Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY CẢM NGHĨ TRONG NGÀY XUÂN

Nhà văn Nguyễn Đình Chính
Thứ tư ngày 15 tháng 12 năm 2010 5:37 AM
Nhân đọc bài viết của ông Nguyễn Văn An đăng trên Viet NamNét 
                   
    Đầu năm 2010, trong một dịp ngồi nói chuyện với nhà thơ Hải Như, với ông Đoàn Duy Thành và  ông Nguyễn Văn An  tại nhà ông Đoàn Duy Thành ở Hà Nội, tôi đã được nghe ông Nguyên Văn An nói nhiều đến quyền lực tối thượng hiện nay ở xã hội Việt Nam và sự kiểm soát cái quyền lực đó đang có nhiều vấn đề.
    Hôm nay, một ngày cuối năm, ngồi cùng với một số anh em văn nghệ sĩ đọc bài của ông Nguyễn Văn An trên ViệtNamNet : “ Bàn về phương thức lãnh đạo của Đảng.” Đọc đến đoạn : Năm 1945, khi còn nhỏ, tôi đã hát khản cổ câu hát Tiến lên nền dân chủ cộng hoà trong bài hát Diệt phát xít của ông Nguyễn Đình Thi. Cũng như nhiều người, hồi đó tôi chưa hiểu về khái niệm thế nào là nền dân chủ cộng hoà, mặc dù đó là quốc hiệu của chúng ta.( NVA). Tôi lại nhớ một ngày cuối tháng Chạp năm 1994, trong dịp ngồi uống trà với nhà văn Nguyên Đình Thi ở phố Nguyễn Du, tôi có nói đùa là câu hát hay nhất trong bài Diệt phát xít  là Tiến lên nền dân chủ cộng hòa đã lỗi thời nên cần phải đổi lại là Tiến lên nền cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Ngây người ra một lúc, chẳng biết ông buồn hay vui, nhà văn Nguyên Đình Thi nói : Bố chỉ nghe theo cụ Hồ. Nếu ông cụ còn sống bảo đổi thì bố đổi ngay. Cũng như tại Hội nghị Quốc dân họp ở Tân Trào, khi  bố đứng lên hát gươm đâu gươm đâu đồng bào ơi vùng lên thì cụ Hồ đứng ngay lên bảo :  Đến bây giờ mà chú còn hỏi gươm đâu gươm đâu ,  chú phải hát  gươm đây gươm đây đồng bào ơi vùng lên. Thế là bố hát tiếp đúng như lời của cụ Hồ vừa chỉ bảo và bố được hội nghị vỗ tay hoan hô. Ngừng một lúc, nhà văn Nguyễn Đình Thi lại nói : Cả đời bố chỉ đi theo cụ Hồ thôi.
   Nhà văn NĐT nói như vậy, tôi nghĩ đâu phải ông chỉ nói cho riêng mình ông, mà nói cho cả một thế hệ ông đã đi theo cụ Hồ để hoàn thành cuộc cách  mạng giải phóng dân tộc, xây dựng một nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và có lẽ, có thể đó cũng là tâm nguyện, mong ước của ông và thế hệ của ông, gửi lại cho nhũng thế hệ người Việt Nam sau này ( trong đó có ông Nguyễn Văn An ).
    Tôi hoàn toàn ủng hộ bài viết rất tâm huyết của ông Nguyễn Văn An và tôi rất nể trọng, cảm kích, khi tác giả của bài bài này lại là một ông vua trong các ông vua tập thể thời CH XHCN. ( NVA ). Xin nói thêm cũng như rất nhiều cử tri, cá nhân tôi khâm phục những hoạt động của ông Nguyễn Văn An trong những năm hết sức khó khăn và vô vàn nhậy cảm đó, khi ông phải gánh vác trọng trách tối cao là chủ tịch Quốc hội.
     Điều 4 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay  xác lập vị trí lãnh đạo của Đảng CSVN là hợp hiến.
     Điều 4 -  Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
 Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
     Hiến pháp đã quy định rõ ràng như vậy .
     Tuy nhiên, trong các nền pháp lý có Hiến pháp cứng rắn và “vững chắc như hiến pháp nước  ta hiện nay , rất cần thiết phải có các Tu chính án  để có được một qui trình đặc biệt hỗ trợ cho một số điều luật đã ban hành
  Có lẽ vì vậy, Hiến pháp nước cộng hào xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hữu còn thiếu một Tu chính án cho điều 4, để kiểm soát các  hoạt động của Đảng  trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật đúng như trong Hiến pháp.  Có lẽ vì thế mà ông NVA đã viết :  Càng cần phải có Luật để tránh bao biện, làm thay, buông lỏng lãnh đạo; và cũng để dân có cơ sở giám sát, xây dựng Đảng; để nhà nước có cơ sở kiểm soát các tổ chức và đảng viên, cán bộ của Đảng làm theo Hiến pháp và Pháp luật. Và ông  cũng viết Theo tôi, quyền lực Nhà nước là của dân, là thống nhất ở nơi dân chứ không phải thống nhất ở QH, cũng không phải thống nhất ở Đảng (nhưng mà thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở Hiến pháp và pháp luật).
  Quốc hiệu hiện nay của nhà nước Việt Nam là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa . Nhà nước cộng hòa là nhà nước tam quyền phân lập, quy định ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau, giám sát lẫn nhau. Quốc Hội là cơ quan dân cử có quyền lực tối cao. Toàn dân chỉ có thể thống nhât được quyền lực của mình và thực hiện được quyền lực của mình thông qua Quốc hội.  Tôi xin phép có một ý kiến nhỏ ( Có lẽ đây cũng là ý kiến của nhiều cử tri ). Theo tôi hiểu thì hiện nay đại đa số đại biểu Quốc hội là Đảng viên Đảng CSVN. Nếu đại biểu QH chỉ làm nhiệm vụ của đảng viên thực thi quyền lực của một đảng ( gồm gần 3 triệu Đảng viên ), thì vô tình đã tự mình thủ tiêu đi quyền lực hơn 80 triệu người dân VN trao cho họ. Và như vậy họ đã biến Quốc hội thành một Quốc hội của Đảng, thành một tổ chức phiên bản của ban chấp hành TƯ Đảng thì đúng hơn.
