Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nguyễn Trãi và sex

Nguyễn Hùng Vĩ
Thứ hai ngày 1 tháng 10 năm 2012 2:56 PM

Trong tập thơ Nôm Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có một mục thơ đặc biệt, đó là mục Tích cảnh thi (Thơ tiếc cảnh). Thi phẩm gồm 13 thủ nối tiếp nhau, mỗi thủ 4 câu, trong đó có 8 thủ dùng cách tuyệt cú thủ vĩ liên hoàn, câu cuối của thủ trước liên hoàn về ý, về chữ với câu đầu ở thủ sau. Trong 5 thủ còn lại, cũng có hai thủ cuối theo cách liên hoàn. Trong cổ thi thủ là bài, mục là tập hợp nhiều thủ. Đó là cách tính đơn vị theo hình thức. Ta thấy rất nhiều khi, mục tương đương với bài và thủ lúc đó tương đương với khổ thơ, nhất là khi làm thơ theo cách tuyệt cú thủ vĩ liên hoàn, một cách để chủ thể sáng tạo kéo dài ý thơ khỏi sự gò bó chật hẹp của khuôn khổ tứ tuyệt. Thực chất, Tích cảnh thi là một bài thơ dài khi ta thấy tâm trạng của tác giả tuôn chảy qua suốt 13 khổ liền mạch, nồng nàn. Đó là tâm trạng của một thi nhân biết mình đã già, đứng trước sự luân chuyển của thời gian, của cảnh sắc rồi cảm động mà thốt nên thơ. Tôi đoán bài thơ này Nguyễn Trãi làm trong năm mình 60 tuổi, vì với nhà thơ xưa, năm chẵn và năm đại hạn dễ gây nên nhiều xúc động, suy tư, ví như các năm 30, 40, 49, 50, 60 tuổi.
Bài thơ ra đời cách nay đã hơn năm trăm rưỡi năm nhưng khi đọc ta không khỏi kinh ngạc vì tính hiện đại của nó. Nó xuyên thấu thời gian để hiện diện trước mắt chúng ta tươi tắn và nhuần nhị. Phải đặt vào thế kỉ XV chúng ta mới nhận ra sự bứt phá vô song của một thi nhân lớn, một nhân cách lớn. Trong suốt cả 13 khổ tứ tuyệt ta chỉ gặp duy nhất một cặp đối ( Dịp trúc còn khoe tiết cứng/Rày liễu đã rủ tơ mềm), như vậy tỉ lệ sử dụng đối là 1/26 tính theo dung lượng toàn bài. Tư duy đối liên là hết sức phổ biến trong thơ ca trung đại, Hán cũng như Nôm, khó ai mà thoát khỏi kiểu thức đó. Một bài thơ bát cú Đường luật, tỉ lệ đối lên đến 1/2. Đối với tứ tuyệt, theo căn nguyên hình thành thì sẽ có đến 3/4 số loại bài có đối. Với một tỉ lệ đối nhỏ một cách bất thường, sự lựa chọn của Nguyễn Trãi quả là lạ lùng, khiến chúng ta khi tiếp xúc với bài thơ, thấy nó chẳng khác gì một bài Thơ Mới ra đời sau 500 năm. Điều gì đã khiến Cụ tiên phong vượt thời gian đến thế?. Chưa hết, sự phá bỏ thể thức quen thuộc bằng thủ pháp rút ngắn số chữ trong câu, vốn sở trường của nhà thơ, sự phá cách trong hài thanh, trong nhịp thơ, sự thi thoảng của điển tích, ngữ liệu cũng khiến bài thơ trở nên hiện đại. Không thể không ngạc nhiên đến lại lùng khi đọc câu thơ đầu tiên, mở ra dòng tâm trạng dạt dào như bất tận của tác gia : Hầu nên khôn lại tiếc khuâng khuâng. Một câu thơ phá cách hoàn toàn so với thơ Đường luật, nó tuyên bố quyền được bộc lộ tâm trạng một cách cá nhân, tự do, thuần Việt ít nhất trên hai mặt: nhịp thơ và hài thanh. Không thể đọc nó theo nhịp thơ Đường quen thuộc: Hầu nên khôn lại / tiếc khuâng khuâng mà chỉ có thể coi cả câu là một nhịp hoặc phân nhịp tương đối là Hầu nên khôn / lại tiếc khuâng khuâng. Câu thơ thuần như một thầm nhắc, buột ra dễ dàng, tự nhiên đến thú vị, không có sự câu thúc của thể thức, chương pháp. Liệu đến Thơ Mới, trong thể thức đồng dạng, đã mấy ai có được câu thơ mở đầu thanh đạm đến