Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ NGỎ ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH, ĐỢT 4, CHO NHÀ VĂN LAN KHAI

Nhà văn Vũ Xuân Tửu
Thứ tư ngày 5 tháng 1 năm 2011 5:49 AM

Các nhà văn cùng thời với Lan Khai, như: Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân…  đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đợt này, có thêm ý kiến đề nghị tặng Giải thưởng cao quý đó cho Nhà văn Lan Khai.

 
Tp. Tuyên Quang, ngày 04 tháng 01 năm 2011
 
           Kính gửi: - Nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam;
         - Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam;
         - Ban Tổ chức Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi là Vũ Xuân Tửu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện nay ở số nhà 537, đường Quang Trung, tổ 25, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Thực hiện Công văn số 750/CV-HNV, ngày 28/12/2010, về việc lấy ý kiến thăm dò Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, đợt 4, xin đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Nhà văn Lan Khai, tên thật là Nguyễn Đình Khải (1906-1945). Quê quán: Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Trong thời gian qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn chương Lan Khai.
Cuộc đời và thành tựu cơ bản về văn chương của Lan Khai, mà tôi được biết, như sau:
1. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông là nhà văn tiêu biểu, không chỉ đối với Tuyên Quang, mà còn trong phạm vi cả nước.
2. Cuộc đời tuy ngắn ngủi, hưởng dương chưa đầy bốn mươi tuổi, nhưng chỉ với mười tám năm cầm bút, ông đã sáng tác hàng trăm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận phê bình văn học… Vừa qua, Tuyển tập Lan Khai, gồm 2 tập, với 1600 trang đã được xuất bản. Ông được mệnh danh là “Nhà văn đường rừng”. Tác phẩm của ông có tiếng vang đương thời, vọng đến hôm nay và mai sau. Đặc biệt trong số đó, tiểu thuyết Lầm than, viết về phu mỏ than Tuyên Quang, nhưng đã được chép ra nhiều bản, trở thành truyền đơn của những người cộng sản, mang đi tuyên truyền cách mạng ở vùng mỏ Quảng Ninh.
Tôi xin trích một số ý kiến đánh giá về nhà văn Lan Khai, trong cuốn Lan Khai nhà văn hiện thực xuất sắc, của Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2006):
- “Lan Khai là một tài năng xuất sắc trong văn học hiện đại nước nhà”. (Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam).
- “Tiểu thuyết Lầm than của Lan Khai, mở đầu trào lưu hiện thực, nếu đặt cạnh tác phẩm Tắt đèn của Ngô tất Tố, sẽ thấy những điểm tích cực hơn”. (PGS. TS Nguyễn Văn Long- Đại học Sư phạm Hà Nội).
- “Tác giả tiểu thuyết Lầm than, xứng đáng phong tặng danh hiệu anh hùng”. “ Lịch sử không bao giờ lầm lẫn, Lan Khai là người có công với nước”. (Thiếu tướng Hoàng Mai- Bộ Công an).
- “Thời gian đã và đang trả lại vị trí xứng đáng cho Nhà văn Lan Khai”. (Vương Kim Ngân- Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa).
- “Truyện đường rừng của Lan Khai mang yếu tố kỳ ảo”. (Ta-chi-a-na, Chuyên gia Nga về văn học Việt Nam).
- “Tư tưởng bao trùm trong sáng tác của ông là tinh thần độc lập tự do, chống áp bức bóc lột, tình yêu thương con người, tinh thần đoàn kết cộng đồng các dân tộc, vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, vấn đề giải phóng con người khỏi tối tăm nô lệ, không ngừng đấu tranh cho cái đẹp và cái thiện, vấn đề bảo tồn và phát huy các tinh hoa nòi giống tổ tiên; vấn đề xây dựng một tân văn hóa cho tương lai đất nước. Tất cả hình thành ý thức tiên phong trong hoạt động nghệ thuật của Lan Khai”. (PGS. TS Trần Mạnh Tiến- Đại học Sư phạm Hà Nội).
3. Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức long trọng Lế kỷ niệm 100 ngày sinh và Hội thảo: “Lan Khai với văn học Việt Nam hiện đại”, tại Hà Nội, ngày 27/6/2006.
4. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã công nhận Lan Khai là nhà văn Việt Nam hiện đại. (Quyết định số 241/QĐ-HV, ngày 11/5/2010). Quyết định quan trọng này, có ý nghĩa hoàn nguyên Lan Khai.
5. Xét công lao to lớn đóng góp cho nền văn học hiện đại nước nhà và so với tiêu chuẩn quy định, tôi đề nghị trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt 4, cho Nhà văn Lan Khai là hoàn toàn xứng đáng.
Vậy đề nghị ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam,  và Ban Tổ chức hội viên Hội Nhà văn xem xét, xin trân trọng cám ơn./.

NGƯỜI ĐỀ NGHỊ
 Nhà văn Vũ Xuân Tửu