Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỨC CHÂN DUNG TẠC VÀO THỜI GIAN

Lê Phú Khải
Thứ sáu ngày 7 tháng 1 năm 2011 7:35 AM
Đọc BỨC CHÂN DUNG ĐỂ LẠI của Phạm Đình Trọng
Nxb Quân đội Nhân dân - 2010
 
        Bức Chân Dung Để Lại của Phạm Đình Trọng gồm 29 bài kí trong ba phần bố cục theo ba bậc, tam cấp, cổ điển: Chuyện đời nghệ sĩ, Gương mặt cuộc sống và Những mảnh kí ức.
        Tên tập sách Bức Chân Dung Để Lại cũng là tên bài viết nhiều cảm xúc kể về cuộc đời làm việc, cống hiến lặng lẽ của một nhà biên kịch kiêm đạo diễn phim tài liệu quân đội, nghệ sĩ Phan Quang Định. Cả cuộc đời làm đạo diễn điện ảnh ông đã đòi hỏi, đã hướng dẫn nhiều nhà quay phim ghi vào phim nhựa để lại cho mai sau hàng vạn chân dung đồng đội và nhân dân thế mà lúc ông đột ngột giã từ cuộc sống tại quê nhà Đà Nẵng, xưởng Phim Quân đội Nhân dân ở Hà Nội, nơi ông làm việc, tổ chức lễ truy điệu ông lại không làm sao tìm được bức ảnh chân dung của ông để đặt lên hương án! Từ nỗi bùi ngùi đó, nhà văn Phạm Đình Trọng đi tìm bức chân dung, phám phá thế giới tâm hồn đạo diễn điện ảnh Phan Quang Định qua những bộ phim mang dấu ấn sáng tạo của ông để lại cho cuộc đời!
        Mỗi người đều có bức chân dung để lại trong thời gian. Tầm vóc, độ đậm nhạt và sức sống bền lâu của bức chân dung phụ thuộc vào tài năng và tấm lòng người đó để lại cho cuộc đời. Nhưng không phải ai cũng nhận ra bức chân dung đó! Bức chân dung để lại trong thời gian chỉ được phát hiện và dựng lại bằng mẫn cảm nghệ sĩ. Bức Dung Chân Để Lại là một chặng đường nhà văn Phạm Đình Trọng khám phá, phát hiện thế giới tâm hồn người nghệ sĩ, người Anh hùng và cả những con người bình dị.
        Người ta có thể vứt ngay một cuốn tiểu thuyết sau khi đọc một số trang đầu thấy vô hồn, vô cảm, cũng không thể đọc hết một “bài thơ con cóc” dù rất ngắn! Nhưng người ta sẽ hứng thú nhấm nháp một bài kí, một tập kí trung bình. Bởi kí là sự thật, là thông điệp của cuộc sống đang diễn ra, là những sự kiện có thật trong không gian và những sự kiện có thật trong tâm hồn con người. Tôi đã đọc 29 bài kí sự chân dung của tập Bức Chân Dung Để Lại với sự hứng thú bởi tôi đã gặp lại những miền đất tôi đã đến, đã để lại kỉ niệm và những nhân vật trong Bức Chân Dung . . . đều thuộc “Lứa Chúng Tôi” (Tên một bài trong tập sách) tôi đều đã gặp gỡ, thậm chí đã viết về họ. Gặp lại nhưng tôi vẫn thấy vừa quen vừa lạ. Quen vì vẫn những tên tuổi, những gương mặt, những con người, những cuộc đời đó! Lạ vì người viết không chỉ viết những điều tai nghe mắt thấy, không chỉ phác họa hình hài, vóc dáng nhân vật, không chỉ kể lể sự việc! Chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn, ai đó đã nói như vậy! Bằng những chi tiết đắt giá phát hiện đời sống tình cảm nhân vật, người viết đã phác họa lên cả chân dung tâm hồn họ.
