Chiều mưa trở lạnh, tôi về trại an dưỡng Phật Tích ( Từ Sơn, Bắc Ninh) tìm thăm chị. Được tin chị vào sống nhờ trại an dưỡng, tôi muốn sớm đến thăm. Trên đường đi, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, sao số phận đưa đẩy chị đến nước này? Một người phụ nữ, sinh ra trong gia đình trí thức, có thể nói là “ danh gia vọng tộc”, ấy mà cuối đời phải vào sống ở “trại tế bần”, (theo cách gọi cũ), vậy có phải là số phận?
Anh thường trực ân cần hỏi chúng tôi người cần gặp. Sau phút làm thủ tục vào sổ thăm trại viên, anh nói “ Cụ Thúy sắp ra rồi ạ! ” Trong làn mưa xiên, tôi nhận ra dáng đi khắc khổ của chị. Vậy là chị đã là bà cụ thật rồi. Hẳn những người trong phòng thường trực khi ấy, không thể biết, chị vốn là nhà thơ, từng là giáo viên dạy nhạc ở Nhạc viện Hà Nội, là con gái của người đồng viết cuốn sách kinh điển “ Thi nhân Việt Nam”. Chị là Phương Thúy.
Phương Thúy là con gái thứ của nhà phê bình văn học Hoài Chân, gọi nhà phê bình văn học Hoài Thanh là bác ruột. Sinh trưởng trong gia đình tri thức lớn, chị sớm được tiếp xúc sách vở, báo chí đông tây kim cổ. Những áng văn thơ cổ điển, tiền chiến lãng mạn, đã khơi gợi chị bao hoài bão tốt đẹp. Theo quan niệm cốt cách người con gái “ cầm kỳ thi họa” của gia đình, chị sớm được đưa vào học ở Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1962, rồi được giữ ở lại làm giáo viên giảng dạy bộ môn đàn dân tộc. Chị là cô giáo được nhiều học sinh quý trọng. Một loạt học trò của chị, đã trở thành nghệ sỹ biểu diễn đàn tam thập lục nổi tiếng, được phong danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, như Mai Phương, Thanh Tâm...
Ngoài việc giảng dạy ở Nhạc viện, chị còn say mê sáng tác thơ. Những vần thơ ban đầu của chị, trong trẻo, đắm say, được nhiều nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh...động viên, cổ vũ. Những năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại của thế kỷ trước, thơ chị thường xuất hiện in trên các báo và tạp chí của Hội nhà văn. Chị sớm được đánh giá là cây bút nữ nhiều triển vọng của phong trào sáng tác văn học thời kỳ đó. Tôi còn nhớ năm 1968, Nhà xuất bản Văn học cho in tập “Thơ chống Mỹ cứu nước, 1965-1967”, những ai được in trong tuyển tập thơ này, có niềm
vinh dự lớn và coi như được khẳng định vị thế thơ ca của mình. Chị Phương Thúy đã có bài thơ “ Dạo đàn đi các em ” in trong tập thơ ấy. Tập sách “ 200 năm kỷ niệm thi hào Nguyễn Du ”, NXB Khoa Học, in năm 1967, một tập
sách quý, có nhiều bài viết giá trị của nhiều tác giả, học giả nổi tiếng. Chị Phương Thúy cũng vinh dự được in bài thơ “ Xưa nay” trong tập đó.
Những năm tháng chiến tranh phá hoại, gian nan và khốc liệt, nhưng lại là những năm tháng khơi gợi bao cảm xúc tình yêu tổ quốc của các nhà thơ. Một buổi tình cờ đọc báo có nói về lòng dũng cảm của cô gái thanh niên xung phong La Thị Tám hiên ngang đứng giữa bom đạn chỉ đường cho xe vào tiền tuyến; với nỗi niềm xúc động, sau đêm thức trắng, chị đã viết bài thơ “ Cô gái sông La”, được nhạc sỹ Doãn Nho phổ nhạc rất thành công. Người con gái sông La. Đôi mắt trong tựa ngọc...Em dõi theo từng ngày. Đếm từng loạt bom rơi. Cho bom nổ bên tai. Em vẫn đứng giữa trời...Ca khúc này, đã trở thành khúc hát đồng hành cùng bao đoàn quân ra trận. Đến giờ nghĩ lại, chị cũng không hình dung nổi, cái thời chị còn là cô gái mảnh mai yếu đuối , mà sao lại viết được những vần thơ da diết và sục sôi đến vậy. Phải chăng, đó là sức mạnh của tình yêu tổ quốc?
