Nhà thơ Nguyễn Duy
Tôi từng “đụng” đến bôxít cao nguyên từ cách đây 30 năm:
Lúc này tôi và em không còn là lũ trẻ con nữa
ta biết buồn để biết lạc quan
và nhắn lại cho lớp lớp trẻ con
(dù sau này dầu mỏ đã phun lên
quặng bôxít cao nguyên đã thành nồi thành xoong thành tàu bay hay thành vũ trụ
dù sau này có như thế… như thế… đi nữa
chúng ta vẫn cứ nên nhắn lại
đừng quên đất nước mình nghèo!
(Đánh thức tiềm lực, 1980 – 1982)
Hồi đó, qua những thông tin “rỉ tai”, tôi được biết nước ta đang rất hy vọng vào nguồn lợi bôxít cao nguyên.
Nhưng rồi chính các chuyên gia Liên Xô, và tiếp đó là chuyên gia Hungary, đã “kiến nghị” Việt Nam không nên khai thác bôxít do không đủ năng lực, kỹ thuật và không có hiệu quả kinh tế.
Bẵng đi mấy chục năm, bây giờ, bôxít bỗng nổi cộm thành một sự kiện chính trị, một đề tài tranh luận sôi nổi và phản biện xã hội gay gắt có thể nói là chưa từng có từ ngày đất nước thống nhất đến nay.
Rất nhiều ý kiến phản biện cho rằng: việc khai thác bôxít ở Tây Nguyên để sản xuất alumin như đang triển khai là phi kinh tế, huỷ hoại môi trường, để lại nhiều hệ quả khó lường về kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội, uy hiếp nghiêm trọng an ninh quốc phòng của quốc gia…
Riêng về thảm hoạ môi trường do việc khai thác bôxít gây nên ở nhiều nơi trên thế giới, đã có rất nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu cùng các nhà khoa học, để cảnh báo Việt Nam.
Thảm hoạ vỡ đập hồ bùn đỏ vừa xảy ra tại Hungary, một quốc gia có trình độ hàng đầu về khai thác bôxít, đang là vấn đề thời sự quốc tế, chính là bằng chứng hiển nhiên chứ không còn là lời cảnh báo nữa.
Liệu ở Việt Nam, với trình độ kỹ thuật và trình độ kỷ luật thấp kém như hiện nay, chúng ta có tránh khỏi thảm hoạ như thế hoặc hơn thế trong tương lai? Nhiều công trình vừa xong, thậm chí đang thi công, đã gây thảm hoạ rồi, như vỡ đập, sập cầu, sập đường, sập nhà cao tầng…thiệt hại khôn lường và tạo nỗi bất an thường trực trong lòng dân.
Biết bao nhiêu thảm hoạ đã và đang trút xuống đầu người dân Việt Nam. Bom đạn và bão lụt… Thiên tai rồi nhân tai…