Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHỈ CỜ ĐỎ SAO VÀNG Ở LẠI

Lê Tú Lệ
Thứ ba ngày 11 tháng 1 năm 2011 5:20 AM
Tháng 11 năm 2006, sau khi báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài “Nền cộng hòa 49 ngày” liên tiếp 5 kỳ, tôi cùng Lâm, cậu em út, đem xấp báo lại đưa cho ông Trần Văn Giàu. Em tôi muốn “thăm dò” sự minh mẫn của vị giáo sư sử học đã 96 tuổi này bằng câu hỏi: “Ông ơi, người ta bảo ông nội con là tác giả cờ đỏ sao vàng. Có phải không ạ?”. Ông Giàu lõ mắt nhìn chị em tôi. Chúng tôi như muốn nín thở. Lặng thinh hồi lâu rồi bất chợt ông Giàu la lớn làm chúng tôi giật nẩy mình: “Tôi nói anh Hai là tác giả Quốc kỳ. Hổng tin đừng hỏi”. La xong câu đó, ông ngồi thở dốc.
Ông Giàu chỉ hơn ba tôi chừng chục tuổi nhưng vì ông là bạn thân của ông nội nên ba tôi kêu ông bằng chú, chúng tôi thì cứ kêu ông Giàu, quen miệng rồi. Khi còn ở miền Bắc, ông Trần Văn Giàu và các ông Ung Văn Khiêm, Ung Văn Khương, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Kiều, Nguyễn Tự Do… là những người hay lui tới thăm Nội. Tôi còn nhớ, có lần đang tiếp khách, Nội đuổi hết chị em tôi ra ngoài đóng cửa lại để nói chuyện. Các ông rầm rì to nhỏ rồi có tiếng Nội nạt lớn: “Bây làm xấu mặt dân Nam Bộ”. Nghe la, lũ con nít chúng tôi lấy làm lạ. Thường ngày Nội hiền lắm mà. Tò mò, có đứa áp tai vào cửa nghe trộm xem có chuyện gì nhưng các ông đã hạ giọng nên đành chịu. Hồi đó, mẹ tôi đẻ liền bốn đứa. Tôi với chị Hai sanh năm một. Mặc dù có tiêu chuẩn cán bộ cao cấp của ông nội phụ với lương ba mẹ để nuôi chúng tôi nhưng đang thời chiến nên đời sống vẫn rất vất vả. Mẹ tôi vẫn thường nhắc chuyện ông bà Giàu có ý nhận tôi làm con nuôi cho gia đình đỡ cực nhưng mẹ thương con nên không chịu. Ông nội tôi mất đã lâu. Bây giờ mỗi khi chúng tôi đến thăm ông Giàu, chỉ nghe nói là cháu nội của ông Hai Sô - Mỹ Tho là ông Giàu cho gặp ngay. Buổi gặp gỡ sáng hôm đó, ông Giàu mân mê tấm hình ông với ông Ung Văn Khiêm trực tiếp khiêng đầu quan tài Nội lúc động quan đưa ra khỏi cửa chứ không để cho nhà đòn khiêng, cả ông Giàu lẫn hai chị em tôi đều bần thần mãi…
Tuổi thơ chúng tôi lớn lên cùng với dáng đi ngày một chậm của Nội. Ông tập kết ra Bắc khi tuổi đã 60 mươi. Sau một thời gian giúp bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng gầy dựng vườn thuốc đông y Văn Điển, ông chỉ thực sự về hưu khi sắp vào tuổi bẩy mươi. Căn hộ mà gia đình chúng tôi ở tại khu tập thể Kim Liên, Hà Nội thực ra là được nhà nước cấp cho Nội chứ không phải cho ba tôi. Căn hộ có 2 phòng, ở tận tầng 4, trên cùng. Có lần chị Hai tôi thắc mắc mắc: “Sao Nội không xin căn phòng dưới tầng một mà lại nhận phòng tít tầng bốn, leo thang mỏi chân quá”. Ông bảo: “Leo cầu thang là biện pháp thể dục rèn luyện sức khỏe rất tốt, đặc biệt là đôi chân”. Bây giờ chị em tôi đã có tuổi. Ra đường một bước cũng ngồi xe. Đi bộ vài chục bước đã thở dốc. Thế mà khi đã về Sài Gòn, trên 80 tuổi, Nội tôi thường chống gậy túc tắc đi bộ cả cây số vẫn thản nhiên như không.
