Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÌN LẠI NĂM NĂM TÌM VỀ NGUỒN CỘI

Hà Văn Thùy
Thứ ba ngày 14 tháng 12 năm 2010 5:50 AM
 
Đầu năm 2005, sau khi không tờ báo nào trong nước nhận đăng, tôi buộc phải công bố trên talawas.org và BBC Vietnamese tiểu luận “Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa.” Từ đó tôi dành toàn bộ thời gian và tâm lực đi sâu vào đề tài quan trọng này. Năm năm đã qua, với ngót trăm bài báo và hai cuốn sách xuất bản (Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt, NXB Văn học 2007; Hành trình tìm lại cội nguồn, NXB Văn học, 2008), những vấn đề căn bản nhất của tiền sử dân tộc được trình bày. Nay có lẽ đã đủ độ lùi cần thiết để nhìn lại…
 
I. Con đường thiên di của loài người
 
Cho tới cuối thế kỷ XX, khảo cổ học, cổ nhân loại học, ngôn ngữ, văn hóa học…đã tích lũy khối lượng tri thức lớn giúp con người hình dung ra những nét cơ bản thời tiền sử của mình. Tuy nhiên, hai vấn đề quan yếu nhất còn bỏ ngỏ. Một, nguồn gốc con người hiện đại và hai, bằng cách nào con người có mặt trên Trái đất như ta thấy hiện nay?
Câu hỏi đầu vẫn là sự tranh chấp giữa thuyết Đa nguồn gốc và thuyết Nguồn gốc châu Phi mà thuyết đầu đang thắng thế. Còn câu hỏi thứ hai không lời đáp. Điều này dẫn tới sự hoang mang trong giới học giả. Có người lo rằng, đó là những điều “bất khả tri” vì khoa học sẽ chẳng bao giờ biết đầy đủ về tiền sử loài người. Có người lại nghĩ, thất bại này phản ánh sự khủng hoảng về phương pháp luận. Các khoa học kể trên mà tôi gọi là khoa học nhân văn cổ điển bất lực trước những vấn đề rốt ráo nhất của nhân học!
Sang thế kỷ này, việc áp dụng công nghệ gen để truy tìm quá khứ nhân loại mở ra chân trời mới cho việc nghiên cứu thời tiền sử.
Khác những phương pháp trước đó là lần theo hiện vật khảo cổ để tìm hiểu quá khứ, công nghệ di truyền đi con đường ngược lại. Từ DNA của con người đang sống hôm nay tìm ra không chỉ tổ tiên hàng ngàn năm trước mà cả con đường dẫn tới chúng ta hôm nay. Giáo sư Stephen Oppenhaimer của Đại học Oxford ví von một cách hình tựợng: phương pháp này giống như cho ta ngồi vào cỗ máy thời gian, trở về quá khứ, găp lại tổ tiên xa xôi nhất của mình. Quá đề cao phương pháp thần kỳ này, Tiến sĩ Jared Diamont của Đại học California nói: “Từ nay nghỉ chơi với những khúc xương và những hòn đá. Những gì chưa được di truyền học kiểm định đều chưa đáng để tin cây!”
Tuy nhiên sự đời không đơn giản vậy.
Cùng áp dụng “cây gậy thần” công nghệ gen nhưng trường phái Mỹ của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ và trường phái Anh của Đại học Oxford lại đưa ra những kết quả khác nhau. Trong khi cùng cho rằng người hiện đại xuất hiện tại Đông Phi 160.000 năm trước, hai trung tâm di truyền lớn của thế giới lại đưa ra hai kết luận khác nhau về thời điểm và con đường loài người di cư khỏi châu Phi. Chàng trai trẻ Spencer Wells của Hoa Kỳ nói: “Loài người có hai lần rời châu Phi. Lần đầu diễn ra khoảng 60.000 năm trước. Từ châu Phi, họ đã đi tới Đông Nam Á. Nhưng lần di cư thứ hai, vào 45.000 năm trước, từ châu Phi, tới Trung Đông, sang Trung Á, sang châu Âu, vào Trung Quốc mới là quan trọng vì hầu hết con người sống ngoài châu Phi hiện nay là hậu duệ của đợt di cư này.” (1)
Ngược lại, ông S. Oppenheimer lại khẳng định như đinh đóng cột: “Chỉ có một lần duy nhất con người rời khỏi châu Phi thành công, xảy ra khoảng 85.000 năm trước.” (2)
Hai kết quả nghiên cứu tất dẫn tới những kịch bản trái ngược nhau về tiền sử loài người. Do thời tiền sử đã diễn ra theo duy nhất một kịch bản nên cố nhiên, trong hai kết luận kia, phải một cái sai. Đã có những tranh cãi xung quanh hai đề xuất nhưng giới khoa học quốc tế chưa có ý kiến phân định cuối cùng!
