Trong làng xuất bản với nhau, hễ nhắc ông là không ai không biết. Nhắc tới ông là y như rằng, người ta dịu nét mặt đi kèm theo nụ cười thoang thoảng. Đó là một người sống thì lành hiền, ngơ ngơ lơ tơ mơ, nhưng về mặt nghề thì lại xếp vào hàng “sói xám”. Là đang nói tới cái ông Giám đốc Nhà xuất bản Lao Động ấy, cái ông Lê Huy Hòa ấy.
Nói ông sống thì hiền lành vì quả thực hầu như anh em bạn bè chưa bao giờ thấy ông tranh đoạt với ai, chưa bao giờ ông cào cấu một cái gì về cho mình. Ông chỉ ráo riết trong công việc, mà toàn là việc thiên hạ, những việc thi thoảng bị "nội tướng" cằn nhằn: "chả mang lợi lộc gì về cho gia đình". Có lẽ vậy, ông không phải người của gia đình. Việc gia đình ông thuộc diện chểnh mảng. May mà trời cho ông một "nội tướng" dân phố Hàng Vôi xịn, nên ông được rảnh rang mà tung tẩy ra bên ngoài. "Nội tướng" của ông vừa có phẩm chất thông minh, khéo léo của con gái Hà Nội lại vừa có phẩm chất chịu đựng, năng nổ của vợ lính. Một tay bà nuôi dạy hai đứa con gái thành tài, một tay bà đứng ra xây nhà. Đến như xích mích với xã hội thì cũng một tay bà đơn thương độc mã chứ ông thì ông lảng bằng hết.
Hình như nhiệm vụ duy nhất của ông là lao vào công việc, và lao vào, cũng hình như, một cách quên mình. Đang từ một thượng tá, một biên tập viên lão làng ở Nhà xuất bản Quân Đội, hứng lên, ông nhảy ra ngoài, lĩnh ấn kiếm của Nhà xuất bản Lao Động đi "mở cõi" ở "trời Nam". Đơn thương độc mã trong ấy, ăn cơm vỉa hè, ngủ trên bàn để gây dựng lại cái chi nhánh phía Nam đã lệu rệu từ rất lâu. Nhiều lúc anh em, bạn bè cũng thấy ái ngại cho ông. Lẽ ra ông không phải như thế nếu là người khéo léo, biết nghĩ về mình.
Cái chất lính trong con người ông khó mà mất đi, nó xuề xòa, bình dân. Sau này khi lên làm sếp rồi cũng chả thấy có khoảng cách gì với anh em trong cơ quan. Hàng ngày vẫn đi làm bằng chiếc xe máy cũ rích, cũ đến mức không thể cũ hơn được nữa. Người ta không nhầm ông với xe ôm chỉ vì khuôn mặt ông không thể làm xe ôm được, nó quá chất phác, thế thôi.
Ông là con người của công việc, lúc nào cũng tất bật, hối hả. Hiếm khi thấy ông ngơi chân ngơi tay. Uống chén trà với ông cũng chả thấy ngon vì cứ một chốc một nhát lại có người gọi, không có người gọi thì lại gọi cho người. Cứ một chốc một nhát lại đứng lên xin phép đi. Con người ta có số, cái số ông nó vậy, bươn chải, cần lao, không ngơi nghỉ. Chiếc điện thoại của ông luôn rơi vào tình trạng làm việc vượt quá sức. Khi chế ra điện thoại di động, nhà sản xuất chắc cũng không nghĩ rằng sản phẩm của mình lại lao động cật lực đến thế. Im lặng 10 phút là rất hiếm với chiếc điện thoại của ông. Ngồi làm việc với cấp trên cũng tranh thủ nhắn tin, ăn tối cùng vợ cũng nhắn tin, uống bia với bạn bè cũng nhắn tin. Làm việc qua tin nhắn với ông xem ra cực hiệu quả, tiện lợi. Nếu có cuộc thi nhắn tin nhanh, đồ rằng ông không có đối thủ. Ông nhắn siêu tới mức vừa đi xe máy vừa nhắn, hơn thế, nhắn không cần nhìn, hơn thế, thò tay vào túi quần nhắn mà tin tức vẫn đảm bảo ô kê. Có lần ông vừa nói chuyện với người này, lại vừa thò tay vào túi quần nhắn tin với người khác. Tin soạn xong, gửi đi, chờ mãi không thấy hồi âm, kiểm tra lại thì mới phát hiện ra đã bấm nhầm vào cái khác chứ không phải cái điện thoại. Ngón tay ông nhắn tin thạo đến mức thành thói quen, chạm vào đâu cũng thấy có nhịp điệu nhún nhảy, nhoay nhoáy. Mấy tay đàn ông rượu bia vào, đùa, nếu ông mà chạm vào phụ nữ thì chắc họ “chết lịm” vì cái nhịp điệu đó.