như vậy hay ta lại gặp phổ biến là nhịp cũ xưa khuôn bó: Rặng liễu đìu hiu / đứng chịu tang hay Sóng gợn tràng giang / buồn điệp điệp. Ta quá ngấm lời nhắn khẽ của chính Cụ cũng ở một câu thơ trong bài: Xuân xanh nỡ phụ cười đầu bạc. Hài thanh cũng thật đặc dị, chỉ có 2 chữ mang thanh trắc lọt giữa 5 chữ thanh bằng, một tỉ lệ hiếm có trong thơ xưa, diễn đạt tinh khôi một tâm trạng bâng khuâng nhưng điềm tĩnh của một tư cách già giặn, hiểu đời, từng trải, nhận mình thuộc hạng đã hầu nên khôn. Chỉ vài nét hình thức thôi ta đã thấy thi phẩm này mới mẻ biết chừng nào, Nguyễn Trãi hiện đại biết chừng nào!.
Cảnh báo đôi nét lạ và mới về mặt nghệ thuật ngôn từ của bài thơ cũng chính là dự cảm về sự vận động tâm trạng thơ, về những nét lạ trong tư duy thơ của Nguyễn Trãi. Bài thơ Tích cảnh thi đã qua nhiều cách phiên âm và chú thích chữ nghĩa của nhiều học giả, qua đó ta trực tiếp hoặc gián tiếp nhận ra cách cảm, cách hiểu nội dung câu chữ của những học giả đó. Người viết bài này, nếu đưa ra cách hiểu của mình thì chỉ nghiêng về mục tiêu bình thơ mà sẽ đẩy công việc khảo cứu sang “mặt sau của tấm huy chương”.
Thơ vốn đa tầng nghĩa. Thơ xưa vốn thế hơn. Thơ của vĩ nhân lại càng thế. Lần theo các khổ của bài thơ dài này ta càng kì lạ về sự đa dạng, ngầm ẩn những điều Nguyễn Trãi muốn kí thác tâm tình của mình trong một mối cảm hoài tiếc cảnh.
Hầu nên khôn lại tiếc khuâng khuâng
Thu đến đêm qua cảm vả mừng
Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt
Khoan khoan những lệ ác tan vầng.
Ngay từ khổ thơ mở đầu, con người tác giả đã hiện hữu với thời cảnh, tư thế và tâm trạng. Tác giả, như nhiều đêm khác của cuộc đời thức nhẫn nẻo sơ chung, đêm đang qua và hừng đông đang rạng. Một đêm Thu. Ngồi chiêm ngẫm cuộc đời cũng đã sang Thu của mình, tâm trạng tác giả tuy điềm tĩnh nhưng đa đoan. Trong 4 câu thơ có đến 5 tâm trạng xen lẫn tạo nên một trang thái bâng khuâng: hầu (một sự tự đánh giá có tính lưỡng lự, không quyết đoán), tiếc, cảm, mừng (hiểu gần như vui nhưng tức thời hơn), lệ (sợ). Tác giả bâng khuâng tiếc gì vậy khi đã tự cho mình cũng có thể gọi là lão thực cuộc đời. Ở khổ thơ này rõ ràng là tác giả tiếc đêm trôi qua mất. Cũng là tiếc thời gian cả nhưng tiếc đêm trôi thì ắt hẳn khác tiếc ngày trôi. Trong sự đối diện với đêm, ngày là không gian hoạt động. Tiếc ngày là tiếc công việc, lao động, tụ hội, giao tiếp, sự nghiệp, công danh. Tất cả thường diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Còn tiếc đêm thường là tiếc sự êm đềm, tiếc những giấc mơ, tiếc những chiêm nghiệm lặng lẽ và…
Tiếc đêm như vợ chồng mới cưới, tiếc đêm như nhân duyên sợ ngày lên mà hát Năm trống canh tôi thức đã ba/Còn hai trống nữa tôi ra trông trời/Trách trời sao khéo rạng đông/Chẳng khuya chút nữa cho lòng thở than…(quan họ). Nguyễn Trãi ngồi tàn canh, giờ sửu sang giờ dần, trăng 16,17 đang còn cuối khung trời phía tây, phía đông hừng đông đang rạng, tiếng chày giã gió hay giã bún phía Tây Hồ bắt đầu vọng đến, Cụ thốt lên: Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt/Khoan khoan những lệ ác tan vầng. Chậm thôi, chậm thôi, một chút kinh động thôi cũng đủ làm mặt trời (ác) lên, hừng đông (vầng) mĩ lệ mà ngắn ngủi kia sẽ tan biến trong ánh ngày.