Trước ngã ba đường này, tôi buộc phải lựa chọn bằng cách Đối chiếu phát hiện di truyền học của hai trường phái trên với chứng cứ khảo cổ, nhân chủng học đã có cùng những nghiên cứu của tác giả khác để tìm ra kết luận của riêng mình.
Nhờ có sọ người Australoid 60.000 năm tuổi ở hồ Mungo châu Úc và bộ xương người Mongoloid 68.000 năm ở Lưu Giang Quảng Tây, ta có cơ sở chấp nhận đề xuất của Oppenheimer:  Người tiền sử theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam khoảng 60 -70.000 năm trước. Đề xuất của Oppenheimer nhận được sủng hộ của nhóm giáo sư Y. Chu trong Dự án Đa dạng di truyền người Trung Quốc (3). Tài liệu của Giáo sư Y. Chu còn cho biết: 50.000 năm trước, người tiền sử từ Việt Nam (tôi gọi là người Việt cổ) di cư sang châu Úc và các đảo Đông Nam Á. Khoảng  40.000 năm trước, do phía bắc bớt lạnh, người Việt cổ đi lên Trung Hoa và khoảng 30.000 năm trước, họ vượt eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Điều đáng chú ý là, lúc đầu, nhóm Y. Chu cũng cho rằng, người tiền sử từ Trung Đông, băng qua đất Pakistan và Ấn Độ để vào Trung Quốc – trùng với đề xuất của Spencer Wells - nhưng sau cùng ý, tưởng này được gỡ bỏ bằng dòng chữ “Không nhất thiết phải đi qua Ấn Độ và Pakistan.” Tham khảo một nghiên cứu khác (4) khi khảo sát 5000 chiếc răng hóa thạch, các tác giả xác định: “Khoảng 40.000 năm trước, người từ Đông Á đã đi qua Trung Á vào châu Âu. Tại đây họ hòa huyết với những người từ Trung Đông lên, sinh ra tổ tiên người châu Âu Europian” Từ những chứng cứ vững chắc trên, ta thấy rằng, kết luận của Oppenheimer phù hợp với thực tế.
Vấn đề tiếp theo cũng rất quan trọng: người tiền sử tới Việt Nam là ai? Những tư liệu di truyền học không cho biết điều này. Nhưng đựa trên công trình của Giáo sư Nguyễn Đình Khoa (5), ta có thể khẳng định, đó là hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Trên đất Việt Nam, họ hòa huyết cho ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Theo nguyên lý di truyền học, chủng Indonesian phải thuần Mongoloid. Nhưng trên thực tế, suốt thời kỳ Đồ Đá trên địa bàn Đông Nam Á không tìm thấy di cốt người Mongoloid. Phải chăng do số lượng Australoid áp đảo nên kết cục của sự hòa huyết dẫn tới gen Australoid vượt trội và gen Mongoloid không xuất hiện được, tuy rằng chủng Indonesian có tỷ lệ máu Mongoloid cao nhất?
Một chìa khóa thiết yếu để mở bí mật tiền sử châu Á đó là nguồn gốc của chủng Mông cổ. Các nghiên cứu cổ nhân chủng học chỉ ra: chủng Mông Cổ chỉ có mặt lúc đầu ở Đông Nam Á, sau đó biến mất suốt thời Đồ Đá nhưng sang thời đại Kim khí thì xuất hiện trở lại và chiếm vai trò chủ thể của dân cư Á Đông. Muốn tìm hiểu chuyện này, ta phải biết về chủng Mongoloid phương Bắc sống ở Tây Bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ. Rất may là nhờ những nghiên cứu của Ballinger (6), ta biết họ cũng từ châu Phi theo con đường bờ biển Nam Á tới Việt Nam. Trong khi phần lớn dừng lại ở Việt Nam và hòa huyết với người Australoid thì có những nhóm riêng rẽ theo hành lang phía Tây lên sống ở Tây Bắc Trung Quốc. Như sự thần kỳ của tạo hóa, những người Mongoloid phương Bắc đã sống gian nan trên vùng băng tuyết này để sau đó dòng giống của mình lan tỏa ra toàn châu Á.