Là đại loại bạn bè cứ thêu dệt về cái biệt tài soạn tin của ông cho nó vui thế. Và ông cũng cười lành lành, hiền hiền, chả phản đối. Tìm được người yêu nghề như ông thời này không dễ. Ông yêu xuất bản, đau đáu vì nó. Nói trắng ra là yêu sách. Hễ cứ nhắc đến sách là mặt mũi đang ỉu xìu bỗng sáng lên, nhanh nhẹn, hồi hởi hẳn. Cảm tưởng như trong đầu ông lúc nào cũng ăm ắp những ý tưởng những đề tài về sách. Phải nhìn cái cách ông cầm cuốn sách trên tay mới thấy hết ông yêu sách như thế nào. Trân trọng, nâng niu như đệ tử lưu linh trân trọng nâng niu chén rượu. Xuất bản chọn ông chứ không phải ông chọn xuất bản. Đang oai phong lẫm liệt trong bộ đồ phi công máy bay chiến đấu, bỗng dưng ông bị "xuất bản" nhấc về, cử đi tu học và làm chuyên gia xuất bản ở nước ngoài. Trong khi đa số giám đốc xuất bản đương chức hiện nay thuộc diện tạt ngang, viết văn, làm báo, làm quản lí ngành khác rồi mới chuyển sang, thì ông đường đường là người được đào tạo bài bản nhất, "xịn" nhất, đúng ngành nghề nhất.
Từ ngày "bị trao" cái gánh nặng giám đốc nhà xuất bản, bạn bè thấy ông già đi đến chóng mặt. Chỉ sau vài tháng tóc đã trắng gần như hết. Trước thì vui tính, hóm hỉnh giờ thì luôn đăm chiêu ngay cả khi cười. Cái chức giám đốc "bắt" ông phải đi lại nhiều, hết vào Nam lại ra Trung để gồng gánh tạo dựng cơ nghiệp cho hai chi nhánh lớn của nhà xuất bản ở miền Nam và miền Trung - Tây nguyên. Bù lại với những "tổn thất nhan sắc cá nhân" ấy, ông đã lôi về cho cơ quan toàn những "đám" có máu mặt cả: FAHASA, Thành Nghĩa, Phương Nam, Công ty sách Đông Nam, Công ty cổ phần Sách Trí Tuệ, Công ty Sách Đông Tân, Nhà sách Văn Lang, Nhà sách Bách Việt… Ai cũng phải công nhận, hiện nay nhà xuất bản của ông đang trở lại phong độ lẫy lừng như nó đã từng có một thời rất lâu trước đó. Đời sống của nhân viên được từng bước cải thiện rõ rệt, vị thế nghề nghiệp của họ cũng được tăng lên nhiều.
Đằng thắng mà tính thì ông góp công không nhỏ trong làng xuất bản. Ông là người khơi mở nhiều mảng sách, đặc biệt mảng sách tri thức. Ông có nhiều ý tưởng, nghĩ ra nhiều đề tài hấp dẫn. Ông chế sách giỏi, tổ chức bản thảo cũng giỏi. Phía sau chặng đường miệt mài với xuất bản của ông là hàng dài những cuốn sách dày đến mức có thể "đè chết người". Chỉ riêng dòng bách khoa thôi, kể ra cũng đã thấy đáng phục: Bách khoa tri thức phổ thông, Bách khoa tri thức học sinh, Bách khoa y học phổ thông, Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân, Tri thức bách khoa gia đình hiện đại...
Ông và nhà xuất bản của mình đã hiến cho xã hội những bộ sách thực sự bổ ích. Đã làm nhiều thì không thể tránh được sai sót, điều ấy đúng với cả những vị thánh. Vì ham làm quá mà đôi lúc ông cũng bị sơ sểnh, chả tránh được, nhất là người thật thà và say mê như ông. Được cái may cho ông là cấp trên trực tiếp cũng hiểu rằng cái sai của người trong sáng khác với cái sai của người cố ý.
Tìm được một giám đốc xuất bản yêu nghề thuần khiết như Lê Huy Hòa thật hiếm. Chỉ mỗi tội đôi khi ông vô tư vì nghề đến mức ái ngại. Thói đời, hoa không có gai thì dễ bị ngắt. Ông là bông hoa không có gai, vũ khí duy nhất là dâng hương và khoe sắc. Bạn nghề tin, và cả ông nữa, cũng tin rằng với những bông hoa chỉ biết vô tư dâng hiến sẽ chả ai lỡ thô bạo đưa tay ra ngắt.
Nguồn: CAND