Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN LÀNG CÀ KÊ(4)

Vũ Duy Chu
Chủ nhật ngày 9 tháng 1 năm 2011 6:26 AM
 
 
An kể với tôi rằng:
Bữa dọn nhà, nó tỉ mẩn kiểm tra một đống giấy tờ, tài liệu sổ sách của bố, xem cái gì cần thì giữ lại, cái gì không cần thì bỏ, bán ve chai. Nó thấy một quyển sổ nhỏ, chừng 18 trang, bìa giấy màu xanh trong một túi ni-lon. Mở ra xem, nó thầm reo lên: A, quyển lý lịch Đoàn viên Thanh niên của bố. Nét chữ bố viết tay bằng mực màu xanh, tuy không đẹp nhưng nắn nót và còn rất rõ nét. Xem nào: Chà, bố được kết nạp đoàn từ năm 1967, nghĩa là khi đó bố đang học lớp 8, mới 15, 16 tuổi chứ mấy. Oách chưa?
Tò mò, nó đọc tiếp và ngạc nhiên: Bố khai rất tỉ mỉ cả ông bà nội ngoại trước, trong kháng chiến và sau hòa bình 1954 làm gì, ở đâu. Thành phần bản thân và gia đình thấy bố ghi toàn là bần cố nông, nghĩa là cùng khổ rồi. Rồi các anh chị em ruột trong gia đình nội ngoại học trường nào, quá trình công tác từ năm….đến năm, hiện nay làm gì, ở đâu…
Đến cái mục tự khai của bố mới lạ: Những người bạn thân nhất hiện nay là ai, làm gì? Ở đâu? Khai theo thứ tự 1,2,3 cho ba người. Rồi có mục bố tự nhận xét, đánh giá bản thân nữa.
Nó đọc lý lịch đoàn của bố mà có cảm giác một giọng nói to, nhát gừng, lạnh lùng,  vọng ra từ một góc nào đó trong căn nhà nó đang ngồi và cứ lặp lại: Ai? Ở đâu? Làm gì?...Ai? Ở đâu , làm gì?...
Càng ngạc nhiên hơn, ở một trang cuối, ngoài cam kết khai đúng sự thật của bố, còn có nhận xét của Bí thư Chi đoàn lớp:
Đồng chí Nguyễn… có nhiều cố gắng trong học tập, có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ bè bạn. Tinh thần phê và tự phê tốt. Lập trường tư tưởng vững vàng.
Bí thư Chi Đoàn - Ký tên:
Trần Đình Quá.
Ô, tưởng ai chứ bác Quá à? Bác Quá ở xóm trên chứ đâu.
***
Nó nói tiếp:
- Cháu đem chuyện lí lịch ra nói chuyện với bố cháu. Tính cháu thì hay nói thật, muốn được gọi đúng tên sự vật. Ấy là cháu xin được tranh luận với bố cháu để thấy đúng sai, để chiêm nghiệm, chứ chẳng có ý chê bai gì. Vì mỗi thời mỗi khác. Thế mà bố cháu nổi sùng lên, làm ầm ĩ. Cháu mất cả thể diện với bạn gái cùng lớp Đại học với cháu ở Hà Nội về chơi.
- Thế cháu nói với bố cháu những gì?
Cháu bảo:
- Các cụ ngày xưa toàn làm ngược. Trứng đi khai lý lịch cho vịt. Cháu chắt đi khai lý lịch cho các cụ cố đã mất mấy chục năm, trước cả khi cháu chắt có mặt trên đời, mới kỳ lạ. Muốn biết lập trường tư tưởng vững vàng hay không phải trải qua những thử thách khắc nghiệt, phải là một quá trình lâu dài bác ạ. Lúc 12, 13 tuổi còn lêu têu, đánh chắt đánh chuyền, chăn trâu cắt cỏ. Vậy mà mới 15, 16 tuổi đầu đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông đã có sẵn lập trường tư tưởng vững vàng, đã có tinh thần phê và tự phê rồi. Vô lý. Mà các cụ ngày xưa cứ đinh ninh là có thể quản lý được cả tư tưởng con người bằng cái lý lịch khai như thế mới ghê chứ….
***
Tôi với bố An và Trần Đình Quá cùng học một lớp phổ thông, người cùng làng. Thế hệ chúng tôi rất ngại những “vấn đề nhạy cảm”- theo cách nói bây giờ. Còn lũ trẻ như An, chúng có nhiều cách để khám phá những ”bí ẩn” của thế hệ cha anh và giải mã những bí ẩn ấy theo cách mà chúng học được từ thực tế cuộc sống. Ở đâu mà người ta chả kêu ầm lên là lớp trẻ ngày nay không thích học, không thuộc lịch sử nước nhà?
Bố An bị thương trong chiến tranh và ra quân về quê từ hồi còn trẻ. Ông không có điều kiện để học hành. Đó là một thiệt thòi khôn nguôi đối với ông. Tôi biết, ông chỉ sợ con bị vạ miệng ngoài thiên hạ mà làm ầm ĩ lên. Ông muốn kìm hãm bớt sự hiếu thắng của con lại mà thôi.
Nhưng tuổi trẻ, ai mà không ít nhất một lần hiếu thắng….
Sài Gòn, 6.12.2011
V.D.C