Tôi có ông bạn thành đạt, đời sống sung túc, sang trọng nhưng con cái thì không được như ý. Chúng đam mê kiếm tiền qua cá độ những giải bóng đá ngoại hạng ở châu Âu mà không muốn đau đầu vì việc quản trị công ty gia đình. Đến nhà ông chơi, nổi bật trong phòng khách sang trọng là tủ rượu hoành tráng với hàng trăm chai rượu ngoại nhập.
Vừa rót ly rượu ngoại mời tôi, châm điếu xì gà Cohiba ông dãi bày: Tiền bạc không thiếu, chỉ đau đầu vì con cái, chả đứa nào chịu làm ăn gì cả, ông có bí quyết gì không? Rằng, tôi đang nghiên cứu về người Do Thái. Ông có nhiều nét giống họ duy chỉ có sự khác nhau nho nhỏ rằng: Người Do Thái thường khoe có tủ sách lớn ở phòng khách còn ông, thay vào đó là tủ rượu ngoại.
Đạo học của người Do Thái quyết định rất lớn việc phát triển bền vững của một dân tộc, dẫu rằng họ lưu lạc qua nhiều miền đất khác nhau.
Hay đó, ông nói đi, tôi đang lắng nghe!
Cách đây 2.000 năm, đến 90% người Do Thái đã biết chữ, họ rất coi trọng chuyện học hành. Kinh Tamud từ cách đây hơn 2.000 năm của người Do Thái đã yêu cầu các bậc phụ huynh phải dạy con biết đọc, biết viết từ năm lên 6 tuổi. Nói cách khác, việc giáo dục con cái từ nhỏ không còn là vấn đề đạo đức, trách nhiệm của nhà nước hay đơn giản là lo lắng cho tương lai con trẻ.
Truyền thuyết kể rằng người Do Thái đổ mật ong vào "Kinh thánh" rồi để trẻ em liếm mật ong trên sách, vì vậy, trẻ em Do Thái sớm đã có ấn tượng tốt về sách và thích đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Người Do Thái đã nâng tầm giáo dục thành một loại giáo điều trong tín ngưỡng.
Kết quả là từ hơn 2.000 năm trước, có đến 90% số người Do Thái thoát khỏi nạn mù chữ. Nếu tỷ lệ trên không mấy ấn tượng với bạn thì xin nhắc lại rằng cách đây 2.000 năm, đa phần người Do Thái là dân du mục, buôn bán, lang thang nay đây mai đó.
Thời mà hầu hết người dân Châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông thời đó là mù chữ thì điều mà người Do Thái làm được quả là phi thường. Hơn hai ngàn năm trước, biết chữ là điều khá xa xỉ và chỉ có tầng lớp tăng lữ, quý tộc mới có điều kiện được học. Những người dân thuộc tầng lớp dưới không có đủ thời gian cũng như mục đích để học chữ khi họ còn mải kiếm sống hoặc sống sót.
Với tỷ lệ biết chữ cao, người Do Thái đương nhiên tham gia nhiều vào ngành thương nghiệp cũng như được các thương nhân tin dùng khi biết tính toán. Cuốn kinh Do Thái bằng tiếng Hebrew cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng cho việc giáo dục cũng như hiểu biết của dân tộc này.
Do bị mất nước từ sớm và phải sống lang thang nhiều nơi trước khi Israel được thành lập, bất kỳ người Do Thái nào cũng phải biết chữ để có thể đọc kinh ở bất kỳ nơi đâu, trong mọi hoàn cảnh nào. Đây là điều dễ hiểu khi người Do Thái khá sùng đạo.
Bên cạnh đó, do phải sống lang thang nhiều nơi nên đương nhiên người Do Thái biết nói ít nhất 2 ngôn ngữ trở lên. Theo các nhà khoa học, thông thường những người biết nhiều thứ tiếng thường thông minh hơn so với người bình thường.
Việc bị mất nước từ sớm khiến người Do Thái phải lưu vong nhiều thế kỷ khiến dân tộc này phải tự lực cánh sinh, vượt lên trên hoàn cảnh để sinh tồn. Như đã nói ở trên, nghịch cảnh cũng là một cơ hội. Sự thiếu may mắn khi mất nước đã khiến người Do Thái buộc phải trở nên thông minh hơn và những cá thể kém sẽ bị đào thải nhanh chóng.
Người Do Thái coi trọng tri thức và đã lưu truyền phương châm: Nếu con gái lấy được học giả, bán gia sản đi cũng đáng; nếu cưới được con gái của học giả, bỏ ra tất cả tài sản cũng sẽ không tiếc rẻ. Một phụ huynh người Do Thái hỏi con mình rằng, nếu một ngày nhà bị cháy, và con chỉ có thể đem theo một thứ, vậy con sẽ mang theo cái gì? Khi con trả lời rằng sẽ mang theo tiền, phụ huynh nói: đem theo tri thức, bởi vì tiền dùng rồi cũng sẽ hết, nhưng tri thức sẽ giúp con kiếm được nhiều tiền hơn.
Người Do Thái quan niệm: “Nếu không đọc sách, đi vạn dặm đường, cũng chỉ là người đưa thư.” Người Do Thái còn được biết đến với tên gọi khác là Dân tộc của Sách “the people of the Book” Đã hàng ngàn năm trôi qua dân tộc Do Thái đã học một văn bản phức tạp nhất, đó chính là Kinh Thánh.
Trong mỗi gia đình Do Thái luôn luôn có 1 tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Tủ sách phải được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm nôi. Để sách hấp dẫn trẻ, phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý. Mặc dù chỉ có hơn 8 triệu dân nhưng ở Israel có tới hơn 1.000 thư viện công cộng với nhiều sách quý.
Cùng với việc hình thành, xây dựng thói quen đọc sách từ khi nằm nôi cho trẻ nhỏ, người Do Thái hiện vẫn sử dụng hình ảnh con lừa thồ sách để dạy các con mình: nếu chỉ dừng ở việc đọc mà không biết ứng dụng thì trí tuệ đó cũng chỉ là trí tuệ chết. Và để có thể ứng dụng, trẻ em Do Thái không ngừng đọc sách và tích lũy kiến thức từ nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Hơn thế là đưa kiến thức học được vận dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Ông nói hay lắm, đúng là “cận tâm thần”. Ngày mai tôi sẽ cho tủ rượu xuống hầm, ông có sách cho tôi một ít!
Phan Thế Hải