Khu tập thể Kim Liên được nhà nước xây dựng vào những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước để bố trí cho cán bộ chưa có nhà ở, trong đó có số lớn cán bộ miền Nam tập kết. Hàng xóm của nhà tôi lúc bấy giờ có gia đình nhà thơ Phạm Hổ quê Bình Định, chú Trần Tấn Lộc người Châu Đốc, chú Phùng Văn Khá quê An Giang, chú Ca Lê Dân quê Bến Tre, bác Nguyễn Quang Lộ quê Quảng Ngãi … Các cô chú miền Nam tập kết đều trạc tuổi ba mẹ tôi. Chỉ Nội là già nhất. Lũ con nít hàng xóm đều kêu theo chúng tôi gọi ông là ông nội. Có mấy cô chú gọi ông nội tôi là Ba. Nội cũng coi tất cả đám con cái hàng xóm như cháu ruột của mình. Tôi còn nhớ hồi đó chú Phạm Hổ có viết một bài báo đăng trên tờ Tiền Phong với tựa đề “Ông nội của phố tôi”. Không chỉ là một ông cụ với chòm râu dài phơ phất hiền hậu, phong thái rặt Nam Bộ, chan hòa với tất cả lối xóm, Nội chính là hình ảnh của quê hương miền Nam trong lòng những người tập kết ra Bắc ở khu phố Kim Liên ngày ấy. Chính vì thế, trong những ngày tháng Tư năm 1975 lịch sử, khi quân giải phóng tiến như vũ bão vào từng thành phố, từng vùng đất phía Nam, căn nhà của chúng tôi đã trở thành một “đại bản doanh” của các cô chú tập kết mà ông nội tôi như một vị tướng cầm quân. Cũng bản đồ dán tường, chì xanh chì đỏ đồ theo từng bước chân quân giải phóng. Cũng bàn luận cách đánh, thế ta thế địch. Khói trà, khói thuốc mù mịt. Ngày Ba mươi tháng Tư vỡ òa trong tiếng cười của mọi người. Ông nội tôi vừa cười vừa khóc như một đứa trẻ, nước mắt tràn xuống cả chòm râu bạc.
***
“Mỹ Tho” và “miền Nam” là hai từ cửa miệng, thường được nhắc đến trong gia đình tôi nhiều nhất. “Nhà mình ở Mỹ Tho”, “Hồi còn ở Mỹ Tho” hay “Mai mốt thống nhất về Nam, bây tha hồ ăn cá, cá ở trỏng đầy kinh rạch”… Trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi, miền Nam và Mỹ Tho là nỗi khát khao to lớn. Ruộng của gia đình Nội bạt ngàn. Trái cây, cá, gà vịt ê hề. Rừng dừa xanh mướt. Sông Tiền mênh mông từ bờ này ngó sang bờ kia thấy người ta nhỏ như cây tăm… Với cái tiêu chuẩn thời chiến bốn năm lạng thịt, mười ba ký gạo cho một người lớn một tháng, lâu lâu mới được mẹ mua cho vài trái ổi, trái mận mà bom đạn lại tối ngày ì oàng trên đầu thì quả thật viễn cảnh “miền Nam - Mỹ Tho” còn hơn cả xứ thần tiên. Thế mà miền Nam lại đang bị Mỹ - ngụy chiếm đóng, chán thật. Lũ con nít chúng tôi đem cái ao ước mơ mộng ngây thơ đó hòa vào thời cuộc lúc bấy giờ trong tâm thức của bậc cha chú về một ngày về - về Nam. Cái tiếng “về Nam” khi thốt lên bằng lời mới xao xuyến làm sao vì “về Nam” đồng nghĩa với về quê, về nhà. Sau này, khi đã trưởng thành, hiểu rõ hơn về cuộc đời Nội, tôi mới càng thấm thía nỗi khát khao của hai từ “về Nam” vì đối với Nội không phải chỉ đơn giản là sự ngăn cách của vĩ tuyến 17 năm 1954 mà phải kể từ một ngày vào năm 1927 khi Nội khăn gói tìm đường sang Trung Quốc để ráp mối cách mạng, cũng tức là Nội phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình, một cuộc sống đầy giông bão từ ấy.