Đã đành tiếng chầy trong ngữ liệu thường gắn với mùa Thu, đó là thu châm, là chử thanh: tiếng chày đập vải trên bến thu. Đã đành cối nguyệt là ngữ liệu về huyền thoại ngọc thỏ giã thuốc tiên trên cung trăng. Tất cả điều đó Nguyễn Trãi quá thông thạo. Nhưng khi viết một động từ đâm mạnh mẽ, chả nhẽ văn hóa Nguyễn Trãi lại không có ẩn ngữ dân gian chầy-cối, cái điều mà trước ông, ở truyện Hà Ô Lôi trong Lĩnh Nam chích quái còn lưu một chứng cứ hiển nhiên. Và tiếng chầy nữa, chả nhẽ chỉ là ước lệ thôi ư khi mà hiển nhiên trong lúc Nguyễn Trãi ngồi chiêm nghiệm cũng là lúc nghề bún nghề giấy thập thình giã. Điều ấy sau này còn lưu lại trong ca dao Hà Nội và trong Tức cảnh Hà Nội của Dương Khuê, bài thơ tương đồng thời khắc sáng tác: Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Tiếc đêm, chầy-cối mấp mé mở từ đầu cho ta một lớp nghĩa thầm kín về sex và ta hãy đọc tiếp bài thơ này.
Dịp trúc còn khoe tiết cứng
Rày liễu đã rủ tơ mềm
Lầu hồng có khách cầm xuân ở
Cầm ngọc tay ai dắng dõi thêm
.
Ở khổ tiếp này, trước hết Nguyễn Trãi tiếc mùa đi. Thành ngữ dân gian nói Xuân lan-Thu cúc-Hạ trúc-Đông tùng, còn liễu tự do hơn. Song liễu nhứ (bông liễu), liễu ti (tơ liễu hoặc tơ của bông một loại liễu) thường chỉ mùa Thu. Hạ qua Thu tới khiến người ta tiếc mùa. Song thật là đột ngột, trong nỗi tiếc của Cụ, hình ảnh đàn bà con gái lại xuất hiện mà xuất hiện với tư cách chiếm lĩnh khổ thơ. Trước Nguyễn Trãi những 8 thế kỉ, đời Đường, hai chữ hồng lâu (lầu hồng) đã chỉ chỗ ở của phụ nữ nhà đài các, quyền quý và dĩ nhiên là trang lệ. Cầm xuân cũng như khóa xuân (xuân tỏa) chỉ mĩ nhân bị hoặc tự giam mình gìn giữ trinh tiết hoặc chính chuyên (Một nền Đồng Tước khóa xuân hai kiều). Và chữ xuân nữa, ai cũng biết, trong cổ thi, với sự đa nghĩa của nó, dành một nghĩa trỏ tình yêu, tình dục. Trong Truyện Kiều trên dưới 10 lần xa gần được dùng với nghĩa này mà rõ nhất là câu thơ tả tâm trạng lãnh cảm của Kiều trong những cơn phải tiếp khách: Mặc người gió Sở mây Tần/Riêng mình mình có biết xuân là gì. Khách cầm xuân là người kìm xuân lại, là người ít giao thiệp, ít lộ diện. Nhưng xuân tình đâu dễ nén, thế là nó cứ dắng dõi theo tiếng đàn vang ngọc vang ngà óng ả. Những tín hiệu thơ ca nhấp nháy xuất hiện những thông tin về điều bất thường. Hai chữ cứng-mềm nhạy cảm trong nỗi tiếc trẻ của người già như một ẩn ức sâu xa. Và nó còn xuất hiện nữa trong bài thơ này. Tác giả viết tiếp:
Dắng dõi bên tai tiếng quản huyền
Lòng xuân nhẫn động ắt khôn gìn
Xuân xanh chưa dễ hai phen lại
Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.
