Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÁC HỮU THỈNH CẦN PHÁT BIỂU CHÂN THÀNH HƠN

Trần Đình Thu
Thứ sáu ngày 22 tháng 10 năm 2010 3:23 PM

Nhân hội thảo về Tố Hữu, bác Hữu Thỉnh có viết một bài tham luận. Đoạn đầu tiên bác ấy viết như sau: 
“Như tôi được biết, tại một số bảo tàng văn học trên thế giới, cứ sau một thời gian, người ta lại tiến hành thay đổi vị trí trưng bày, quy mô sắp xếp các hiện vật của các nhà văn tùy theo kết quả nghiên cứu đánh giá, thăm dò dư luận. Ở bảo tàng văn học đương đại Trung Quốc thì sự thay đổi đánh giá diễn ra càng nhanh hơn. Nhưng cho dù Mao Thuấn, Lão Xá, Quách Mạt Nhược, Đinh Linh, Ngụy Nguy... có xê dịch như thế nào thì vị trí của Lỗ Tấn vẫn không hề thay đổi. Trước sau ông vẫn ung dung một mình một gian trang trọng nhất ở trung tâm bảo tàng, và sự thiết kế chi ly đến mức đứng ở bất cứ tầng nào của ngôi nhà người ta cũng nhìn thấy ông trong tư thế đăm chiêu trước bàn viết”.
Lập luận của đoạn này thì không ai còn có ý kiến ý cò gì được. Phải nói là quá hay, quá chính xác.
Nhưng liền sau ấy, bác vận dụng vào Việt Nam. Và, bác ấy đưa ngay Tố Hữu vào thế chỗ của Lỗ Tấn.
Tuy bác ấy có rào đón đôi chút, nhưng phải nói là tức anh ách khi đọc bài tham luận này. Dù rằng trong tình yêu thi ca của tôi, Tố Hữu vẫn có một chỗ đứng rất cao. Nhưng có ai chém chết thì tôi cũng không thể xếp Tố Hữu vào chỗ ấy được.
Liền sau bài tham luận của bác Hữu Thỉnh là bài của bác Vũ Quần Phương, nhận định thế này: 
“Nhiều thập niên trong thế kỷ trước, ở ta, nói đến thơ là nói đến Tố Hữu, thậm chí, chỉ với Tố Hữu là đủ. Rất nhiều cuộc thi tốt nghiệp phổ thông lấy thơ Tố Hữu làm đề bài. Nhiều luận án đại học, sau đại học lấy thơ Tố Hữu làm nội dung. Nhiều chuyên luận về Tố Hữu được xuất bản. Những việc ấy hợp lí vì Tố Hữu là nhà thơ tài năng. Nhưng cũng có gì thái quá. Thái quá nên làm mờ cả tính khoa học và sức thuyết phục trong những biểu dương thơ Tố Hữu. Ấy vậy mà trong hơn một thập niên vừa qua, thì thơ Tố Hữu bỗng nhiến vắng hẳn trong dư luận văn chương. Các thày ở trường đại học cho biết số khóa luận chọn Thơ Tố Hữu làm đề tài trở nên hiếm hoi. Đây là kết quả của thay đổi nhận thức xã hội, của chuyển biến thẩm mỹ hay chỉ là biểu hiện của thời thượng, của sự mất thăng bằng tâm trí?”.
Có ai chém chết thì tôi cũng nói rằng, bác Phương nói quá đúng, quá chân thành.
Bác Thỉnh là Chủ tịch Hội nhà văn VN thì bác Phương cũng là Chủ tịch hội đồng thơ của Hội nhà văn VN. Sao bác Phương nói được một cách chân thành còn bác Thỉnh lại giả tạo sượng sùng đến phát khiếp như vậy?
Dân trí ngày nay đã rất cao. Chúng ta không thể có những cách nói “trẹo bả họng” thế được. Dù rằng là nói trong tình huống nào, quá lắm là nói né né thôi chứ không thể nói ngược.
Dân gian có nhiều câu rất hay. Chẳng hạn như câu “Nói phải củ cải cũng nghe”, “Nói phải con kiến trong lỗ cũng bò ra”. Làm gì thì làm, cũng nên thuộc bài học vỡ lòng mà cha ông đã dạy từ xưa. Làm chính trị càng nên học nó. 
Một nhà văn giải thích cho tôi, không phải bác Thỉnh bác ấy không biết đâu. Mà cái tính bác ấy vậy. Nay Hội thảo về Tố Hữu thì bác ấy xếp Tố Hữu vào vị trí số 1 của văn đàn đương đại Việt Nam, tháng sau Hội thảo về Xuân Diệu thì bác ấy gạt Tố Hữu ra, đưa Xuân Diệu vào chỗ ấy, qua năm Hội thảo về Chế Lan Viên thì bác ấy gạt Xuân Diệu, Tố Hữu ra, đưa Chế Lan Viên vào. Nói chung là anh nào rồi thì cũng được bác Hữu Thỉnh xếp vào cái vị trí số một ấy hết.