Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ẤN TƯỢNG BERLIN

Luật sư Nguyễn Minh Tâm
Thứ sáu ngày 7 tháng 1 năm 2011 7:52 AM

 
 Được sự tài trợ của Quỹ hợp tác phát triển quốc tế IRZ, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác  ba năm thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, một đoàn đại biểu của Liên đoàn luật sư Việt nam do luật sư Nguyễn Văn Thảo, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn dẫn đầu sang thăm và làm việc với các cơ quan hữu quan Đức tại thủ đô Berlin về chủ đề “Vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra ban đầu của cơ quan công tố” từ ngày 11 đến 18/12/2010.
 Xin trích giới thiệu bài viết của luật sư Nguyễn Minh Tâm, thành viên trong đoàn về chuyến đi này.
      *
 ẤM LÒNG TRONG TUYẾT LẠNH
Tôi đã nghiên cứu hệ thống pháp luật CHLB Đức, trong đó có pháp luật liên quan đến hành nghề luật sư, nhưng đó mới chỉ là trên giấy trắng mực đen. Còn bây giờ, trước mặt chúng tôi  là các đồng nghiệp Đức ở Bộ Tư pháp đang nói với chúng tôi về pháp luật của họ. Tiếp chúng tôi là ông Josef Brink, vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp cùng hai cộng sự là ông Michael Newhaus, công tố viên và bà Gitta Kuhlmann, cán bộ của vụ. Ông Josef Brink với vẻ mặt vui vẻ, nụ cười tươi tắn, mở đầu cuộc gặp gỡ bằng cái giọng nhỏ nhẹ mà trầm ấm :
- Xin chào các ngài ! Các ngài đến với chúng tôi là đến với một trong những bộ quan trọng nhất của nhà nước Đức, được thành lập từ năm 1957, một Bộ mà mục tiêu cao quý, đồng thời là trách nhiệm nặng nề của nó là quan tâm sâu sắc đến quyền của con người. Chúng tôi có chức năng thẩm định tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của luật sư, mở rộng ra là đến với người dân. Ở nước chúng tôi, luật sư có một vị trí rất quan trọng, địa vị của họ ngang bằng với các cơ quan tố tụng khác. Tiếng nói của họ luôn được lắng nghe và phải được lắng nghe. Mỗi khi có việc sửa đổi, ban hành một bộ luật có liên quan đến nghề nghiệp của họ, chúng tôi đều mời đại diện của giới luật sư có ý kiến để xem luật pháp này có giúp cho họ bảo vệ được quyền lợi của dân chúng không. Ở nước Đức, luật sư đứng về phía người dân, họ độc lập (nhưng không đối lập) với quyền lực nhà nước, họ hành động theo lương tâm, trách nhiệm và ý thức tuân thủ luật pháp nên chúng tôi tin họ, các cơ quan tố tụng như công tố, tòa án cũng tin tưởng và tôn trọng họ. Còn bây giờ, tôi xin nhường lời cho ông Michael Newhaus sẽ trình bày với các ngài về hoạt động của luật sư ở CHLB Đức để làm rõ thêm những điều tôi nói.