       Một diễn viên điện ảnh nổi tiếng đã trở thành quen thuộc, thân thiết với nhiều thế hệ công chúng điện ảnh suốt mấy chục năm như Lâm Tới, các vai diễn Lâm Tới đảm nhiệm trong những bộ phim truyện làm nên một thời huy hoàng của điện ảnh Việt Nam như các phim Hai Người Lính, Nguyễn Văn Trỗi, Vĩ Tuyến 17 Ngày Và Đêm, Đường Về Quê Mẹ, Mùa Gió Chướng, Cánh Đồng Hoang . . . còn ở lại mãi trong tình cảm và trí nhớ của họ. Lâm Tới thành công cả trong vai chính diện và phản diện. Thành công đến mức khi cảnh sát Trần Sùng do Lâm Tới diễn xuất hiện trên màn ảnh ở bãi chiếu phim ngoài trời thì màn ảnh luôn bị người xem là bộ đội ngày mới giải phóng miền Nam bắn rách nát! Một ngôi sao màn bạc như thế ở nước khác chắc chắn phải là tỉ phú có mức sống phong lưu vương giả cao vòi vọi. Nhưng Lâm Tới trong Bức Chân Dung Để Lại thật gần gũi, bình dị, đơn sơ như mọi người dân nghèo trong xã hội Việt Nam!
        Người đọc sẽ thiệt thòi nếu không có những người viết biết khai thác những chi tiết tạo dựng nên chân dung tâm hồn nhân vật như Lâm Tới trong Bức Chân Dung Để Lại. Tôi xin dẫn ra đây một trích đoạn: Tới đi tập kết. Chị Hai ở lại quê nhà Cao Lãnh. Một lần có người rỉ tai chị rằng ngoài cứ có chiếu phim từ ngoài Bắc đưa vô. Trên phim có hình Bác Hồ đến thăm cán bộ, bộ đội miền Nam. Lại có phim có cả hình thằng Tư  nhà chị nữa. Từ Cao Lãnh, chị Hai chống ghe đi mất nửa buổi mới tới chỗ coi phim. Đến khi nhận ra thằng ác ôn mặc đồ cảnh sát trên phim đúng là thằng Tư của chị rồi, chị la lên: Trời ơi! Ra đến ngoải rồi mà vẫn làm ngụy! Sao khổ vậy Tư? Chị khóc tức tưởi rồi len lén bỏ về như đi trốn! Có người nói cho chị biết thế nào là đóng phim, hôm sau chị lại chống ghe đi coi. Khi nhìn thấy thằng Tư em chị trên phim, chị la còn lớn hơn cả hôm trước: Thằng Tư em tôi đó! Dừng lại cho tôi gặp em tôi! Một chi tiết nhỏ tải một lượng thông tin khá lớn. Thông tin xã hội: Đất nước chia cắt! Tình cảm con người và tình cảnh các gia đình thời đất nước chia cắt! Đặc biệt thú vị là thông tin về tâm hồn mộc mạc, chân chất, hồn nhiên, quê kiểng của người dân bưng biền Nam Bộ, nơi khởi nguồn của tâm hồn nghệ sĩ Lâm Tới! Sự đau khổ tủi nhục của chị Hai khi thấy Thằng Tư “cảnh sát ác ôn” trong phim Vĩ Tuyến 17 Ngày Và Đêm là bằng chứng về thành công vai diễn của Lâm Tới. “Thằng ác ôn” ấy đến phim Cánh Đồng Hoang lại cũng rất thành công trong vai anh du kích giao liên Ba Đô kiên cường. Phim Cánh Đồng Hoang đã đưa Lâm Tới đi dự Liên hoan phim quốc tế Mockva. Bộ phim được nhận giải thưởng lớn và chính Lâm Tới đã lên nhận giải thưởng của bộ phim. Là nghệ sĩ tài năng lớn như vậy mà Lâm Tới vẫn sống đạm bạc trong gian nhà tập thể tuềnh toàng, vẫn nghèo rớt mồng tơi và khi cưới vợ lại phải đến xin chị Hai đôi bông tai theo thách cưới của nhà gái. Nghe chị Hai nói: Đôi bông tai chị dành cho cháu cưới vợ nhưng em cần cứ lấy đi! Lâm Tới không cầm được nước mắt!
