TNc: Tôi nhận được bài viết của cử nhân triết học, đảng viên Nguyễn Huy Canh ngay trước ngày khai mạc Đại hội Đảng. Góp một tiếng nói với Đảng là một trách nhiệm của mỗi đảng viên. Tôi tôn trọng ý kiến của Nguyễn Huy Canh nên cho bài lên trang nhà góp tiếng nói chân thành với Đảng
Cho phép tôi được trân trọng gửi tới các vị đại biểu lời chào sức khoẻ và chúc Đại hội XI thành công tốt đẹp.
Tôi xin phép được gửi tới Đại hội suy nghĩ, tiếng nói của một đảng viên từ cơ sở. Mong được Đại hội quan tâm.
Như nhiều người đã nhận thấy đổi mới hệ thống chính trị đã trở thành yêu cầu bức thiết và là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng nhằm củng cố, tăng cường và nâng cao sức chiến đấu và lãnh đạo của Đảng.
Tôi xin bắt đầu từ cấu trúc quyền lực của Đảng. Xét theo chiều từ cao xuống, về mặt lý thuyết chúng ta có Đại hội Đảng toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất, đến Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và cuối cùng là Tổng Bí thư.
Cấu trúc quyền lực này cũng đồng thời trên thực tế là quyền lực chính trị cao nhất của đất nước, của xã hội. Vì điều thực tế này đã làm cho cấu trúc trên ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Sự hạn chế của nó có thể được xem như đã đến mức trở thành vật cản trên con đường phát triển của chính bản thân Đảng và của dân tộc. Đó là:
1. Cấu trúc trên được sinh ra phù hợp với thời kỳ đất nước có chiến tranh, và đặc biệt sức mạnh của nó càng được củng cố trong giai đoạn có sự tồn tại của cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp.
Sau hơn 50 năm đất nước đã có nhiều thay đổi lớn, cấu trúc đó đã trở thành giáo điều trước xu thế dân chủ hoá đời sống xã hội trên lĩnh vực kinh tế - văn hoá - chính trị ngày càng mạnh mẽ. Người dân, xã hội đã nhận thấy rằng cấu trúc quyền lực cao nhất của xã hội thì người dân phải được tham gia sinh hoạt chính trị, tham gia vào quá trình kiến tạo, hình thành cấu trúc quyền lực trên đây bằng lá phiếu của mình. Sự phát triển của nhu cầu trên càng bộc lộ sâu sắc sự bất cập giữa lý thuyết về quyền lực của Đảng và những quy định của Hiến pháp về dân chủ.
2. Trong thực tiễn cấu trúc quyền lực trên lại diễn ra theo chiều ngược lại. Điều đó đã phản ánh lý thuyết không chỉ ra được bản chất công cụ của quyền lực. Vì vậy sự tồn tại bên cạnh và tách rời của cấu trúc trên trong quan hệ với quyền lực nhà nước đã làm cho quyền lực nhà nước trong rất nhiều trường hợp, cũng như xét theo bản chất, trở thành quyền lực trừu tượng, thành hư quyền. Nhiều người đã gọi quyền lực Nhà nước là hình thức.
Sự áp đặt chủ trương, đường lối, ý chí quyền lực của Đảng lên nhà nước là điều diễn ra đương nhiên. Hệ lụy của tình thế đó nhiều khi đã biến Đảng ta (ở nhiều cấp) thành những ông vua của thời hiện đại (theo cách diễn đạt của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An).
Ông Nguyễn Văn An cũng như nhiều người khác đã cố gắng tìm ra lời giải cho bài toán chính trị trên đây bằng việc quy về yêu cầu luật hoá điều 4 Hiến pháp. Với ý muốn rằng vạch ra giới hạn cho Đảng, chỉ ra đâu là công việc của Đảng, đâu là của nhà nước; rằng Đảng được quyết cái gì, không được quyết cái gì ...
Tư duy chính trị triệt để chỉ ra rằng không thể luật hoá Điều 4 với ý muốn, với nội dung đó được. Bởi vì tôi ý thức một cách sâu sắc rằng một chính đảng muốn trở thành quyền lực chính trị của xã hội thì chính đảng ấy phải nắm giữ, phải chi phối được quyền lực nhà nước (suy nghĩ về một quyền lực chính trị bên cạnh quyền lực nhà nước là một sự mơ hồ và không tưởng của tư duy chính trị).
Vì vậy yêu cầu luật hoá Điều 4, trên thực tế (chứ không phải lý thuyết) là nhằm tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng, là biến Đảng ta thành một quyền lực trừu tượng, thành hư quyền. Điều này cũng đau khổ chẳng kém gì nỗi đau của nhà nước mà ta đã và đang trải qua.
Vậy con đường nào để nhân dân tham gia vào quá trình kiến tạo quyền lực cao nhất trong Đảng bằng lá phiếu ? Con đường đổi mới nào để vừa giữ được vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng nhưng đồng thời vẫn bảo đảm được quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ?
Không thể đổi mới theo cách cải tiến, thử nghiệm của tư duy kinh nghiệm vẫn làm. Đây là vấn đề thuộc về Hệ thống và do đó việc đổi mới nó phải được xây dựng trên tư duy lô gic chính trị.
Trên chiều hướng đó, tôi cho rằng để giữ vững sự lãnh đạo của mình, đã đến lúc Đảng ta phải dũng cảm vượt lên chính mình, dũng cảm từ bỏ những mô hình quyền lực đã cũ, mạnh dạn hoá thân cấu trúc quyền lực của mình vào bộ máy nhà nước.
Điều đó có nghĩa rằng công tác nhân sự của Đại hội không phải là ở chỗ bầu ra BCHTW cũng như sắp xếp (dự định) các chức danh chủ yếu của bộ máy nhà nước.
Nhân sự của Đại hội là một bước chuẩn bị nhằm hiện thực hoá quyền lực của Đảng thông qua bầu cử của nhân dân. Đại hội lựa chọn ra những đại biểu ưu tú, những ứng cử viên sáng giá giới thiệu cho nhân dân lựa chọn (lần 2) qua bầu cử Nguyên thủ quốc gia và bầu cử QH.
Trong Quốc hội hình thành tổ chức ĐĐQH (giống như Bộ Chính trị) đó là cơ quan chỉ đạo, lãnh đạo mọi hoạt động của Quốc hội.
Dự án chính trị trên đây cho thấy quyền lãnh đạo của Đảng được thể hiện và thực hiện trực tiếp bởi Quốc hội, Nguyên thủ quốc gia và ở Hiến pháp và pháp luật.
Dự án này cũng cho thấy quyền lực của Đảng đồng thời cũng là quyền lực nhà nước và được nhân dân tham gia lựa chọn.
Nếu con đường đổi mới này được thực hiện sẽ tạo ra cơ sở hiện thực cho việc vận dụng giá trị quyền lực phổ biến của nhà nước hiện đại vào thể chế chính trị nước ta. Đó là điều mong muốn của nhiều người về một mô hình chính trị cho đất nước: Đảng lãnh đạo - Nhà nước tam quyền - Xã hội dân sự và một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.