Đấy là những ngày ngỡ như bình yên và tươi trẻ của cuộc đời chị. Gia đình chị ngày ấy ngỡ như đầy ắp tiếng cười. Hai giáo sư hàng đầu ngành vật lý nước nhà, là Nguyễn Văn Hiệu và Đào Vọng Đức, sau thời gian tu nghiệp thành danh ở nước ngoài về nước, đã đến trao tặng hai bó hoa hồng rực rỡ cho hai chị em ruột Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Phương Thúy. Rồi hai cặp trai tài gái sắc ấy ngất ngây bước tới phòng cưới. Mọi người ai cũng khen là quá đẹp đôi phải lứa. Hai chàng rể giáo sư kia rồi đều đảm đương chức vụ quan trọng trong ngành khoa học nước nhà: Viện trưởng Viện khoa học, Viện trưởng Viện vật lý. Nhưng duyên phận đã không mỉm cười lâu với vợ chồng Phương Thúy. Có lẽ tạo hóa đã cho họ đủ thứ, nhưng có một thứ đã tước dần đi của họ, đó là sự đồng điệu ở hai con tim. Mặc dù cả hai người rất tôn trọng nhau, nhưng sau mấy năm sống với nhau, họ đành chia tay nhau, mặc cho gia đình và bạn bè ai cũng tiếc cho họ.
Niềm vui của Phương Thúy khi đó là những câu thơ và những tiếng đàn. Cuộc sống thời chiến hối hả cuốn hút, không cho chị những khoảng lặng cô đơn. Rồi như định mệnh, Phương Thúy gặp Tuân Nguyễn. Tuân Nguyễn khi ấy vừa vướng lao lý trở về. Tuân Nguyễn là một tri thức, từng là chiến sỹ cùng tiểu đội với nhà văn Phùng Quán, thuộc trung đoàn 101, mặt trận Thừa Thiên thời chống Pháp. Ngay thời trẻ, Phùng Quán rất quý trọng Tuân Nguyễn. Họ là đôi bạn tri kỉ. Tuân Nguyễn có những bài thơ rất hay mà bạn bè viết ngày đó chép truyền tay nhau. Anh là người coi trọng chữ nghĩa và say mê tới mức như biến thành tội đồ của nhà văn Nga Đôxtôiepxki. Anh như hình bóng của nhân vật Đôxtôiepxki.
Vì yêu quý và phục tài Tuân Nguyễn, Phương Thúy đem dâng tặng trái tim mình cho Tuân Nguyễn. Chị khước từ sự đủ đầy nhung lụa của mình, chị chấp nhận đến sống với Tuân Nguyễn cùng thiếu thốn, ốm yếu bệnh tật và bao dị nghị. Có nhiều sự khuyên ngăn, cản trở. Nhưng chị đã vượt qua tất cả, để đến với anh. Chỉ có chị mới hiểu sự sống mãnh liệt trong con người anh, mới nhận được ánh sáng ở con người anh, mới nhận được tình yêu đồng điệu và nồng nàn ở con người anh.
