NGUYỄN TRÃI TRƯỚC GIỜ TRU DI
Trần Mạnh Hảo
Trên đường pháp trường con dâu ta trở dạ
Tiếng cháu thét chào đời như tiếng ngàn chim lợn báo tang
Đội ơn vua ban tã lót
Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt
Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình
Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ
Ông Cao Xanh bỏ kinh thành về rừng xưa ở
Nơi vua lấy đất làm ngai, tình huynh đệ làm long bào
Nơi ta mót dần xã tắc cho vua như mót lúa
Chừng như ta đã đi con đường này từ ải Bắc
Tiễn cha già hay đưa tiễn đời ta?
Đêm mưa đá, mưa tròng ngươi, mưa xuống nghìn con mắt
Ôi xã tắc
Con đường nào cũng dẫn đến pháp trường
Bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ
Thân tùng bách há phải thân mùng tơi
Mây trắng xưa ơi
Sao giờ toàn những đám mây mưng mủ
Ta thương xã tắc không mất về tay giặc
Lại mất về tay bọn gian thần
Triều đình ai cũng là Lê Sát
Mắt thiên tử như Nam hải, đố ai lấp đầy giai nhân
Luân thường đem gác gác bếp
Chỉ ba ông đầu rau nhìn thấy dân
Ôi Hàn Tín, Phạm Tăng, Phàn Khoái
Gió trung thần đang hú gọi hồn đi
Dưới vòm trời Lã Hậu
Mưa tru di đỏ rực gió lăng trì
Lẽ nào gươm Hán Cao Tổ cùn đến vậy?
Thị Lộ ơi, dưới lòng sông hẳn nàng nóng ruột đợi ta
Rắn quyền lực muôn đời còn phục đấy
Đôi ta bị trói chặt vào nhau bằng dây trói mãng xà
Vẫn biết vân cẩu bày trò sinh diệt chơi
Lịch sử cợt đùa sai đúng
Sao cứ quặn lòng nhìn đám trẻ lôi thôi
Đội ơn vua không trói chúng
Tội chết chém còn được ơn vua ban đao phủ cõng
Giá chỉ mình ta chui qua lỗ nẻ giữa đất dày trời cao
Ừ, mây mù vừa làm cỏ sạch trăng sao
Chợt gió dữ tru di mây trời từng đám
Mặt trời văng ra như đầu thánh hiền bị trảm
Sao phép nước dùng dao chém đại thần
Để chém trẻ sơ sinh?
Mai sau lấy gì chém sông núi?
Đầu người đang rụng quanh ta
Máu là nước lũ Hồng Hà dời non
Hồn ta là đứa trẻ con
Đi vào cõi chết vẫn còn ngu ngơ
Nỗi oan không chết bao giờ
Ta còn bị chém dọc bờ thế nhân.
Sài gòn 9-93
Tôi đọc “Nguyễn Trãi trước giờ tru di” của Trần Mạnh Hảo, đúng vào ngày giỗ người anh hùng dân tộc, tại làng Nhị Khê, Thường Tín, quê nội ông, cũng là nơi hiện có đền thờ Nguyễn Trãi.
Thế là đã gần sáu trăm năm, một vụ án oan, vô cùng thảm khốc, giết cả ba họ đại công thần khai quốc Nguyễn Trãi đã chìm vào quá vãng, như một vết bầm tím đau thương của lịch sử dân tộc. Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, cùng bảy chục người trẻ già gái trai vô tội, phải rơi đầu trong một sớm. Dẫu rằng vua Lê Thánh Tông sau đó đã minh oan cho Nguyễn Trãi, nhưng những kẻ thủ mưu tàn độc thì vẫn lẩn khuất đâu đó sau tấm rèm vàng son quyền lực, không có ai dám chỉ mặt vạch tên. Một câu chuyện lịch sử bi thương đã gần sáu trăm năm, vẫn chưa hề cũ. Nó vẫn còn “mưng mủ”, còn nhức nhối trong lòng các thế hệ hậu sinh! Trần Mạnh Hảo là một trong những nhà thơ đã thể hiện thành công cảm xúc của mình, bằng một bài thơ khá dài.