        Nếu Lâm Tới không khóc thì đọc đến đây người đọc cũng phải khóc! Khóc vì xúc động trước tình cảm chị em ruột thịt thương yêu mà bao năm ròng xa cách! Sự xúc động đã dồn nén từ lâu đến lúc này không thể kìm nén thêm được nữa! Khóc mừng cho người nghệ sĩ tài năng mà tình duyên lận đận ngoài bốn mươi tuổi mới lấy được vợ! Khóc mừng cho chú rể nghèo Lâm Tới đã có đủ xính lễ quí hiếm lúc đó, cặp bông tai của chị Hai cho, đôi nhẫn của anh Ba cho, như là thần núi Sơn Tinh có đủ voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao để cưới con gái Vua Hùng!
        Thành công của Phạm Đình Trọng là ở chỗ viết về nhân vật có thật nhà văn không dừng lại ở sự kiện biên niên, không dừng lại ở thống kê thành tích mà biết tìm tòi, phát hiện chi tiết đời thường phát lộ thế giới tâm hồn nhân vật. Đó là những chi tiết mà thể kí văn học phải có, nếu thiếu, nó sẽ không có chỗ trong chiếc chiếu văn chương!
        Cũng giống như một người nổi tiếng, chiến khu An Phú Đông của Sài Gòn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cả nước đều biết. Đã có nhiều bài báo, cuốn sách, bộ phim miêu tả, ngợi ca An Phú Đông. Đã từng nhiều lần về thâm nhập thực tế ở An Phú Đông, đến khi đọc Gặp Gỡ Ở An Phú Đông trong Bức Chân Dung Để Lại, người viết bài này vẫn nhận ra những phát hiện riêng của Phạm Đình Trọng. Trong Bức Chân Dung Để Lại, bài kí sự Gặp Gỡ Ở An Phú Đông cũng là một bức chân dung trung thực, sinh động mà vẫn có phát hiện mới mẻ. Bức chân dung một vùng đất chiến khu! Bức chân dung những người dân bình dị! Tôi nhận ra Phạm Đình Trọng đã thành công hơn bất cứ ai đã từng viết về An Phú Đông. Là đất bị giặc chiếm đóng trong hai cuộc kháng chiến ác liệt nhưng An Phú Đông vẫn là đất cách mạng , vẫn là chiến khu kiên cường! Vì dân không bỏ đất thì cách mạng  không thể bỏ dân! Vì sống trong lòng địch nhưng dân An Phú Đông vẫn mở lòng nuôi cán bộ cách mạng, đất An Phú Đông vẫn mở lòng che chở cán bộ cách mạng. Ngày nay trong kinh tế thị trường, tấc đất tấc vàng, An Phú Đông vẫn dành đất làm nhà cho người chiến sĩ An Phú Đông năm xưa, nhà thơ Xuân Miễn, có chỗ đi về! Dân An Phú Đông là vậy! Người dân sống trên dải đất Việt Nam là vậy! Vậy cán bộ phải cư xử với dân sao đây?
        Có nhà lí luận cho rằng, một bài kí hay phải hội đủ bốn điều kiện: Có thông tin mới. Người viết phải am hiểu đề tài viết. Người viết phải có tư cách hướng dẫn, dẫn dắt người đọc khám phá đề tài. Có chất thơ, có mạch cảm hứng trữ tình và truyền cảm hứng đến người đọc để hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Nếu quả đúng như vậy thì Bức Chân Dung Để Lại đã hội đủ bốn tiêu chí, bốn đòi hỏi đó. Chất thơ ư? Có trong nhiều bài viết và rõ nhất là Chiếc Bóng Nguyễn Khuyến Trong Mùa Thu Cổ Điển Việt Nam. Tư cách hướng dẫn ư? Hãy đọc Nhớ Nhà Văn Lê Khánh, Văn Cao Mùa Xuân Cuối Cùng  . . . Thông tin ư? Nhiều lắm! Bài nào cũng có hàm lượng thông tin đáng kể!
        Cảm ơn nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đã ấn hành một tập sách có ích. Tôi viết mọi thể loại, trừ thể loại nhàm chám! Ai đó đã viết như vậy nhỉ? Có lẽ người viết Bức Chân Dung Để Lại cũng đã tuân theo tôn chỉ nghiêm ngặt đó!

LÊ PHÚ  KHẢI