Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CỘT CỜ THÀNH NAM VÀ CÂU CHUYỆN VỀ GƯƠNG CHIẾN ĐẤU CỦA NGƯỜI NỮ THỦ KHO KIÊN CƯỜNG

Đặng Sơn Nam
Thứ tư ngày 20 tháng 10 năm 2010 11:10 AM
  
 Nam Định là một trong bốn địa danh được nhà Nguyễn chọn xây dựng CỘT CỜ ( ba nơi kia là Huế, Hà Nội và Bắc Ninh). Khởi công xây dựng từ năm 1805, hoàn thành năm 1812.Trải qua nhiều biến thien lịch sử, cột cờ Nam Định vẫn trường tồn. Cột cờ cao 23m84, là công trình kiến trúc cao nhất thành Nam thời bấy giờ. Kết cấu gồm hai bệ và thân cột. Trong thân cột có cầu thang 54 bậc xây xoáy ốc. Năm 1883, ngày 27 tháng 3 tàu chiến Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong thành. Trong đó, một phát đạn đã bắn trúng cột cờ ở độ cao 11m, cắm sâu vào cột cờ 4cm, đường kính 6 cm. Năm 1972 bị bom Mỹ phá huỷ. Ngày 29 tháng 6 năm 1997 chính quyền địa phương khởi công phục dựng theo nguyên bản. đến ngày 31 tháng giêng năm 1998 thì khánh thành. Ngày 28 tháng 4 năm 1962 Cột cờ Thành Nam đã được bộ văn hóa thông tin ra quyết định số 313 công nhận là di tích lịch sử- Văn hóa cấp nhà nước.
 Theo tư liệu của một số nhà sử học Việt Nam: Vào thời vua Tự Đức (1848 - 1883), Quan Vệ uý Nguyễn Kế Hưng coi kho lương thành Nam Định có người con gái tên là Nguyễn Tị Trinh, tính tình cương nghị khảng khái, tài sắc vẹn toàn, lại giỏi võ nghệ, ngoài hai mươi tuổi mà không chịu lất chồng, ngày ngày chỉ vui với cây đao, lưỡi kiếm.
 Ngày 21 tháng 11 năm 1873 thực dân Pháp từ Nam Kỳ đem quân ra Bắc Kỳ định đánh chiếm Hải Dương, Hưng Yên, Phủ Lý... Ngày 4 tháng 12 năm đó, tàu Xéoác-pi-ông từ Ninh Bình theo sông Đáy tiến ra, đến ngã ba Độc Bộ thì đã bị quân ta chặn đánh, bắn trúng cột buồm, một số tên giặc đã bỏ mạng. Sau do quân ta hết đạn, tàu giặc phá kè sông, mở lối vào sông Đào Nam Định. Ngày 10 tháng 12 năm 1973 quân Pháp tấn công vào thành Nam Định, cho quân lính bao vây Cột cờ. Lúc đó, Nguyễn Thị Trinh đang được cha giao cho việc trông coi kho lương, được tin cấp báo vội để lại một số quân coi giữ kho, còn mình dẫn một đội quân theo lối hẻm xông tới Cột cờ trợ chiến.
 Do quân Pháp mạnh, vũ khí lại tối tân nên các tướng sĩ giữ Cột cờ dần dần bị hy sinh, quân Pháp chiếm được Cột cờ. Nguyễn Thị Trinh anh dũng hy sinh ngay dưới chân Cột cờ.
 Ngày 15 tháng 3 năm 1874 quân Pháp rút khỏi Bắc Kỳ. Xét công trạng của Nguyễn Thị Trinh, vua Tự Đức phong cho nàng là Giám thương công chúa (Công chúa coi kho). Đến đời vua Thành Thái, Nguyễn Thị Trinh lại được vua phong cho mĩ tự Tiết liệt anh phong giám thương công chúa và gia tặng Linh phù - Dực bảo trung hưng tôn thần. Nàng còn được nhân dân lập đền thờ ở ngay Cột cờ và Miếu Bản Tỉnh (thờ các vị thần trung liệt kháng Pháp). Ngày nay, trong đền Bản Tỉnh vẫn còn bức đại tự Vạn cổ anh phong (Phong độ anh hùng muôn thuở) và đôi câu đối:
Dữ phụ đồng cừu kim diệc hãn
Tồn lương vệ quốc cổ do hy
(Cùng cha chung một mối thù, nay cũng hiếm
Giữ lương liều thân với nước, trước đâu nhiều)
 Cột cờ thành Nam Định là nơi tham quan của khách thập phương trong nước và kiều bào ở ngoài nước khi về thăm Nam Định. Đặc biệt vào dịp đầu xuân và các ngày lễ hội, đây còn là điểm đến tâm linh của các Phật tử và nhân dân. Hàng tháng vào các ngày rằm, mồng một, mọi người đến đây để cầu xin phúc lộc của BÀ CHÚA KHO (dân gian quen gọi là Bà Chúa Cột cờ).
 Cờ Tổ quốc hàng ngày kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Cột cờ thành Nam, đón mừng vận hội mới của quê hương, đất nước. Xin mượn câu thơ của nhà thơ đất Non Côi  Phạm Thiện Vượng để kết thúc bài viết này:
Vận nước đón chờ nhân xuất chúng
Non Côi sông Vị thắm cờ bay
Nam Định, tháng 0 năm 2010


Địa chỉ:
Đặng Sơn Nam 54c tổ 8 phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định.
Điện thoại số: 01669140317.