Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG BÀI HỌC THỂ DỤC VÔ BỔ

TS. Phạm Ngọc Hiền
Thứ ba ngày 4 tháng 1 năm 2011 10:24 PM
 
Ai cũng biết sức khỏe là rất quan trọng nên việc rèn tập thể dục là rất cần thiết. Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Hồ chủ tịch là đúng đắn, tuy nhiên, việc áp dụng lời kêu gọi này nhiều khi thiếu linh hoạt. Đối với người dân thành phố, nhất là thành phần viên chức, do ít có điều kiện vận động cơ bắp nên việc tập buổi sáng là cần thiết. Tuy nhiên, nếu bảo một nông dân sáng dậy bỏ cái cày giữa đồng để tập thể dục “một hai ba bốn” thì thật buồn cười. Và thực sự đã có nhiều người làm trò cười cho xóm làng như vậy.
Môn thể dục được dạy suốt những năm phổ thông, thường được học thành buổi riêng và học sinh phải đi học đầy đủ như buổi học chính thức vì có kiểm danh và cho điểm đàng hoàng. Học sinh ở miền núi và nông thôn phải bỏ việc nhà (cuốc đất, gánh lúa, cày ruộng…) để tới trường giơ tay, múa chân vài cái cho khỏe (!). Nhiều học sinh phải đạp xe đi 10 cây số, khi tới trường, chẳng còn sức đâu tập “một hai ba bốn”. Nhiều người nghĩ rằng, nếu không có môn thể dục thì con em nông dân sẽ còi cọc, ốm yếu. Thật là sai lầm !
Có một thời, do thiếu giáo viên thể dục được đào tạo bài bản nên môn này do các giáo viên khác đảm nhiệm. Nghĩa là thầy giáo dạy toán, lý, văn, sử… vẫn dạy được môn thể dục. Tuy nhiên, nếu biết cách dạy thì cũng không sao, đằng này, một số giáo viên lại “tuyên truyền” nhiều bài học phản tác dụng cho học sinh. Ví dụ, bảo học sinh cấp hai nên tập tạ mỗi buổi sáng. Đây là tuổi đang phát triển chiều cao nhưng nhiều em nghe lời thầy giáo hằng ngày đứng tập tạ, kết quả là… không phát triển chiều cao được. Cả hàng ngàn học sinh, hết từ khóa này đến khóa nọ vẫn thực hành những bài học phản tác dụng như vậy.
Ngay cả những giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành thể dục hẳn hoi vẫn vận dụng cứng nhắc các bài học thể dục, Chẳng hạn, bắt học sinh cấp hai phải thực hành các bài học thể dục quá sức mà lẽ ra phải được học ở cấp ba. Suốt 12 năm học phổ thông, cộng 5 năm đại học, học sinh chỉ thực hành xoay quanh vài bài thể dục quen thuộc như múa tay, múa chân, nhảy cao, nhảy xa, chạy nhanh… Không biết những bài học này có ứng dụng vào cuộc sống không nhưng chỉ biết thực tại là có nhiều học sinh không có khả năng nhảy cao, nhảy xa… nên bị trặc chân, gãy tay, ngất xỉu… Nhiều sinh viên thiếu điểm học phần thể dục, trả nợ mãi không được nên môn này trở thành nỗi kinh hoàng ám ảnh.
 Sức khỏe con người là rất quan trọng, việc rèn luyện cơ bắp là rất cần thiết. Nhưng có nhiều hình thức rèn luyện khác nhau chứ đâu cần phải dùng tới điểm thi bắt ép học sinh phải tới trường suốt 17 năm để múa may các động tác “một hai ba bốn”. Bao nhiêu tiền của, công sức đổ ra, nhiều khi lại thừa thãi với con nhà lao động tay chân, gây nỗi ám ảnh cho các cậu ấm, cô chiêu… Đôi lúc, còn học nhầm các bài học…phản thể dục. Có người bảo, ở phương Tây, người ta rất coi trọng môn thể dục. Dĩ nhiên rồi, dân họ chủ yếu sống ở thành phố, ít lao động tay chân nên cần phải năng tập thể dục để rèn luyện cơ bắp. Dân ta chủ yếu sống ở nông thôn, chuyên cày ruộng, cuốc đất, cắt lúa, trỉa ngô, khiêng củi, gánh hàng… Lẽ nào những động tác như vậy “yếu” hơn các bài thể dục nhịp điệu ?
