Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐIỆN ẢNH NƯỚC TA VẪN LOAY HOAY TRONG VŨNG HẸP

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Thứ hai ngày 7 tháng 11 năm 2022 4:30 AM

Nếu tính từ bộ phim chuyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam ra đời là “Chung một dòng sông” đến nay thì chỉ tính riêng thể loại phim truyện nước ta đã được 63 năm. Trong thời gian hơn 2/3 thế kỉ đó không thể phủ nhận phim truyện nước ta đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Có những giai đoạn người xem háo hức chờ đợi các bộ phim của Điện ảnh Việt Nam ra đời. Và không thể phủ nhận những bộ phim đó mặc dù làm trong hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện kĩ thuật, trình độ những người làm phim nước ta còn bị hạn chế rất nhiều và có thể nói rất thấp so với đồng nghiệp trên thế giới nhưng đã tạo ra được những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn được người xem. Sau “Chung một dòng sông “ là các phim “vợ chồng A phủ”, “Lửa trung tuyến”( cùng ra đời trong năm 1961). “Chim vành khuyên “( 1962), “Chị Tư Hậu”( 1963), “nối gió “( 1966)…rồi đến những bộ phim vào thập niên 80 vẫn làm nức lòng người như “Chị Dậu” ( 1981), “Làng Vũ Đại ngày ấy”(1983), cùng chùm ba bộ phim đặc sắc của Đạo diễn Đặng Nhật Minh tài ba là “Cô gái trên sông”(1980),”Thị xã trong tầm tay “( 1982), “ Bao giờ cho đến tháng 10 “( 1984), cùng “Ván bài lật ngửa”(1982-1987)… Theo năm tháng phim Việt Nam mất dần sự theo dõi, chờ đợi của người xem Việt Nam mặc dù khi nhắc đến các giai đoạn sau thập niên 80 khi ngành điện ảnh Việt Nam bước vào cơ chế thị trường các nhà chuyên môn vẫn điểm các phim “Thăng long đệ nhất kiếm “, “Đông dương”,” Những người thợ xẻ’, “Vua bãi rác”, “Đời cát”, “Gái nhảy “…và gần đây là những phim thấy giới truyền thông kê khai những con số doanh thu nhảy vọt như “Tèo em”,”Quả tim máu”, “Em là bà nội của anh”, “Hoa vàng trên cỏ xanh”…Nhắc là nhắc vậy, những con số doanh thu được ghi ra hàng vải chục thậm chí đến hàng trăm tỷ nhưng điều đáng nói là từ gần bốn thập niên nay phim truyện Việt Nam, hay nói khái quát hơn điện ảnh Việt Nam không còn sự thu hút đối với người xem trong nước. Mỗi kì liên hoan phim giải thưởng Cánh diều thì vẫn không ít các bộ phim được trao giải nọ kia nhưng rồi lại rơi vào im lặng ngay cả thị trường trong nước chứ chưa nói đến sự lan toả được công chiếu, thu hút được người xem nước ngoài.

Trong các niên biểu có nhắc đến giải thưởng của nước ngoài đối với phim Việt nam thì hầu như chỉ là “những phiếu bé ngoan” động viên, khuyến khích vì chính trị nhiều hơn chuyên môn như huy chương vàng ở Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva cho phim “Luỹ thép Vĩnh Linh”, giải Bồ câu vàng cho phim “Người dân quê tôi “…

Khi điện ảnh Việt nam không hấp dẫn được người xem thì người xem nước ta quay sang xem phim Ấn Độ một thời gian chấp nhận những trường đoạn hát và múa dài thậm thượt, rồi phim Hàn Quốc để rồi gần như bị các phim từ cổ trang đến phim tình cảm của quốc gia này mê hoặc. Người xem Việt Nam bị cuốn hút vởi nàng Đê chang Cươm, thần y Hu jun, rồi rơi nước mắt với “Bản tình ca mùa đông”, “Nấc thang thiên đường”, “ Trái tim mùa thu “…Để rồi đặt tên con là “Ly” nọ, Pắc”kia, các trai thanh gái lịch nước ta bắt chước những hình mẫu và phong cách sống của nhân vật trong phim Hàn cùng tu rượu Sô chu ừng ực, cũng mê hội chứng ung thư, bi luỵ, sầu thảm… Chẳng những người xem bình thường mà ngay cả những người làm phim nước ta cũng nghiện phim Hàn đến độ liên tiếp mua bản quyền kịch bản phim Hàn để về Việt hoá tạo ra những phim nhiều khi sống sượng và gá lắp kiểu “ Hương vị người thân “,”Hướng dương ngược nắng”…

Trong tình trạng phim truyện Việt nam thua ngay cả trên sân nhà như thế thì liệu đến bao giờ phim, điện ảnh Việt Nam đủ sức vươn ra thế giới trong sự bình đẳng với tư cách là một nền điện ảnh có bản sắc? Nguyên nhân của sự yếu kém của phim-Điện ảnh Việt nam từ nguyên nhân nào ?