Trong gian nhà tạm chật chội, tồi tàn của họ, bạn bè văn chương ngày ấy thường lui tới. Người góp cho vợ chồng Phương Thúy tấm vỏ chăn, người góp lá chiếu, người mang đến bộ ấm chén. Thời khắc ấy, đất nước vừa thống nhất. Nhiều gia đình chuyển vào Nam sinh sống. Mảnh đất phương Nam thành miền đất hứa của bao người. Theo chuyến tàu chợ, vợ chồng Phương Thúy và Tuân Nguyễn cùng bao tải sách làm chuyến hành phương Nam. Căn phòng khu cư xá Thanh Đa ( ngoại ô thành phố Sài Gòn dạo đó ) là nơi trú ngụ của họ. Bạn bè lại xúm tay tạo tổ ấm nho nhỏ cho họ. Họ bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Phương Thúy xin đi làm cho Hãng phim tài liệu. Tuân Nguyễn đi dạy học ở Trường nghiệp vụ Thủ Đức và dịch sách. Phương Thúy săng sái đi bỏ mối sách báo, rồi mở sạp báo kiếm thêm tiền sinh sống. Tôi vẫn nhớ không khi tưng bừng căn nhà Phương Thúy dạo đó. Đời sống vật chất còn chật vật, nhưng luôn ngập tràn niềm vui. Bạn bè viết văn viết báo thường xuyên tá túc, rồi đọc cho nhau nghe những sáng tác mới viết. Tuân Nguyễn trở lại nhập cuộc với đời sống văn học. Anh dịch một loạt tác phẩm văn học phương Tây. Có lẽ đấy là những ngày tươi sáng, hạnh phúc nhất của Phương Thúy. Trong con mắt bạn bè ngày ấy, ai cũng nể Phương Thúy. Vì thấy chị là người dám yêu, dám hy sinh cho người mình yêu. Thời gian này, Tuân Nguyễn đỡ gày gò ốm yếu. Anh đã làm được một số việc hữu ích bằng trí tuệ chính mình. Bạn bè ai cũng mừng và nói có phần công sức của Phương Thúy. Người con gái vóc dáng tiểu thư làm thơ, dạy đàn tam thập lục khi ấy tạm gác cảm xúc nghệ thuật, chị xắn quần làm vườn, chạy chợ kiếm tiền nuôi chồng và xây dựng tổ ấm của mình.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, số phận lại giáng xuống đầu chị. Anh Tuân Nguyễn mất đột ngột. Đấy là buổi sáng định mệnh. Tuân Nguyễn trên đường đi lấy báo về để Phương Thúy bán, để rồi anh sẽ bình tâm ngồi dịch sách, ấy mà chiếc xe tải đã cướp đi sinh mạng anh. Phương Thúy như thành người điên dại. Tuân Nguyễn mất, ngỡ tưởng Phương Thúy cũng đổ theo. Lại những năm tháng cô đơn trập trùng với Phương Thúy. Bạn bè ai cũng ái ngại với Phương Thúy quá. Nhiều ngày, chị lặng lẽ xách làn hoa quả đạp xe về nghĩa địa ngoài Thủ Đức thăm mộ Tuân Nguyễn. Có lần, chị tha thẩn cả ngày quanh mộ chồng, như đối thoại cùng vong linh người chồng, đối thoại cùng thân phận xấu số của chính mình. Những câu thơ bất thần trở lại, an ủi vỗ về chị. Những câu thơ đầy nỗi cô đơn.
Không anh đường bỗng dài ra
Khởi đầu là chỗ chúng ta quay nhìn
Càng đi càng thấy khó tin
Rằng nơi sắp tới có mình em thôi !
*
* *
Việc hồi hương ra Bắc, là tình thế không còn phương kế nào khác với Phương Thúy. Người đàn bà gánh bao nỗi đoạn trường lại tay không lên tàu ra Hà Nội với tấm thân gày guộc. Sức khỏe chị giảm sút rõ rệt. Đã gần tuổi bảy mươi, đôi mắt chị ngày càng mờ đau, niềm vui duy nhất còn lại là đọc sách, cũng trở thành khó khăn. Căn nhà tuổi thơ mơ mộng và ngập tràn ánh sáng tri thức thưở sống cùng cha mẹ không còn nữa. Người cha, ông Hoài Chân, đồng tác giả cuốn “ Thi nhân Việt Nam ” đã ra đi vì tuổi già. Chị gái, em trai, em gái lần lượt ra đi vì trọng bệnh. Chị thành người tột cùng cô đơn. Không chồng con, không nhà cửa, không tiền bạc. Những câu thơ như cũng rời bỏ chị. Chị thành người trắng tay. Một người từng qua mấy đận đò, rốt cuộc, vẫn cô đơn cùng bến vắng. Chị đành đến ở nhờ người thân dăm bữa nửa tháng. Có lần chị xuống Hải Phòng, ở nhờ một người bạn nữ sĩ tài danh mà lận đận. Rồi chị lại trở về Hà Nội, nơi một thời vàng son tuổi thanh tân của chị. Những người hiểu chị, ai cũng ái ngại cho chị, sẵn lòng giúp chị. Nhưng không thể ai sống thay cuộc đời chị.