Một bài thơ viết theo lối trực cảm, nhưng lại khéo mượn lời nhân vật trữ tình. Mà có lẽ cũng chỉ bằng cách ấy, mới có thể chuyển tải mạch tâm tư tình cảm của người viết một cách hữu hiệu, “nhất cử lưỡng tiện”. Mở đầu là cảnh Nguyễn Trãi cùng ba họ, hơn bảy chục người bị dẫn ra pháp trường. Trong số những người sắp bị chết chém ấy, lại có một phụ nữ đột nhiên sinh nở.Và tiếng trẻ sơ sinh bất chợt thét lên, thảm thiết, “như tiếng ngàn chim lợn báo tang”… Đứa trẻ ấy, đương nhiên cũng không được phép tồn tại, vì nó đã chẳng may là cháu của “tội nhân”Nguyễn Trãi(!). Chỉ có một ân huệ vua ban, ấy là cho tã lót, “để cháu khỏi chết trần truồng trên thớt”, thế thôi…Một chi tiết có thể là do tác giả tưởng tượng thêm thắt vào, nhưng giết hết già trẻ gái trai ba họ là có thực, nên hình ảnh có thể là tưởng tượng thêm, nhưng không vì thế mà không gây xúc động.
Đoạn thơ tiếp đó diễn tả những suy tư của Nguyễn trãi, về con đường chính trị của mình. Mở đầu là con đường tiễn cha (Nguyễn Phi Khanh) lên ải Bắc, theo bước chân tù binh vong quốc, cùng cha con Hồ Quý Ly. Tiếp theo là con đường tìm vào Lam Kinh tụ nghĩa cùng Lê Lợi, làm nên sự nghiệp giải phóng dân tộc oai hùng. Để rồi cho đến hôm nay, đau đớn thay, rốt cục lại là con đường dẫn cả ba họ đến pháp trường oan nghiệt.
“Ôi con con đường ba họ ta đến nơi thọ hình / Sao dài hơn con đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ / …nơi vua lấy đất làm ngai, tình huynh đệ làm long bào / nơi ta mót dần xã tắc cho vua như mót lúa”… Đó là những câu thơ giàu hình tượng, giàu liên tưởng, có tính khái quát cao. Thì ra con đường ta đã chọn, đã đi, cho dù đó là con đuờng chân chính, con đường đại nghĩa, cuối cùng, hoá ra lại là con đường dẫn đến cái chết oan khốc này ư? Sự nghiệp cứu dân tộc thoát khỏi xâm lăng lớn lao như vậy, suốt mười năm trời ta cúc cung tận tụy, cùng vua “nếm mật nằm gai”, “ta mót dần xã tắc cho vua như mót lúa”, ấy thế mà ngày nay bỗng dưng phải chuốc lấy nỗi đau thê thảm này ư? Hoá ra, kết cục bi thảm này, đã khởi nguồn từ con đường ta tiễn cha lên ải Bắc? Ngổn ngang chất chứa, uất hận dâng trào, bởi oan khuất đắng cay. Người anh hùng như rơi từ cao vời hy vọng, xuống vực thẳm tột cùng tâm trạng, cho nên, “con đường ba họ ta đến nơi thọ hình” mới là “con đường dài hơn mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ”…Con đường vinh quang giờ đây, có ai ngờ, uất hận, oán hận bầm tím cả trời xanh. Hình như nhân vật trữ tình, mãi đến khi đầu sắp lìa khỏi cổ, mới chua chát nhận ra rằng: “Ôi xã tắc / con đường nào cũng dẫn đến pháp trường / bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ”…
Trần Mạnh Hảo đã dũng cảm viết được những câu thơ người khác có thể nghĩ ra, nhưng không có đảm khí viết ra. Trong bụng thi nhân đã chất chứa nhiều sách vở, đã no đầy lịch sử, nên một chân lý ngàn đời, giản dị như sự thật, được khái quát bằng vài câu thơ không phải gọt đẽo gì, mà rưng rưng đến thế!