Trong báo cáo của mình, ông Michael Newhaus cho biết những điều kiện trở thành luật sư ở Đức, về việc luật sư bắt đầu tham gia tố tụng trong vụ án hình sự khi được thân chủ mời hoặc theo chỉ định của Tòa án; về trách nhiệm và quyền hạn của luật sư… Thì ra, khi tham gia tố tụng ở Đức, luật sư không cần phải “xin” cấp giấy chứng nhận bào chữa, luật sư được quyền tiếp xúc riêng tư với thân chủ trong trại tạm giam mà không có bất kỳ một cản trở, giám sát nào từ phía các nhân viên tố tụng; thời gian tiếp xúc của luật sư với thân chủ là không bị hạn chế, tất nhiên ngoại trừ các vụ án xâm hại đến an ninh quốc gia…
Ở Đức không có chủ thể điều tra riêng như ở  Việt Nam mà do Viện công tố thực hiện cho đến khi ra cáo trạng truy tố bị can trước tòa án. Việc ra lệnh bắt giam người là thuộc thẩm quyền của tòa án, chỉ tòa án mới có quyền này. Khi nhận cáo trạng và hồ sơ từ Viện công tố chuyển sang, thẩm phán nghiên cứu hồ sơ và ấn định ngày mở phiên tòa chính, nếu việc lấy bằng chứng tại phiên tòa cho thấy có căn cứ xác định bị can không phạm tội thì tòa án tuyên bố họ không phạm tội, không có việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, bởi lý do là tòa án không bao giờ định hướng điều tra cho cơ quan công tố. Việc phán quyết bị cáo có tội hay vô tội hoàn toàn phụ thuộc vào việc lấy bằng chứng công khai tại phiên tòa…
Chúng tôi có đưa ra nhiều câu hỏi để ông Michael Newhaus làm rõ hơn khi so sánh với pháp luật thực định của nước mình. Thì ra, ngoại trừ một số khác biệt về quyền của luật sư trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng thì nhìn chung, giữa pháp luật tố tụng hình sự Đức  và Việt Nam có những điểm giống nhau. Tuy nhiên, trong những điểm giống nhau ấy lại có sự khác biệt là : Ở Việt Nam, giữa pháp luật thực định với thực tế thi hành luật pháp vẫn còn một khoảng cách khá xa. Khoảng cách ấy là do môi trường pháp lý của chúng ta, vị trí và vai trò của luật sư chưa thực sự được tôn trọng trên thực tế, vẫn còn nhiều cản ngại “vô hình” từ phía các cơ quan và những người tiến hành tố tụng đối với việc hành nghề luật sư. Điều này có những nguyên nhân khách quan và chủ quan, không thể thay đổi một sớm một chiều. Cũng đúng thôi, luật tố tụng hình sự Việt Nam mới bắt đầu có hiệu lực từ năm 1988 trong khi ở Đức đã có từ năm 1877, nghĩa là họ đi trước chúng ta hơn một trăm năm…
Chúng tôi cứ trăn trở một điều : Ở nước ta đang thảo luận sửa đổi Bộ luật TTHS. Làm thế nào để giới luật sư Việt Nam có một môi trường pháp lý thực định và thực tế hành nghề như các đồng nghiệp của chúng tôi ở CHLB Đức ? Đó là câu hỏi lớn cứ xoáy vào tâm can chúng tôi khi lững thững đi bộ từ trụ sở Bộ Tư pháp Đức về khách sạn NH Berlin Mitte tọa lạc tại số 106-111 trên phố Leipziger trung tâm thủ đô Berlin.
Berlin giờ này tuyết đang rơi trắng xóa một màu lạnh buốt. Những bông tuyết giữa mùa Giáng sinh bay lả tả đậu trên đầu, trên áo chúng tôi nửa như chào mừng khách, nửa như xoa dịu những trăn trở đang nóng lên trong tâm can chúng tôi về trách nhiệm của mình sau chuyến đi này. Nhìn những người Đức đang hối hả đi bộ giữa tuyết lạnh với nét mặt vui tươi, tự nhiên lòng tôi trào lên một niềm thương cảm và yêu đất nước mình đến nhường nào !
BỨC TRANH VỚI GAM MÀU SÁNG
Từ một phiên xử…
Theo chương trình, chúng tôi được đến thăm và tham dự một phiên tòa hình sự ở Tòa án sơ thẩm tiểu bang Berlin. Đón chúng tôi là một vị nam thẩm phán khoảng 50 tuổi và bà Eva Fettweis, công tố viên. Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng về quy mô và vẻ cổ kính của tòa nhà trụ sở tòa án. Bà Eva cho biết, tòa nhà này được xây dựng từ năm 1906, có khoảng hai ngàn nhân viên làm việc, trong đó có hơn hai trăm thẩm phán. Đây là nơi làm việc của tòa sơ thẩm và tòa án tiểu bang Berlin. Dẫn chúng tôi đi theo các dãy hành lang dài, sâu hun hút, qua các cửa phòng xử đóng kín được đánh số thứ tự, lên cầu thang rồi cứ thế đi để đến một phòng xử án đã định trước theo lịch trình. Khoảng 9 giờ sáng, vị nữ thẩm phán chủ tọa phiên xử ra thông báo cho chúng tôi biết và lấy làm tiếc rằng, phiên tòa hôm nay bị hoãn vì lý do bị cáo vừa fax đến tòa báo tin bị bệnh, không đến tham gia tố tụng được. Vị nữ công tố lại dẫn chúng tôi đi tìm một phiên tòa khác và đưa chúng tôi vào một phòng xử trên lầu một.
