Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

AI ĐẦU ĐỘC DÒNG SÔNG MẸ ?

Thái Sinh
Thứ năm ngày 3 tháng 3 năm 2011 5:07 AM
Từ bao đời nay cha ông ta gọi sông Hồng là sông Mẹ, sông Cả hay sông Cái. Dòng sông đỏ nặng phù sa phát nguyên từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Qua triệu triệu năm dòng sông đã bồi đắp nên vùng châu thổ sông Hồng màu mỡ, tạo nên vùng văn minh lúa nước sông Hồng vô cùng đặc sắc. Nhưng có ai biết rằng dòng sông Mẹ hiện đang bị đầu độc. Ai là thủ phạm đầu độc dòng sông Mẹ? Ai?Ai? 
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nước đã chuyển màu
Sông Hồng có chiều dài 1.149 km, bắt nguồn từ vùng núi Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m. Sông Hồng đổ vào Việt Nam tại xã A Mú Sung huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi hợp lưu với dòng Lũng Pô trước khi chảy dọc biên giới Việt - Trung khoảng 80 km. Khi tới TP. Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam qua các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình trước khi đổ ra biển Đông với chiều dài hơn 510 km.
Với đặc điểm của dòng sông bốn mùa đỏ nặng phù sa, nên người ta gọi là sông Hồng. Chảy qua mỗi vùng đất dòng sông được người dân gọi với nhiều tên khác nhau gắn với những điển tích; Trung Quốc gọi là Hồng Hà hay Nguyên Giang, khi chảy vào Việt Nam qua Phú Thọ gọi là sông Thao, qua Hà Nội gọi là Nhị Hà, sử sách còn gọi là Phú Lương.
Một chuỗi thành phố, thị trấn đẹp như mơ xây dựng dọc hai bên dòng sông Hồng từ Lào Cai xuống tận Thái Bình. Dòng sông không chỉ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng mà còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều thành phố dọc hai bờ sông.
Sông Hồng là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thi nhân Việt Nam và thế giới, không sao kể xiết những câu thơ hay về sông Hồng: Sông Thao thêm một lần tôi tắm/ Thêm một lần tôi đến để rồi đi/ Gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng/Tôi nhìn em để không nói năng gì (Nguyễn Duy). có gió và sương cất lên tự sông Hồng/ Những tần tảo chở mùa màng vào phố (Nguyễn Hữu Quí). Tôi quên sao nước sông Hồng. Thêu sóng đỏ trên áo dài Hà Nội (Luđê-mít- Hy Lạp)…Dòng sông Hồng không chỉ là dòng sông của những mùa màng sinh sôi mà còn là dòng sông văn hóa đã chảy suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam, chứng kiến bao thăng trầm của dân tộc khổ đau nhưng vô cùng anh dũng, không hề khuất phục trước bất cứ một tên đế quốc hung bạo nào.
Mùa hạ dòng sông đỏ như màu gạch non, mùa thu sông đẹp tựa hoa đào, mùa xuân hồng nhạt đằm thắm như ráng chiều tà. Từ cuối thu cho đến tận đầu hạ, bất kể ai lên Lào Cai đứng trên cầu Cốc Lếu nhìn xuống dòng sông đều thấy dòng sông nửa đục nửa trong. Nửa trong là nước sông Nậm Thi chưa kịp hòa vào dòng sông Hồng, đã tạo cho ta một cảm giác bâng khuâng như nhớ về một miền đất nào xa lắm. 
Cái cảm giác bâng khuâng, mơ màng không còn nữa vào những đầu xuân này khi tôi đặt chân lên Lào Cai. Dòng sông Hồng không còn khoác lên mình cái màu áo truyền thống hồng hào, thay vào đó là màu nước lờ nhờ như mắt cá chết, trên mặt sông từng đám bọt trắng xóa nối đuôi nhau kéo thành vệt dài. Hai bên bờ có rất nhiều váng màu rỉ sắt, khi nước cạn đóng thành mảng, trên mặt nổi bột màu trắng, sần sùi chẳng khác gì những chiếc mụn vừa vỡ ra. Nhìn xuống đáy sông những vụng nước lặng thấy một lớp màu bột trắng đang ngưng lại, tụ thành vệt bám theo những đám rêu phất phơ dưới làn nước chảy. Đã hơn tháng nay rồi, nước sông Hồng bốc mùi tanh tưởi, thum thủm như khoai thối. Bà Nguyễn Thị Lan xã Vạn Hòa (TP.Lào Cai) trồng gần hai sào rau, mùa cạn gia đình bà phải bơm nước từ sông Hồng lên tưới cho rau, bà bảo: Chẳng hiểu vì sao năm nay nước sông Hồng lại nhớt và hôi như vậy, khi bơm nước lên nước sàu bọt trắng như như nước xà phòng. Chưa năm nào nước sông Hồng như vậy, nên gia đình tôi không dám lấy nước sông tưới cho rau nữa…
Đi dọc bờ sông Hồng đoạn chảy qua TP.Lào Cai mùi hôi thối và tanh tưởi bốc lên dữ dội, buổi sáng ra công viên Thủy Hoa phía trên cầu Cốc Lếu mùi hôi thối càng nặng hơn. Mới đầu tôi nghĩ mùi hôi thối do nước thải của mấy vạn người của TP. Lào Cai và thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) đổ ra sông Hồng vào mùa cạn, khiến cho dòng sông bị ô nhiễm? Chị Lý Thị Khin, người dân xã Quang Kim (Bát Xát) đang cắt cỏ cho trâu sau đó bó lại chở bằng xe máy bảo tôi: Nước sông Hồng chảy qua xã Quang Kim cũng hôi thối, nhưng ở đây thì thối quá…Nói rồi chỉ xuống dòng sông: Nước sông Hồng có năm nào như thế này đâu, năm nay nước thối đen cắt cỏ bên sông cũng chẳng chịu được…
 
