Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẦU XUÂN, THĂM HUẾ

Chử Thu Hằng
Thứ hai ngày 28 tháng 2 năm 2011 6:05 AM
 
Tôi yêu đất Huế và con người Huế từ lâu. Những địa danh Kim Long, Vĩ Dạ, Đập Đá… những câu hò mái nhì… “Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông…” cứ thổn thức trong tôi một niềm quyến luyến. Trong tôi, Huế là những đền đài lộng lẫy, những lăng tẩm rêu phong u tịch trầm ngâm; là những mùa mưa đầm đìa trong thơ Nguyễn Bính; là không gian Huế đặc trưng trong những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn… Tôi cũng từng qua Huế nhiều lần, nhưng không ở lại đủ lâu để cảm nhận được nhiều về Huế. Đầu xuân này, ghé thăm Huế hai ngày, chúng tôi được nhà thơ Ngô Minh, một người đã dầm mình trong mưa Huế hơn ba chục năm nay để bây giờ trở thành một nhà “Huế học”, một “chuyên gia” về Phùng Quán, một người hiểu và yêu Huế hết mình… đưa đi thăm Cố đô và có những cuộc gặp mặt thú vị với một số danh nhân đất Huế.
 Thăm gia đình Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
 
Không khí Tết vẫn rộn ràng trong căn nhà của đôi vợ chồng nổi tiếng: Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Nằm trong ngõ nhỏ trên đường Phan Bội Châu, đây là một địa danh văn hóa đã từng đón tiếp rất nhiều bạn văn chương trong và ngoài nước. Tôi biết Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bệnh nặng hơn chục năm nay, lại nghe kể nhiều về cuộc sống của vợ chồng ông sau ngày ông ngã bệnh, tôi hình dung ông yếu lắm. Nhưng không, tôi rất ngạc nhiên thấy ông vẫn khỏe, dù ông phải ngồi xe lăn. Mắt ông rất tinh, viết không cần đeo kính. Ông rất quan tâm khi biết chúng tôi từ Hà Nội vào. Ông hỏi chuyện khá nhiều, tiếc rằng giọng ông hơi méo nên rất khó nghe. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn còn đẹp lắm, duyên dáng lắm, mạc bộ váy áo rất nhã, nền nã trong vai trò bà chủ nhà mến khách, mời chúng tôi cùng thưởng thức những món mứt cầu kì của xứ Huế. Ông cũng nâng li rượu chát mừng xuân cùng chúng tôi và kêu bà đưa sách ra để ông tự tay kí tặng. Lo ông mệt, tôi nói: “Anh chỉ cần kí tên thôi”. Nhà thơ Ngô Minh cười: yên tâm, anh ấy viết được, thậm chí còn viết dài. Ông hỏi kĩ họ tên chúng tôi để ghi vào sách tặng. Tôi ngắm nốt ruồi to nổi tiếng trên cằm ông, ngắm bàn tay ông run run cầm bút, ngắm dòng chữ xiêu vẹo của ông mà xúc động tận đáy lòng. Ngân lên trong tôi những dòng văn khảng khái, hào hoa, say đắm của ông. Cùng với những ca khúc của Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những tác phẩm của ông đã sống cùng với Huế, truyền tải cho chúng tôi và bao thế hệ mai sau tình yêu với mảnh đất Thần kinh này.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thong thả kể về cuộc sống của mình. Với sự giúp đỡ của một cô bé giúp việc, bà chăm sóc ông tỉ mỉ từng chút. Ông ăn được hai nửa chén cơm mỗi bữa, ông mới ngừng viết chừng hai tháng nay thôi. Trước đó, ông vẫn viết, chủ yếu là viết về chân dung văn học. Phòng ông ở trên gác, sau đi lại nâng đỡ khó khăn, bà mới chuyển ông xuống ở phòng tầng một, để ông còn được ngắm một góc ngõ, được hít thở mùi cỏ thơm xứ Huế mà ông đã đưa vào trang văn, được gặp bạn bè. Nắm tay tôi rất lâu, bà tha thiết nói về nỗi nhớ bạn bè Hà Nội. Hoàn cảnh ông như vậy, chắc bà khó có dịp ra thăm, nhưng tự đáy lòng, bà vẫn thầm mơ ước. Hơn chục năm thuốc thang nâng giấc ông, bà vẫn dịu dàng, nhẫn nại. Tình yêu của ông bà đã trở thành một huyền thoại trong giới văn chương. Nhiều bạn văn trong và ngoài nước vẫn hàng ngày gọi điện thăm hỏi, bạn văn xứ Huế qua lại thường xuyên, khiến ông bà rất ấm lòng. Hôm sau, khi chúng tôi sắp quay ra Bắc, bà lại gọi điện chia tay, rủ rỉ chuyện trò hơn nửa tiếng đồng hồ. Cảm động quá là tình người xứ Huế.