Nhà của Nội ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho. Lý lịch mấy chị em tôi trước đây cũng đều ghi quê quán như vậy. Sau ngày giải phóng, mảnh đất có nhà của Nội được cắt về xã Đạo Thạnh, huyện Châu Thành, rồi sau này xã Đạo Thạnh lại nhập vào thành phố Mỹ Tho, tỉnh lỵ của tỉnh Tiền Giang. Ba tôi thường kể: Nhà ông cố bây hồi đó lớn lắm, ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Ông nội là con trai trưởng nên cưới bà nội về lo giữ hương hỏa. Còn các em của Nội mỗi người khi cưới vợ đều được ông cố chia đất ra ở riêng để lo mần ăn. Có ông được ông cố cắt cho 100 mẫu đất đã khai phá bên Đồng Tháp Mười. Hồi nhỏ đâu có biết Đồng Tháp Mười là như thế nào, chỉ nghe 100 mẫu là chị em chúng tôi đều rụt đầu lè lưỡi. Ông nội tôi có 6 người con, ba tôi là con trưởng được ông nội cho theo học chữ nho với thầy Phan Tòng Am ở cùng xã. Ông Phan Tòng Am tên thật là Phan Đình Viễn, cháu kêu Phan Đình Phùng là bác ruột. Sau khởi nghĩa Hương Khê thất bại, ông Phan Tòng Am bị Pháp bắt đày biệt xứ vào Mỹ Tho. Tại đây ông mở trường dạy chữ nho, học trò theo học rất đông trong đó có ông Bảy Danh tức nhà thơ Bảo Định Giang, nhà thơ Trác Quan Đồ, ông Bảy Hiếu, tức Lê Văn Cư, sau trở thành con rể thầy Phan Tòng Am … Ba tôi - dịch giả Lê Vũ Lang, ở quê gọi là Ba Huỳnh, thường hay rủ nhóm bạn học ấy đi rải truyền đơn do ông nội giao cho. Mỹ Tho hồi đó là đất học chữ Nho. Dân gian đến giờ còn truyền tụng câu Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu. Anh về học lấy chữ Nhu. Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ. Chữ “Nhu” là đọc trại của chữ “Nho”. Câu ca đó chính là chỉ trường dạy chữ Nho của thầy Phan Tòng Am. Dù chữ Nho lúc bấy giờ đang ở thời mạt nhưng ông bà ta vẫn muốn khuyên con em mình theo học để giữ lấy cái hồn cốt của dân tộc. Lúc còn ở Hà Nội, ba tôi thường hay đọc cho chúng tôi nghe hai cặp câu đối bằng chữ Hán mà ông Phan Tòng Am đề tặng cho gia tộc được chạm nổi sơn son thếp vàng ở cột nhà: “Tông trùng Nùng lãnh Nhị hà, Lê gia cơ sở nguyên cư Bắc – Phái viễn Hành sơn Hương thủy, Nguyễn thị thổ điền cửu tại Nam” và “Lê gia chấn chỉnh phu cương, trung hậu thiên thu thành tuấn nghiệp - Nguyễn thị thuận tòng phụ đạo, nhân từ nhất tiết tự vi âm”. Ba tôi giảng giải cho chị em tôi thế nào là núi Nùng sông Nhị, thế nào là “tuấn nghiệp” của gia tộc. Nhìn đám cháu nội cố đọc cho thuộc những từ ngữ trúc trắc, Nội tôi cười có vẻ rất hài lòng. Thế mà sau giải phóng trở về, cái “tuấn nghiệp” của gia tộc ông nội chỉ còn là lau lác mênh mông với miểng bom miểng pháo. Chú Tư, em kế Ba được ông nội cài làm binh vận đã bị bắn chết. Cô Năm, người em gái duy nhất của Ba thì bị hứng trọn mấy băng đạn ngay tại cửa khi trong nhà đang có cuộc họp chi bộ. Trên tay cô lúc đó đang ẵm đứa con hai tuổi và trong bụng đang mang một đứa con nữa. Bà nội đã chết vì điên dại sau một lần bị giặc bắn trọng thương và tưởng là chồng con đã chết hết! Tội nghiệp bà nội, bà đâu có hay ông nội, ba tôi, chú Bảy - người con út và gần chục đứa cháu nội gần trưởng thành sẽ có ngày trở về cùng đoàn quân chiến thắng. Bi kịch của chiến tranh đã chen vào, đã phá vỡ biết bao gia đình, gia tộc. Người ta chết vì bom đạn nhưng bà nội tôi chết vì điên, vì cô độc và tuyệt vọng!
