Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN, ĐẠI TÁ ĐỖ GIA HỰU VÀ NHỮNG ÂN TÌNH ĐỂ LẠI

Châu La Việt
Thứ ba ngày 15 tháng 11 năm 2022 5:34 AM

LTS: Nhà văn, Đại tá Đỗ Gia Hựu sinh năm 1927, đã từ trần hồi 23 giờ 50 phút, ngày 11/11/2022, hưởng thọ 96 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều thương tiếc cho gia đình, đồng nghiệp và giới văn chương. Bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc, nhà văn Châu La Việt đã gửi những nỗi niềm ấy vào những dòng hồi ức về nhà văn Đỗ Gia Hựu - người thầy đầu tiên dìu dắt ông bước vào văn chương.

Năm 1970, từ mặt trận Lào, tôi được gọi về một trại viết quân đội do Nhà xuất bản quân đội và Tổng cục Hậu cần tổ chức đặt tại công trường 800. Năm ấy tôi là anh binh nhất 19 tuổi, lần đầu tiên được tham gia một trại viết quân đội, cũng là lần đầu tiên được gặp thầy Đỗ Gia Hựu, với gương mặt đôn hậu, vai đeo quân hàm đại úy, tay xách chiếc cặp may bằng vải bạt… cùng ông Vũ Sắc thay mặt NXB Quân đội đến hướng dẫn cho trại viết.


Sau những giờ lên lớp về lý thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác. Tôi được ông trực tiếp hướng dẫn. Thú vị là ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên, ông đã làm tôi thấy thân thiết như cha con, chú cháu trong một gia đình, chẳng chuyện gì về gia đình, hoàn cảnh và đời sống chiến sỹ của tôi mà ông chẳng quan tâm. Và cũng chính từ những tâm sự này, tôi đã hình thành nên một đề cương văn học để sáng tác trong trại viết. Đấy là đề cương tiểu thuyết “Những tầng cây săng lẻ”. Khi nộp đề cương này cho ông, thấy ông chỉ tủm tỉm: “Ừ cứ viết đi, nhưng có lẽ đây chỉ là một truyện ngắn”.

Ông quả là một ông thầy già dặn. Ngay sau buổi ấy, tôi chưng đèn viết như điên, tuổi 20 ai mà chẳng hăng, lại thêm nữa về trại viết được “cơm no rượu say” mà chưa bao giờ đời chiến sỹ mặt trận chúng tôi được hưởng như thế, nên cứ thức hết đêm này qua đêm kia toét cả mắt mà “cày”. Ấy vậy mà chỉ được đến trang thứ 30 đúng là hết truyện, khép lại là vừa…

Cũng chính từ trại viết ấy, tôi trở nên thân thiết với ông, và còn được ông mời lại nhà chơi…

Đấy là một căn hộ nhỏ trong một chung cư ở phố Trần Quốc Toản, Hà Nội. Nhỏ thôi, nhưng ngay từ buổi đầu tới, tôi đã cảm nhận được là chật mà hóa rộng, bởi chủ nhân tấm lòng rộng mở. Căn hộ của ông luôn đầy khách khứa, đêm hè oi bức cũng như đêm đông gió lạnh, lúc nào cũng có khách ngồi thăm hỏi, tâm sự, giãi bày…

Là những nhà văn quân đội tên tuổi, là những cây viết trẻ ở những đơn vị trong toàn quân, là những nhà văn dân sự viết về đề tài chiến tranh, lại cả những nhà văn có những phiền toái về lý lịch… tìm đến ông như một sự nương tựa, chở che. Có những người đến cậy nhờ ông in sách, giới thiệu tác phẩm, cũng lại cũng có người chỉ đến để tâm sự về văn chương, về thế thái nhân tình.

