Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI NIỀM MÙA ĐÔNG

Trần Vân Hạc
Thứ năm ngày 6 tháng 1 năm 2011 4:03 PM
 
Tôi đọc bài thơ “Nỗi niềm” của Nguyễn Thị Thúy Ngoan, một nhà thơ của thành phố hoa phượng đỏ trong một chiều Hà Nội mưa rét căm căm. Song tôi như quên đi những cơn gió mùa đông bắc rít ngoài hiên vắng, bởi cái lạnh trong bài thơ tỏa ra thấm vào lòng cái “lạnh” của một con người, một cuộc đời ba chìm bẩy nổi, đã từng: “Đời em lạnh giá mùa đông/ Cây trơ trụi lá, ngô đồng gió bay/ Bao năm, bao tháng, bao ngày/ Bồ hòn làm ngọt - đắng cay thì cười”! – (Nguyễn Thị Thúy Ngoan).
 

NỖI NIỀM
 
 
Mưa đông đâu phải lạnh trời
Em đi ướt áo vì người nhớ mong
Tình yêu trắc trở long đong
Đón nhau bến lẻ  - lối vòng chia tay.
 
Chia tay... vẫn quãng đường này
Quãng đường này với những ngày buồn vui
Nhớ thương, hạnh phúc, ngậm ngùi
Sông Hồng mặt sóng nói lời đáy sâu.
 
Em về trời đổ mưa mau
Gió mưa sấp ngửa, buồn đau nổi chìm
Em như hoa dậu bìm bìm
Thương mình phận mỏng im lìm vậy thôi!
 
Anh gần mà quá xa xôi...
Câu thơ xiêu vẹo đầy vơi nỗi niềm!...
 
 
                                                                            Nguyễn Thị Thúy Ngoan
 
Mỗi con người đều có một nỗi niềm riêng. Với Thúy Ngoan, cái nỗi niềm đầy trầm tư, xót xa và sâu lắng kia như lặn vào cuộc đời, tích tụ rồi thăng hoa trong mỗi chữ, mỗi câu. Tôi yêu cái tứ của bài thơ, đồng cảm và chia sẻ với nỗi lạnh lòng mỗi khi đông về cùng tác giả.
 Cái giá lạnh của mùa đông trong thơ chỉ là cái cớ. Cái giá lạnh trong lòng như tăng thêm mỗi khi gió lạnh về  bởi: “Tình yêu trắc trở long đong”. Tôi thật sự nghẹn lòng khi đọc: “Đón nhau bến lẻ - lối vòng chia tay”. Đã phải đón ở cái “bến lẻ” rồi mà có ai ngờ lại là: “lối vòng chia tay”, câu thơ như hai vế của một câu đối làm cho người đọc xa xót lắm và thương cảm! Để rồi khi gặp điệp ngữ: “Chia tay... vẫn quãng đường này/ Quãng đường này với những ngày buồn vui”, ta càng thấu hiểu những nỗi khổ đau của người phụ nữ gặp cảnh: “Tình yêu trắc trở long đong”. Những kỷ niệm êm đẹp xưa vẫn đi về trong tâm tưởng của chị, dẫu chỉ được một “quãng đường” với bao: “Nhớ thương, hạnh phúc, ngậm ngùi”. Ký ức về những tháng ngày hạnh phúc dẫu ngắn ngủi không chỉ làm cho chị day dứt đớn đau trong hoài niệm mà còn tiếp lửa cho chị vượt qua bao sóng gió cuộc đời. Câu thơ ngắt thành nhịp 2/2 như nấn ná những bước đi của ngày xưa ấy, như nhịp đập thổn thức của con tim khát yêu, khát sống - một cuộc sống bình dị như bao người phu nữ khác.
“Em đi” thì như vậy, chỉ gặp những nỗi đau muôn hình muôn vẻ. Cái lạnh của sự cô đơn như trút vào đông giá để “trời đổ mưa mau”, nước mắt hòa trong mưa cay đắng tủi hờn. Câu thơ: “Gió mưa sấp ngửa, buồn đau nổi chìm” chất chứa bao cay đắng xót xa trong bốn bề mưa gió cuộc đời, nghẹn đầy cảm xúc. Những tưởng chị cam chịu số phận: “Thương mình phận mỏng im lìm vậy thôi!” nhưng những ai hiểu chị đã vượt lên số phận  để một mình nuôi con nên người mới hiểu chị là người: “Biết mình biết ta” để sống và vượt lên số phận nghiệt ngã. Tôi lặng đi trong nỗi cảm thông thân phận người phụ nữ “mười hai bến nước” với bao nỗi truân chuyên mà cuộc đời mấy ai cảm thông và chia sẻ! Nên dẫu cho chị có khiêm nhường ví mình: “Em như hoa dậu bìm bìm”, thì người đọc càng thêm kính trọng và yêu mến chị. Cái sắc hoa tím thủy chung đầy chất dân dã kia như mang theo cái nết của người phụ nữ Việt Nam thủy chung, nhân hậu và khiêm nhường ngời sáng trong mưa đông giá rét. Bởi vậy dù cho cuối bài chị có than thân: “Anh gần mà quá xa xôi.../ Câu thơ xiêu vẹo đầy vơi nỗi niềm!...” như một tiếng thở dài đầy đau đớn và nuối tiếc thì người đọc càng cảm thông với chị hơn, bởi hiểu rằng những kỷ niệm của “quãng đường” tuy ngắn ngủi nhưng đầy ngọt ngào kia như ngọn lửa tiếp sức cho chị trong những lúc lạnh lòng.
Tôi yêu câu thơ: “Sông Hồng mặt sóng nói lời đáy sâu”. Ôi! Con sông tưởng chừng như phẳng lặng kia lại ẩn chưa trong lòng bao lớp sóng kìm nén trong lòng sâu như gắng nuốt đi nỗi đau của một kiếp người.
 Thơ Thúy Ngoan dung dị mà sâu lắng, người đọc yêu thơ chị bởi tìm được những cái mới lạ trong cái rất đời thường tưởng như quen thuộc. Chất truyền thống hòa quyện với chất hiện đại một cách nhuần nhuyễn. Những thủ pháp nghệ thuật: ẩn dụ, so sánh, điệp… cách ngắt  nhịp tạo nên nhạc điệu đầy chất suy tư trăn trở, được chị sử dụng rất tài tình làm cho bài thơ tự nhiên như một tiếng lòng, của sự trải nghiệm, riêng đấy mà vẫn đồng điệu với bao cảnh ngộ. Thơ Thúy Ngoan tuy có chút se buồn nhưng không bi lụy. Mong rằng xuân mới sẽ được đọc nhiều bài thơ hay của chị, nhất là thơ lục bát, thể thơ chị đã gặt hái nhiều thành công!
Bây giờ người làm thơ lục bát thì nhiều lắm nhưng có một bài như “Nỗi niềm” không nhiều, người đọc cứ phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới cảm nhận được vẻ đẹp lung linh bên ngoài những câu chữ. Bài thơ đẹp như một bông hoa. Hoa bìm bìm với màu tím dịu dàng thầm kín chăng. Nếu tôi được nhận? Có lẽ tôi mong đó là bông hồng, bởi ngoài hương sắc, người được nâng niu bông hoa ấy muốn cảm nhận được chút nhọn sắc của gai yêu!
 Hà Nội 5.1.2011
        
        Trần Vân Hạc