Khổ này thì rõ ra là lão đại tiếc thiếu niên. Người già mà tiếc thời trẻ trai thì có có nhiều thứ để tiếc lắm. Nhưng tiếc gì mà hơi thơ lại có khách cầm xuân, có đàn bà con gái. Ở khổ thơ trước cầm ngọc dắng dõi là của một người, một giai nhân nhưng ở khổ này quản huyền dắng dõi lại là một chuyện khác. Trong cấu trúc cụm từ đồng đẳng của nó, quản huyền (đàn sáo) chỉ chuyện xướng ca, cuộc xướng ca có tính thù tạc, có tính văn nghệ. Ở đó văn nhân và ca kĩ, quan viên và cầm giả, tài tử và giai nhân giao tình. Quản huyền không phải là nhạc của nghi thức nghi lễ triều chính. Bạch Cư Dị khi tiễn xa nhau tiếc là Cử tửu dục ẩm vô quản huyền. Từ cầm ngọc (khổ trên) đến quản huyền (khổ dưới) là từ thực tại đến kí ức, là từ tuổi già quay về với thời trẻ. Và chính vì thế mà tác giả biết rằng với tiếng cầm ca đó, ai cũng vậy thôi, sẽ khiến lòng xuân nhẫn động khó mà kìm chế,gìn giữ. Chữ xuân lần này làm lộ ẩn ý của chữ xuân khổ trên. Bởi xuân bất tái lai mà với xuân thì tuổi già thấy cảnh lại thêm muôn phần tiếc nuối. Cái ý tiếc gì ở thời trẻ trai  ta lại càng rõ vì tác giả muốn để lộ trong khổ thơ sau.
Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành
Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình
Xuân xanh nỡ phụ cười đầu bạc
Đầu bạc xưa rày có thuở xanh.

Cái hẹn lành nào của thời trẻ trai mà tuổi ta đã lỡ thì, sái cảnh (lật) vậy? Không thể khác hơn, hẹn lành chính là hảo cầu trong Kinh Thi: Yểu điệu thục nữ/Quân tử hảo cầu. Hảo cầu là ước nguyện tốt lành chuyện tình duyên nam nữ. Ẩn ngữ tiếp theo về hoa hoa nguyệt nguyệt thì lộ hết cả ra sự luyến tiếc cái gì của tuổi già: cái chuyện hoa nguyệt ý mà. Đọc hai câu thơ của Nguyễn Trãi nhớ Đỗ Phủ biết dường nào:
Xuân thủy thuyền như thiên thượng tọa
Lão lai hoa tự vụ trung khan.

Ôi cái thời trẻ trai (xuân thủy) nhảy lên thuyền để đi xa thì sung sướng như cưỡi lên trời vậy; Thế mà giờ đây già đến (lão lai) nhìn vào hoa đẹp cũng bằng nhìn đám hơi mù mà thôi. Già vốn dĩ là vậy. Cho nên vô tình chuyện nguyệt hoa thì chẳng khá tiếc sao. Một chữ luống đọc lên mà ngẩn ngơ cả ruột, nghe nó nuối quá đi mất!. Nhưng đời là vậy, hỡi xuân xanh chớ cười thu héo, ta cũng đã có thời sung mãn tràn trề cùng hoa nguyệt quản huyền. Theo cái dòng đó, ông nhắn nhủ thêm:
Hỡi kẻ biên xanh chớ phụ người
Thức xuân kể được mấy phen tươi
Vì thu cho nhẫn đầu nên bạc
Chưa dễ ai đà ba bảy mươi.