Dòng sông Hồng chảy qua TP.Lào Cai lờ nhờ như mắt cá chết
Suốt chặng đường dọc bờ sông Hồng từ TP.Lào Cai lên Trịnh Tường, Lũng Pô dài mấy chục cây số, nơi nào đường chạy giáp dòng sông tôi đều ngó xuống, màu nước lờ nhờ chẳng khác màu nước chảy qua TP.Lào Cai. Còn mùi hôi thì chỗ nặng chỗ nhẹ tùy theo luồng gió thổi. Qua Trịnh Tường tôi tạt xuống bờ sông, tình cờ gặp hai người dân đang thu lưới đánh cá trên chiếc thuyền tôn mỏng mảnh. Tôi hỏi: Các bác đánh cá đêm qua có được nhiều không, bán cho mấy cân về nấu canh chua…Một người quay lưng lại phía tôi gỡ lưới vứt lên thuyền giọng lầu bầu: Nước ô nhiễm, hôi thối như thế này cá nào sống được. Đi cả đêm chả được mống nào, kéo lên chỉ được toàn bã sắn thôi…Nói rồi anh ta đẩy thuyền xuôi tấp vào bụi cây ngả lòa xòa trên mặt nước phía xa xa là bãi chuối.
 
Những váng vàng đóng từng mảng dọc bờ sông Hồng, ngấm xuống lớp đất sâu đen thẫm

Làm việc với bà Nông Bích Thủy-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Lào Cai, bà đưa cho tôi Bảng thống kê kết quả quan trắc môi trường nước sông Hồng do Trạm Thủy văn Lào Cai đo năm 2010-2011. Ngày 15/2/2010 độ PH là 7,6 nước không có mùi, ngày 15/2/2011 cũng ở vị trí đó mức độ PH đo được là 8,0 xuất hiện mùi tanh yếu. Sau khi phân tích kết quả mẫu nước mấy ngày qua bà Thủy cho biết: Độ PH từ 7-8 trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, kết quả phân tích nước sông Hồng trong mấy ngày qua chúng tôi thấy hàm lượng chất hữu cơ trong nước có chiều hướng gia tăng, mặc dù phía thượng nguồn sông Hồng phía Việt Nam không có nhà máy chế biến thực phẩm nào, còn nhà máy tuyển quặng Sinh Quyền thì sử dụng hồ thải tuần hoàn, đến nay chưa có nước thải ra sông…
Ông Lưu Đức Cường- PGĐ Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Lào Cai cho biết thêm: Hôm qua (22/2/2011) chúng tôi đã tổ chức lấy 2 mẫu nước khu vực A Mú Sung, nơi dòng sông Hồng đổ vào Việt Nam. Quan sát bằng mắt thường thấy các hiện tượng mặt sông nổi bọt trắng, nước có mùi tanh hôi, các váng vàng đọng lại bờ sông giống như khu vực dưới chân cầu Cốc Lếu. Theo người dân ở đây phản ánh: Cách Lũng Pô khoảng 20 cây số phía Trung Quốc có một nhà máy sắn. Họ có xả nước thải ra sông hay không chúng tôi chưa khẳng định. Hiện Trung tâm đang tiến hành phân tích các mẫu nước, 5 ngày nữa mới có kết quả...
 Dòng sông Hồng không bỗng nhiên bốc mùi tanh hôi và đang trở thành dòng sông chết, một câu hỏi đặt ra: Ai đã đầu độc dòng sông? Câu hỏi ấy cần được các cơ quan chức năng sớm trả lời để cứu lấy dòng sông Mẹ…