Do tính chất ít nghiêm trọng của vụ án nên Hội đồng xét xử phiên tòa chỉ có một  mình thẩm phán Richter Herbst mà không có hội thẩm, ngồi ghế công tố là một vị nữ công tố viên còn trẻ, dáng người mảnh mai, một thư ký làm nhiệm vụ ghi chép và phục vụ các yêu cầu của thẩm phán trong phiên xử.
Bị cáo là một người đàn ông ngồi bình yên trên một chiếc ghế dựa chờ đợi. Chúng tôi thấy không có vành móng ngựa dành cho bị cáo. Thủ tục phiên tòa cũng qua các giai đoạn tố tụng như một phiên xử hình sự ở nước ta. Cấu trúc vị trí ngồi của thẩm phán, công tố, thư ký, luật sư cũng giống như ở tòa án Việt Nam, không có gì khác biệt. Trong số các nhân chứng, có một vị cảnh sát được triệu tập đến tòa để lấy bằng chứng. Bị cáo bị truy tố về tội trộm cắp tài sản với nội dung đơn giản là anh ta bị bắt quả tang vì câu cá mà không có giấy phép. Suốt phiên xử, không thấy bị cáo đứng lên, chỉ ngồi trên ghế và từ tốn trả lời các câu hỏi của vị thẩm phán. Điều lạ là khi bắt đầu “lấy bằng chứng” (tức là  “xét hỏi” bị cáo như cách ta thường thấy ở phiên tòa Việt Nam), thẩm phán lại không hỏi thẳng vào hành vi phạm tội mà bắt đầu bằng những câu hỏi về công việc làm, thu nhập, các khoản chi phí tiền thuê nhà, trợ cấp nuôi con khi ly dị vợ… Chúng tôi hiểu là, vị thẩm phán đang kiểm tra về hoàn cảnh gia đình của người phạm tội trước khi đi vào nội dung vụ án. Anh ta tự giác khai báo hết việc phạm tội của mình. Tòa mời các nhân chứng vào và thông báo cho họ biết, vì bị cáo đã khai nhận rõ ràng hành vi phạm tội nên tòa thấy không cần thiết phải lấy bằng chứng từ họ và tỏ lời cảm ơn. Sau khi tuyên bố tạm nghỉ để nghị án, khoảng hơn 10 phút sau, thẩm phán Richter Herbst bước vào phòng xử và bắt đầu tuyên án bằng miệng mà không có bản án nào cả.
Tòa kết án phạt tiền bị cáo với mức phạt 20 đơn vị, mỗi đơn vị tương đương 20 euro và cho trả chậm vào trước ngày 15 hàng tháng. Nếu bị cáo không có tiền nộp phạt thì có thể đến liên hệ một cơ quan xã hội để lao động công ích trả tiền dần, còn nếu không chịu lao động công ích thì cứ một đơn vị phạt tiền tương ứng một ngày tù giam. Bị cáo có quyền được lựa chọn phương thức thi hành án.
Tuyên án xong, vị thẩm phán nhẹ nhàng nói :
- Bây giờ tòa giải thích lý do vì sao tòa lại tuyên án như vậy. Khi nghị án, tòa thấy anh có những điểm lợi. Thứ nhất, do anh đã khai báo thành khẩn trước tòa, nên đã giúp cho tòa không phải mất thời gian, công sức, chi phí mở thủ tục “lấy bằng chứng” chống lại anh; Thứ hai, vì anh đã tự giác nộp lại chiếc cần câu cá đã giúp cho tòa không phải ra quyết định tịch thu phương tiện phạm tội. Nhưng anh có những điểm bất lợi là đã có tiền án… Tòa tuyên án và giải thích như vậy, anh có thấy thỏa đáng không ?
- Dạ, thưa tòa, tôi hài lòng ạ.
