ĐÊM NAY 22 - 12 CHÚNG TÔI VỀ HÀ NỘI
(Hồ Phong Tư)
Đêm nay Chúng tôi về Hà Nội
Hà Nội mùa đông sương trắng năm cửa ô
Chúng tôi vẫn xếp thành hàng như trong nghĩa trang,
như ngày ra trận
Ga Hàng Cỏ đêm nay lại đỏ sắc cờ
Nhà Hát lớn bóng áo xanh lèn chặt
Chỉ có tiếng gió thôi không hát, không cười
Chính ủy dặn những gì chỉ chúng tôi nghe rõ
Đây Thủ Đô nơi cất tiếng chào đời
Từng tiểu đội, trung đội , đại đội nối nhau về các phố
Đường giờ rộng hơn, nhiều nhà cao tầng hơn, nhưng vẫn còn những gốc sấu già nua
Không lạc được đâu , kia là nơi ta chờ em những chiều tan lớp
Kia là nơi mẹ gói vội vào ba lô ta tấm áo đan phòng khi gió trở mùa
Phụ cấp chiến trường từng ấy năm có nhiều đâu mà vào siêu thị
Có đủ mua khăn cho mẹ ấm ngực mùa đông?
Và em nữa đêm nay đừng khép cửa
Cho anh đứng lặng ngoài hiên ngắm em cho dịu nỗi lòng
Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường… Qua Chợ Đồng Xuân vòng về Quán thánh
Đồng đội ơi ! Nhường đường cho tớ nào nhà tớ còn xa
Cái xóm đê , cái xóm đê của tớ
Có chị bán hàng rong , có ông hát xẩm lòa
Không còn tàu điện leeng keng. Biết nhờ ai quá giang lên Bưởi
Sắp sáng rồi có kịp gặp mẹ không ?
Lá ơi lá đừng làm ta vội nữa
Ta vội suốt mấy chục năm rồi còn lại chút đêm đông
Ta còn phải qua phố Hàng Mã mua đôi dép giấy
Đôi dép Bạn ta bom xé nát rồi
Bạn thành người vô danh xếp cùng ta theo hàng mộ chí
Quê bạn thì xa, ước có đôi dép để đi về
Ước chỉ thế thôi !
Đừng trách nhé khi ta không bấm chuông cửa ngôi biệt thự
Ta biết sau tấm rèm nhung kia là mặt con người
Khuôn mặt ấy đã úp xuống chiến hào khi cần tiến lên phía trước
Cầu cho họ bình yên mà sống trên đời
Có tiếng tắc kè trong vòm cây vườn Bách thảo
Ô ! tiếng tắc kè Nghĩa trang Trường Sơn sao ở đây ?
Hay tiếng đồng đội gọi ta từ ba sáu phố phường hào hùng và đau xót
Hà Nội ơi !
Hà Nội ơi !
Chúng tôi về Hà Nôi đêm nay !
Cảm nhận khi đọc bài thơ “Về Hà Nội” của Nhà thơ Hồ Phong Tư:
Thủy Hướng Dương
CÁC ANH VỀ LÀM ẤM MÙA ĐÔNG
Bài thơ Về Hà Nội đến với tôi vào lúc nửa đêm. Khoảng thời gian có lẽ chẳng còn mấy ai thức để nghe tiếng đêm rất lặng. Sự tĩnh mịch của một đêm đông giá lạnh dường như rất phù hợp với bài thơ, đó là lý do khách quan khiến tâm trạng người đọc bài thơ này trở nên phiêu hơn trong tư thế “nhập đồng”
Một cảm giác sởn gai ốc chạy dọc sống lưng không phải vì sợ mà vì hình như chính tôi đang cùng những người lính trở lại Hà Nội sau nhiều năm xa cách. Cái cảm giác thật đến nỗi tôi có thể mường tượng một đoàn quân đang lặng lẽ bước quanh tôi, và người lính trực tiếp nói với tôi với một giọng ấm,trầm hùng.
