Ngày 18/10/2010 các báo đưa tin: Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã ra tòa điều trần trọng vụ đảng Dân chủ cầm quyền bị cáo buộc sử dụng sai quỹ phát triển chính trị 29 triệu bạt trong năm 2005. Phát biểu sau phiên tòa, ông Abihisit khẳng định không có chuyện đó: “ Ủy ban ban bầu cử (EC) đã tiến hành kiểm toán và chứng thực rằng số tiền quỹ này được sử dụng đúng mục đích…”.
Nhưng đảng Puea Thái, đảng đối lập với Đảng của Thủ tướng Thái Lan đương nhiệm, đảng này không đồng tình với quan điểm trên, họ tung lên mạng intenets 4 đoạn băng cho thấy, đảng Dân Chủ Thái Lan đang muốn gây ảnh hưởng đến quyết định của tòa án, hòng “ chạy tội”.
Vì thế, đến ngày 29/11 tới là thời điểm các bên đưa ra tuyên bố cuối cùng trước khi tiến hàng xét xử. Nếu bị buộc tội, đảng cầm quyền Thái lan có thể bị giải thể và ông Abhisit bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. ( theo báo Thanh niên ngày 19/10/2010).
Nước ta có một chuyện như thế này, dứt khoát thành chuyện “ động trời”.
Tôi thử tưởng tượng.
Trước hết, dư luận “ ngoài luồng” râm ran, bàn tán từ quán nước chè đến các phòng VIP, có khi bỏ cả việc cơ quan để “ buôn dưa lê” chuyện này. Thôi thì đủ thứ chuyện nửa kín, nửa hở, chuyện đúng cũng có, chuyện bịa đặt “ thêm ớt, thêm tỏi” cũng có. Tiếp đến nữa, nếu giả như ở nước ta, chuyện “Thủ tưởng chuẩn bị ra tòa” là có thật!!! trước đó, sẽ có những cuộc họp bất thường của Bộ chính trị, Ban bí thư, Ban kiểm tra Đảng, Ban tuyên giáo TW… rồi sau đó là thông báo nội bộ đến tận các Chi bộ để giải thích rõ chuyện này, hướng đúng dư luận đi vào “ lề bên phải” tránh những âm mưu kích động, xuyên tạc của các “ thế lực thù địch”, hòng “ phá hoại sự ổn định chính trị”, “ gây mất an ninh, làm xói mòn lòng tin của Nhân Dân vào Đảng, vào các đồng chí lãnh đạo”… Tiếp đến, các báo, đài ,ti vi… trong nước cập nhật tin này phổ biến đến người đọc, người nghe… cùng một nội dung đã định, đã được duyệt. Người đọc chẳng thấy có gì mới thế là họ lao vào những trang báo mạng, quyết vượt qua “ bức tường lửa” để xem tin “ lề bên trái” như thế nào? Lúc đó trên trang báo mạng, nhất là những blog cá nhân đủ loại tin về chuyện này. Từ chuyện do “đấu đã nội bộ, chơi nhau” nên “ thủ tướng mới mất chức” đến cả chuyện “ Thủ tướng có bồ, ông chơi tôi, tôi chơi lại ông” như kiểu nói của đám “ lục lâm thảo khấu”, hoặc có trang mạng tung tin: “ Thủ tướng bất tài, lại tham ô… nên không thể tại vị, rất mất uy tín…” v.v… và… v.v…
Nghe tin chính thống, “ lề bên phải” người đọc không thỏa mãn, có điều gì đó xuê xoa, kiểu như “ đánh bùn sang ao”. Còn nếu như cứ tự đi tìm những tin trên mạng, trên blog cá nhân không được kiểm chứng thì lại hoang mang, không biết tin nào đúng? Tin nào sai? Rối lên như canh hẹ, không biết đường nào mà lần.
Vì sao lại thế?
Nếu như ở nước ngoài, cụ thể như ở Thái Lan, chuyện Thủ Tướng ra tòa là chuyện rất bình thường, Ông ta ra tòa như một công dân, bình đẳng trước pháp luật, phải trả lời công khai tất cả những điều mà tòa án yêu cầu khi có người tố cáo. Nếu Thủ tướng có đầy đủ lập luận, chứng cứ… bác bỏ những lời tố cáo, nếu những lời tố cáo không đúng, ông vẫn tại vị. Còn lời tố cáo kia mà đúng, ông phải từ chức, Đảng giải thể, tội nghiêm trọng hơn, ông Thủ tướng còn bị cấm hoạt động chính trị, để người dân bầu người khác xứng đáng hơn, lên thay. Xã hội vẫn ổn định, luật pháp được thượng tôn, kinh tế vẫn phát triển theo hướng đi lên. Tất nhiên, lúc đó chuyện ông thủ tướng mất chức hay còn chức, không phải là để xã hội “ bàn ra, tán vào”, cũng không sợ “ thế lực thù địch lợi dụng gây mất ổn định”, khỏi phải có những “ thông báo nội bộ’’, trấn an dư luận mà chắc gì người đọc đã tin!!!
Cũng qua chuyện này tôi mới hiểu ra, ở Thái Lan cứ tưởng chuyện chính trị rất náo loạn như thời gian vừa qua, phe áo đỏ đông hàng vạn người kéo về thủ đô Băng Cốc biểu tình đòi thủ tướng Abhisit từ chức, bạo loạn, khủng bố xảy ra một số nơi nhưng những điều đó không hề làm xấu đi tình hình chính trị, kinh tế của Thái Lan. Do công khai ,minh bạch, có đối sách thích hợp làm cho người dân hiểu, Chính phủ của ông Abhisit vẫn đứng vững, xã hội không có xáo trộn, kinh tế tiếp tục tăng trưởng…
Còn nếu như một Đảng, một chính phủ không dám công khai, minh bạch những vấn đề cốt yếu của dân sinh, những vấn đề bức bách mà dư luận, xã hội đang đòi quan tam, dấu đi những khiếm khuyết… thì tất yếu, cho dù Thủ tướng không bao giờ phải ra tòa, không một bộ trưởng nào buộc từ chức… Nhưng xã hội đó vẫn là một xã hội không yên, kinh tế đầy mầm mống của sự bất ổn. Đảng, Chính phủ sẽ càng mất uy tín dưới con mắt của người dân.