Hình như hơi quá. Nhà thơ nghệ sĩ giật mình lắc nhà thơ sư phạm dậy. Vừa tâm tình vừa khuyên bảo lại như vừa mách nước: Đừng lo mà phụ người, xuân đi (!), nó chả được mấy  phen đâu, đời người mấy ai trăm tuổi, sang Thu là bạc tóc cả mà. Cái cụ Nguyễn Trãi sao mà hay thế, dễ thương thế. Y như các bậc thầy đáng kính của tôi vậy. Cụ nào già rồi, đại lão rồi cũng thỉnh thoảng nheo nheo mắt nói với bọn trẻ cái chuyện ấy, là cái chuyện xêch-xy ấy mà. Lại còn tủm tỉm cười nữa chứ. Các cụ đạt đạo rồi. Nhưng Ức Trai còn đạt đạo hơn vì Người dám viết ra và viết thật vi diệu. Đạo cao đức trọng, mũ cao áo dài là một chuyện còn con người mới là lắm chuyện. Đọc thơ cụ, ta càng thấy cụ người lắm, gần gụi như thầy ta ông ta vậy. Thế rồi cụ dạy ta tiếp:
Ba bảy mươi nào luống nhọc thân
Được thua đã biết sự phân vân
Chớ cười hiền trước rằng dại
Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân.

Bây giờ mới đến khổ tiếc ngày đây. Cầm đuốc chơi đêm là bỉnh chúc dạ du trong ngữ liệu truyền thống. Người xưa dạy đời người vốn ngắn, lo gì chuyện ngàn năm, chơi ngày chưa đủ tranh thủ chơi đêm, cầm đuốc mà chơi. Từ nguyên chú nghĩa bỉnh chúc dạ du thật trúng là: Cập thời hành lạc (kịp thời mà hành lạc). Cái chữ hành lạc thì xưa nay vẫn vậy thôi, đa nghĩa. Đặt trong hơi thơ từ đầu của Nguyễn Trãi thì ta thấy rõ nghĩa quá còn gì. Còn vui nhưng ngày vui ngắn chẳng tầy gang thì đốt đuốc lên vậy, kéo ngày sang đêm. Và Cụ tiếp tục nhấn mạnh cái khôn của người hiền thủa trước:
Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm
Những lệ xuân qua tuổi tác thêm
Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ
Một phen liễu rủ một phen mềm.

Người ta đốt đuốc mê mải chơi đêm vì người ta sợ thêm tuổi tác bỏ phí dần những vui thú rất trần gian, rất thực sinh. Sao mà chẳng thấy tơ liễu đã rủ rồi, thời gian không chờ đợi, và chầm chậm nhưng khắc nghiệt: Một phen liễu rủ một phen mềm. Ta lại gặp chữ mềm đa nghĩa. Cụ thật thâm trầm .
Giọng thơ đột ngột hướng nội, vừa nói với người tự nhiên ngưng lặng rồi nói với lòng mình. Có lẽ người già hay thế. Nhiều suy ngẫm. Câu thơ mềm đi như tơ liễu:.
Liễu mềm rủ nhặt đưa hương
Hứng bện lầu thơ khách ngại rằng
Thấy cảnh lòng thơ càng vấn vít
Một phen tiếc cảnh một phen thương.

