ở đây. Chín giờ tối tao, với thằng T sẽ bơi qua ao vào vặt. Lúc đó ông ấy đang mải nghe Ga-len… tiếng thơ, làm sao mà biết được!!!
Trời ơi, cái thằng thiên lôi đả này, lúc nào nó cũng muốn ngáng chân tôi cho bằng được!!! Nó định làm mất uy tín thủ lĩnh của tôi đây! Tôi bực bội nghĩ bụng. Nhưng cách phân tích của nó cũng chấp nhận được. Thời chúng tôi, chín giờ tối đã khuya lắm rồi. Lúc đó, trên sóng đài tiếng nói Việt Nam thường là chương trình“Tiếng thơ”. Xóm tôi lúc đó, không nhà nào có rađiô, chúng tôi biết được điều này cũng chính nhờ cái Ga-len của ông Th. Bây giờ nói đến hai từ Ga-len (hoặc là đại loại như thế…tôi chỉ nghe người ta nói mang máng như vậy rồi phiên âm ra đây, chứ đích thị viết như thế nào, thì tôi chịu!) chắc chẳng mấy ai còn nhớ. Nó như thế này: Người ta căng một sợi dây kim loại dài khoảng 15 đến 20 m qua hai cái cột cao, rồi dùng một dây kim loại khác nối từ dây kim loại trên cao xuống nhà. Cái dây ấy nối vào một đầu cục sắt hình hộp chữ nhật đen sì (nó là cái gì chúng tôi không biết) rồi đầu bên kia cắm một cái tai nghe có hai núm đen nhỏ. Khi nghe, đút hai cái núm đó vào hai tai, nghe được đài. Lúc đó có trống đánh bên tai cũng chẳng nghe thấy gì…Thằng cu B cũng có lý. Thôi thì một liều ba bẩy cũng liều, nếu không tham gia với cái thằng thiên lôi đả này, kể ra cũng mất uy tín thủ lĩnh thật.
Sau một hồi suy sét, tôi quyết định:
-  Thôi được. Tất cả chúng mày về nhà đi. Chín giờ tối, tao với thằng B, thằng T sẽ tìm cách. Mà mỗi thằng chỉ vặt một, hai quả thôi, đừng tham mà chết…
Tôi cố gìm sự ham hố của hai thằng kia lại.
 Sau bữa tối, chờ cho mẹ tôi nấu xong nồi cám lợn (ngày nào mẹ tôi cũng làm công việc cuối cùng này vào tầm chín giờ đêm) tôi định đi tìm thằng B và thằng T, thì đã thấy chúng thấp thoáng ngoài ngõ nhà tôi.
 Nhà ông Th quay mặt về hướng Nam. Trước nhà ông là cái sân đất nhỏ rồi đến khoảnh vườn có năm sáu cây cam sai trái. Tiếp theo là một cái ao hình chữ nhật, chiều ngang khoảng 20m, bờ ao phía ngoài là những bụi tre um tùm. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ bí mật từ những bụi tre bên kia bơi qua ao, sang vườn nhà ông Th để trộm cam. Trời đêm cuối tháng tám không có trăng nhưng đầy sao, cộng với những đôi mắt sáng như mắt mèo của chúng tôi, nên không có cảm giác chi là tối. Chúng tôi nhẹ nhàng bơi qua ao, rồi leo lên vườn êm như bọn nhái bén. Gặp cây cam đầu tiên, thằng T xăng sái sờ lần, bứt ngay một quả và dúi vào tay tôi. Cầm quả cam trên tay, tôi biết ngay là cây này chưa ăn được, khô mà ít nước. Tôi kéo hai thằng lại gần nói thầm:
-  Cây này chưa ăn được, cây ở gần bể nước là quả ngon nhất.
Hai thằng tuân lệnh, chúng tôi nhằm cây cam phía bể nước dò dẫm đi tới. Mới bước được một hai bước, tôi bỗng thấy một tia sáng chói ngời, như một ánh chớp từ phía bể nước chiếu thẳng vào chúng tôi trong tích tắc rồi vụt tắt. Chúng tôi nằm rạp xuống đất, ba hồn bẩy vía bay đi đâu hết!!!
- Cu L, cu B, cu T phải không? Đứng yên đấy, để ông ra soi đèn cho mà đi. Cẩn thận không chết đấy.
Chúng tôi không còn ý thức được cái gì đang xảy ra, cứ răm rắp làm theo lời ông Th. Sau khi ba thằng chúng tôi đã yên vị ngồi xuống giữa sân, dúm dó như ba cái xác không hồn, ông vỗ vai tôi hỏi nhỏ: 
- Bọn giặc cỏ muốn ăn cam phải không?
 Tôi như bừng tỉnh sau một chuyến mộng du, xấu hổ không để đâu cho hết, lí nhí trả lời:
- Dạ …không ạ…chúng cháu chỉ ….