Một bữa, tình cờ đọc báo, biết tập đoàn kinh tế VinCom, làm từ thiện mở trại an dưỡng cho người già và trẻ em cô đơn không nơi nương tựa bên Bắc Ninh, chị liền nhờ nhà văn Trần Nguyên Vấn và người thân đưa đi thăm thú. Trại an dưỡng mới xây dựng bên núi Phật Tích với cảnh trí bình yên, chị quyết định xin vào trại này. Sự đời chưa hết trớ trêu. Khi làm thủ tục nhập trại, chị không một mảnh giấy tùy thân. Quy định của trại, người nhập trại phải có chứng minh thư, hộ khẩu và có giấy chứng thực địa phương hoàn cảnh cô đơn không nơi nương tựa. Nhưng Phương Thúy tay trắng không có gì minh chứng. Những người làm việc tổ chức trại an dưỡng, nào biết chị từng là nhà thơ, từng là cô giáo dạy đàn của Nhạc viện Hà Nội, từng sống trong gia đình tri thức nổi tiếng? Nhà văn Trần Nguyên Vấn, nghệ sỹ ưu tú Lài Tâm lại đôn đáo chạy gõ cửa nơi này nơi khác xin giấy bảo lãnh cho chị. Như một nhân duyên, ông phó giáo sư Mai Tất Tố, giám đốc trại an dưỡng, là người đã từng đọc sách viết về Tuân Nguyễn. Trọng tài Tuân Nguyễn, thông cảm cảnh ngộ Phương Thúy, ông sẵn sàng đón ngay chị vào trại, bỏ qua mọi thủ tục hành chính.
Vậy là chị đã yên ổn ở trại an dưỡng rồi. Câu chuyện về số phận của chị, một số người ở trại an dưỡng biết được, đều cảm thông với chị. Đã đành những người phải đến với trại an dưỡng này, ai cũng có những cảnh ngộ đặc biệt. Nhưng cảnh ngộ của Phương Thúy, có lẽ đặc biệt hơn cả. Chả biết chị có yên ổn ở trại an dưỡng lâu dài không? Bạn bè thân ai cũng băn khoăn việc này. Ban giám đốc trại an dưỡng hứa hẹn chăm sóc miễn phí trăm phần trăm các cụ già ở đây cho đến cuối đời. Khi cụ nào tạ thế, ban giám đốc trại sẽ đứng ra lo liệu ma chay chu tất. Ban giám đốc trại gợi ý, mai kia sẽ nhờ chị dạy đàn cho trẻ em mồ côi ở trại. Tôi lại nhớ Phương Thúy của mấy chục năm về trước. Đấy là thời Phương Thúy xuất hiện các bài thơ trên sách báo, anh em viết văn viết báo ở Hà Nội khi ấy xôn xao bàn tán. Một gia đình trí thức đề huề khi ấy, nhiều người ngưỡng mộ. Hẳn nhiều người như tôi, không hình dung rồi chị tới cảnh ngộ này. Thời gian đem niềm vui và nỗi buồn đến với mỗi con người. Chị Phương Thúy tự thán, chỉ thấy buồn nhiều. Chị tự thấy mình đã trắng tay.
Không! Tôi muốn nói với chị, là không phải vậy. Chị không trắng tay. Vì chị vẫn còn những người bạn, người thân quan tâm tới chị. Xã hội vẫn có nơi chăm sóc chị. Và biết đâu, những câu thơ lại chấp chới trở về với năm tháng cuối đời của chị ?!
Tháng 10- 2010
VŨ TỪ TRANG