Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Có phải duyên nhau thì thắm lại"

Nhà thơ Đặng Huy Giang
Chủ nhật ngày 30 tháng 9 năm 2012 5:34 PM

      (Đọc tập thơ Rượu trời của Bành Thanh Bần, NXB Hội Nhà văn 2012)

      Lâu nay, tôi vẫn cho rằng: Đối với người làm thơ, tình yêu thơ và sự hết mình cho thơ, vẫn là phẩm chất đầu tiên và cũng là điều kiện tiên quyết. Hay nói một cách khác: Con đường đi của các thi sĩ thường bắt đầu từ đam mê, say cháy một cách khác thường và không toan tính. Bên cạnh đó, còn một phẩm chất nữa không thể bỏ qua: Sự chân thành.
     “Thánh thi” Đỗ Phủ (người đời Đường, Trung Quốc) từng có một bài thơ rất  đáng chú ý (đại ý): Mấy năm mới làm được vài câu thơ/ Khi đọc lên ta thấy rầu rầu ruột gan/ Vậy mà người nghe không mảy may rung động/ Vậy thì ta chỉ còn một nước chuồn về núi và tiếp tục làm thơ lại.
    Nêu thế để thấy: “Thánh thi” Đỗ Phủ coi trọng sự chân thành và sự truyền cảm xúc cho người đọc (bằng thơ hoặc qua thơ) quan trọng đến mức nào.
    Với một sự chuẩn bị như thế, tôi đã đọc Rượu trời - tập thơ 100% lục bát của Bành Thanh Bần.
    Trong số 36 bài làm nên Rượu trời thì có đến non 30 bài là thơ tình với “nhân vật” anh và “nhân vật” em trong quan niệm quen thuộc: Như tình yêu của chúng ta/ Dẫu trăm năm mãi vẫn là thanh tân (Sắc xuân)  lẫn sự hồi hộp, đợi chờ quen thuộc: Về nơi từng đã duyên đầu/ đợi người/ đợi bạc cả màu thời gian (Đợi), nhưng chỉ có “hậu quả” của sự si mê, đôi khi lại không quen thuộc một chút nào: Cuốn bao thi sĩ vào vòng lao đao (Gửi người trót dại mến tôi).
     Đây là những câu thơ gọi tên sức sống diệu kỳ muôn thuở của tình yêu: Cho muôn hạt nhớ sinh sôi/ cho bao hạt đã lép rồi hồi sinh/ em ơi hôm ấy dứt tình/ đêm nay/ tôi thức một mình…hong mưa... (Hạt nhớ). Đây là những câu thơ gọi tên cái sự lan truyền, dư ba của tình yêu: Lá ơi/ đừng đậu xuống vai/ hình như lá cũng thở dài/ lạ chưa!(Hội Lim). Đây là bốn câu thơ gọi tên lòng anh và nụ cười em với sự liên tưởng lạ, ví von lạ: Lòng anh thành đá ngàn xưa/ Nụ cười lúng liếng em vừa khắc lên (Ở bãi đá cổ Sa Pa); Trường Tiền/ cong nét mi cong/ nhớ anh đừng chớp/ kẻo giông bão về (Vẫn mưa). Đây là mấy câu thơ gọi tên chất say đắm, lãng mạn: Chiều rơi/ Núi lướt khướt say/ Ngã mình vào cánh võng mây ngủ vùi (Thu Sa Pa).
    Tất nhiên, Rượu trời không chỉ có thế. Đây là những câu thơ rất đẹp và rất gợi trong Đợi cò:
Cánh cò chớp rối trời quê
Phau phau đỉnh núi, bộn bề tầng không
Cánh cò vỗ sóng dòng sông