 
II. Sự hình thành dân cư Đông Á
 
Nói cho cùng, lịch sử của một vùng đất là lịch sử hình thành và phát triển của khối dân cư chính yếu từng sinh sống trên vùng đất đó. Từ nguyên lý trên, muốn tìm hiểu lịch sử Đông Á, phải nghiên cứu quá trình hình thành  dân cư của nó. Cho tới nay, Đông Á từng xuất hiện những nhóm dân cư chính sau:
1. Người Việt cổ.
Khoảng 70000 năm trước, hai đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi theo bờ biển Nam Á tới miền Trung và Bắc Việt Nam. Tại đây họ hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ, trong đó chủng Indonesian là đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn  ngữ. Người Việt cổ di cư sang Úc và chiếm lĩnh các đảo Đông Nam Á. Họ cũng di cư về phía tây, chiếm đất Miến Điện và Ấn Độ. Khoảng 40000 năm trước, khi khí hậu phía bắc bớt lạnh, người Việt cổ lên khai phá đất Trung Hoa, sau đó tới Sibeira rồi vượt eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ.
2. Người Mongoloid
Cho tới cuối thế kỷ trước, việc người Mongoloid có mặt ở Tây Bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ là điều bí hiểm. Nhưng sau này, nhờ nghiên cứu của Ballinger, ta biết, trong dòng Mongoloid di cư tới Việt Nam, có những nhóm riêng lẻ theo hành lang phía tây lên định cư ở Tây bắc Trung Quốc, trở thành chủng Mongoloid phương Bắc. Từ săn bắt hái lượm, sau thời kỳ Băng Hà, họ chuyển sang đời sống du mục.
3. Người Ngưỡng Thiều
 Có thể sớm hơn ít nhiều, nhưng muộn nhất là khoảng 6000 năm TCN, tại vùng hoàng thổ sông Hoàng Hà có sự tiếp xúc và hòa huyết tự nhiên giữa người Bách Việt nông nghiệp và người Mông Cổ du mục. Từ đó chủng Mogoloid phương Nam được sinh ra trong cộng đồng Bách Việt. Lịch sử biết tới chủng này với tư cách là chủ nhân của văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều vào năm 1921. Lúc đầu được cho là nơi phát tích của văn hóa Hán. Nhưng sau đó văn hóa này được xác nhận là từ giai đoạn Hòa Bình sớm đưa lên.
4. Người Hà Mẫu Độ
Khảo cổ học cũng phát hiện ở vùng cửa sông Chiết Giang, văn hóa Hà Mẫu Độ, nền văn hóa nông nghiệp rất phát triển, có tuổi khoảng 6000 năm TCN. Chủ nhân của văn hóa này là người Mongoloid phương Nam. Chưa có tài liệu nào cho biết nguồn gốc của người Hà Mẫu Độ. Tôi cho rằng, trước đó, khi đất Trung Quốc còn đóng băng, có những nhóm nhỏ Mongoloid từ Việt Nam đi theo bờ biển Đông tới định cư ở vùng cửa sông Dương Tử. Khoảng  6000 - 7000 năm TCN, người Việt mở rộng vùng phân bố, đã tới đây. Tại đây họ gặp gỡ và hòa huyết với người Mongoloid, sinh ra chủng Mongoloid phương nam. Với thời gian, người Mongoloid phương Nam trở thành chủ thể của vùng và làm nên văn hóa Hà Mẫu Độ.