Những phút giây rối lòng đáng ngạc nhiên của một thi nhân đã quá từng trải qua vô vàn những biến cố trọng đại của đất nước, của thế thái nhân tình và của cuộc đời mình. Khổ thơ tươi tắn và cẩm tú một cách khác thường, hiếm có trong thơ Nôm. Nhưng là gấm dệt chứ không phải gấm thêu vì những nét hoa văn nổi một cách tinh tế, thầm thì. Chữ nghĩa cả khổ liên quan gần xa với nghề dệt truyền thống: mềm (phẩm của tơ lụa), rủ (thao tác giũ tơ, giũ gấm), nhặt ( trạng thái mau thưa khi mắc cửi và trong tình thế đồng âm gắn với thao tác dệt), đưa (thoi qua lại), bện (thao tác xe sợi), rằng/rường/giằng/giường (trong tình thế đồng âm và ở các khả năng phiên khác nhau còn dùng để chỉ thoen ngang của khung cửi), vấn vít (vừa chỉ thao tác dệt vừa chỉ trạng thái đan xe sợi ở diềm tấm); các chữ trong các câu lặp lại trong tình thế len lỏi để nối kết ý thơ: liễu, rủ câu 1 nối kết với câu cuối khổ trên trong cách thơ liên hoàn, thơ trong câu 2 lặp lại thơ câu 3, cảnh trong câu 3 lặp lại cảnh câu 4 theo thế đan cài. Sự lặp lại là điều mà các nhà thơ câu nệ vào tính súc tích của thơ ca thường hay né tránh nhưng Nguyễn Trãi thì không né tránh. Ông tự do tự tại: lòng bối rối thì chữ cũng bối rối, lòng dệt đan thì chữ cũng dệt đan. Sự lặp chữ giữa các câu tựa hồ làm cái sợi dọc để nối kết các sợi ngang làm nên một khổ thơ vấn vít. Trong thơ ca, có những khổ như chạm trổ, như xướng ca, như vẽ vời, như thêu thùa… thì khổ thơ này của Ức Trai là gấm dệt.
Nhưng vấn đề là tại sao lòng của một thi nhân đã già dặn lại có lúc bối rối đến đa đoan như vậy?. Đó lại chính là:
Thương cảnh vì nhân cảnh hữu tình
Huống chi người lạ cảnh hòa thanh
Xuân ba tháng thời Thu ba tháng
Hoa nguyệt dun dùng mấy phát lành.
Chữ lạ trong thơ Nguyễn Trãi và thơ ca đương thời rất thường dùng với nghĩa, khác ngày nay, chỉ sự tươi đẹp về hình thức. Nó là kỳ chứ không là dị trong Hán tự (các cụ viết song ngữ mà). Còn hữu tình thì bao giờ cũng đa nghĩa. Hà cớ chi nàng Điểm Bích trong Thiền uyển tập anh khi đổ cho nhà sư Huyền Quang gạ gẫm cái chuyện ấy lại viết rất phúng dụ: Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ/Mầu thích ca nào thủa hữu tình. Cũng là lạ với hữu tình ấy cả thôi làm cho Nguyễn Trãi thật rối lòng. Lí do tiếc của Cụ là tiếc thời gian trôi đi, tiếc hoa nguyệt thưa thoảng: Xuân ba tháng thời thu ba tháng/Hoa nguyệt dun dùng mấy phát lành. Từ cổ, dun là đẩy đi, dùng là chùng lại. Với hoa chỉ Xuân, nguyệt chỉ Thu câu thơ Nguyễn Trãi muốn nói: thôi thì thời gian duỗi co dẩy đi chùng lại, sự hảo cầu còn mấy khoảnh khắc đâu, đằng này người đẹp thế, cảnh thanh thế…, khiến thi nhân bởi chưng thương mà tiếc. Và hoa nguyệt nữa, làm sao mà tránh được ý ngầm.
Mạch thơ thủ vĩ liên hoàn dứt, ta đột ngột gặp một tứ thơ lạ:
Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng
Ngoài ấy dù còn áo lẻ
Cả lòng mượn lấy đắp hơi cùng.

Có người từng hiểu khổ thơ này theo cái ý là tâm sự thầm kín của Nguyễn Trãi nhắn nhe vua khi bị thất sủng, ghẻ lạnh. Hiểu thế cũng được nhưng có liệu xa thơ không khi trên mặt bằng hiện hữu của câu chữ là chuyện duyên tình. Thiếu gì cách nhắn nhe mà lại mượn chuyện tình ái, mượn khách lầu hồng. Khổ thơ rõ là ướm chuyện tình ái và khí sỗ sàng. Tác giả biết vậy nên Cụ già đã tự nhận mình là loàn đan ngay từ đầu. Nguyễn Trãi mà cũng loàn đan nhỉ. Cái chuyện bén tiếng quen hơi khó nói thế mà Cụ cũng thơ được. Đây là một khổ thơ lạ trong toàn bộ thơ Nôm Nguyễn Trãi chứng tỏ Cụ rất đời, rất tình. Bởi vì, Cụ cho rằng cái sự tình là chuyện tự nhiên trong vận hành trời đất:
Ba Xuân thì được chín mươi ngày
Sinh vật lòng trời chẳng tây
Rỉ bảo đông phong hời hợt ít
Thế tình chứ tiếc dửng dưng thay.