*** 
Sản nghiệp của gia đình Nội chỉ thực sự đi xuống từ sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại. Trước đó, Nội đã từng hai lần bị Pháp bắt bỏ tù, một lần vào năm 1928 và lần sau là năm 1931 bị kêu án 20 năm khổ sai, 10 năm biệt xứ. Lần ở tù thứ hai, Nội bị đày ra Côn Đảo nhưng chỉ ở 5 năm rồi bị đưa về giam lỏng tại Bà Rịa do ảnh hưởng của Mặt trận Bình dân bên Pháp. Chỉ trừ những ngày tháng trong tù, còn Nội vẫn thường xuyên qua lại nhà, tất nhiên là không thể công khai được. Ba tôi kể, từ Bà Rịa trốn về, ông nội có dẫn về theo mấy người, trong đó có Phan Văn Khỏe mà Nội kêu là Thẹo và Hồ Tri Hạ. Ông Hồ Tri Hạ được Nội bố trí cho ở ngay trong xóm. Các ông thường xuyên gặp gỡ bàn bạc chuyện bí mật của cách mạng. Năm 1940, Ba đã 20 tuổi, được ông nội giao cho nhiều việc chủ yếu là đưa thơ qua lại. Ba kể rằng trước ngày nổ ra cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa long trời lở đất ấy, ông nội đi về liên tục. Rồi Ba thấy Nội và ông Hồ Tri Hạ cứ loay hoay dùng cây vẽ cờ trên mặt đất ở dưới một lùm cây. Lúc đầu Nội vẽ hình chữ nhật có ngôi sao ở trên góc, hai ông bình phẩm nói không đẹp, xóa đi, đưa ngôi sao vào giữa rồi đứng ngắm. Nội kêu Ba lấy vôi trắng xoa vào ngôi sao, nhưng rồi lại bảo màu trắng không có nghĩa gì, lại xóa đi. Lần cuối cùng, Nội kêu Ba đi mua giấy hồng đơn. Ba đạp xe lòng vòng để tránh theo dõi, qua chợ Vĩnh Kim mua về cho Nội mấy cuộn giấy màu đỏ và màu vàng. Nội cùng ông Hồ Tri Hạ cắt dán hình cờ đỏ sao vàng. Làm xong, Nội cuộn lại đem đi.
Những ngày cận kề cuộc khởi nghĩa, ba tôi bảo thấy ông nội gần như thức trắng hàng đêm dịch tác phẩm Chiến tranh du kích để làm tài liệu huấn luyện cho quân đội. Dịch được trang nào là bà nội, cô Năm cùng một vài người nữa tổ chức in ngay tại nhà. Sách Địa chí Tiền Giang sau này ghi ông Lê Quang Sô chỉ huy 4000 nghĩa quân bao vây thành phố Mỹ Tho. Rồi tài liệu của một số cuộc hội thảo được công bố ra mới biết Nam Kỳ khởi nghĩa ngày ấy chính là một cuộc tổng khởi nghĩa của toàn xứ thuộc địa Nam Kỳ để thành lập “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” với đầy đủ cả Quốc hiệu, Quốc kỳ và nội các. Cuộc khởi nghĩa tập hợp được hầu hết các đảng phái chính trị có tinh thần dân tộc ở Nam Kỳ. Có sự tham gia ủng hộ của tầng lớp nhân sĩ trí thức và cả giới thương gia, địa chủ. Nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ đã thất bại, bị Pháp dìm trong biển máu. Ông nội phải lánh vào Đồng Tháp Mười. Còn bà nội ở nhà thì gom góp vòng vàng nữ trang đem bán để trả cho những nơi mà ông nội huy động tiền mua vũ khí cho khởi nghĩa. Khởi nghĩa Nam Kỳ tuy thất bại nhưng tiếp nối truyền thống bất khuất của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều, một lần nữa người dân Nam Kỳ lại thể hiện tinh thần xả thân vì nước của những người đi mở cõi năm nào. Có thể nói, khởi nghĩa Nam Kỳ chính là cuộc tổng dợt quy mô và toàn diện nhất cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
