Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GÓP THÊM Ý KIẾN VỚI HỘI THỀ

Nguyễn Huy Canh
Thứ năm ngày 3 tháng 3 năm 2011 7:35 AM
 
      Đã có nhiều ý kiến xung quanh “Hội thề”. Đặc biệt trong đó có cả những quy kết nặng nề. Tôi cho rằng cuộc tranh luận trên diễn đàn mạng có thể là kéo dài như không có hồi kết, nếu chúng ta không thử nhìn lại HỆ QUI CHIẾU phê phán.
       “Hội thề” đã có thể không hoàn toàn thuộc vào phạm trù tiểu thuyết lịch sử và lý thuyết phản ánh. Bởi vì theo hệ qui chiếu này các sự kiện lịch sử và nhân vật trong tác phẩm phải có sự tương thích, tương ứng, phù hợp(nhiều hoặc ít) với các sự kiện ngoài thực tại sau khi đã có sự tham gia của thủ pháp hư cấu nghệ thuật. Sự tương thích là một tiêu chuẩn bắt buộc của nhà văn cũng như của sự phê phán. Nhưng “Hội thề” đã có thể ra ngoài hệ qui chiếu đó. Có thể với chúng ta nó là một khám phá, một khuynh hướng nghệ thuật mới.
          Con người, các sự kiện lịch sử và nói rộng ra là sự vật,Tồn tại đối với tác giả chỉ còn là nguyên cớ để trên đó là sự sáng tạo của dòng chảy ý thức của tính chủ quan. Nguyễn Quang Thân đã đem ý nghĩa mới vào cho đối tượng thông qua sự hiểu biết, cái đã nếm trải của mình. Đối tượng được tạo ra bởi ý thức phải được xem là cái đích thực với chúng ta. Con người, lịch sử chỉ còn là cái vỏ trống rỗng(nội dung của nó được đem lại bởi tâm thế tự nhiên đều đã bị bỏ vào trong dấu ngoặc) không có ý nghĩa và giá trị đối với tác phẩm. Trong trường hợp này quan điểm về tính chủ quan của chủ thể siêu nghiệm của E.Husserl xem ra đã có phần đúng. Vì vậy, theo tôi HỆ QUI CHIẾU PHẢN ÁNH đã không còn đủ tác dụng khi chúng ta dựa hẳn vào nó để phê phán tác giả. Cuộc phê phán này có thể là sự biểu diễn những bất đồng lớn giữa hai hệ ngôn ngữ.
             Phạm viết Đào khi đọc “Hội thề” vẫn còn bị đè nặng bởi hệ qui chiếu đó, nhưng ông đã sớm cảm nhận chính xác thông điệp về cái bi kịch của giới trí thức trong mối quan hệ với những người nông dân khi nắm được quyền lực. Có lẽ đây là điều Nguyễn Quang Thân muốn nhắn gửi cho lịch sử đương thời chăng?
              Thông điệp “tứ hải giai huynh”-mối quan hệ của chúng ta với nền văn hoá phương Bắc-có lẽ còn nhiều trắc ẩn sâu kín nơi tác giả. Vậy nên chúng ta đừng vội áp đặt những lời lẽ như “thiếu tư liệu,…lười suy nghĩ”với những giả định hời hợt như của Vũ Ngọc Tiến đưa ra.
                Tôi nghĩ rằng thế giới đương đại đang vận động theo hướng cởi mở, bao dung chấp nhận sự tồn tại của những xu hướng, những tư tưởng, những dự án khác biệt. Tất cả đều nhằm nâng đỡ con người, tìm kiếm tính hiệu quả cho đời sống. Do đó nó đều có một giá trị, một vị trí cần phải được tôn trọng trong thế giới này.
                      Theo hướng tiếp cận trên sẽ là không có vấn đề “bốc đồng”, xuyên tạc, hạ bệ, hay phản lịch sử như một số ý kiến gần đây. Sự ăn sâu của hệ qui chiếu cũ đã vô tình tạo ra một tâm lý, một quán tính cai trị ,thống trị trong bản thân lí thuyết ấy. Đó là điều nên cần gạt bỏ.