Tiếng cò chao gió
mênh mông
chiều về…
    Đây là hai câu thơ tài hoa mang giá trị như một tiếng thở dài trong Giọt lệ oan khiên được viết trong một dịp tác giả về thăm lại Lệ Chi Viên:
Sáu trăm năm đã qua rồi
Khói hương còn nức dưới trời đêm nay.
         Và người đọc cũng không thể quên được Rượu trời:
Hứng hai chén nước giọt gianh
Nâng lên đặt xuống cho thành bạn - tôi
Nàng Thơ che miệng nhoẻn cười:
Thi nhân đãi bạn rượu trời...hoang chưa?
     Thơ Lục bát của Bành Thanh Bần có “độ” xông xênh, tung tẩy và mê đắm. Thơ ông có cả “độ” chông chênh. Và chính “độ” chông chênh này cộng với sự giàu có về mặt cảm xúc đã làm nên chất thi sĩ trong ông. Dường như ông đã mở hết lòng mình ra mà viết. Trước khi đến với “chân trời tất cả”, ông đã đi từ “chân trời một người”.
    Viết đến đây, tôi lại nhớ đến một câu thơ ấn tượng trong bài Mời trầu của “bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương: Có phải duyên nhau thì thắm lại. Và tôi nghĩ: Bành Thanh Bần đã “phải duyên nhau” với thơ lục bát. Có thể vì thế mà thơ lục bát của ông, ở một chừng mực đáng kể, đã có biểu hiện “thắm lại”.
(Chùm thơ trích trong Rượu trời)

Vẫn mưa

Ngoài này Hà Nội vẫn mưa
trong em - Huế
bão tạnh chưa hay còn
đường trần
có lấm gót son
áo em thả tím hoàng hôn phương nào

Nón bài thơ
gió nghiêng chao
môi hồng
có giọt mưa nào đặt lên

Tóc mây
buông xõa vai mềm
lá thu
vàng rắc bên thềm xôn xao

Sông Hương
thuyền vẫn gác sào
tình anh
em vẫn neo vào lưng ong?

Trường Tiền
cong nét mi cong
nhớ anh đừng chớp
kẻo giông bão về…

 Ở bãi đá cổ Sa Pa

Người xưa đau đáu nỗi gì
Mà khắc vào đá
Mà ghi vào đời?

Đá ơi
Ai rắc lưng đồi
Non xanh lưu dấu cõi người ngàn năm

Hỏi trời
Trời có biết chăng
Hỏi đá
Đá cứ lặng băng
ngậm lời

Hỏi em
Em lắc đầu cười
Lấp lánh khuyên bạc
đeo trời lửng lơ...

Lòng anh
Thành đá ngàn xưa
Nụ cười lúng liếng em vừa khắc lên...

  Tim nghiêng

Lòng em, tôi ngả đầu lên
Bồng bềnh sóng…
Nhịp thở em sâu đằm
Tim em đứng, tim tôi nằm
Suối tóc nghiêng xuống tim thành... tim nghiêng

Nàng thơ nhuộm tóc bạc thêm
Tay em từng sợi nhặt lên dịu dàng
Nghiệp thơ trải mấy đa đoan
Tóc ơi, xanh với thời gian... đừng già

Nâng niu từng sợi bứt ra
Bâng khuâng thả xuống như là sương rơi
Tóc xanh xưa – bạc trắng rồi
Một thời đắm đuối, một thời đang qua…

Em – Tôi, một trẻ, một già
Ấp iu nhau tựa như là... Mẹ - Con
Vai trần bầu ngực săn tròn
Bỗng thèm làm đứa bé con thuở nào...


                           
 Nõn xuân

Áo mây
gió cởi bất ngờ
giữa thung xanh
nhú đôi gò mướt xanh

áo ai hờ hững mong manh
gió tinh nghịch…
níu mắt anh chạm vào…

trời thì ngăn ngắt tầng cao
mây thì nõn thế
lẽ nào…
nõn ơi…

Đường lên thăm thẳm Cổng trời
Lộc xuân cởi nõn nói lời người xuân.

         Núi Cô Tiên - Quản Bạ - Hà Giang

        Bành Thanh Bần