Sinh (những loài sống), vật (những loài khác nữa) cũng đều hưởng xuân của đất trời không riêng gì ai, không riêng gì trẻ trung với già cả, trời không thiên vị bao giờ. Bởi vậy ngọn gió tình kia, ta nhắn khẽ là hời hợt nhau nó vừa vừa thôi, hãy mạnh dạn lên. Đông phong là gió mùa Xuân thổi từ phía đông đến, mang hơi ấm của sinh khí. Đông phong còn là gió tình trong thi liệu cổ truyền. Đỗ Mục đời Đường có câu thơ: Đông phong bất dữ Chu lang tiện/Đồng tước xuân thâm tỏa nhị kiều nghĩa là nếu ngọn gió đông không giúp sức cho Chu Du thì hai cô họ Kiều đã bị Tào Tháo nhốt kín vào đài Đồng Tước. Sau này các nhà thơ còn hiểu đông phong như là phương tiện tạo cơ hội ân ái nam nữ. Nguyễn Du để cho Thúy Kiều suy ngẫm về Kim Trọng khi mình gặp tai biến: Bước chân đến chốn lạc loài/Nhị đào thà bẻ cho người tình chung/Vì ai ngăn đón gió đông/Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi. Các bản dịch Pháp văn với cụm từ ngăn đón gió đông đều dịch barré chemin du bonhneur (ngăn cản con đường đến hạnh phúc) là vì thế. Chắc chắn Nguyễn Trãi cũng hiểu đông phong theo nghĩa trên nên Cụ mới rỉ bảo, nhắn khe khẽ thôi rằng hãy mạnh mẽ lên chứ kẻo rồi lại tiếc thay cho thế tình dửng dưng.
Lầu xanh từ thấy, khách thi nhân
Vì cảnh lòng người tiếc cảnh xuân
Mới trách thanh đồng tin diễn đến
Bởi chưng hệ chúa Đông quân
.
Lại lầu xanh, từ tít đời Đường, vốn đã dùng để chỉ chỗ kĩ nữ ở. Thi nhân và giai nhân. Câu thơ cần đọc theo lối đảo trang thường gặp: khách thi nhân từ khi gặp giai nhân mà vì cảnh lòng mà tiếc cảnh xuân. Tác giả trách sự trễ tràng của chuyện gặp gỡ bởi sự ràng buộc của chúa xuân. Dầu kín đáo ta cũng nhận ra được điều muốn ngỏ. Và hạnh phúc chan hòa sẽ tới:
Đâu đâu cũng chịu lệnh Đông quân
Nào chốn nào chẳng gió xuân
Huống lại vườn còn hoa trúc cũ
Trồi thức tốt lạ mười phân.
Hoa trúc trong vườn còn còn đâm chồi nẩy lộc huống chi là người.
Nguyễn Trãi cách chúng ta hơn 5 thế kỉ. Cụ sống một thời hậu chiến đầy những biến động phức tạp như tham nhũng công thần, tranh quyền đoạt vị, mưu mô hại người, mê tín thủ lợi, buôn thánh bán thần…thế mà tâm hồn không nhơ lầm bụi, vẫn thật tinh khôi. Là người đạt đạo, Cụ không ngần ngại chuyện sex như một niềm hạnh phúc nhân gian nhưng Cụ thể hiện nó thật kín đáo, nhuần nhị, lắng sâu với những khổ thơ hiện đại khiến chúng ta rung cảm. Đọc thơ Người, đôi khi thấy Thơ Mới hóa ra còn tầm thường, nhạt nhẽo biết mấy mươi!. Người đương thời ngợi ca Cụ:
Minh nguyệt thanh phong ngọc tự tiên
(Người là tiên ông trong lầu ngọc giữa trời gió mát trăng thanh).

 

Hà Nội 29/5/2009.
Bài viết công bố lần đầu trên Website của Khoa Văn học: http://khoavanhoc-ussh.edu.vn