Sau này tôi mới hiếu cái tình trong ông thật lớn. Trách nhiệm đã đành, mà tình với con người, nhất là với người cầm bút, dù trong hay ngoài quân đội, đều được ông nâng niu, trân trọng, chỉ bảo, giúp đỡ ân tình…

Chính bởi thế, đã nhiều tác phẩm văn học xuất sắc về người lính được xuất bản trong thời gian ông là biên tập viên, rồi là Trưởng phòng biên tập văn nghệ của NXB Quân đội. Cũng giai đoạn này, nhiều nhà văn từ áo lính trưởng thành nhờ sự nâng đỡ, lăng-xê, giới thiệu của ông.

Chẳng ai nhớ được những năm tháng chiến tranh ấy, ông đã cùng các cộng sự của mình như Vũ Sắc, Ngọc Tự, Minh Giang đi mở, hoặc đến với bao trại viết quân đội, hướng dẫn cho bao người cầm súng cầm thêm cây bút, đọc và biên tập bao nhiêu trang bản thảo còn khét lẹt mùi thuốc súng để có những tác phẩm văn học xuất sắc về cuộc chiến tranh.

Những tiểu thuyết của Hồ Phương, của Xuân Thiều, trường ca Hữu Thỉnh, truyện Nguyễn Trí Huân, Triệu Bôn, thơ Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, tiểu thuyết Bùi Bình Thi… cùng với rất nhiều gương mặt văn học trẻ khác. Nói thật những ngày ấy, có được một tác phẩm in ấn ở NXB Quân đội là niềm mơ ước, là hạnh phúc của bao người cầm bút, không chỉ là một giá trị văn học, mà còn là một bệ phóng vút bay cao.

Cũng phải nói thêm rằng, có cả những cây bút tưởng chừng đã không thể gắng gượng được nữa vì tỳ vết, mà bởi sự nâng đỡ của ông, đã trở lại với con đường văn học và có những tác phẩm hữu ích, được xuất bản bề thế và trang trọng.

Ở trại viết năm ấy, truyện ngắn “Những tầng cây săng lẻ” của tôi với sự kèm cặp của thầy Đỗ Gia Hựu, được giải thưởng của Trại viết, và qua sự giới thiệu đầy uy tín của ông, đã được in trân trọng trên tạp chí Văn nghệ quân đội, một hạnh phúc lớn với một binh nhất mới cầm bút như tôi.

Năm 1980, trong bối cảnh giấy má in ấn rất khó khăn, tôi lại được ông ưu ái in cho tập kịch “Những bạn trẻ của tôi” ở NXB Quân đội. Mà nói thật, cái ngữ viết kịch như tôi chả chắc đã được là học trò của những nhà viết kịch quân đội khác như Đào Hồng Cẩm, Tào Mạt, Hoài Giao, Kiều Kim Trùy, Chu Nghi, Sỹ Hanh… Nhưng vẫn được ưu tiên vì là chiến sỹ trẻ ở đơn vị chiến đấu, những trang viết còn nóng bỏng hơi thở mặt trận…

Năm 1974, tôi về học khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi có người bạn thân là Lê Huy Hòa, nguyên là một phi công cũng về học. Hòa hiền lành, ít nói, học không thật giói nhưng chịu thương chịu khó.

Khi tốt nghiệp, Hòa được điều đi dạy ở một tỉnh xa phía Bắc, trong khi anh lại rất thiết tha trở lại quân đội phục vụ. Tôi dẫn Hòa đến gặp ông Đỗ Gia Hựu, để giới thiệu Hòa về với NXB Quân đội (sự vụ này Hòa đã kể trong một hồi ký in trong tập kỷ yếu của NXB Quân đội gần đây). Với tất cả tấm lòng ưu ái với thế hệ trẻ, ông đã vượt qua rất nhiều nhiêu khê về thủ tục hành chính để kiên quyết tạo điều kiện cho Hòa về NXB, không những thế, kèm cặp, rèn giũa cho Hòa thành một biên tập viên văn nghệ bản lĩnh, đưa sang Nga làm chuyên gia xuất bản với quân đội bạn, và sau này còn mai mối, tác nối và là đại diện họ nhà trai lấy vợ cho Hòa. Sau này Lê Huy Hòa là Giám đốc NXB Lao động.