***
Hai lần chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc là cả hai lần bốn chị em chúng tôi đều được sơ tán cùng với ông nội tại Hà Tây. Lần đầu còn có mẹ đi cùng nhưng đi sơ tán lần hai thì mẹ phải trực chiến ở Hà Nội. Còn ba tôi sơ tán theo cơ quan Nhà Xuất bản Sự Thật ở Sơn Tây. Cứ mỗi cuối tuần, ba mẹ đạp xe tiếp tế đồ ăn đến chỗ ông cháu tôi. Nơi chúng tôi về sơ tán là một cái chùa. Dân địa phuơng gọi là Chùa Trắng. Trụ trì là một bà sư cũng trạc tuổi ông nội, chuyên bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh nan y cho người khắp tứ xứ. Không biết ông nội tôi quen sư cụ như thế nào mà cả hai lần sơ tán sư cụ đều cho cất một căn nhà ba gian vách đất, lợp rạ trên đất chùa để đón ông cháu tôi về ở. Ngay dưới giường ông nội nằm, sư cụ còn cho đào một cái hầm sâu rất kiên cố phòng khi máy bay Mỹ đến gấp quá ông không kịp chống gậy ra hầm chữ A ở ngoài vuờn để tránh bom. Mẹ tôi bảo sở dĩ sư cụ quý Nội là vì được ông “cho” một số bài thuốc đông y chữa bệnh rất hiệu quả. Hầu như trong những năm tháng ở miền Bắc, thú vui hay có thể gọi là sự đam mê của Nội được dành hết cho việc nghiên cứu sưu tầm các bài thuốc đông y. Nội viết sách liên tục, mà toàn là sách thuốc. Những người Nội giao du là các nhà sư, các ông lang. Tôi còn nhớ ở nơi sơ tán có ông Nguyễn Kiều, còn gọi là ông Lang Kiều thường hay tới thăm Nội. Chị em chúng tôi rất “ấn tượng” về ông Kiều vì được nghe Nội kể là hồi còn ở trong Nam, trước khi bỏ nhà đi theo cách mạng, ông Kiều đã trói cha ông vào gốc dừa đánh cho một trận và tuyên bố “Đây là nông dân đánh địa chủ chớ không phải con đánh cha”. Nội giải thích rằng vì mẹ của ông Kiều chỉ là người ở, “bị” đẻ ra ông Kiều, ông địa chủ ấy thường xuyên đánh đập rất tàn nhẫn. Ông Kiều thương mẹ, không chịu nổi cảnh ấy nên mới làm vậy. Chúng tôi vừa thán phục vừa thấy sờ sợ mỗi khi ông Kiều đến nhà.
Nhờ có hai lần sơ tán về nông thôn mà những đứa trẻ Hà Nội như chúng tôi mới biết đâu là mạ, đâu là cỏ. Mới biết sương muối làm xót rau trồng ra sao. Nhưng trong ký ức của tôi, nơi sơ tán gắn liền với một kỷ niệm mà mỗi khi nhớ lại, đầu tôi như muốn tê đi. Đó là vào một đêm đông cực rét. Tôi đang ngủ thì nghe tiếng Nội gào lên khàn khàn: “Đào, Lệ…”. Tôi và chị Hai bừng tỉnh thấy Nội đang quơ tay, miệng há ra ngáp ngáp như đang ngộp thở: “Mau đỡ ông lên võng”. Tôi lúc đó khoảng mười hai tuổi, chị Hai hơn tôi có một tuổi. Chúng tôi sợ chết khiếp. Nội mặc bộ đồ bông dầy cui, loại quần áo độn bông nguyên bộ của Trung Quốc giống như những người Bắc Cực ở trên phim bây giờ, nặng nề, dềnh dàng. Hai chị em tôi khó nhọc lắm mới đỡ được Nội lăn vào võng. Chị Hai lấy củi đốt bên cạnh. Rồi Nội cũng dần dần thở lại được nhưng tôi thì cứ run rẩy. Nhỡ Nội tôi chết rét thật thì sao. Ba mẹ đang ở xa mà đêm thì tối quá. Cảm giác sợ hãi ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Cái đêm B52 của Mỹ rải thảm ngay chỗ tôi sơ tán, người chết la liệt xếp nằm ở sân kho hợp tác xã, ông cháu tôi sống sót nhưng tôi cũng không có cái cảm giác sợ hãi đó.