- Tốt, tòa chúc anh có một ngày tốt đẹp !
- Xin cảm ơn quý tòa !
Thẩm phán tuyên bố kết thúc phiên xử để bắt đầu một phiên xử khác.
Tất nhiên, đây chỉ là một phiên xử nhanh chóng một vụ án đơn giản. Nhưng điều khiến chúng tôi suy nghĩ là tính chất nhân văn toát ra từ vị thẩm phán trẻ có khuôn mặt điển trai, trắng trẻo, ánh mắt thân ái hiện rõ sau cặp kính trắng lấp lóa. Hình như ông không phải xét xử mà muốn làm một việc giáo dục người phạm tội bằng pháp luật và bằng cả tấm lòng của mình. Rất tiếc là khi vào cửa trụ sở tòa án, chúng tôi phải qua thủ tục kiểm tra an ninh và được nhắc nhở rằng không được quay phim, chụp hình các phiên xử. Vì vậy, chúng tôi không có một tấm hình nào ghi lại hình ảnh vị thẩm phán để kèm theo bài viết này. Nhưng dẫu thế, đến bây giờ, vẻ nghiêm nghị nhưng đẫm chất nhân văn trong đôi mắt của ông, trong giọng nói nhẹ nhàng mà đầy sức thuyết phục của ông đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu sắc.
Trên đường trở về, tuyết vẫn vô tư rơi trắng xóa Berlin, nhưng hình như những bông tuyêt ấy có vẻ ấm áp hơn…
… Đến Nhà tù Moabit
Nằm trên phố Alt-Moabit tại số 12.a là trại tạm giam cấp sơ thẩm Tegel nên người dân Berlin lấy tên phố để gọi tên nhà tù (như dân Sài Gòn vẫn gọi trại giam Chí Hòa vậy).  Nhà tù Moabit được xây dựng từ năm 1878-1880, có sức chứa khoảng 1200  người bị tình nghi phạm tội, mỗi năm có khoảng  từ 3500-4000 lượt người vào ra nơi đây.
Tiếp chúng tôi là ông Herr Bluhm tự giới thiệu là cố vấn pháp lý của nhà tù, có thẩm quyền cao hơn ông giám thị khi được giao trọng trách giải quyết tất cả các vấn đề pháp lý phát sinh đến người bị giam giữ, đặc biệt là các quyền lợi của họ, kể cả các trường hợp vi phạm nội quy, xử lý phạt… đối với họ.
Khi một người bị tình nghi phạm tội bị chuyển tới đây,  phải trải qua các thủ tục tắm rửa, ăn uống và được một chuyên gia tư vấn tâm lý tiếp xúc, hỏi chuyện về hoàn cảnh gia đình, về hành vi bị truy tố và đặc biệt là những lời khuyên để trấn an tư tưởng cho họ, ngăn ngừa các suy nghĩ tiêu cực của họ có khả năng dẫn đến việc tự sát. Sau đó, họ được kiểm tra đồ dùng sinh hoạt đem theo bằng hệ thống máy chiếu hiện đại, xét nghiệm, chụp phổi kiểm tra bệnh lây nhiễm và cuối cùng là kiểm tra y tế tổng quát trước khi chính thức bước vào phòng giam giữ để chờ xét xử.