Dĩ nhiên, môn thể dục là rất cần thiết nhưng cần vận dụng một cách linh hoạt theo từng đối tượng học sinh.
 
 
VIỆT NAM ĐỨNG Ở ĐÂU TRÊN BẢN ĐỒ GIÁO DỤC THẾ GIỚI ?
 Để phát triển nền giáo dục nước nhà, ta cần nhận thức được vị trí của mình trong mối tương quan với các nước khác. Muốn biết rõ hơn Việt Nam hiện nay đang đứng ở đâu trên bản đồ giáo dục thế giới, trước hết, ta hãy nhìn lại những vị thế của giáo dục Việt Nam trong quá khứ.
 Việt Nam đã từng tiếp xúc mật thiết với các nền giáo dục hàng đầu thế giới. Thời phong kiến, ta chịu ảnh hưởng sâu sắc giáo dục Trung Quốc, lấy Nho giáo làm nền tảng triết lý giáo dục. Hệ thống giáo dục Trung Quốc thuộc hàng đồ sộ thế giới, qua đó, Việt Nam cũng tiếp thu nhiều tinh hoa của giáo dục nhân loại. Chúng ta có quyền tự hào về thành tích khoa cử và những di sản văn hóa, giáo dục mà cha ông để lại. Có lẽ trong nền giáo dục châu Á thời trung đại, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc.
 Thời cận đại, giáo dục Việt Nam rẽ theo quỹ đạo Phương Tây, chịu ảnh hưởng sâu sắc nền giáo dục Pháp – trung tâm văn minh thế giới. Ta đã hình thành một hệ thống giáo dục bài bản, đào tạo ra những trí thức bậc cao, đóng góp rất nhiều cho đất nước. Trong bản đồ giáo dục thế giới thời đó, Việt Nam đứng trong hệ thống giáo dục Pháp (nếu tính yếu tố hiện đại, ở châu Á, có lẽ ta chỉ đứng sau Nhật).
 Ở miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, bên cạnh tiếp thu những thành tựu giáo dục từ thời phong kiến và Pháp thuộc, nay bổ sung thêm những thành tựu giáo dục của Mỹ - nền giáo dục hiện đại nhất thế giới. Hệ thống giáo dục đại học phát triển lên một tầm cao mới, trong đó có Viện đại học Sài Gòn đạt đẳng cấp quốc tế, đào tạo cả cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Nền giáo dục Việt Nam cộng hòa đứng trong hệ thống giáo dục TBCN và là một trong những nền giáo dục hàng đầu châu Á.
 Ở miền Bắc sau 1954, hệ thống giáo dục chuyển sang quỹ đạo XHCN, chịu ảnh hưởng sâu sắc mô hình giáo dục Liên Xô từ mục tiêu đào tạo, chương trình học đến quan điểm học thuật... Các trí thức được đào tạo từ Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc… về đã tạo ra một không khí mới cho giáo dục Việt Nam, làm nên một số thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học cơ bản, nhất là Toán học. Trong bản đồ giáo dục thế giới 1955 – 1990, Việt Nam đứng trong hệ thống giáo dục XHCN.
