Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỘI THỀ, MỘT TÁC PHẨM THIẾU TÍNH CHÂN THỰC LỊCH SỬ

Hà Văn Thùy
Thứ năm ngày 3 tháng 3 năm 2011 7:37 AM
 
Tiểu thuyết lịch sử là dòng lớn trong văn chương nhân loại. Trải hàng nghìn năm thực tiễn của dòng văn chương này, người ta rút ra tiêu chuẩn vàng để định giá một tiểu thuyết lịch sử, đó là tính chân thực lịch sử. Không phải sách sử nhưng tiểu thuyết lịch sử thể hiện tinh thần, hồn vía của sự kiện cùng nhân vật lịch sử. Chính vì vậy, có những cuốn tiểu thuyết đạt tới sự chân thực lịch sử hơn bất cứ sách sử nào.
Đem chuẩn mực kinh điển này soi vào Hội thề, ta thấy rất rõ tác phẩm này thiếu tính chân thực lịch sử ở ba phương diện.
Thứ nhất: phản ánh không chân thực tinh thần của một thời đại lịch sử.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và triều Hậu Lê là một trong những thời đại vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam. Sau muời năm bị dồn tới đáy của cuộc xâm lăng tàn độc nhất trong lịch sử, dưới ngọn cờ của những anh hùng áo vải, toàn dân Việt đã vùng lên trong cuộc giải phóng với chiến công vĩ đại và mở đầu một văn nghiệp vĩ đại. Hội thề Thăng Long cùng với Bình Ngô đại cáo là biểu trưng sáng ngời của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Đấy phải là hồn là vía của bất cứ tiểu thuyết nào viết về thời kỳ này.
Không phản ánh được tinh thần đó, rõ ràng Hội thề đã không đạt tới sự chân thực lịch sử.
Thứ hai: phản ánh không chân thực nhân vật lịch sử.
Để tránh sơ lược, công thức, tác giả có thể mô tả Thôi Tụ, Hoàng Phúc như trong sách. Nhưng trước hết, ông phải mô tả những nhân vật này là biểu trưng của sự cực tàn, cực ác của cuộc xâm lăng do Minh Thành tổ phát động. Không một dòng nói về sự tàn ác của những nhân vật này, trong khi nắn nót tô điểm vẻ hào hoa phong nhã của chúng, là sự xuyên tạc lịch sử.
Cũng có thể viết về Lê Lợi, Lưu Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Sát… như trong sách nhưng trước hết phải mô tả những vị này là anh hùng cái thế, những người từ bần cùng vùng lên đấu tranh giải phóng mình và giải phóng đất nuớc. Qua mười năm gian khó, họ bộc lộ tài năng kiệt xuất cùng khí phách anh hùng mà nếu những yếu tố này không có thì cũng không có công cuộc giải phóng. Không nêu được phẩm chất cao thượng của họ mà chỉ mô tả họ là những con người hẹp hòi, tham lam, thô tục là xuyên tạc lịch sử, là vi phạm nguyên lý mỹ học khi viết tiểu thuyết lịch sử.
Thứ ba: không phản ánh trung thực tâm thức của thời đại lịch sử.
Có thể như cách hiểu của tác giả, cái chết của bà phi Ngọc Trần là hậu quả của âm mưu tranh quyền đoạt vị. Nhưng cái mưu toan này được đan xen, cài đặt tinh vi trong tâm thức Việt thế kỷ XV có đời sống tâm linh mạnh. Tục hiến sinh vẫn còn. Vua nhà Trần hơn một lần phải “gả” vợ cho Hà Bá. Chính Lê Lợi tận dụng tâm thức này đã cho người dùng mỡ viết “Nguyễn Trãi vi quân, Lê Lợi vi thần” lên lá cây nhằm quy tụ nhân tâm. Và đến lượt, có thể có người lợi dụng nó thúc ép Lê Lợi hy sinh người vợ yêu của mình. Nhưng trên đại cuộc, sự việc được bọc trong hào quang hy sinh vì nghĩa lớn. Vì vậy, cái ngôi vị chỉ còn là hệ quả thứ yếu! Do không thấy được tâm thức này mà chỉ nhất nhất cho là mưu toan tranh ngôi giành vị, tác giả hạ thấp ý nghĩa mỹ học của sự hy sinh của bà Ngọc Trần và của chính Lê Lợi.
Cái tâm thức kình chống, coi khinh trí thức của nghĩa quân Lam Sơn trong truyện cũng không thực. Ở triều Trần và tiếp đó, Hậu Lê, Nho giáo Việt Nam cực thịnh. Chỉ ít năm sau Hội thề, vua Thái tông đã tổ chức khoa thi và lập bia Tiến sĩ rồi vua Thánh tông xây dựng văn nghiệp huy hoàng chưa từng có. Nền tảng của nho giáo là kẻ sĩ. Vì vậy, thái độ kỳ thị, khinh khi trí thức như mô tả trong Hội thề hoàn toàn là bịa đặt, không chỉ không có trong khởi nghĩa Lam Sơn mà cũng không hề có trong lịch sử Việt. Nhà Mạc, họ Nguyễn, họ Trịnh cầu Trạng Trình, Quang Trung cầu La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp nói lên vai trò kẻ sĩ trong lịch sử Việt.
Áp đặt tâm thức hiện đại cho tiểu thuyết lịch sử là vi phạm nguyên lý mỹ học sơ đẳng của sáng tạo văn chương.
Chính do đạt tới sự chân thực lịch sử, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh trở thành cuốn tiểu thuyết lịch sử sáng giá nhất của văn chương Việt Nam đương đại.
Điều không thể hiểu là vì sao Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cao cho cuốn sách này?
H.V.T.
Sài Gòn, 28 tháng Hai, 2011.
Được đăng bởi Phạm Viết Đào-Nhà văn vào lúc 14:26