Nhà văn, Đại tá Đỗ Gia Hựu và những ân tình để lại - 2



















Nhà văn Đại tá Đỗ Gia Hựu (giữa) và vợ là bàTriệu Thuận (phải) và con dâu Lê Bích (trái).

Ông đặc biệt yêu những người lính trẻ, những cây bút trẻ đang ở mặt trận. Ông chăm chút cho họ không chỉ từng trang viết mà còn cả cuộc sống. Nhà văn Khuất Quang Thụy kể: “Năm 1975, sau khi miền Nam giải phóng, tôi được về phép về thăm nhà và mẹ tôi đã kể lại rằng: Cuối năm 1972, vào những ngày máy bay Mỹ đang ném bom Hà Nội bỗng một hôm có mấy ông cán bộ to của Trung ương quân đội tìm đến nhà ta. Các ông ấy đưa cho mẹ một ít tiền và nói rằng đó là tiền bút gì đó của con. Thế là cả nhà òa lên khóc. Mẹ nghĩ, có lẽ con chết rồi nên các ông ấy mang tiền tuất về cho mẹ… Mãi sau này tôi mới biết đó là anh Đỗ Gia Hựu và các anh ở NXB Quân đội sau khi in ký sự “Lửa và thép” trong cuốn “Cửa khẩu” vì biết tôi đang chiến đấu ở Tây Nguyên nên các anh đã lặn lội lên tận Sơn Tây để mang tiền nhuận bút tới cho gia đình”.

Nhiều người biết đoạn đầu đời riêng của ông không mấy suôn sẻ. Đã hai người phụ nữ đi qua cuộc đời ông… Nhưng dù vậy, ông luôn nghĩ tới việc chăm lo hạnh phúc cho mọi người. Không chỉ với Lê Huy Hòa nhờ có ông mà lấy được cô giáo Ngà đảm đang, mà cả Nguyễn Trí Huân, người ông coi như đứa em ruột thịt, thì những năm anh Huân đi chiến trường, ông không chỉ lo những trang viết, mà sau này cũng chính là người đã đứng ra mai mối dựng vợ gả chồng cho Nguyễn Trí Huân, rồi với cả Lê Lựu hàn gắn vết thương lòng, rồi đôi vợ chồng Chu Lai - Vũ Thị Hồng…

Lại cả nhà văn Hoàng Dự, năm 2005 bỗng có mong muốn gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam (dù khi này anh đang là Tổng biên tập báo và có tiểu thuyết “Đường đời” nổi tiếng). Ông Hựu biết được mong muốn này của Hoàng Dự, lại biết Hòang Dự vốn là chiến sỹ tăng thiết giáp, ông gọi điện ngay cho Nguyễn Trí Huân, rằng cái thằng Dự này nó xứng đáng là hội viên của Hội, cậu quan tâm cho nó nhé... Ngay năm ấy, Hoàng Dự đứng vào đội ngũ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, và sau này là Tổng biên tập của Thời báo Văn học nghệ thuật, tờ báo của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Cái tình của ông thật lớn, và cũng bởi thế, ông đã được đền đáp bằng lòng yêu quý chân thành của tất cả những nhà văn già hay trẻ, trong và ngoài quân đội, của những biên tập viên văn nghệ sừng sỏ của NXB Quân đội như Lữ Giang, Tạ Hữu Yên, Vũ Sắc, Ngọc Tự, Kiều Kim Trùy, Hồng Duệ, Vũ Thị Hồng, Trần Nhương, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Quang Tính, Trần Chiến… và nhất là của cô Thuận, một kỹ sư thủy lợi dịu dàng đã gắn bó và chăm sóc ông bằng một trái tim vàng hơn nửa cuộc đời ông sau này…