Trước giờ tru di, chắc rằng Nguyễn Trãi nghĩ ngợi lung lắm. Con người có tài lương đống, rường cột của nước nhà, quý hiếm như phục linh hổ phách kia, thừa biết những bài học cổ kim bên Tàu bên ta, trên trời dưới đất. Chuyện xa như Hàn Tín, Phạm Tăng, Phàn Khoái…đời Hán Cao Tổ, rồi Văn Chủng với Việt Vương Câu Tiễn, Ngũ Viên với Ngô Vương Phù Sai bên Tàu…Lại còn những chuyện còn tươi ròng nóng hổi, như chuyện Phạm Văn Sảo, với chuyện người anh em bên ngoại của ông là Trần Nguyên Hãn, phải nuốt hận chết oan vì cường quyền và gian thần tác yêu tác quái, như còn nghe xào xạc “gió trung thần đang hú gọi hồn đi”… Biết, mà sao không biết? Bởi Nguyễn quá tin vào sự trong sáng của ông! Bởi nhiệt tình yêu nước thương dân của ông vẫn “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”! Bởi tấm lòng “trung mấy hiếu” của ông “mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”! Niềm tin trong sáng trong tâm hồn Ức Trai, trước giờ tru di, mới hoàn toàn sụp đổ: “ Mây trắng xưa ơi / sao giờ toàn những đám mây mưng mủ / ta thương xã tắc không mất về tay giặc / lại mất về tay bọn gian thần / triều đình ai cũng là Lê Sát / mắt thiên tử như Nam hải, đố ai lấp đầy giai nhân”… Rồi “ Dưới vòm trời Lã Hậu / mưa tru di đỏ rực gió lăng trì”. Nguyễn Trãi cất tiếng gọi Thị Lộ, người vợ yêu cùng chung số phận cay nghiệt với mình, ông kết luận : “Rắn quyền lực muôn đời còn phục đấy”. Ngoái nhìn lũ trẻ vô tội sắp chết oan, ông xót xa thương cảm, quặn đau khôn tả: “Lịch sử cợt đùa sai đúng / sao cứ quặn lòng nhìn đám trẻ lôi thôi / đội ơn vua không trói chúng / tội chết chém còn được vua ban đao phủ cõng”…Trước sau Nguyễn Trãi nghĩ nhiều, thương cảm nhiều nhất với lũ trẻ đáng thương, vì ông mà mang vạ. Tác giả như muốn khắc sâu thêm nỗi niềm chua xót của Ức Trai, đồng thời lên án sâu sắc tội ác tày trời của cường quyền tha hoá đương thời, và của mọi thời.
Thế rồi giờ hành quyết đã đến. Nguyễn Trãi chứng kiến cảnh “đầu người đang rụng quanh ta”, chứng kiến cảnh “mây mù làm cỏ sạch trăng sao”, cảnh “gió dữ làm cỏ sạch mây trời từng đám / mặt trời văng ra như đầu thánh hiền bị trảm”, rồi ông như thét lên, chất vấn trời xanh, chất vấn chính mình:
“Sao phép nước dùng dao chém đại thần / để chém trẻ sơ sinh / mai sau lấy gì chém sông núi?” … Đến lượt đầu Ức Trai văng ra khỏi cổ, hình như ông mới hay rằng mình còn ngu ngơ, “đi vào cõi chết vẫn còn ngu ngơ”! Và ông như tự mình rút ra một chân lý vĩnh cửu: “Nỗi oan không chết bao giờ / ta còn bị chém dọc bờ thế nhân!”…
Phải có tấm lòng đồng điệu đồng cảm sâu sắc với người xưa, mới có thể viết được những câu thơ cảm động đến vậy. Trần Mạnh Hảo như trút hết tâm can mình vào câu chữ. Khí thơ khi dồn nén, khi trào sôi phẫn uất, phăm phăm như thác cuốn, đôi khi khiến những con chữ cũng phải băm bổ đuổi theo mà chưa kịp. Thông qua những day dứt suy tư của nhân vật trữ tình Nguyễn Trãi, cùng một vụ án oan khốc có một không hai trong lịch sử dân tộc, đến nay vẫn còn như “mưng mủ”, tác giả muốn ký thác nhiều điều, muốn cảnh tỉnh nhiều điều, tưởng như đã cũ, mà chắc là không bao giờ cũ. Cái ác vẫn còn đang ngự trị khắp nơi, một khi con người còn mang trái tim quỷ dữ!
Điểm nhấn của bài thơ “Nguyễn Trãi trước giờ tru di” tập hợp ở chữ “Ngu ngơ”. Một thiên tài trác việt, đôi khi cũng chỉ là một kẻ Ngu ngơ. Lên đoạn đầu đài, mới kịp nhận ra mình ngu ngơ, ngây thơ như con trẻ! Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từng viết “Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật / anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Hoạ phúc vốn có mầm, đâu phải do một ngày sinh ra / Người anh hùng ôm hận mấy ngàn năm). Ông biết rồi, biết kỹ, sao còn ngu ngơ mắc vào sự khốn cùng đau xót đến vậy? Chỉ có trời xanh mới biết!
Trần Mạnh Hảo là một thi sỹ có tài. Anh cũng là người tâm huyết với lịch sử, tâm huyết với đời, tâm huyết với văn chương. Hơn thế, anh còn là một nhà thơ can đảm, có cá tính, rất đáng nể trọng. Thơ Trần Mạnh hảo đúng là thơ thể hiện đậm nét cái chí của anh, cái phong cốt của anh, cho dù đôi khi anh quá hào phóng phung phí ngôn từ, tự phô ra cái “gót chân A-sin” chết người của mình. Nhưng tấm lòng anh chân thật. Đó mới là chỗ để anh có thể tự hào, để người đọc cảm thông, thể tất và chia sẻ!
Hà Nội 18-10-2010