5. Người Việt hiện đại
Cho tới thiên niên kỷ IV TCN, trên địa bàn Đông Á, người Việt cổ (Australoid) chiếm khoảng 60-65% nhân số thế giới, là chủ nhân nền văn minh nông nghiệp phát triển rực rỡ nhất hành tinh.(7)
Khoảng 2600 năm TCN, người du mục Mông Cổ vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Việt. Liên quân của Đế Lai và Lạc Long Quân thất bại. Đế Lai hy sinh. Lạc Long Quân cùng đoàn quân dân Việt theo Hoàng Hà ra biển xuống phía Nam, đổ bộ vào vùng Nghệ Tĩnh. Do cùng nòi giống và ngôn ngữ, đoàn thuyền nhân được người tại chỗ đón nhận rồi Hùng Vương được tôn làm vua như trong truyền thuyết. Những người Ngưỡng Thiều trong đoàn di tản mang gen Mongoloid phương Nam, hòa huyết với người bản địa, sinh ra những người Mongoloid phương Nam mới. Đồng thời cũng do biến loạn, người di cư phương Bắc xuống nhiều hơn, trong đó có cả người Hà Mẫu Độ, khiến cho số người mang gen Mongoloid phương Nam tăng lên. Kết quả là tới khoảng 2000 năm TCN, phần lớn dân cư Việt Nam chuyển hóa thành người Mongoloid phương Nam, được khoa học gọi là người Việt hiện đại.
 
6. Quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á.
Trong thế kỷ trước, nhân chủng học xác nhận rằng có quá trình chuyển hóa di truyền dân cư Đông Nam Á từ nhóm loại hình Australoid sang Mongoloid phương Nam mà nguyên nhân “hoặc do di cư hoặc do đồng hóa.” Với những tư liệu mới do di truyền học cung cấp, ta có thể tin rằng, do cuộc xâm lăng của người Mông Cổ mà người Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ mang gen Mongoloid phương Nam chạy loạn tới khu vực Đông Nam Á. Tại đây họ hòa huyết với người bản địa, chuyển hóa di truyền phần lớn dân cư Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Quá trình này hoàn tất khoảng 2000 năm TCN.
7. Sự hình thành người Hán
Người Hán là tộc người có số lượng lớn nhất Đông Á nhưng nguồn gốc họ từ đâu vẫn chưa có lời đáp. Những tài liệu Trung Quốc mới nhất cho rằng, người Hán thuộc chủng Á-Âu, từ phương Tây sang (8). Điều này không đúng. Vì nếu vậy, người Hán phải mang bộ gen Á-Âu như người Ấn Độ. Việc người Hán thuộc chủng Mongoloid phương Nam bác bỏ ý tưởng này. Theo tôi, sự hình thành người Hán như sau:
Vào nam Hoàng Hà, người Mông Cổ hòa huyết với người Việt sinh ra người lai Mongoloid phương Nam, tự gọi là Hoa Hạ. Quá trình lai giống diễn ra theo phản ứng dây chuyền. Do số lượng người Mông Cổ ít nên sau vài ba thế hệ, người lai (Hoa Hạ) trở thành chủ thể của đất nước các vương triều Hoàng Đế, cho tới thời Thương, Chu. Trong khi đó, vây quanh Trung Quốc là những quốc gia Việt như Ba, Thục ở phía tây; Việt, Ngô, Sở ở phía đông; phía nam là Văn lang. Với thời gian, các quốc gia Việt này – chủ yếu do tiếp xúc với người Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ - cũng chuyển hóa di truyền sang Mongoloid phương Nam, tức là đồng chủng với người Hoa Hạ. Vào thế kỷ III TCN, khi nhà Tần thôn tính nước Thục và nước Sở, đã sáp nhập khối người Hoa Hạ với khối người Việt –  đều thuộc chủng Mongoloid phương Nam - vào trong một nhà nước. Khi dựng nước, Lưu Bang tiếp thu cương thổ, thể chế và dân cư nhà Tần. Vốn là người Việt của nước Sở, ông lấy tên Hán Thủy của quê mình đặt cho vương triều.  Người Trung Quốc từ đó được gọi là người Hán. Vốn xưa, tên sông Hán Thủy được đặt theo tên của bộ tộc Hán. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thành,(9) thì Hán, Hàn, Hon, Hòn là những danh xưng của người Việt ở những địa phương khác nhau. Như vậy, trên thực tế, Hán là tên gọi khác của một dòng người Việt hiện đai.
Tôi cũng trình bày sự hình thành của người Nhật Bản (10) và Ấn Độ (11) trong hai bài khác nhau. Ở đây không nhắc lại.
 
III Sự hình thành văn hóa Đông Á

Văn hóa được nảy sinh do hoạt động của con người trong thời gian và không gian. Vì vậy, từ nghiên cứu dân cư, ta thấy sự hình thành văn hóa Đông Á như sau.