Một kỷ niệm khác rất thú vị về Nội lại có liên quan đến cây thuốc. Lần ấy ở Hà Nội, ông được nhà nước đưa sang Quế Lâm, Trung Quốc để an dưỡng mấy tháng. Lúc xe ô tô đưa Nội trở về, bốn chị em tôi mừng quýnh quáng vì thấy ông đem quá chừng quà. Một bao bố nhỏ. Khi mở ra thấy toàn là táo Trung Quốc để lẫn với những gói tròn trắng bằng nắm tay. Ông hối hả mở các gói giấy lấy ra từng cái tách trà sứ, vẻ căng thẳng. Chúng tôi tò mò theo dõi. Nét mặt Nội dãn ra khi trong lòng một cái tách có ba mầm cây như những cọng giá già với vài ba cái lá mới nhú. Nội nâng niu chúng như vật báu. Rồi ông bảo mẹ tôi đạp xe qua nhà chú nào đó ở Viện Đông y, kêu chú sang nhận cây giống về cho Viện. Nội giải thích với chúng tôi đó là một giống sâm rất quý. Nội xin được bên Quế Lâm nhưng phải giấu kỹ vì hải quan Trung Quốc mà thấy họ sẽ tịch thu. Còn quà Trung Quốc thì Nội đem chia cho cả con nít lối xóm. Em Thủy, con chú Sáu Lộc ở tầng dưới không có mặt, Nội kêu chúng tôi giữ phần lại cho nó.
Nội tôi đam mê các bài thuốc, cây thuốc đông y cho đến cuối đời. Nỗi đam mê ấy đi theo Nội đến cái chết. Đó là năm 1978, lúc đã về Sài Gòn, Nội lên cơn nhồi máu cơ tim lúc đang giảng bài ở Viện Y học dân tộc. Người ta đưa Nội vào bệnh viện Trưng Vương cấp cứu nhưng Nội đã tắt thở trên đường. Ôi Nội ơi, cả đời Nội chỉ nghĩ đến chuyện cứu nước, cứu người. Thế mà khi xa rời cái cõi tạm này, ông trời đã không cho Nội kịp nhìn mặt con cháu mình.
***
Về xuất xứ của tập tài liệu mà sau này báo chí đề cập gọi là hồi ký của ông Lê Quang Sô thì chị em chúng tôi còn nhớ rất rõ. Đó là vào khoảng năm 1970-73, có một chú thương binh người miền Nam tập kết tên là Sơn, thường xuyên đến nhà tôi ở Hà Nội. Cánh tay trái của chú Sơn bị mất một khúc xương ở phía trên nên nó cứ dặt dẹo, đôi lúc nó lại gồng rút lên trông rất quái đản. Chú Sơn có giọng nói eo éo như đàn bà. Nhưng có lẽ cái khiến lũ nhóc chúng tôi không cảm tình chính là việc chú đến nhà thường xuyên có nghĩa là chúng tôi phải chia sẻ phần ăn mặc dù lần nào đến chú Sơn cũng đem theo ổ bánh mì đưa cho mẹ. Giữa cái thời buổi tem phiếu, thực phẩm khan hiếm, chúng tôi lại đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới, chỉ thấy cái trước mắt. Chị Hai tôi ý thức về vấn đề này nhất, chỉ sợ các em đói nên mỗi khi nhìn thấy chú là chị lẩm bẩm “Lại đến”. Sau này mẹ tôi bảo hồi đó chú Sơn tới nhà có đưa giấy của cơ quan trung ương nào đó để làm việc với ông nội. Nhiều ngày liền, rồi có khi cách vài tuần, thậm chí vài tháng, chú Sơn đó cứ đến hỏi hết chuyện này tới chuyện khác. Ông nội tôi lúc thì ngồi ghế trả lời, khi mỏi quá thì nửa nằm nửa ngồi trên giường kể chuyện.