 Sau khi hệ thống XHCN tan rã, giáo dục Việt Nam rơi vào bi kịch vì không biết tựa vào đâu. Những thành tựu của giáo dục Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Liên Xô… vẫn còn đó tạo ra thế mạnh nhưng cũng là vấn đề khó khăn vì không biết vận dụng và lắp ghép chúng sao cho hợp lý. Người chủ trương theo mô hình này thì bị người theo mô hình kia phản đối. Người ta cũng dung hợp các mô hình lại nhưng mỗi vị lãnh đạo thiết kế theo một kiểu khác nhau, làm nửa chừng phải bỏ, rồi làm lại…. Suốt 20 năm nay, người ta vẫn loay hoay tranh cãi chưa biết giáo dục Việt Nam nên đặt bệ phóng ở đâu.
Sau Đổi mới, giáo dục Việt Nam đạt được những thành tựu lớn. Tuy nhiên, ta phát triển thì các nước khác cũng phát triển, vậy, giáo dục của ta đứng ở vị thứ nào ? Nhìn vào danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới, Việt Nam không có. Nhìn vào giải Nobel và các thành tựu khoa học lớn, ta cũng không có. Nếu có người Việt Nam nào tài giỏi thì vinh dự đã thuộc về nước khác mất rồi ! Việt Nam chỉ có công sinh thành chứ không có công dưỡng dục các nhân tài đẳng cấp quốc tế.
Thế giới thừa nhận người Việt Nam thông minh, cần cù nhưng hình như chúng ta chưa biết sử dụng những ưu thế đó để làm việc gì thích hợp. Có thể ta đã dùng nó vào những việc lạc hậu như học thuộc lòng các loại kinh kệ cổ lỗ thay vì phải viết ra một cuốn sách mới. Nhiều nhà khoa học có tư duy hiện đại, năng động nhưng không có đất dụng võ ở Việt Nam. Lâu nay, ta chỉ quen mang tiền đi học nước ngoài chứ không thu hút sinh viên nước ngoài mang đô-la sang học Việt Nam. Như vậy giáo dục Việt Nam chưa có vị trí nào trên thương trường thế giới.
 Có người tự hào rằng, tỷ số GDP đầu tư cho giáo dục của Việt Nam rất lớn so với nhiều nước khác. Việc này chẳng nói lên điều gì vì không biết số tiền ấy sẽ rơi vào túi ai và cơ chế bao cấp không giúp ích cho sự cạnh tranh giáo dục. Có người chủ trương bỏ ra khoản tiền khổng lồ phổ cập trung học (để khoe với thế giới). Xin thưa rằng, cơ chế nước ta còn tạo điều kiện phổ cập cả bậc cử nhân ! Nhưng nếu Việt Nam là nước đầu tiên thế giới phổ cập đại học thì liệu có ra khỏi danh sách các nước nghèo ?!!
Nhiều cơ quan vẽ ra chỉ tiêu (và hợp thức hóa) bao nhiêu phần trăm thạc sĩ, tiến sĩ để nâng tầm giáo dục. Thực ra, đó cũng là một dạng của bệnh thành tích, bệnh háo danh đang gây cản trở trên đường hội nhập. Ta coi trọng danh hão nên đào tạo cái bằng để hợp thức hóa việc làm và chức vụ trong các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, nền kinh tế thị trường cần người thực tài, cho nên kỹ sư của ta ra nước ngoài bị chê, phải đào tạo lại. Bằng đại học ở Việt Nam hiện nay hầu như không có giá trị quốc tế.
 Nhìn vào bản đồ giáo dục thế giới, ta không thấy Việt Nam đâu cả ? Trí ta đã có, lực ta đã sẵn nhưng có lẽ do ta chưa xác định rõ mình phải đứng ở đâu nên thế giới chưa biết xếp ta vào vị trí nào !!!

TS. PHẠM NGỌC HIỀN
TS. Phạm Ngọc Hiền, GV khoa Ngữ văn, ĐH Văn Hiến, số 2A2, quốc lộ 1A, P. Thạnh Xuân, Q. 12, TP. HCM. ĐT: 0914433211 – Email: ngochien2@gmail.com.