Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT TÀI NĂNG LẬN ĐẬN

Phạm Quang Đẩu
Thứ tư ngày 5 tháng 1 năm 2011 5:46 AM

 
 Giữa năm 1987, tôi tình cờ gặp anh Trần Đức Hiệp tại khu tập thể Xưởng hoạ quân đội trong ngõ Vân Hồ 3, Hà Nội. Ngày đó, do chỗ ở chung với gia đình quá chật chội, người bạn anh là hoạ sĩ Nguyễn Cương đã cho mượn gian phòng mà Tổng cục Chính trị phân ở ngõ Vân Hồ để anh chị hưởng “tuần trăng mật”. Anh Hiệp vừa bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ(nay gọi là TSKH) ở Tiệp Khắc về. Tôi và anh sau buổi đầu quen trở nên thân từ đấy. Rồi anh được chính Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng(nay là thủ tướng) Đỗ Mười bổ nhiệm là tổng giám đốc Liên hiệp Đất hiếm Việt Nam. Việc một doanh nghiệp trực thuộc thẳng chính phủ ngày ấy là một trường hợp mang tính đặc cách. Đất hiếm như ta đã biết, là tên gọi chung của 17 nguyên tố kim loại trong bảng tuần hoàn hoá học Mendeleev. Quặng đất hiếm tuy khá phổ biến, song việc tách chiết từng kim loại trong đó là khó khăn. Từ năm 1794 người ta đã tách được chất đầu tiên đặt tên là Ytri, ký hiệu Y, đó là nguyên tố sau này được nhà hoá học vĩ đại người Nga D. Mendeleev thế kỷ XIX, xếp ở thứ tự 39 trong bảng tuần hoàn hoá học kỳ diệu của mình. Từ năm 1958, ngành địa chất nước ta đã có những cuộc thăm dò, khảo sát đầu tiên, tìm ra các mỏ đất hiếm lớn ở Lai Châu, Yên Bái. Sơ bộ đánh giá trữ lượng khoảng 17 triệu tấn, đứng trong tốp đầu những nước nhiều đất hiếm nhất thế giới. Luận văn TSKH của Trần Đức Hiệp có tên là “Những đóng góp về tách và tinh chế các nguyên tố đất hiếm”, đã có 7 bằng sáng chế(paten) được đăng ký bản quyền tại Tiệp Khắc. Giáo sư B. Hajek, chủ nhiệm bộ môn Hoá vô cơ Đại học Hoá kỹ thuật Prague, uỷ viên Hội đồng Hoá học thế giới (IUPAC) nhận xét: “Bản luận văn tiến sĩ nghiên cứu về các phương pháp tách chiết nguyên tố đất hiếm, hết sức có tính thời sự không chỉ đối với nền công nghiệp Tiệp Khắc và Việt Nam, mà còn cho các nước khác trong khối SEV của chúng ta”. Trần Đức Hiệp cho tôi biết thêm, ban đầu anh có học vị phó tiến sĩ(nay là TS) về hoá dầu, từng là trưởng phòng hoá dầu của Tổng cục Dầu khí. Nhận thấy tầm quan trọng của đất hiếm trong phát triển khoa học công nghệ và quốc phòng, trong khi nước ta đang rất thiếu cán bộ chuyên môn về lĩnh vực này, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đang là phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phụ trách về khoa học kỹ thuật đã gợi ý anh chuyển sang nghiên cứu đất hiếm. Còn nhớ, hồi còn phe XHCN nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật vẫn thường bảo nhau: làm tiến sĩ khó nhất ở Tiệp Khắc, rồi đến Liên Xô, CHDCĐức…Anh là một trong những người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ khoa học kỹ thuật tại Tiệp Khắc. Chắc hẳn nhiều người không ai có thể nghi ngờ gì về khả năng chuyên môn của anh. Vậy mà sau khi Liên hiệp Đất hiếm ra đời, những lần gặp lại anh, tôi đều thấy vẻ mặt anh không vui khi hỏi về đất hiếm. Anh chỉ nói gọn với tôi là “không cạnh tranh được với đất hiếm Trung Quốc, họ bán quá rẻ”, lúc đó tôi đã ngầm hiểu được sự lận đận của anh.
Sát cạnh ta là Trung Quốc đã đi trước ta một bước, sớm xác định chiến lược phát triển kinh tế-quốc phòng lấy đất hiếm là một mũi nhọn. Để đến đầu năm 1992 nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tự tin tuyên bố rằng: “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”(Trung Đông hữu thạch du, Trung Quốc hữu hiếm thổ). Ấy là vì Trung Quốc có 1/3 trữ lượng đất hiếm của thế giới (mỏ đất hiếm Bayan Obo ở Nội Mông trung bình mỗi năm sản xuất 90000 tấn, trên tổng số đất hiếm thế giới sản xuất là 105000 tấn). Từ trước khi Liên hiệp đất hiếm Việt Nam ra đời, nước này đã có bước đột phá nữa về khoa học công nghệ, khi trọng đãi nhà khoa học Từ Quang Hiếu (Xu Giangxian) Hoa kiều Mỹ, để ông lãnh đạo cả ngành đất hiếm.