Tôi muốn giải thích cái lí do bắt buộc chúng tôi đến trộm cam của ông chỉ là để làm lễ an táng quả bóng mà thôi, chứ chúng tôi không cố ý… nhưng lúc ấy làm sao mà cất lời lên được.
-    Ông hiểu rồi. Lần sau cần, cứ đến xin ông hái cho. Lúc nãy chúng mày làm ông sợ vỡ cả tim. Trưa nay, ông mới tôi một hố vôi, ngay sát cây cam cạnh bể nước, vẫn còn sôi ùng ục. Ông có che mấy lá cót lên trên, phòng chó mèo sa xuống. Chúng mày không biết, cứ bước lên... thì ông chết mất!!!
Nghe ông nói mà tôi lạnh toát cả người. Biết là chúng tôi đang sợ và ngượng, ông cười nói:
-   Thôi, bây giờ ổn rồi, đừng sợ nữa. Ông tha cho. Giờ ông soi đèn pin, ba thằng vào cây sát bể nước vặt lấy mười quả. Nhớ là phải vặt những quả ở cành la mới ngọt.
Chúng tôi không hiểu những điều mình đang nghe, không biết những gì sắp xảy xa, nên  cứ đứng ngây thổ địa như phỗng vậy. Thấy bộ dạng buồn cười của bọn tôi ông khích bác:
-    Các anh lúc bình thường thấy oai hùng lắm cơ mà, sao bây giờ trông giống như ba con gà rù vậy?  Dạo bằng tuổi các anh, bọn ông cũng nhiều lần chui vào vườn cụ Ba đầu làng vặt trộm mít. Một lần bị cụ bắt được, đã không bị đánh mà cụ còn vào nhà xách ra cho một quả mít to tướng thơm nức, bảo mang ra sân đình mà ăn. Lần sau nếu thèm cứ vào xin, chứ đừng leo lên hái trộm, nhỡ gẫy cành rơi xuống, gẫy chân gẫy tay thì khốn!!! Từ đấy bọn ông không đi ăn trộm nữa. À, cái này là bí mật giữa mấy ông cháu mình thôi, đừng kể cho ai biết nghe không?
        Ông thì thào nói với chúng tôi như thể đồng đảng vậy. Tâm sự của ông rất ngắn, nhưng lập tức đánh tan mọi nghi ngờ trong tôi. Biết là ông thật lòng tha thứ, và thông cảm tôi mạnh dạn nêu thắc mắc mà từ nãy đến giờ tôi không sao lí giải được:
- Sao ông tài thế, tối thế này mà cũng biết bọn cháu vào trộm cam, lại đứng đợi sẵn cạnh hố vôi vậy???
Ông không trả lời ngay, mà hỏi ngược lại:
- Thế anh cu nào bẻ quả cam đầu tiên?
- Cháu ạ…Thằng T sốt sắng trả lời.
- Ờ…Trời tối thế này, làm sao ông trông thấy các cháu. Ông lại đang nghe tiếng thơ nên cũng chẳng thấy tiếng động gì. Nhưng đang có gió nồm nam, khi cu T bẻ quả đầu tiên, là gió đã đưa hương cam vào mũi ông rồi. Ông biết là thế nào các cháu cũng vào bẻ cam ở cây ngon nhất cạnh hố vôi, nên vội ra chờ sẵn ở đây thôi, tài tình cái gì…
 Trời ơi! Ông đã nhận ra chúng tôi bằng mũi. Tôi biết tạ ơn ông, tạ ơn những cơn gió nồm nam và mùi hương của những quả cam quê tôi như thế nào đây cho phải!!! Nếu như không có chúng báo cho ông sớm, biết đâu chúng tôi đã tự sa xuống cái hố vôi nóng như núi lửa kia, không chết thì cũng tàn phế suốt đời rồi cũng nên.
        Ông Th đã quy tiên từ lâu lắm rồi. Bây giờ tôi cũng đã gần bằng tuổi ông khi đó. Nhưng khi đang viết những dòng này, tất cả mọi thứ ngỡ như chỉ mới hôm qua. Đã bao lần tôi cứ tự hỏi: Có thật là lúc bé, ông Th và các bạn của ông cũng đi ăn trộm giống chúng tôi không? Chẳng còn ai có thể trả lời được câu hỏi ấy nữa. Nhưng có hay không thì bây giờ, có nghĩa gì nữa đâu. Cái ý nghĩa lớn nhất, là ông đã kể về cái Tiền sự…của ông vào thời khắc quan trọng nhất, nó như một cái phao cứu sinh được ném ra đúng vào lúc, chúng tôi sắp bị con sóng đầu tiên của tội lỗi cuốn đi. Viết đến đây, tự nhiên tôi nhớ đến một câu trong bài hát Để gió cuốn đi…của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…Tôi thật may mắn đã được gặp một trong những tấm lòng nhân ái ấy, để quả cam trong Tiền sự…của tôi mãi mãi ngọt ngào thơm ngát, bởi nó không kéo theo hai từ Tiền án…đi cùng.

 Huế 26/9/2012
Hoàng Thảo Chi