Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN LÀNG CÀ KÊ

Vũ Duy Chu
Thứ bẩy ngày 11 tháng 12 năm 2010 5:41 AM
 
Nhà cậu tôi có điện thoại để bàn mà tôi không biết. Tôi đang tính trách cậu vì chẳng khi nào cậu gọi vào Sài Gòn cho tôi. Chợt tiếng chuông reo, cậu xin lỗi tôi rồi đứng lên nghe và nói chuyện. Nhưng chỉ ừ ừ, thế hả? ừ ừ…được rồi…thế hả….thôi nhé và… cúp máy. Cậu bảo: Từ ngày con cháu ngoại đi học Sư phạm trên Hà Nội thì cậu phải sắm cái điện thoại này. Thỉnh thoảng nó gọi về gặp mẹ nó cho tiện. Gọi nhờ qua máy hàng xóm mãi cũng phiền. Mà sắm ra thì tốn kém. Có tháng tiền cước mất đứt cả yến gạo anh ạ( gạo xâu xấu ở chợ quê tôi chừng bốn, năm nghìn một ký).
Nghe cậu nói thế tôi mới để ý trong căn nhà này, cậu có hai thứ để nối thông với thế giới bên ngoài: Một cái radio Tàu bằng bàn tay và cái điện thoại.
***
Bà ngoại bảo:
- Hôm nay nhà dì H cho gả con gái. Con ở xa về, tranh thủ sang mừng cho dì ấy nhá. Con có mừng thì mừng năm mươi ngàn thôi, mừng nhiều người ta bảo mình ra cái điều ở Sài Gòn về chơi trội. Bình thường cưới xin cơm rượu hẳn hoi, người ta cũng chỉ mừng hai chục, ba chục ngàn.Tám giờ rồi, con sang là vừa.
- Có sớm quá không bà?
- Không sớm đâu con. Người ta ăn cỗ sớm còn về đi làm đồng, đi mua hàng xa( ve chai đồng nát).
Tôi sang đám cưới đã thấy bà con lục tục ra về. Mỗi bà, mỗi chị đều có một túi nilon đựng thức ăn chia phần cỗ cưới mang về cho con cháu ở nhà. Một quả trứng vịt lộn, một miếng giò nạc, một cái nem…
Từ xửa từ xưa đã như thế rồi.
Chừng 9 giờ rưỡi sáng thì xong tiệc cưới. Nhà gái chỉ việc ngồi nghe nhạc um xùm và chờ nhà trai đến rước dâu nữa thôi.

***
Hôm tôi về làng, cháu tôi bảo rằng ông Rãng mất rồi, mới mất cách đây vài bữa. Nói đến ông Rãng, là nói đến một người như thể bác Ba Phi của miệt Cà Mau Nam Bộ.
Ông Rãng bôn ba khắp thiên hạ kiếm sống mà vẫn nghèo. Những câu chuyện tiếu lâm độc đáo ông kể bằng chính sự trải nghiệm của mình. Nhưng có những chuyện do ông bịa ra, ứng ngay với chủ đề mà mọi người đang bàn tán quanh ấm nước chè xanh. Người nghe cười nghiêng ngả, còn ông thì ngớ ra tại sao lại người ta cười nhiều như thế.
… Một dạo đói quá, ông lang thang rồi lạc vào vùng Bá Thước, Thanh Hóa. Ông vào một nhà khá giả, vì thấy cả một đàn gà béo tròn đang mổ ngô xay trên sân gạch. Ông nghĩ, bầy gà nhà này sướng hơn mình, mình đến ngô mốc cũng chả có mà nhá. Bà chủ nhà đang ngồi trên thềm hè khâu khâu vá vá cái gì đó và than phiền cái trôn kim tự nhiên bị sứt.
- Trôn kim bị sứt hả? Để lát tôi hàn cho. Ông thủng thẳng nói với bà thay cho lời chào.
       - Thế hả? Thế thì may quá. Mời bác vào nhà uống nước đã rồi bác giúp cho em với.
       (Những năm ấy, quần áo thường vá chằng vá đụp, cây kim sợi chỉ cũng hiếm hoi)
Thế rồi ông nhẩn nha nói những chuyện của ông. Ông chủ nhà khoái chí thịt gà làm cơm rượu mời ông ăn trưa. Rồi bán rẻ cho ông ba yến ngô nếp. Cơm rượu no say, chiều ông tỉnh dậy bảo:
       - Bà ơi, cái miếng trôn kim sứt đâu mang ra đây tôi hàn cho.
Bà chủ nhà tròn xoe mắt. Trời đất, có ai giữ được mảnh trôn kim sứt bao giờ?
       Trong những câu chuyện vui ở làng tôi bây giờ, người ta thường có câu cửa miệng: Hồi còn mồ ma ông Rãng…
 