Ngày ấy, Tổng giám đốc Trần Đức Hiệp đã có một chương trình khá hoàn chỉnh để khai thác và chế biến đất hiếm vùng Tây Bắc phục vụ nhu cầu trong nước và  xuất khẩu. Trước tiên là sản xuất nhỏ trong phòng thí nghiệm, không mấy khó khăn vì anh là tác giả của những paten đã đăng ký ở Tiệp. Các mẫu nguyên tố đất hiếm lấy từ mỏ Đông Pao được xác nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đã từng được một kỳ hội chợ tại Thuỵ Điển cấp bằng chất lượng cao. Song đến khi làm đại trà thì vấp phải một trở ngại không gỡ nổi, đó là giá cả. Giá thành đất hiếm Việt Nam khi chào hàng ra nước ngoài đều bị từ chối vì đắt hơn đất hiếm Trung Quốc. Trung Quốc đã nhanh chân đi trước ta một bước và thực sự “thống trị” thế giới về món hàng này. Một nước có tiềm năng lớn về đất hiếm, trình độ khoa học công nghệ cao như Mỹ cũng đóng cửa mỏ lớn nhất của mình là Mountain Pass để mua đất hiếm Trung Quốc, bởi họ có làm cách nào thì giá thành cũng cao hơn, vả lại khai thác, chế biến mỏ đất hiếm còn dễ gây ô nhiễm môi trường. Một số nước lại có “động tác”, mua đất hiếm thương phẩm Trung Quốc về đem chôn dưới biển để dự trữ phòng khi có lúc giá đất hiếm tăng. Trong bối cảnh như vậy, Liên hiệp Đất hiếm của Trần Đức Hiệp gặp khó khăn là lẽ đương nhiên. Một trở ngại nữa cũng lớn, chính là cơ chế quản lý. Ngày đó Mỹ chưa bỏ cấm vận, trong nước nền kinh tế chưa thoát khỏi sự bảo thủ trì trệ, quan liêu bao cấp. Vấn đề quyết định sống còn là vốn. Lấy đâu ra hàng triệu USD để đầu tư vào khai mỏ đất hiếm ở vùng núi cao Tây Bắc. “Bơi” trong cơ chế, làm sao nuôi sống được mấy trăm cán bộ công nhân viên, có lúc anh phải tạm bỏ đất hiếm, làm thêm nhiều nghề khác để kiếm sống. Rồi liên hiệp hạ cấp thành công ty, trực thuộc Bộ Công nghiệp. Vào những năm sau khi nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế thị trường, Công ty Đất hiếm đã tìm được một đối tác mới là công ty điện tử nổi tiếng của Hàn Quốc LG. Qua tiếp xúc với người đứng đầu công ty đất hiếm của Việt Nam, các bạn Hàn đã chấp nhận công nghệ tinh chế đất hiếm do phía ta đưa ra, cùng góp vốn xây dựng một liên doanh. Số vốn liên doanh đầu tư hàng chục triệu USD, đủ để tồn tại và phát triển bằng chính công nghệ tinh chế đất hiếm của Việt Nam. Cuối năm 1997 các văn bản thoả thuận đã được ký kết. Thời gian này Tổng giám đốc Trần Đức Hiệp làm việc không biết mệt mỏi. Ở Hà Nội, đi về vùng mỏ Đông Pao (Phong Thổ, Lai Châu), hoặc qua Seoul, Hàn Quốc. Anh vốn biết trái tim mình không được khoẻ, vẫn uống thuốc phòng đều đặn. Nhưng, than ôi! Trời không cho anh tuổi thọ, để chí ít được nhìn thấy ngày bộ máy liên doanh mà mình đã bỏ vào đấy bao sức lực, tâm huyết đi vào hoạt động. Một ngày đầu năm 1998, không bao lâu sau lần ký kết hợp tác với LG, anh đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội sau một cơn đau tim đột ngột khi chưa đầy 54 tuổi.
Anh ra đi bất ngờ đến thế, để lại bao thương tiếc cho người thân và bạn bè. Lúc đó tổn thất là quá lớn, không ai thay thế được vai trò của anh, liên doanh trong giai đoạn phôi thai cũng không thể tồn tại nữa.
Giờ đây ở Việt Nam, đất hiếm đang được nhắc đến nhiều sau một thời gian khá dài bị lãng quên. Hồi cuối tháng 10-2010, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị lãnh đạo các nước trong khối ASIAN và một số nước lớn ở châu Á, Thủ tướng Naoto Kan đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức bàn việc Nhật Bản và Việt Nam hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm. Các tổng công ty, công ty của Nhật Bản như Jogmec, Toyota Tsusho, Sumitomo… vào nước ta và đã có những khảo sát cụ thể tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu, Yên Bái. Một ngành công nghiệp mà anh đã từng nhọc lòng, đang được “khởi động lại”. Nhiều người lại nhớ đến anh. Tôi viết bài này vào dịp sắp đến lần giỗ thứ 13 của anh, muốn thắp lên tuần nhang tưởng nhớ anh, một tài năng lận đận, người đã đi đầu khai sơn phá thạch đất hiếm Việt Nam.
Hà Nội cuối 2010, đầu 2011
P.Q.Đ

Ảnh theo bài:
 TSKH.Trần Đức Hiệp(bên phải) đang ký biên bản hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao với công ty điện tử Hàn Quốc LG  (cuối năm 1997).