Báo chí, truyền thông đã đưa tin- Sáng 30/9/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành TƯ và Đoàn Đại biểu Quốc hội đã có cuộc tiếp xúc với người dân vùng động đất và kiểm tra lại công trình thủy điện Sông Tranh 2- Bắc Trà My, Quảng Nam. Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: ”Đảng, Nhà nước có trách nhiệm với nhân dân. Chính phủ đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu”. Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định, không tích nước, không phát điện nếu kết luận đập Sông Tranh 2 chưa an toàn tuyệt đối. “ Được nhời như cởi tấm lòng”- lãnh đạo huyện, tỉnh và hàng chục ngàn nông dân vùng đập thủy điện tạm yên tâm, vì cách đây vài ba ngày thôi, động đất lớn vẫn không ngừng xẩy ra…
“ Có thực mới vực được đạo” và “Nhất sĩ, nhì nông/ Hết gạo chạy rông/ Nhất nông, nhì sĩ”. Đó là những lời của người xưa, để nói lên tầm quan trọng của nghề nông và người nông dân Việt Nam; cũng như quan hệ mật thiết giữa “Nông và Sĩ ”. Còn trong cuộc sống hôm nay, cụm từ Nông nghiệp- Nông thôn- Nông dân cũng đã hết sức quen thuộc- nhất là trong công cuộc đổi mới, hội nhập- cụm từ này lại càng được báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên nhắc tới. Là một quốc gia có nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm nay, đa số người Việt Nam đều xuất thân từ thành phần nông dân- cho dù một số người trong thành phần nông dân đó, đã trở thành công chức, viên chức nhà nước, lập nghiệp tại các thành phố, đô thị- thì nhìn chung, vẫn còn gốc gác, quan hệ họ hàng ruột thịt gần xa…cũng như quê hương, bản quán, làng xóm của mình. Cho nên, trước những nỗi thống khổ, khó khăn, thiếu thốn của người nông dân; chắc chắn, không ai là không chạnh lòng đồng cảm và bày tỏ tình tương thân, tương ái; lá lành đùm lá rách; tối lửa tắt đèn; khó khăn hoạn nạn có nhau…tình thương đó, nói rộng ra, là thương người như thể thương thân- thậm chí, hết sức cụ thể như thương lấy hạt lúa, củ khoai ngàn đời đất Việt. Bởi, trong tương lai, cho dù cuộc sống có sung sướng, giàu có, văn minh, hiện đại bao nhiêu đi chăng nữa; thì hạt lúa, củ khoai vẫn luôn thân thiết gắn liền với đời sống thường nhật của chúng ta. Nhất là, hơn bao giờ hết, trong cơ chế thị trường còn không ít nhiễu loạn hôm nay- dù có khắt khe, khó tính đến mấy đi nữa- chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng : Nông dân là lớp người nghèo khổ nhất! Và cho dù sau này, cuộc sống có giàu có lên bao nhiêu nữa, thì bao giờ người nông dân cũng là tầng lớp khổ nhất trong xã hội hiện đại…
Chính vì thế, tại các kỳ họp Quốc hội thời gian qua; các đại biểu đã thảo luận hết sức sôi nổi, thẳng thắn, cởi mở, tâm huyết và đầy trách nhiệm về ba vấn đề lớn của đất nước luôn liên quan mật thiết máu thịt với nhau- Đó chính là thực trạng đời sống của người nông dân, với một nền nông nghiệp còn chia cắt, manh mún, lạc hậu; một bộ mặt nông thôn càng ngày càng có nguy cơ bị đô thị hóa một cách méo mó vô tội vạ, thiếu quy hoạch đồng bộ, làm mất dần vẻ đẹp truyền thống quyến rũ, êm ả, bình yên của làng quê Việt Nam. Và như thế, mỗi người chúng ta cũng như cả hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước, trong công cuộc đổi mới, hội nhập toàn cầu, hãy luôn nhớ rằng- NÔNG NGHIỆP- NÔNG THÔN- NÔNG DÂN- đó là buồn, vui, sẻ chia, trách nhiệm và cả quốc sách trước mắt cũng như trong cả tương lai lâu dài nữa, của Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa!