Bố vợ tôi sinh năm Giáp tý (1924) đến nay tính theo tuổi ta đã tròn 87 tuổi, ngoài trừ tai điếc nặng còn lại trí óc sức khoẻ vẫn có chất lượng cao. Ông hiền lành ít nói vì cả chục năm nay ai nói chuyện với ông phải nói to, nói đi, nói lại vài lần ông mới nghe ra. Ông chú út em cùng cha khác mẹ với ông tổng kết một câu khá súc tích "Nói chuyện với ông Vinh ba mươi phút nhọc như một buổi cày" Nhưng chỉ có hai điều mà có người trong nhà mới hiểu ông thường xuyên nghe radio và đọc sách báo, với ông nghe và đọc không bao giờ ngơi nghỉ.
Cuộc đời của ông nếu so sánh những người cùng trang lứa thì cũng không đến nỗi khốn khổ nhưng nỗi khổ tâm luôn dằn vặt ông mấy chục năm trường có đến bốn đời mà cuộc đời ông chứng kiến.
Ông sinh ra ở làng Phượng Nghi, Thuần Trung tổng, Anh Sơn phủ, sau nữa là làng Lẽ Nghĩa sau cùng là xã Minh Sơn, huyện Đô Lương, Tỉnh Nghệ An một vùng thuần nông. Cha, bác ông là địa chủ Đào Văn Oanh, Đào Văn Chắt giàu có tiếng trong vùng dòng họ nội ngoại nhắc đến khắp vùng nhiều người biết như “từ quái” hoạ sỹ Nguyễn Tư Nghiêm là con cô cậu ruột, Thượng nghị sỹ có tiếng trong chế độ Sài Gòn trước giải phóng đã từng tranh cử tổng thổng VNCH Đăng Văn Sung, Nhà chí sỹ nổi tiếng Trần Đông Phong là cậu ruôt ông người đã từng cùng cụ Phan Bội Châu du học và tuẫn tiết trên đất Nhât v.v.Người dân ở đây nhắc đên nhà họ Đào ở vùng này thường nhớ đến câu ca: “ Thiếu củi thì đỡ hàng rào/Thiếu gạo thì đến họ Đào Minh Sơn” Năm cách mang thành công ông Nội ông là ủng hộ 500 tạ lúa , nghèo như quê Nghệ mà góp như rứa đúng là quá trời. Hồi trẻ bố mẹ cho đi học trường Vinh học dở thành chung do ham mê cờ bài cha ông bắt về đi cày ruộng một năm. Ông cưới vợ vào cuối năm 1945 bà Thái Thị Thiệu con trưởng cụ Thái Doãn Tiên một thầy thuốc có tiếng trong vùng người xã Quan Nội nay là xã Thịnh Sơn cách làng ông chừng 5 cây số. Bà hạ sinh cho ông bốn người con hai trai hai gái vợ tôi là con gái kế út.
Ông thông thạo tiếng Pháp và học toán, giỏi biết chơi nhiều môn thể thao bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn. Năm 1945 ông được người ta vận động tham gia Việt minh. Năm 1945 ông làm thủ lĩnh thanh niên xã đến năm 1946 ông gia nhập quân đội, học một lớp ngắn hạn về tình báo điệp vụ rồi ra Việt Bắc. Năm 1949 ông sang học trường lục quân Trần Quốc Tuấn ở Côn Minh ,Trung Quốc rồi được ở lại làm cán bộ hậu cần dưới trướng của các tướng quân Lê Thiết Hùng, Trần Tử Bình, Lê Trọng Tấn...
Cũng nhờ là người có ngoại ngữ tốt mà bấy nhiêu năm ông không phải tham gia Điện Biên Phủ như các anh em đồng đội khác. Nhà ông bốn anh em ruột tham gia quân đội Bác trai tên Đào Văn Hừờng hy sinh ở mặt trận Thừa Thiên. Chú em ông Đào Văn Huy bộ đội bệnh binh một thời gian về làng rồi phát bệnh qua đời. Chú em sau Đào Văn Tiến nguyên là trưởng ban cán bộ mặt trận Miền Tây năm 1958 được phong quân hàm thượng uý trong lúc ông chỉ được phong trung uý.
Ông Đào Văn Tiến là chuyên gia về Lào Thái, thông thạo tiếng Thái, tiếng Lào. Học trò ông có người nổi tiếng như phó thủ tướng Xôm Xà Vạt kiêm bộ trưởng ngoại giao Lào. Là tác giả của tập truyện đoạt giải văn học về Lào như "Những Câu chuyện ở rừng Lào" văn ông chân thật hồn hậu súc ích có sức truyền cảm sâu sắc. Ông còn là tác giả của những bài nghiên cứu về dân tộc học được in và dịch ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp.
Sau 1956 từ Trung Quốc trở về Việt Nam khi đất nước hoà bình đợt giảm binh bị đầu tiên anh em ông đều được yêu câu chuyển ngành. Nhà ông ở quê bị quy là địa chủ cường hào, con cháu gia đình ly tán trong nhiều cái khổ thời cải cách ruộng đất không có gì khổ hơn là "con cháu địa chủ cường hào, không có gì sướng hơn là con cháu bần cố nông cốt cán". Trong cải cách ruộng đất nhà ông “tan đàn xé nghé” cha chú ông bị đáu tố tơi tả mặc dù trước đó tham gia cách mạng ủng hộ kháng chiến bằng người bằng của hết lòng. Hai ông anh anh trai con bác ruột va anh trai ông đều bị cách mạng xử bắn Cha ông đi tù và chết trong tù không thấy mặt vợ con, Đó là tôi nghe kể lại chứ ngày đó tôi cũng còn quá nhỏ để hiểu biết về giai đoạn này.
Người ta, tức tổ chức cho ông được quyền lựa chọn Bộ Ngoai giao hay bộ nào cũng được vì ông biết thông thạo tiếng Pháp, tiếng Trung nhưng rốt cuộc ông chọn Bộ kiến trúc. Thời đó Kiến trúc bao hàm cả xây dựng vì kiến trúc ông có thể về lậi Nghệ An quê hương ông có thể giúp được con cháu đang tan đàn xẻ nghé. Hơn nữa vợ ông không chịu ở Hà Nội bà nói tao “nhớ cái võng chõng bằng tre không có nó ngủ không được” Ông được bổ nhiệm làm trưởng phòng hành chính công ty xây dựng số 6 thuộc bộ kiến trúc, Mấy năm sau ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường dạy nghề Bộ xây dưng ở Vinh (1973-1979) nhờ vậy mà giúp được khá nhiều con cháu của ông và bạn bè đồng đội.
Năm ông 55 tuổi thì gặp hạn buộc phải về hưu non vì có một thời gian khá dài ở Trung Quốc mà lúc này lại xẩy ra chiến tranh Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Đúng là "phúc" đấy rồi "hoạ" cũng từ đấy không biết đường nào mà lường.
Ông không chịu ở Vinh mà về vùng quê thứ hai nơi trốn chạy sau hoạ cải cách lên vùng Nghĩa Dũng, Huyện Tân Kì, trên Truông Dong cách cột môc số O đường Trường Sơn (có tên là đường mòn Hồ Chí Minh) 3-4 km, bên đường quốc lộ 15B. Cùng với vợ là Một cuộc đời mới lại bắt đầu cày cuốc trồng cây lâu năm và tự học tập chữ Hán, tiếng Trung ôn luyên tiếng Pháp và tự học tiếng Anh. Năm ông 71 tuổi Đài tiếng nói Bắc Kinh gửi quà và phần thưởng cho bạn Đào Văn Vinh người Việt Nam vì đoạt giải nhất Trung Văn có quà lưu niệm và phần thưởng .
Ông ôn luyện Tử vi đẩu số, sách lịch xem ngày tốt xấu nhưng chỉ xem cho con cháu trong nhà. Là cán bộ tiền khởi nghĩa trước cách mạng thang 8/1945 khoảng năm 1995 Truyền hình Việt Nam có làm một phóng sự về ông gọi ông là "trí thức giữa rừng xanh" về một người cao tuổi nhưng ham học và luôn mong muốn con cháu noi theo. Ông có nhiều thơ phú tự trào viết về mình hoạ về mình ý vị sâu sắc:
Xã hội cứ tiến theo quy luật
Ông Đào Vinh nay đã tám mươi
Khi sinh viên, khi hiệu trưởng, khi chỉ huy
Gồm thao lược cũng gọi là nam tử
Khi cơ quan khi quân ngũ
Lúc thiếu thời làm thủ lĩnh thanh niên
Về hưu vui thú điền viên
Bò nái,vườn cây theo nếp cũ
Của quý vật ngon tuy chẳng đủ
Chè xanh rượu thuốc vẫn hàng ngày
Cũng có khi vui anh em điếu thuốc ván bài
Cùng bè bạn vịnh thơ bình phú
Nay tuổi hạc xuân thu, mạnh tử
Học hán văn nghe thời sự qua đài
Nêu tấm gương hiếu học với đời
Để cháu con noi theo mà bắt chước
Mong xã hội ngày càng phát đạt
Cho tuổi già được hạnh phúc an khang
Sống yên bình trung thực ấy là hơn .
Tôi cũng mừng khi bố vợ không phải nghe nhiều chuyện nhiễu nhương ở đời .Nhờ vậy mà ông cụ vẫn khang cường minh mẫn
Tết năm Dần 2010