Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÁI HIỆN LỊCH SỬ PHẢI KHOA HỌC !

Trần Hữu Thanh
Thứ năm ngày 3 tháng 3 năm 2011 7:33 AM

Cuốn tiểu thuyết "Hội thề" của nhà văn Nguyễn Quang Thân hiện đang nhận được nhiều phản hồi từ công luận.
 
Hiện trên một số trang web, dư luận đang bàn luận nhiều xung quanh việc cuốn tiểu thuyết "Hội thề" (Giải A cuộc thi tiểu thuyết 2006-2010 của Hội Nhà văn Việt Nam) của nhà văn Nguyễn Quang Thân - ngoài những điều bất ổn trong cách nhìn nhận đối với một số nhân vật nổi danh trong quá khứ, đã mắc một số sai sót về kiến thức lịch sử, dẫn tới sự thắc mắc của bạn đọc về tính khoa học của tác phẩm...
Một nhà thơ đã đưa dẫn chứng và phân tích: "Ở trang 324, tác giả tả cảnh người dân Thăng Long ăn mừng đại thắng quân Minh dưới Khuê Văn Các. Thưa rằng, Khuê Văn Các do Tổng đốc Bắc Hà Nguyễn Văn Thành xây từ năm 1802, tức là tác giả đã bịa ra Khuê Văn Các trước khi nó được xây dựng tới 375 năm".
Ai cũng biết, tiểu thuyết lịch sử là một thể loại khó, đòi hỏi tác giả không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà lịch sử. Tất nhiên, nó có chỗ cho quyền nhà văn được hư cấu, song về cơ bản, nó phải tuân thủ nghiêm ngặt những nét cơ bản mà lịch sử đã ghi nhận. Ví như, những sự kiện lớn xảy ra, những mốc thời gian, những khoảng không gian…hoạt động của nhân vật đã được mặc định bởi sử sách. Không thể dễ dãi cho rằng nhà văn có quyền hư cấu để thay đổi một cách bừa bãi, tùy tiện, gây phản cảm với người đọc. Về việc này, xin kể lại đây chuyện nhà văn Nguyễn Công Hoan góp ý với nhà văn Tô Hoài nhân việc ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết "Đảo hoang" (mà nhân vật chính là An Tiêm) để thấy các nhà văn bậc thầy nghiêm ngặt với vấn đề này ra sao.
Trong tiểu thuyết "Đảo hoang", Tô Hoài dùng chữ "tứ chiếng" trong ngôn ngữ giao tiếp của nhân vật. Nguyễn Công Hoan góp ý: "Tác giả nói tiếng này thì được. An Tiêm nói không được. Vì tiếng này mới có từ thời Lý". Ở một trang khác, Tô Hoài cho nhân vật của mình thốt lên câu: "Chủ tướng khỏi lo". Nguyễn Công Hoan phê phán: "Câu này giọng Sè Goòng, không hợp". Tất cả những góp ý nói trên, sau đều được Tô Hoài chỉnh sửa.
Việc Nguyễn Công Hoan góp ý với Tô Hoài khiến tôi nhớ tới việc Vũ Ngọc Phan góp ý với Nguyễn Trọng Thuật khi ông nhà văn này, trong tác phẩm "Quả dưa đỏ" (cũng viết về An Tiêm) đã có những sai sót ngớ ngẩn về lịch sử. Nguyễn Trọng Thuật cho An Tiêm ngâm mấy câu thơ lục bát và giải thích rằng hai câu đầu là dịch từ thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai câu cuối là dịch từ thơ của cụ Phạm Sư Mạnh. Căn cứ vào vốn liếng kiến thức lịch sử mà mình có được, Vũ Ngọc Phan buông lời bình luận: "Phạm Sư Mạnh là học trò Chu Văn An, và Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải những người sống về đời Vua Lạc Long Quân hay vua Hùng Vương. Như vậy anh chàng An Tiêm sống vào quãng ba trăm năm trước Tây lịch kỷ nguyên có làm thế nào lại làm thơ và lấy ý được của hai vị danh nho sống vào thế kỷ XIV và thế kỷ XVI, nghĩa là sau chàng ta hàng 1.700 năm và 1.900 năm?".
Bác Hồ từng viết "Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên". Hiện nay, trong chúng ta, dù ai đó có là nhà văn lão thành đến đâu chăng nữa, thì so với ông Bành Tổ, cũng như so với nhiều nhân vật của thời quá khứ xưa xa, cũng vẫn chỉ là trẻ con. Nghĩa là, để viết đúng, viết đủ, viết hay về họ là rất khó. Vẫn biết, lỗ hổng về kiến thức thì chẳng bao giờ có thể lấp đầy, cái chính là chúng ta phải xây dựng cho mình một cung cách làm việc nghiêm cẩn.
Thú thực, cách đây ít lâu, đọc một cuốn sách về vụ án Lệ Chi viên, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một vị tiến sĩ - tác giả của cuốn sách đã có những lời bình luận hết sức bất cẩn. Chuyện xảy ra tới gần 570 năm, vậy mà vị kể và bình luận một cách quá ư thoải mái, như thể "đi guốc vào bụng" nhân vật vậy. Thậm chí, có những tình huống chỉ người trong cuộc biết với nhau, trong khi một người thì bị đột tử, người thì kêu oan và rồi bị hành quyết, vậy mà tác giả cứ làm như mình là con muỗi ẩn mình trong tấm màn the đêm ấy để thấy được hết mọi sự. Cách kể chuyện "tự tin" như vậy trước những vấn đề nghiêm trọng của lịch sử quả là đáng… sợ
Trần Hữu Thanh
Báo “ VĂN HÓA VĂN NGHỆ CÔNG AN”
http://vnca.cand.com.vn/vi-VN/lyluan/2011/2/55775.cand