Những ngày ấy, chú Sơn ghi chép liên tục. Chúng tôi lúc đầu tò mò, hóng chuyện. Sau chán không để ý nữa. Tuy nhiên có nhiều mẩu chuyện ông kể lúc đó cũng lọt vào đầu chị em tôi như chuyện ông ra Huế, linh đinh trên thuyền ở sông Hương cả tuần bàn việc quốc sự với cụ Phan Bội Châu. Chuyện ông ở Côn Đảo vì giỏi võ nghệ nên thường giơ lưng ra đỡ đòn cho anh em tù. Tôi còn nhớ như in trên lưng Nội có năm vết sẹo đen lõm vô xếp hàng dọc cạnh sống lưng. Không biết đó có phải là dấu tích của những lần chịu đòn ấy? Chuyện ở trong tù Nội dạy chữ Nho cho ông Ngô Gia Tự, đổi lại ông Ngô Gia Tự dạy chữ Pháp cho Nội. Nội biết tiếng Pháp là nhờ vậy. Đặc biệt là chuyện ông đưa ra lá cờ đỏ sao vàng mà có người cực đoan đòi phải xử bắn ông vì họ chỉ công nhận lá cờ đỏ búa liềm. Chuyện “giật gân” ấy lọt vào tai chị Hai tôi. Khi chú Sơn về rồi, chị Hai đem chuyện ra hỏi Nội. Ba tôi gạt đi: “Con nít biết gì”. Còn Nội giải thích với chúng tôi: “Hồi đó có người không hiểu. Đến khi hiểu rồi thì họ ủng hộ thôi”…
Từ ngày đó, gia đình tôi không bao giờ gặp lại chú Sơn nữa. Mãi đến khoảng năm 2000, có một người bà con làm ở tỉnh Tiền Giang chuyển lại cho chúng tôi tập tài liệu đánh máy ghi là Hồi ký của ông Lê Quang Sô. Xem lại nội dung tập tài liệu này, cả gia đình tôi đều nhận ra đó chính là những gì ông nội tôi kể theo yêu cầu cho chú Sơn ghi chép ngày ấy. Mẹ tôi nhíu mày bảo “Ông nội tụi mày có ý định viết hồi ký bao giờ đâu. Danh lợi với ông cũng chỉ là hư ảo”…
***Có một sự tình cờ như sắp đặt. Trong chuyến đi thực tế sáng tác tại tỉnh Tiền Giang do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu tháng Tư năm nay. Khi lên nói cảm tưởng trong buổi lễ bế mạc trại, tôi có đọc hai câu đối của ông Phan Tòng Am. Vừa bước xuống ngồi vào ghế, anh Lê Tư, nhà văn của tỉnh, người mà tôi trò chuyện suốt mấy ngày trước, vội nhào qua bàn hỏi: “Chị vừa nói đến ông Phan Tòng Am. Sao chị lại biết ông ngoại tôi?”. Tôi cũng ngớ ra. Bất ngờ quá. Tối liên hoan đó là bữa cuối nên không nói chuyện được nhiều. Đến ngày 30.4, cả bốn chị em tôi đều về quê. Chúng tôi điện thoại mời nhà văn Lê Tư sang chơi. Anh Lê Tư cho biết mẹ anh - con gái của thầy Phan Tòng Am vẫn khỏe, đến tết này là tròn 100 tuổi. Bà vẫn minh mẫn, còn nhắc lại nhiều chuyện xưa. Bà vẫn nhớ nhà ông Hai Sô là một gia tộc lớn trong vùng…Nhìn anh Lê Tư thắp từng cây nhang lên mộ ông bà nội và mộ ba tôi, tôi thấy bâng khuâng. Hậu duệ của các cụ ở đây, “trên đó” các cụ có còn đang bàn chuyện quốc sự không nhỉ.
Bây giờ, mỗi lần về quê, đi ngang cống Bảo Định, nhìn nước sông lờ lững trôi, tôi luôn có cảm giác như bên kia của khối nước ấy ông nội, bà nội tôi đang “sống” thong dong, thư thái. Chòm râu trắng của Nội vờn trong sóng nước. Rồi tiếng ba tôi ngân nga: Không quan tước không lợi danh, thanh thảnh về với hư không, chỉ cờ đỏ sao vàng ở lại cùng trời đất Nam Kỳ tươi thắm mãi. Chí thương nước chí vì dân, an nhiên quyện hòa ý chí, kìa mây trắng nước bạc còn đó với linh khí Tiền Giang vẫn trường tồn. Ừ mà có gì phải băn khoăn đâu nhỉ, trời đất Nam Kỳ của Nội vẫn xanh thế cơ mà …
 
Mỹ Tho-tháng Năm năm 2009
---------------------
Bài này đăng đầu tiên trên tạp chí Hồn Việt số 26 Tháng 8/2009, sau đó đăng lại trên tạp chí Điện Ảnh Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2009, sau nữa là in trong tập Sóng sông Tiền của Hội Nhà văn TP.HCM