”Kinh nghiệm lớn nhất của tôi là các bạn đừng làm những thứ mà người ta muốn. Nghĩa là theo thị hiếu mà phải tạo ra thị hiếu. Hãy làm những điều thôi thúc bạn. Nếu một đạo diễn không đặt mình vào bộ phim anh ta đang làm, không hướng được khán giả theo với câu chuyện và vấn đề anh ta đưa ra thì bộ phim chắc chắn thất bại! Hãy làm phim bằng cảm xúc mãnh liệt nhất và những suy nghĩ sâu sắc nhất của bạn”.
Một lời răn đe giáo điều, cứng ngắc từ một giáo trình dạy làm phim hay lời phán truyền của một đạo diễn của thời bao cấp vang vọng về chăng ?
Không, đó là lời khuyên của Phillip Noyce đối với các đạo diễn trẻ Việt nam ( báo “ Sài gòn tiếp thị” số 121, ra ngày thứ 2-18-10-2010). Sau 8 năm, kể từ ngày ông sang nước ta thực hiện bộ phim “ Người Mỹ trầm lặng” nay ông ngồi ghế chánh chủ khảo mảng phim truyện tại Liên hoan phim quốc tế Việt nam lần thứ nhất. Không rõ trong mấy ngày liên hoan phim, Phillip Noyce xem được bao nhiêu bộ phim truyện Việt nam, có bao cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp nước ta, nhưng có được lời khuyên trên, rõ ràng ông chẩn đóan rất chính xác căn bệnh của điện ảnh ở xứ mình hiện nay.
Giới báo chí nước ta nghĩ cũng kỳ. Viết về Liên hoan phim lần này bao nhiêu trang, bao nhiêu chữ, trích ý kiến của các đạo diễn, diễn viên lừng danh người nước ngòai phát biểu về hiện tình điện ảnh xứ mình , ấy thế mà “bỏ ngòai tai “lời vàng ngọc kể trên của Phillip Noyce!
Lời khuyên của Phillip Noyce thật ra không có gì mới. Nó hầu như đã là “bài học nhập môn” đối với các học viên đạo diễn, biên kịch, quay phim khóa đầu tiên của Điện ảnh Việt nam, sau này trở thành những tên tuổi như Huy Thành, Hải Ninh, Nguyễn văn Thông, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc, Hồng Sến…Những bộ phim truyện Việt nam ra đời vào những năm 1960,1970,1980 bây giờ hay được gọi chung là “ phim của thời kỳ bao cấp” dù có mắc những căn bệnh sơ lược, giản đơn, yếu tố tuyên truyền lấn át yếu tố nghệ thuật…, nhưng không thể chối cãi chúng đều được làm bởi tâm huyết, sự trăn trở và những nghĩ suy sâu sắc của các tác giả. Tuyệt nhiên người làm phim không theo đuôi, đón lõng sự yêu, ghét của số đông, không chịu áp lực của đồng lờ lãi. Người làm phim thời buổi ấy thâm nhập vào đời sống, hiểu rõ buồn vui của đồng bào mình, nhưng họ đều có ý thứ sâu sắc rằng, mỗi bộ phim làm ra không chỉ phán ánh buồn vui có thực của mọi người, mà phải nâng lên tầm khái quát để những điều nói qua tác phẩm hướng đến những khát vọng, những giá trị thẩm mỹ cao hơn, khiến khán giả sau khi xem phim như phát hiện ra những bến bờ mới. Chính vì thế, dù hay hoặc chưa hay, thậm chí có thể là dở, những bộ phim thời ấy đều để lại dấu ấn, phong cách riêng rất rõ của từng tác giả. Phim của đạo diễn Hải Ninh thiên về chất sử thi hòanh tráng. Phim của đạo diễn Trần Vũ nổi bật bởi chất thơ. Phim của đạo diễn Hồng Sến khỏe khoắn, phóng khóang về phương diện tạo hình…Những bộ phim dạo đó không chỉ trở thành tác phẩm kinh điển của nền Điện ảnh Việt nam mà ngay từ những năm tháng ấy đã được bạn bè thế giới đánh giá cao bởi dung lượng xã hội, tầm cao tư tưởng, cách nhìn riêng, sự thụ cảm riêng so với phim ảnh của Thái lan, Indonesia, Philippin, Singapore…
Bước qua cơ chế thị trường điều cốt tử như đạo diễn Phillip Noyce khuyên nhủ bỗng bị xếp xó. Người ta hô hóan lên phim phải có người xem, phim ra rạp nhất định phải có doanh thu… Đành rằng phải trả lại thuộc tính hàng hóa cho sản phẩm phim ảnh, nhưng từ đây biến số lượng vé bán được, biến việc tìm kiếm doanh thu thành THUỚC ĐO DUY NHẤT mọi giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của sản phẩm điện ảnh quả là đã phạm một sai lầm nghiêm trọng.
Sau thời kỳ “phim mỳ ăn liền”, sập đến thời kỳ phim truyền hình áp đảo phim điện ảnh, chúng ta càng lún sâu hơn nữa vào mê hồn trận của những lầm lạc này. Sự tính tóan, trù liệu sở thích của người xem bây giờ chỉ bó gọn ở tính thất thường, đỏng đảnh “ mau đói, chóng no” của lứa tuổi Teen, bỏ qua sự thẩm định và nhu cầu thưởng ngọan của rất nhiều tầng lớp xã hội khác. Tiến thêm bước nữa, sự đo đếm chất lượng phim ảnh bó hẹp vào yêu cầu của “ nhà đài” ( tức đài truyền hình) khi công chiếu có thu được quảng cáo hay không, có bỏ được nhiều hay ít phần trăm vào túi không?
Kinh doanh bằng nghề sản xuất phim ảnh là chuyện thường tình. Nhưng nếu việc làm phim nói riêng, sinh họat điện ảnh nói chung, hòan tòan bị giới làm ăn thao túng, áp đặt; còn những người nghệ sỹ điện ảnh tâm huyết, tài năng đành cung cúc chịu nhượng bộ những phép tính cộng trừ, không còn hứng thú để tìm tòi, sáng tạo mà chỉ coi bộ phim, vai diễn chỉ là phương tiện kiếm tiền để độ nhật qua ngày thì đấy là dấu hiệu đích thực của một nền điện ảnh xuống cấp, đang tới hồi cáo chung…
Cám ơn đạo diễn Phillip Noyce đã giúp chúng ta nhớ lại những nguyên tắc cơ bản của việc làm phim nói riêng, của việc sáng tạo nghệ thuật nói chung.
TP Hồ Chí Minh ngày 24/10/2010