Tôi nói điều này để khẳng định nền Điện ảnh nước ta không biết đến bao giờ mới thoát được vòng kim cố tạo ra sự yếu kém và có thể nói là bế tắc trong sự phát triển và nhất là tìm được bản sắc, đặc thù cho một nền Điện ảnh thuần Việt.

Trong quá trình phát triển nước ta thì Việt Nam có thể xem là một trong những quốc gia có nền lịch sử khá đặc biệt nếu không muốn nói là độc đáo. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc với đủ mọi mánh khoé ác độc và thâm hiểm để các triều đại phong kiến Trung Hoa đạt mục tiêu đồng hoá dân tộc ta. Sau đó đến thời Minh, âm mưu này còn tàn độc hơn khi chúng quyết truy lùng để thiêu huỷ cho đến tận cùng những gì gọi là thư tịch văn hoá Đại Việt. Bên cạnh đó chúng còn dùng biện pháp cơ giới dã man khi giết nam giới, hiếp nữ giới , bắt họ làm tỳ thiếp, nô lệ để tiêu diệt dòng giống Âu Lạc. Nhưng bất chấp tất cả mọi thủ đoạn tàn khốc của kẻ thủ kéo dài hàng nghìn năm, dân tộc ta vẫn tồn tại là dân tộc Việt bên bờ sông Hồng và sông Cửu Long. Những triều đại cai quản đất nước của cha ông ta đã tạo nên những kí tích xứng đáng là nguyên mẫu để làm nên những bộ phim cố trang không thua kém gì phim cổ trang của Trung Quốc, của Hàn Quốc. Những sự khôn khéo và đặt nền móng không chỉ cho nền độc lập của đất nước mà còn cho nền hành chính, hộ khẩu cũng như mở đầu cho nghề tình báo của tam chúa Khúc Hạo, Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Mỹ…Lòng căm thù ngút trời khiến chị em Bà Trưng khởi binh đền nợ nước trả thù chồng, chiến công của Lý Thương Kiệt, trí tuệ thông minh, khôn khéo của Thái sư Lê Văn Thịnh khiến nhà Tống khiếp đảm, chỉ bằng lời nói mà nhà Tống phải trả bốn động hai huyện cho nhà Lý, chiến công ba lần đánh tan đế quốc hùng mạnh Nguyên Mông, chiến công đánh tan 20 vạn quân Thanh của hoàng đế Quang Trung, sự ngỡ ngàng trước sự xâm lăng của thực dân Pháp và những cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực,,,Sự phân lập giữa hoà hay chiến trong triều đình nhà Nguyễn trước kẻ thù…Đều là những nguyên liệu tuyệt vời, phong phủ và có thể nói là bất tận để làm nên những bộ phim cố trang, lịch sử lôi cuốn người xem nước ta và thế giới. Đáng buồn nền điện ảnh nước ta lại từ bỏ, hầu như quên lãng những vỉa quặng cực kì quý báu này .

Kế tục dòng lịch sử đánh giặc, giữ nước của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chủ tịch sau khi dành được độc lập , khẳng định chủ quyền của một nứơc Việt Nam mới, đất nước ta liên tiếp trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Bằng tất cả sự hi sinh gian khổ và sức mạnh của lòng yêu nước, dân tộc ta đã chiến thắng, thu non sông về một mối.

Suốt trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc đó, cả nhân loại đã theo dõi dân tộc ta với lòng cảm phục và sự đồng cảm. Giai đoạn này tuy chưa phải đầy đủ và còn ở chất lượng thấp những nền văn nghệ nước ta trong đó có Điện ảnh ít nhiều đã phản ảnh được thực tế sự kiện lịch sử đó .