Hãy lặng mà nghe những câu thơ mở đầu thế này để biết rằng không phải những người lính bằng xương, bằng thịt đang trở về mà đó là những linh hồn của những người lính đã hy sinh:
“Đêm nay Chúng tôi về Hà Nội
Hà Nội mùa đông sương trắng năm cửa ô
Chúng tôi vẫn xếp thành hàng như trong nghĩa trang,
như ngày ra trận
Ga Hàng Cỏ đêm nay lại đỏ sắc cờ”
Tôi băn khoăn tự hỏi tại sao Nhà thơ Hồ Phong Tư lại dùng tên Ga Hàng Cỏ thay vì dùng Ga Hà Nội như bây giờ và ngay lập tức tôi tìm ra câu trả lời. Vì người lính đâu còn sống đến bây giờ mà biết cái ga ngày xưa tiễn anh đi nay đã mang tên mới? Câu thơ chẳng hề có một lời trách móc mà sao trong tôi dâng nỗi xót xa đến nao lòng.
Đọc tiếp câu thơ:
“Nhà Hát lớn bóng áo xanh lèn chặt
Chỉ có tiếng gió thôi không hát không cười” tôi không cầm lòng được vì quá ám ảnh.
Tôi chưa từng là người lính, chỉ biết người lính qua những hình ảnh trong sách báo nhưng những câu thơ này làm tôi không thể phân biệt nổi Nhà thơ là Người lính hay Người lính là Nhà thơ?
Chỉ có gió thôi, không hát không cười… vì người ta đón các anh trong sự trang nghiêm của một buổi Lễ đón nhận thi hài các liệt sĩ! Làm sao có thể hát và cười được khi chiến tranh đã qua đi mấy chục năm rồi mà bây giờ Hà Nội mới được đón các anh trở về? Bàn tay chẳng được hân hoan nắm lấy bàn tay mà chỉ có thể rơi lệ nhìn các anh được phủ trên mình lá cờ Tổ quốc…
Ở bài thơ này, người đọc bắt gặp hình ảnh quen thuộc của người lính lúc nào cũng đậm “chất lính” … ngay cả khi anh là linh hồn. Anh vừa dễ thương lại vừa rất lãng mạn khi:
“Không lạc được đâu, kia là nơi ta chờ em những chiều tan lớp
Kia là nơi mẹ gói vội vào ba lô ta tấm áo đan phòng khi gió trở mùa”
Nếu như người lính còn sống đến giờ chắc anh không phải thốt lên: “Đường giờ rộng hơn, nhiều nhà cao tầng hơn nhưng vẫn còn những gốc sấu già nua” như vậy.
Người lính rất đỗi mộc mạc, hồn nhiên yêu lắm quê hương nơi đã gắn bó với mình trước khi anh ngã xuống tại chiến trường, đến đây Nhà thơ cho Người lính đổi cách xưng hô một cách tự nhiên khiến cho tôi có cảm giác như tôi là đồng đội của anh, sẽ sẵn sàng nép về bên để nhường bước anh đi.
“Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường… Qua Chợ Đồng Xuân vòng về Quan thánh
Đồng đội ơi! Nhường đường cho tớ nào nhà tớ còn xa
Cái xóm đê, cái xóm đê của tớ
Có chị bán hàng rong, có ông hát xẩm lòa”
Và tôi bật khóc khi đọc tiếp câu thơ:
“Sắp sáng rồi có kịp gặp mẹ không?
Lá ơi lá đừng làm ta vội nữa
Ta vội suốt mấy chục năm rồi còn lại có đêm đông”
Chúng ta đều biết tất cả những người mẹ của lính luôn phải mòn mỏi ngóng tin con. Từ lúc con còn sống chiến đấu tới lúc con đã hy sinh thì mẹ vẫn là người khổ tâm nhất. Chưa tìm thấy con, mẹ chưa an lòng. Câu hỏi “Sắp sáng rồi có kịp gặp mẹ không?” khiến cho người đọc cảm thấy day dứt vô cùng. Biết đâu bây giờ người lính trở về mẹ đã không còn nữa? Cái ước mong đau đáu được nhìn thấy con trở về một lần trước khi mẹ qua đời cũng không thành? Câu thơ tưởng nhẹ nhàng mà đau đớn quá.