   Do điều kiện địa chính trị của nước Việt Nam gần giống với điều kiện địa chính trị của một nước bạn  lớn kề ngay bên cạnh, nên mô hình tổ chức xã hội, nhà nước và phát triển kinh tế xây dựng đất nước, Việt Nam  đã học hỏi được rất nhiều bài học quý báu từ nước bạn lớn đó, trong đó có bài  học sống còn là thực thi nền dân chủ trong tổ chức đảng cầm quyền và trong toàn bộ đời sống xã hội. Một trong 4 thuộc tính lợi ích của nền dân chủ là mang lại sự kiểm soát chứ không hề làm yếu đi quyền lực của bất cứ đảng phái và tổ chức xã hội nào. Trong hoàn cảnh thực tiến của xã hội ta hiện nay, dân chủ còn có một thuộc tính lợi ích thứ 5 có tác dụng như một chất xúc tác thắt chặt đảng lãnh đạo với toàn dân đang chịu sự lãnh đạo của đảng đó . Hay nói như ông Nguyễn Văn An là sẽ tạo ra sự đồng thuận, ý Đảng lòng Dân sẽ là một.  Thủ tiêu dân chủ là đảng cầm quyền tự tự cô lập mình với dân tộc, đánh mất đi tình cảm gắn bó tin yêu của nhân dân với đảng, một tài sản vô giá mà các thế hệ đảng viên đi trước đã đổ biết bao công sức, lương tâm, nhiệt huyết , trí tuệ và xương máu để lại cho toàn Đảng Cộng sản Việt Nam  hôm nay. Đó cũng là một trong những bí quyết mà Đảng Cộng sản VN  đã lãnh đạo toàn dân tộc VN thực hiện được đúng như lời Bác Hồ đã kêu gọi : Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công . Vì thế, nếu đánh mất đi tài sản vô giá đó thì,  chắc chắn đảng sẽ đi vào con đường suy yếu, diệt vong.
    Bàn về tính dân chủ, Ông NVA viết:  tính dân chủ thì sao? Nó còn quá mới mẻ với Việt Nam?. Có thể tôi chưa hiểu hết ý nghĩa xâu xa ẩn sau hàng chữ này. Nhưng tôi nghĩ đã là một con người ( tất nhiên trong đó có người VN) tính dân chủ chẳng có gì là mới mẻ, xa lạ . Ai cũng hiểu nó một cách sâu sắc không cần phải có sự lịch lãm của học vấn, sự từng trải của cuộc sống và những kinh nghiệm của lịch sử . Dân chủ là một nhu cầu cấp thiết và quan trọng như nhu cầu hít thở không khí vậy. Người ta không cần phải hiểu không khí là mới hay cũ, khi hàng ngày hít thở nó. Dân chủ  là quyền lợi tối thiểu con người phải được hưởng khi đã được sinh ra làm người.  Hãy cùng nhau nhớ lại mấy câu bất hủ  trong bản tuyên ngôn đọc lập mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trong ngày đại lễ lập quốc tại thủ đô Hà Nội năm 1945.
     Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc
  Trong một xã hội Việt Nam độc lập, hòa bình hôm nay, mỗi  người con dân nước Việt đã có một phút nào đứng lại, tự hỏi mình là nếu xã hội thiếu một nền dân chủ thì, liệu mình đã có điều kiện thực sự để được hưởng  thụ cái quyền được sống , quyền tự do , quyền mưu cầu hạnh phúc mà tạo hóa đã ban cho ?
     Lấy ví dụ ở nước Anh và vai trò một ông chủ trong một gia đình, ông  NVA lại nói xã hội VN hiện nay chỉ có một ông chủ duy nhất là nhân dân Việt Nam. Và ông chủ này có quyền quyết : Dân làm chủ thì dân phải quyết, quyết trực tiếp và quyết gián tiếp thông qua cơ quan đại diện. Song về bản chất là dân quyết chứ không phải vua quyết, cũng không phải đảng quyết. Đảng lãnh đạo, dân quyết ( NVA ). Tôi chưa thấy ông An nói tới ( hay là ông không muốn  nói tới ) mối liên quan  giữa cái quyết của toàn dân  thông qua Quốc hội ) với cái quyết của các vua tập thể ( NVA). Một khi những cái quyết này đồng thuận thì quá tốt rồi. Nhưng nếu có những cái quyết không đồng thuận thì kết quả cuối cùng như thế nào ?
      Phải chăng lúc đó phải tìm đến các điều  luật cụ thể ban hành trong  Hiến pháp )
    Tạm dừng một vài ý kiến cảm nghĩ khi đọc bài của  ông NVA tại đây, tôi muốn nhắc lại lời của con trai chủ tịch Lê Đức Anh đã tâm sự, cái đáng học nhất mà anh thu lượm được, sau khi du học ở Mỹ về là tinh thần  thượng tôn luật pháp.
    Vậy thì phải chăng  hiện nay luật pháp ( Hiến pháp ) của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vẫn còn thiếu một cái gì đó để cho toàn dân và các tổ chức Đảng cùng các đoàn thể xã hội khác vận hành, hoạt động một cách phân quyền, minh bạch,  thỏa đáng và đồng thuận chăng ?