Phòng giam trông như một căn hộ rất sạch sẽ thoáng đãng có hai phòng để giam hai người, có cửa thông nhau để người bị giam giữ có thể trò chuyện, tâm sự. Tiện nghi phòng giam khá đầy đủ gồm tủ đựng quần áo, giường nệm, bàn làm việc đọc sách, ti vi…cả nơi vệ sinh cá nhân. Sự khác biệt lớn nhất giữa phòng “biệt giam” cho người bị tình nghi phạm tội vi phạm nội quy trại giam với các phòng khác là chỉ giam một người, không có ti vi, sách báo. Khi chúng tôi hỏi về điều này, ông cố vấn pháp lý  cho biết : - Đối với con người, đặc biệt là người đang bị tạm giam, không có gì đau khổ hơn nỗi cô đơn. Khi bị “biệt giam” tức là họ bị buộc phải cách ly với con người để hứng chịu sự cô đơn ấy. Họ không được có bạn tù và tiếp xúc với cuộc đời qua phương tiện ti vi. Tuy nhiên, thời hạn “biệt giam” chỉ không quá ba ngày. Khi họ bị áp dụng phương thức xử phạt này, hàng ngày đều có bác sĩ đến thăm hỏi xem họ có chịu đựng nổi sự  đau khổ ấy không, nếu có điều gì ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe thì bác sĩ có trách nhiệm báo ngay với Ban giám thị để khắc phục. Vị bác sĩ này đảm nhiệm luôn việc cố vấn tâm lý để ngăn ngừa nếu họ có ý định tự tử…
Trung tâm trại giam là một khu rộng hình tròn có năm nhánh xòe ra như năm cánh hoa. Mỗi nhánh là khu vực giam  chia ra hai bên với số lượng khoảng 40-50 phòng giam. Ông cố vấn pháp lý cho biết, đứng ở đây có thể nghe thấy tất cả các âm thanh phát ra từ 05 khu vực giam giữ. Các tầng nhà cũng được cấu trúc như thế theo nguyên tắc này. Khi chúng tôi đang ngắm toàn bộ khu vực trung tâm thì thấy từ trong các khu giam giữ, những người bị nghi phạm xếp hàng nối đuôi nhau bước qua cổng để ra ngoài sân chơi rộng rãi. Họ được hưởng không khí ngoài trời trong thời gian một tiếng đồng hồ để cảm nhận về sự tự do. Họ sóng đôi nhau bước đi chậm rãi, nét mặt bình thản, có người hút thuốc khi nhiệt độ ngoài trời lúc này khoảng -8 độ.
Ông cố vấn pháp lý dẫn chúng tôi đi tham quan một trong những nơi sản xuất của nhà giam là xưởng đóng sách. Xưởng có khoảng 50 người được tuyển chọn từ các trại viên, họ được hưởng mức lương lên tới 300euro/tháng, mặc dù họ chỉ bị tạm giam chờ xét xử sơ thẩm không quá 6 tháng.
Chúng tôi cũng được tiếp xúc và chứng kiến buổi làm việc của luật sư với thân chủ của ông ngay tại một phòng làm việc trong trại giam dành riêng cho luật sư. Ông chỉ cần xuất trình thẻ luật sư và tiếp xúc, làm việc với bị can mà không hề có một sự giám sát nào từ người thứ ba. Tường phòng làm việc trơn tru một màu vàng nhạt, chứng tỏ rằng không có thiết bị điện tử nào được gắn theo dõi luật sư…
Lúc chia tay, khi được chúng tôi tỏ ý khen ngợi về chế độ giam giữ người bị tình nghi phạm tội đang chờ xét xử, ông cố vấn pháp lý Herr Bluhm trầm tư, ánh mắt nhìn xa xăm như hồi tưởng lại một điều gì. Lát sau, ông mới chậm rãi trả lời :
- Trại giam của chúng tôi không phải là nơi đầy đọa con người mà chính là nơi giáo dục nhân cách cho họ. Chúng tôi vẫn muốn cải thiện tốt hơn để cho họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi, mặc dù họ là những người đang bị tình nghi phạm tội. Bởi vì, như các ngài đã thấy, trong quá khứ, dân tộc chúng tôi đã gây ra quá nhiều đau khổ cho con người…
Đã hơn 12g30 phút, từ cửa trại giam bước ra, tôi ngửa mặt nhìn lên bầu trời Berlin vẫn một màu u ám, cái u ám của thời tiết khắc nghiệt của một mùa giáng sinh châu Âu. Tuyết vẫn trắng xóa một màu. Nhưng tôi có cảm giác giữa màu xám ấy của trời đất, vẫn ánh lên một bức tranh với gam màu sáng mà luật pháp cũng như thực tế thi hành luật pháp do người Đức vẽ lên trong đời sống tư pháp của một xã hội đã đi qua những ám ảnh quá khứ để cố gắng duy trì và phát triển những giá trị văn minh đối với cuộc sống  cho con người và vì con người.
Tự nhiên, lòng tôi xao xuyến một nỗi nhớ nhà vô hạn.
      Berlin, đêm 16 tháng 12 năm 2010.