Trung tâm và động lực làm nảy sinh và phát triển của văn hóa Đông Á là người Việt cổ tại Hòa Bình. Được hình thành khoảng 60000 năm trước trên đất Việt Nam (có lẽ đúng hơn là tại đồng bằng Hainanland mà ngày nay là thềm Biển Đông?), người Việt cổ thuộc nhóm loại hình Australoid đã lan ra chiếm lĩnh phần lớn châu Á. Muộn nhất là 15.000 năm trước, từ Hòa Bình, người Việt cổ mang công cụ Đá Mới, giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó… cùng tư tưởng nông nghiệp phổ biến khắp khu vực Đông Á và tiểu lục địa Ấn Độ.
Ngoài những vật thể vô cùng giầu có của nền văn minh nông nghiệp mà ta đã biết, người Việt cổ sáng tạo văn hóa phi vật thể sau:
1.- Kinh Dịch.
2. Chữ viết.
 Theo lý thuyết, tôi cho rằng, với một quần thể dân cư đông đúc (trên 60% nhân số thế giới vào thiên niên kỷ IV TCN), sống định cư trên địa bàn rộng mênh mông, trong thời gian dài, người Việt cổ phải có chữ viết từ rất sớm. Văn bản trên bình trà Bán Pha 2 (12) có tuổi 12000 năm chứng minh điều này. Ở thời điểm đó đã có văn bản hoàn chỉnh thì chắc rằng, chữ viết (ký tự) phải được sáng tạo từ trước nữa.
3. Văn hóa Việt Nho (hay Nguyên Nho).
 Gần nửa thế kỷ trước, nhờ giải mã những huyền thoại, truyền thuyết Việt, Giáo sư Kim Định phát hiện ra văn hóa gốc của tộc Việt là Việt Nho với những yếu tố sau:
- Quan niệm về vũ trụ hài hòa: tham thiên, lưỡng địa.
Vũ trụ được tạo thành từ hai yếu tố Âm và Dương, hội tụ trong con số 5, là con số vũ trụ. Trong khi văn minh du mục vận hành theo tỷ lệ bốn Dương, một Âm thì văn hóa nông nghiệp vận hành theo tỷ lệ ba Dương, hai Âm. Trong khi phương Tây đẩy thế giới phát triển quá nóng, khiến dương cực thịnh, âm cực suy, dẫn tới mất cân bằng và sụp đổ thì Việt Nho chủ trương một thế giới hài hòa.
- Quan niệm về nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.
Trong  ba yếu tố làm nên vũ trụ là Thiên, Địa và Nhân thì Việt nho quan niệm con người là chủ thể. Vì là chủ thể nên con người phải giữ quan hệ cực kỳ hài hòa (thái hòa) với thiên nhiên và với đồng loại. Cũng vì vậy, con người không duy vật cũng không duy tâm nhưng là con người tâm linh, sống trong cõi đời nhưng cảm thông, linh ứng với các yếu tố siêu nhiên.
- Đạo của người Việt: An vi
Đạo lớn của người Việt là An vi. Không duy vật tranh giành mối lợi. Không vô vi tiêu cực lánh đời mà sống tích cực, sống hết trách nhiệm của mình với nhân quần, xã hội, vì sự an hòa, an lành trong cuộc sống cũng như tâm hồn.
- Xã hội bình sản.
Tài sản, sở hữu là quyền tối quan trọng, quyết định sự sống của con người. Để tránh việc có những người quá giàu (kẻ ăn không hết) và người quá nghèo (kẻ lần không ra), người Việt chủ trương xã hội bình sản. Thời cổ, là cơ chế tỉnh điền. Sau này là chế độ công điền.

IV Kết luận
 

Như vậy là, nhờ vận dụng thành tựu mới nhất của khoa học nhân loại vào giải mã những tư liệu khảo cổ, nhân chủng, văn hóa, lịch sử… hiện có, chúng ta đã khám phá ra toàn bộ lịch sử của nòi giống Việt. Đấy là lịch sử vĩ đại. Từ châu Phi, sau chặng đường dài, đặt chân lên đất Việt 70.000 năm trước, nhờ điều kiện sống thuận lợi, tổ tiên chúng ta đã sinh sôi và lan tỏa ra mọi miền Trái đất, khai phá châu Á, châu Đại Dương và châu Mỹ. Cũng từ Việt Nam, tổ tiên ta sáng tạo văn hóa Đá Mới và nông nghiệp. Không chỉ góp phần nuôi sống phần lớn nhân loại, người Việt còn sáng tạo nền văn hóa rực rỡ, giầu tính nhân bản.