***
Huyện Ý Yên của tôi đã thành thị trấn Lâm. Bao nhiêu kẻ thích thú….Nhất là đám trai làng tự dưng thành trai phố, đi mồi chài ve vãn mấy em ở xã vùng sâu vùng xa thấy mình oai hơn, có giá hơn. Nhưng mọi thứ vẫn không có gì thay đổi, ngoại trừ thêm mấy cái cọc mốc lộ giới cắm ven con đường giữa làng bé như cái đòn gánh. Chạy xe giữa thị trấn vẫn nghe mùi hôi chuồng lợn, chuồng gà. Vậy mà đất thị trấn của tôi giá cả ngang ngửa với đất nền quy hoạch của khu dân cư trung tâm thành phố Ninh Bình mới ghê chứ? Thật không thể tin nổi.
Thế là tôi sang Ninh Bình. Đất nền 4m x 20m mặt tiền đường nội bộ 20 m giá 200 triệu( cách nay 2 năm). Cũng kích cỡ ấy ở thị trấn Lâm ngót nghét 200 triệu. Tôi bảo con trai đầu của ông anh vợ:
- Sao cháu không sang Ninh Bình mua đất mà ở. Bên ấy phố xá sầm uất, dễ buôn bán, con cái học hành có điều kiện mở mang hơn ở nhà.( Từ thị trấn của tôi sang Ninh Bình 7 cây số)
- Xa lắm chú ơi. Chẳng ai muốn sang đấy cả. Bố mẹ cháu cũng không thích cháu sang bên ấy.
Một cụ già 70,80 tuổi quê tôi sẵn sàng khăn gói quả mướp tàu xe ra phố thăm cháu nội ,cháu ngoại dăm bữa nửa tháng. Nhưng bảo cụ ở hẳn lại phố với những đứa con hiếu thảo thì dứt khoát nói không
Còn thằng cháu tôi 34 tuổi, đi làm mướn ở Seoul sáu năm, kiếm một hai tỷ bạc mang về quê. “Cái ao ta” thì vẫn bé tin hin như thế nhưng người tắm thì càng ngày càng đông.
Thảo nào…