Với một dân tộc có nhiều bản lĩnh và sự kiện như dân tộc Việt Nam, thế giới còn muốn thông qua nền văn nghệ của chúng ta trong đó có điện ảnh với những tác phẩm chân thực có chất lượng cao để nhìn lại toàn bộ cuộc hai cuộc chiến tranh vệ quốc nhất là cuộc chiến tranh chống Mỹ để hiểu con người Việt Nam. Đáng tiếc về cuộc chiến tranh này chúng ta mới phản ảnh một chiều chủ quan mà chưa có sự phản ảnh trung thực, đầy đủ với những cung bậc của nó trong một cuộc chiến giữ nước bao gồm cả chiến công và mất mát, niềm vinh quang và sự đau thương nơi chiến trường và hậu phương. Sau chiến tranh, cũng như đối với các lĩnh vực văn nghệ khác người xem trong nước và đặc biệt người xem nước ngoài rất muốn biết. Số phận CON NGƯỜI VIỆT NAM - những phận người quả cảm của một dân tộc quả cảm từng tham gia chiến tranh, và số phận người Việt Nam sau chiến tranh sẽ ra sao, họ trở lại với cuộc sống bình thường thế nào với vết hằn của chiến tranh trong tâm hồn và thể xác . Niềm vui và nỗi buồn. Bi kịch và hài kịch. Sự trăn trở rất Việt Nam trước cuộc sống diễn ra khi thế giới đã liền trong một mặt phẳng.

Nói đến đây, tôi nhớ đến những thành tựu của văn nghệ Trung Quốc trong đó có điện ảnh Trung Quốc sau đại nạn cách mạng văn hoá. Bằng tất cả tài năng và nhiệt huyết của nghệ sĩ, chỉ chưa đầy hai thập niên sau Cách mạng văn hoá, nền văn nghệ Trung Quốc đã tiến một bước dài ra thế giới với hàng loạt tác phẩm gây chấn động người xem toàn cầu. Nếu trong văn học thì mãi đến năm 2012 Mạc Ngôn với hàng loạt tiểu thuyết lừng danh như “Đàn hương hình”, “Cây tỏi nổi giận”, “ Báu vật ở đời “, “ Cao lương đỏ”…ông đã nhận giải No ben thì trong điện ảnh bằng các tác phẩm xuất sắc của mình Trương NGhệ Mưu vào năm 1988 đã đoạt giải thưởng gấu vàng với phim “Cao lương đỏ “ và bộ phim này đến năm 1994 lại đoạt Cành cọ vàng trong Liên hoan phim Cannes. Thế giới khâm phục và tặng thưởng các tác phẩm của Mạc Ngôn và Trường Nghệ Mưu chì vì ở các tác phẩm đó tính cách, môi trường , cuộc sống của người Trung Quốc được mô tả rõ nét nhất với một nghệ thuật siêu đẳng. Nên nhớ các giải thưởng văn nghệ lớn của thế giới rất coi trọng và đề cao tính dân tộc trong tác phẩm văn nghệ.

Trong khi đó nền điện ảnh Việt Nam với rất nhiều lợi thế về đề tài về chất liệu đáng quý nhưng luôn bị bỏ rơi, quên lãng hoặc né tránh để loay hoay tìm đến những đề tài vụn vặt, bắt chước, du nhập từ nước ngoài. Đặc trưng, tính cách dân tộc trong phim Việt Nam chưa bao giờ được các nhà làm phim chủ ý để thể hiện một cách rõ nét. Còn một điểm nữa , trong khi phim nước ngoài đặc biệt ở các nên điện ảnh lớn ngoài yếu tố thế hiện đặc trưng tính cách dân tộc, thực tế nóng bỏng của cuộc sống là dòng phim giả tưởng đầy chất sáng tạo để phản ánh cuộc sống đa dạng hôm nay tiêu biểu như phim Ha ri Póc tơ, kẻ huỷ diệt…Thì điện ảnh Việt nam cùng như các loại hình văn nghệ khác hầu như không dám chạm đề tài viễn tưởng…

Tất nhiên nguyên nhân nền điện ảnh Việt nam đang lúng túng trong ao làng một phần lớn do các nhà làm phim nước ta nhưng phần khác cũng do nhà nước, chính phủ thiếu một sự quan tâm ngoài những phát biểu, tuyên bố “ xây dựng một nền văn hoá hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc…”.

Để có một nền điện ảnh phát triển, đặc sắc như Hàn Quốc, đã từ lâu Chính phủ Hàn Quốc đã có hẳn một chiến lược. Như ủng hộ, quan tâm đầu tư, tiếp thu tinh hoa thế giới và sáng tạo phong cách riêng. Ngành điện ảnh được chính phủ Hàn Quốc đặt ở vị trí then chốt trong sự phát triển của văn hoá nước này. Bên cạnh đó chính phủ còn có kế hoạch cho sự đào tạo đội ngũ đạo diễn, diễn viên được học hỏi tiếp xúc với các trung tâm điện ảnh tiên tién của thế giới như Hô ly út. Cuối cùng là tạo ra mạng lưới truyền thông mạnh để quảng cáo, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc ở trong nước và thế giới.

Quỳnh Mai 14/10/2022

NGUYỄN HIẾU