Trong một bài công bố trước đây, tôi có viết: “Tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là sản phẩm của tộc Việt.” Nói như vậy, là có ý cho rằng, sau cuộc xâm lăng của người Mông Cổ, văn hóa Việt bị tiêu diệt. Nay với hiểu biết mới, suy ngẫm lại, thấy là sai lầm, Sự thật là, cho tới thế kỷ III TCN, bên cạnh nhà nước Trung Hoa vẫn còn những cường quốc của người Việt: Ba, Thục ở phía tây, Việt, Ngô, Sở phía đông và phía nam là Văn Lang. Trong những nước này, văn hóa Việt rất phát triển như tượng đồng Ba, Thục, trống đồng Văn Lang, đỉnh đồng nước Sở và nghề rèn kiếm nước Việt… Văn học nước Việt, nước Sở cũng có những tác phẩm nổi tiếng…Chỉ tới giữa thế kỷ III, khi nước Tần diệt các nước Ba, Thục và Sở, một bộ phân quan trọng đất đai, dân cư và văn hóa Việt mới bị sáp nhập Trung Quốc. Tuy vậy, do sức sống nội tại của mình, ngay trong lòng các đế chế Trung Hoa, dù bị áp lực đồng hóa mạnh, văn hóa Vịệt vẫn được bảo tồn, thể hiện rõ nhất trong phong tục tập quán và tiếng nói. Cho đến nay, các tộc Việt ở Nam Trung Quốc vẫn giữ tiếng nói Việt và có tới 20% tiếng địa phương không có ký tự bằng chữ vuông.
Từ hơn 2000 năm trước, sau khi chiếm đất của người Việt, các vương triều Trung Hoa xây dựng nền chính thống Hoa tộc và viết cuốn sử của nhà nước Trung Quốc. Đó là một lịch sử dựa trên sự cướp đoạt những thành tựu văn hóa của tộc Việt, đồng thời xuyên tạc và chôn vùi những gì không thể đồng hóa được.
Do những biến động như vậy, người Việt sống trên đất Trung Hoa cũng như tại Việt Nam không biết lịch sử, văn hóa đích thực của mình.
Nay, nhờ tri thức khoa học nhân loại, người Việt không chỉ tìm lại cội nguồn mà cả lịch sử cùng nền văn hóa vĩ đại của nòi giống.
Có một điều mà nhiều người chúng ta phân vân: Thế nào là văn hóa Hán? Thế nào là văn hóa Việt? Trước đây, nghe theo lời Khổng Tử, phần đông cho rằng người Hán sống bằng kê và lúa mạch nên thuộc văn hóa trồng khô, còn người Việt ăn gạo nên thuộc văn hóa lúa nước… Nay, khi biết được rằng, người Hán và người Việt là cùng một chủng tộc, và cùng phát triển trên nền văn hóa vĩ đại của tổ tiên Việt cổ, thì theo thiển ý, nếu có sự khác nhau giữa văn hóa Hán - Việt thì đó là yếu tố du mục đậm hơn nơi ngưới Hán do quá trình lịch sử tiếp xúc nhiều hơn với dân du mục. Trong khi đó ngưới Vịệt còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa nông nghiệp nên khoan hòa, thuần hậu hơn.
Một điều khác, vô cùng ý nghĩa mà tôi ngộ ra là: Từ công xã nguyên thủy tới tư bản không phải là lộ trình lịch sử chung của nhân loại! Đó chỉ là con đường của phương Tây, của văn minh du mục duy lợi, cạnh tranh khốc liệt, cướp đoạt thiên nhiên và áp bức đồng loại. Trong khi đó, phương Đông nông nghiệp với hơn 60% nhân loại di theo tiến trình lịch sử riêng trong sự tương thân tương ái giữa con người và hài hòa với thiên nhiên. Hơn 300 năm nay, chủ nghĩa tư bản bằng sức mạnh man dại, đã phá hoại phương cách sống đó và lôi toàn nhân loại theo con đường đầy tội ác của nó. Để chống lại chủ nghĩa tư bản, cứu thế giới, Marx đưa ra lý thuyết cộng sản. Ngược với chủ nghĩa tư bản dựng trên hai cột trụ: tư hữu và chuyên chế của giai cấp hữu sản, chủ nghĩa cộng sản dựng trên hai cột trụ: phi tư hữu và chuyên chính vô sản. Như vậy,về bản chất, chủ nghĩa cộng sản chỉ là âm bản của chủ nghĩa tư bản và cùng nằm trong phạm trù văn minh du mục! Kết quả là sau gần thế kỷ tồn tại, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ! Sụp đổ là tất yếu! Do thiếu tri thức lịch sử phương Đông, không hiểu biết văn minh nông nghiệp, Karl Marx đã sai lầm khi cho rằng nhân loại chỉ có lựa chọn giữa tư bản và cộng sản. Khi phát hiện lại lịch sử, văn hóa phương Đông, ta khám phá ra rằng, nhân loại không chỉ có hai con đường tư bản hay cộng sản mà trong quá khứ không xa, một bộ phận lớn nhân loại đi trên con đường của văn minh nông nghiệp!