Tôi cũng hay “bố bố con con” với ông từ thuở ông dạy dỗ tôi ở trại viết, coi ông như một người cha của mình. Nhưng bởi ở xa ông, nên phận làm con của tôi không bằng thằng Bách, cái Bích hay thằng Lê Huy Hòa… Nhất là những người em của ông như các anh Nguyễn Trí Huân, Trần Nhương đã chăm sóc ông hết sức chu đáo, như ruột thịt trong nhà. Ra dự Đại hội Hội Nhà văn vừa qua, anh Nguyễn Trí Huân nhắc tôi “Đến thăm cụ Hựu chưa?” đúng là làm tôi nhói lòng. Phần mới ra Hà Nội, phần từ hôm Lê Huy Hòa “mất tích”, ra Hà Nọi đến thăm ông không ai đưa đi, mà nghe nói ông cũng đã chuyển nhà rồi, không còn ở cái phố nhà binh gần nhà Đỗ Trung Lai nữa, thú thật chưa biết lần mò thế nào đến thăm ông.

Tôi nhớ một lần cách đây ít năm, ông cũng đã 85, 87 tuổi, anh Trần Nhương điện vào bảo tôi rằng: “Cụ Hựu ốm nặng, khéo nguy cậu ạ". Thế là nước mắt nước mũi đầm đìa, nửa đêm bật dậy viết một bài báo đầy xúc cảm về ông với bao kỷ niệm của những tháng ngày quân đội. Viết xong, điện ngay cho Lương Ngọc An báo Văn nghệ, bảo em in cho anh gấp bài này nhé, ông ấy là như thế như thế, là bố nuôi của anh, nhất lại là anh nuôi của anh Nguyễn Trí Huân.

Lương Ngọc An thuộc diện "bợm nghề", tháo vát, làm báo tinh nhanh, nhoắng một cái nó duyệt trình anh Huân, rồi cho lên trang ngay, hôm sau kịp đưa vào Viện để con cháu đọc cho ông nghe. Nghe nói lúc ấy ông cũng xúc động lắm, nước mắt rơm rớm. Chắc ông cảm cái tình của lũ em nuôi, con nuôi luôn nghĩ tốt đẹp và yêu thương ông…

Thế nhưng sau này, như con dâu ông kể lại: "Nghe xong bài báo, bố em nằm trấn tĩnh một lúc, rồi bảo mẹ em cho uống sữa, rồi vươn vai bật dậy, lừng lững đòi ra viện về nhà. Bố bảo: “Chúng nó tưởng tao sắp... đi hay sao mà viết lâm ly thế. Tao làm sao đã đi được. Các con cho bố về nhà ngay, rồi hẹn chúng nó đến chơi". Thế mà rồi ít ngày sau ông được về nhà thật, cho đến hôm nay 95 tuổi…

Văn chương người lính chắc chắn không bao giờ quên ông. Hôm ở Trại viết “Đề tài chiến tranh & Lực lượng vũ trang 2020” tổ chức ở Đà Lạt, tôi tâm sự với anh em rằng: Có lẽ duy nhất một người cầm bút tròn nửa thế kỷ vẫn tham dự những trại viết NXB Quân đội tổ chức từ buổi đầu đến nay là tôi. Và người thầy mà hôm nay, ở trại viết sau nửa thế kỷ này, tôi xin được tôn vinh, chính là người thầy đầu tiên dìu dắt chúng tôi bước vào văn chương, vẫn theo bước chân hành quân của chúng tôi suốt nửa thế kỷ qua đến hôm nay, dạy dỗ chúng tôi không chỉ biết cầm súng mà còn biết cầm bút, chính là ông Đỗ Gia Hựu, Đại tá Đỗ Gia Hựu, Trưởng phòng biên tập NXB Quân đội năm xưa. Những trang sách của một thời kháng chiến luôn lưu giữ bóng thầm mà rực rỡ của ông. Cả một thế hệ những người lính luôn lưu giữ bóng thầm mà rực rỡ của ông trong trái tim mình!

Lễ viếng Nhà văn, Đại tá Đỗ Gia Hựu vào hồi 9 giờ 15 phút, ngày 15/11/2022 tại Nhà Tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 10 giờ 15 phút, ngày 15/11/2022.

Châu La Việt