Ở bài thơ “Về Hà Nội” ta thấy tự hào làm sao khi người lính vừa trọn nghĩa, vẹn tình:
“Ta còn phải qua phố Hàng Mã mua đôi dép giấy
Đôi dép Bạn ta bom xé nát rồi
Bạn thành người vô danh xếp cùng ta theo hàng mộ chí
Quê bạn thì xa, ước có đôi dép để đi về
Ước chỉ thế thôi”
lại vừa độ lượng bao dung:
“Đừng trách nhé khi ta không bấm chuông cửa ngôi biệt thự
Ta biết sau tấm rèm nhung kia là mặt một người
Khuôn mặt ấy đã úp xuống chiến hào khi cần tiến lên phía trước
Thôi hãy để họ bình yên mà sống trên đời”
Nhà thơ phải là người hiểu lắm đời lính. Chiến trường là nơi người ta có thể nhận ra đâu là dũng cảm, đâu là hèn nhát một cách dễ dàng nhất. Có khi chính kẻ hèn nhát trong chiến trường năm xưa nay đang ở một vị trí cao nào đó,vênh vang hớn hở với đời. Người lính (hay chính nhà thơ?) biết hết nhưng vẫn “thôi, hãy để họ yên khi còn sống trên đời”. Đó chính là một lối suy nghĩ rất vị tha với cuộc đời.
Còn đây nữa: “Và em nữa đêm nay đừng khép cửa
Cho anh đứng lặng ngoài hiên ngắm em cho dịu nỗi lòng”
Anh cũng khao khát tình yêu lắm chứ nhưng giờ đây anh chỉ là linh hồn, không hề muốn xáo trộn cuộc sống của em vẫn quen vắng anh trong mấy chục năm trời. Chỉ là linh hồn thôi nhưng người lính vẫn thể hiện sự hi sinh cao cả như khi anh còn sống.
Chiến tranh đã qua từ lâu, dù có đau thương, mất mát thì cũng đã qua rồi. Trân trọng qúa khứ và Hãy sống tốt cho hôm nay. Đó là thông điệp của người lính hay nói đúng hơn là linh hồn những người lính đã hy sinh muốn nói. bài thơ Về Hà Nội khép lại với câu thơ như thực, như mơ, như mừng, như tủi…
“Ô! tiếng tắc kè Nghĩa trang Trường Sơn sao ở đây?
Hay tiếng đồng đội gọi ta từ ba sáu phố phường hào hùng và đau xót
Hà Nội ơi!
Hà Nội ơi!
Chúng tôi về Hà Nôi đêm nay!”\
Một bài thơ cho người lính, đọc hết câu cuối cùng mà vẫn thấy rưng rưng xúc động. Phải có một tình cảm sâu sắc lắm với những người lính thì mới có thể viết được như vậy. Nhà thơ đã rất thành công khi biến những câu thơ của mình thành những linh hồn của người lính, biết dằn vặt suy tư trước đời sống, biết đau nỗi đau của người mẹ mất con, biết vị tha trước những mặt trái của cuộc đời…
Tôi nghĩ rằng Nhà thơ đã khóc khi viết những câu thơ như thế này, bởi vì chính tôi chỉ là người đọc thôi nhưng cũng rơi lệ khi đọc xong câu thơ cuối cùng. Tôi muốn mở toang cánh cửa để cảm nhận ở đâu đó người lính đang nhìn tôi, động viên tôi sống thế nào cho ra sống…
Xin cảm ơn Nhà thơ Hồ Phong Tư đã gửi tặng cho độc giả những vần thơ ám ảnh, lắng đọng về những linh hồn người lính. Về Hà Nội có một tứ thơ rất “độc” mà tôi cho rằng sẽ rất lâu nữa mới có ai đó viết như Nhà thơ Hồ Phong Tư.
1g30’ sáng ngày 17.12.2010
Thủy Hướng Dương