Khi đang viết những dòng này thì tôi gặp thông tin đáng lo trên tờ Nhà kinh tế (The Economist): “Cho tới năm 2060 sẽ có khoảng 60%  các nền kinh tế thế giới lâm vào gánh nặng nợ nần, chạm tới giới hạn cuối cùng là rơi vào bãi rác (junk)” (13)
Có cách nào cứu nhân loại? Phải chăng đây là lúc thế giới chuyển sang quỹ đạo của văn minh nông nghiệp với “tham thiên lưỡng địa”, “Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh” với đạo An vi? Phải chăng đó chính là đặc điểm của thời đại chúng ta? Với việc tìm lại con đường của văn minh nông nghiệp, với quyết tâm của nhân loại trong điều kiện toàn cầu hóa, với nguồn vốn cùng khoa học, công nghệ tích lũy được, con người có những điều kiện để tự cứu mình. Phải chăng đó là thông điệp quan trọng nhất mà chúng ta nhận được từ lịch sử của tộc Việt?
    Sài Gòn- Mùa đại lễ nghìn năm Thăng Long
     10- 2010

Tài liệu tham khảo
1. Hillary Mayell.  The Journey of Man: A Genetic Odyssey của Spencer Wells đăng trên National Geographic, 21 tháng 1 năm 2003:
http://search.msn.com/results.aspx?srch=106&FORM=AS6&q=Hillary+Mayell+-+Documentary+Redraws+Humans                                                                                                  2. Stephen Oppenheimer. Out of Eden Peopling of the World  www.bradshawfoundation.com. và Journey of Mankind the Peopling of the World http://www.bradshawfoundation.com/journey/                                                                  3. Chu JY, et al. Genetic relationship of populations in China. Proceedings of the National Academy of Science (USA) 1998; 95: 11763-11768.                                                                       4. Người châu Á xâm chiếm châu Âu. http://www.radio-canada.ca/nouvelles/Science-Sante/2007/08/07/004-europe-colonisation-asie.shtml?ref=rss                                                                                                                            5. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB Đại học &Trung học chuyên nghiệp. H. 1983.                                                                                                                                             6. S.W. Ballinger& đồng nghiệp: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45                                                          
7. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học H. 2008                                         8. Zhou Jixu. Cội nguồn văn minh ở Trung Quốc. Tạp chí Sino-Platonic Papers Đại học Pennsylvania. Number 175 December, 2006                                                                                   9. Đỗ Thành. Chữ Nôm-字喃 Cổ Xưa và Ý Nghĩa Của *Viêṭ*
http://newvietart.com/index4.667.html                                                                                                           10. Hà Văn Thùy. Góp một cách nhìn về lịch sử Nhật Bản http://lethieunhon.com/read.php/3034.htm                                                                              11. Hà Văn Thùy. Sự hình thành dân cư Ấn Độ. http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=12771&LOAIID=16&TGID=711                                                                                                                                           12. Hà Văn Thùy. Bản thông điệp 12000 năm của tổ tiên người Việt. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.                                                                                                                          13. The Economist. S & P: 60% TRÊN TỔNG SỐ CÁC NỀN KINH TẾ SẼ PHÁ SẢN VÌ VỠ NỢ, BIẾN THÀNH " BÃI RÁC " TRONG 50 NĂM TỚI http://phamvietdaonv.blogspot.com/2010/10/moi-nguoi-viet-nam-ang-ganh-57864-no.html#more