***
- Mời bác vào xơi cơm.
Ấy là khi thấy một người hàng xóm đi ngang qua nhà mình vào lúc nhà đang ăn cơm thì mời. Tôi ở quê từ nhỏ đến lớn, nghe những lời mời như thế thành quen, thành phong tục. Quen đến mức không mời tự thấy mình khiếm nhã.
Có người xứ khác bảo xứ ông mời thế là mời “dơi”, mời “lơi”, mời làm gì?
Đúng là mời “dơi”, nghĩa là người mời thay cho câu Chào bác ạ, còn người được mời cũng chẳng bao giờ nghe mời mà ngồi vào mâm. Các cụ ngày xưa sống kỹ lắm, không giống cái cách sống bây giờ. Ai mà không phải mượn mõ ý tứ của các cụ xưa để tự răn mình rằng Tiếng chào cao hơn mâm cỗ. Trong cuộc sống thôn dã có biết bao nhiêu tục lệ, thậm chí hủ tục, chúng ta sử dụng hàng ngày mà không ai chê trách, không ai nỡ bắt bẻ.
– Chu đá, đi đâu đấy?
Thật là một sự tò mò. Dân mình tò mò nhất thế giới? Hỏi đi đâu để làm gì? Sao không nói chào Chu, khỏe không, hay hơn chứ? Nhưng bao nhiêu đời nay, trong quan hệ giao tiếp ở làng, chẳng ai quan niệm đó là một câu hỏi cần thiết phải trả lời. Đơn thuần chỉ là một lời chào nhau mà thôi. Chỉ cần đáp Vâng, chào bác hoặc Vâng ạ là đủ lễ phép. Người làng gặp nhau ngày mấy lần vẫn cứ ông đá, bác đá, anh chị đá, cháu đá như thường. Không đá mới là có chuyện…
Vậy thì cái câu Mời bác vào xơi cơm, ngay cả khi nồi cơm đã hết cũng chẳng có gì là mời “dơi” cả. Bởi đó chỉ là một lời chào.
Thế thôi.
***
Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông. Khi ấy, người Thái, người Mã mơ giấc mơ Sài Gòn. Lính Mỹ tham chiến ở Sài Gòn ngày cuối tuần thường bay về Thái nghỉ ngơi và đàn đúm với mấy em váy ngắn khu đèn đỏ. Bây giờ, nghe mấy ông có trách nhiệm của xứ ta bảo rằng ta còn cách Thái năm mươi năm. Nhưng Thái đâu có đứng yên một chỗ. Vậy cái khoảng cách năm mươi năm sáng mai mình ngủ dậy chắc gì đã còn nguyên?
Tôi sang Thái, sang Mã, sang Sing chơi cho biết, nhưng chả bao giờ để ý đến mấy cái nhà cao, tháp đôi ngất nghểu. Việt Nam mình trời cho tự dưng khoan trúng vài mỏ dầu sâu hoắm thì ba cái tháp đâu có nghĩa lý gì? Mà không có mỏ dầu để khoan trúng thì đi…vay. Kể cả tàu điện ngầm, tàu cao tốc cũng …muỗi!
Buổi sáng tôi ra bãi biển Pattaya. Chẳng đẹp bằng Vũng Tàu, Nha Trang. Nhưng bãi biển sạch kỳ lạ, hàng quán trật tự kỳ lạ. Không vé số, không hàng lưu niệm, không ăn xin bám theo du khách. Chủ xe ôm thì mặc đồng phục, xe xếp hàng ngay ngắn ở góc phố. Những cặp vợ chồng Bắc Âu già lụ khụ dìu nhau ra bãi biển tắm nắng. Một số khác thả bộ. Chẳng cần hỏi cũng biết họ sang Thái và lưu lại đây khá lâu rồi, để hưởng cái ấm miền nhiệt đới và sự yên ả, thanh bình của đất nước mến khách. Nghe mấy bà bán hàng người Thái giơ tay chào thân thiện: Good Morning Laudrup… là biết…
Tôi đi dạo trên các con phố Pattaya. Nghe nói nhà mặt tiền ở đây rẻ hơn trong hẻm. Vì mặt tiền không đỗ xe hơi được.
Tôi đi dạo một vài con phố ở Bangkok. Các hàng cây trên đại lộ người ta ốp phong lan nở hoa đẹp mê man. Chẳng ai vặt.
Tôi đi trên xa lộ. Dọc các thảm cỏ, thỉnh thoảng người ta đặt các con thú bằng gốm: Nai , hươu, ngựa… chẳng ai lấy mang về nhà. Nhìn chúng cũ kỹ thì biết.
Tôi vào siêu thị. Các tấm biển gây ấn tượng, cứ ngước lên là thấy chữ Toilet nhấp nháy cùng mũi tên chỉ. Phía ngoài phòng Toilet bao giờ cũng là hộp điện thoại công cộng.
Giao thông của họ cũng kẹt khiếp đảm nhưng không hề thấy xe máy len lỏi vào các kẽ hở giữa các xe hơi. Đặc biệt, xe hơi của họ chạy trên phố không lắp còi hay sao ấy…
Chỉ khi tận mắt thấy sinh hoạt xã hội, trình độ dân trí xứ khác, thì mới biết họ cách mình bao nhiêu mà thôi. Các ông lãnh đạo xứ ta cãi nhau chí chóe cách Thái Lan, cách Mã, cách Sing bao nhiêu năm, chỉ để thỏa mãn cái sự sĩ diện hão.
Thằng cháu tôi, cựu Chủ tịch xã nói:
- Cháu thấy Thái Lan họ đá bóng hay hơn mình. Mình kiếm được cái Huy chương vàng Suzuki Cup 2008 thật đấy nhưng họ hơn mình về đẳng cấp. Chú đồng ý với cháu không?
Cô cháu họ tôi có cái quán bán vàng mã ngay giữa làng góp chuyện:
- Chú ạ, người Thái họ ranh ma lắm, họ biết tâm lý người mua hàng ghê lắm. Chú xem đây này, nhang họ làm ra ngắn chưa tới gang tay. Thắp cúng các cụ chỉ một loáng là nhang cháy hết, bê mâm xuống ăn liền mà không sợ mắc tội. Ai đời nhang nhà mình dài lêu đêu, cháy nửa tiếng chưa tàn, mà lại còn hay tắt ngủm giữa chừng mới tức chứ. Các cụ thấy ruồi bu mà hãi, không dám về. Ruồi khiếp lắm chú ơi. Hí…hí… Còn quýt của họ ngọt mà không có hột gì sất. Bỏ vào miệng lủm một cái là xong, quýt mình nhằn hột mỏi răng, mất hứng. Hí…hí…
Chuyện về người Thái không đầu không đuôi là thế. Vì ở làng tôi đã có ai sang Thái đâu mà biết đường kể lớp lang. Cả tôi, cũng mới chỉ phớt qua Thái một tý. Biết gì mà bàn sâu sắc…
Hí…hí…

V.D.C