Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PGS.TS Trần Thị Trâm: VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM SAU NĂM 1986

Nhà văn Phùng Văn Khai
Thứ tư ngày 30 tháng 11 năm 2022 9:45 AM



Không thể nào ngờ một người rất chỉn chu, nghiêm túc từ bề ngoài tới công việc như PGS.TS Trần Thị Trâm lại vô cùng hăm hở viết chuyên luận và sưu tầm, tuyển chọn rất thành công với Văn học dân gian Việt Nam sau 1986.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của bà. Nó cho thấy người viết chuyên luận, sưu tầm, tuyển chọn đã công phu, nghiêm túc, cũng vừa mở mang, khác biệt, thậm chí có những sự việc hiện tượng được dân gian thời 4.0 định nghĩa ngược hẳn với tiền nhân. Đọc lắm lúc cười ra nước mắt mà chiêm nghiệm sao thấy quá đúng với chính mình. Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 quả là khác biệt trời vực với văn học dân gian trước đó. Nếu các cụ ngày trước đọc kiểu như: Dở hơi biết bơi; Đau sờ cau; Đầu to óc quả nho; Đừng đùa với nhà chùa; Hèn con dế mèn; Ngầu như ve sầu; Ngất trên cành quất; Ngon lành cành đào; Chán như con gián; Chảnh như con cá cảnh; Ngu như mi lu; Sát thủ đầu mưng mủ; Phê con tê tê... hẳn sẽ chồm dậy mắng té tát hoặc ngất xỉu tại trận không biết chừng?

Nhưng, lạ thay, thứ ngôn ngữ dân gian này đang hết sức thịnh hành.

Đến mức như câu: Hoa hậu viện Sử/ Kỳ nữ viện Văn/ Có chết nhăn răng/ Cũng đừng cưa cẩm; hoặc câu: Muốn giàu nuôi cá/ Muốn khá nuôi heo/ Muốn nghèo làm cô giáo; hoặc câu: Tiên trường Múa/ Chúa trường Ba (Sư phạm)/ Ma Tuyên giáo... thì đã giống như truyền hình trực tiếp xuất tướng nhập tượng thẳng thắn xông vào vùng đất khó bất chấp nếu người ta không hiểu sẽ bươu đầu mẻ trán.

Đó mới là văn học dân gian. Dân gian có cái lý của dân gian đã truyền tụng được tức là có đời sống riêng rồi.

PGS.TS Trần Thị Trâm là một người đặc biệt. Bà nhiều lần tham dự ra mắt sách và viết bài về các tiểu thuyết lịch sử của tôi. Rất nghiêm túc và khoa học. Với lịch sử, nhất là tiểu thuyết lịch sử dày năm, sáu trăm trang, chỉ chuyên chú đọc thôi đã là cả vấn đề. Bà thành tâm đọc kỹ, viết một số bài tâm huyết và trách nhiệm. Trong buổi phản biện luận văn thạc sĩ của nghiên cứu sinh Lại Ngọc Anh Thư với đề tài “Tiểu thuyết lịch sử về thời Tiền Lý (544-602) của nhà văn Phùng Văn Khai”, PGS.TS Trần Thị Trâm đã có nhiều ý kiến xác đáng để nâng cao chất lượng luận văn. Buổi bảo vệ diễn ra trong không khí trang trọng, nghiêm túc, theo đúng trình tự và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội đồng đánh giá đề tài luận văn đều đảm bảo tính khoa học, mang tính thời sự và có chuyên môn cao. Tôi không thể ngờ các thành viên phản biện trong đó có PGS.TS Trần Thị Trâm đã đọc hàng ngàn trang và phản biện nghiêm túc, khoa học nhưng cũng rất nhân văn.

Ấy vậy mà, bà cũng là người ưa thích sưu tầm văn học dân gian, ở đây là văn học dân gian sau dấu mốc 1986.

Đúng là Đã máu đừng hỏi bố cháu là ai.

Càng đúng tinh thần Đến từng nhà, rà từng ngõ, gõ từng cửa.

Một trách nhiệm Dân thường chơi đẹp đè bẹp dân chơi; - Cứ hồn nhiên rồi sẽ bình yên; - Dạy con trẻ vạn lời hay không bằng nửa ngày làm gương làm mẫu; -Đảng viên đi trước, làng nước theo sau...

Trong phần Kết luận của chuyên luận Văn học dân gian Việt Nam sau 1986, tác giả đã khẳng định: “Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 đang phát triển mạnh mẽ, tốc độ, phong phú, đa dạng nhưng cũng vô cùng phức tạp. Chúng tồn tại dưới hai hình thức: những tác phẩm độc lập trong đời sống xã hội và rất nhiều mảnh vụn đang hóa thân rồi tiếp tục tái sinh trong những hình thức văn hóa hiện đại khác: văn học viết, văn học mạng, báo chí, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh... Trong những điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế xã hội mới, so với văn học dân gian cổ truyền, giai đoạn đất nước có chiến tranh (1945-1975) và trước thời kỳ Đổi mới (1975-1986), văn học dân gian sau 1986 mang những đặc điểm riêng. Đó là sự khác biệt về tác giả và công chúng tiếp nhận, sự thu hẹp về nội dung phản ánh, sự thay đổi về giọng điệu và sự khác biệt về hệ thống thể loại. Từ đầu năm 2020 đến nay, trong điều kiện cả thế giới đang phải trải qua đại dịch Covid-19, diện mạo của văn học có những thay đổi trên các phương diện; tác giả và công chúng tiếp nhận, nội dung phản ánh, giọng điệu, tốc độ. Nó cũng có những đóng góp không nhỏ và độc đáo cho công cuộc chống dịch và nền văn hóa dân tộc đương thời. Do những ưu thế đặc biệt của mình, dù ở thời đại nào văn học dân gian cũng có vai trò quan trọng đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa nghệ thuật của đất nước. Trong giai đoạn có tính chất bản lề như hiện nay, văn học dân gian càng trở thành điểm tựa tinh thần, là nội lực của cá tính sáng tạo, giúp mỗi dân tộc tự tin, vững bước đi lên hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, bởi muốn đi xa phải trở về. Văn học dân gian đang có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của văn học viết, văn học mạng và các loại hình văn hóa khác. Văn học dân gian sau 1896 có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của nền văn hóa dân tộc. Cùng với báo chí, văn học dân gian đã có đóng góp to lớn nếu không muốn nói là đi đầu trong nhiệm vụ khó khăn nhất là chống tiêu cực, chống lại những hình thức phản văn hóa để bảo vệ những giá trị truyền thống quý báu, ủng hộ cái mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Là một sân chơi văn hóa dân chủ và hiệu quả, văn học dân gian đã tạo ra được những luồng dư luận, tạo thành những hiệu ứng xã hội lớn để có thể điều chỉnh hành vi đạo đức của con người”.

Như thế có thể thấy, Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 chính là công trình tâm huyết cả đời của PGS.TS Trần Thị Trâm trên tinh thần Nét như Sony/ Happy như Tết.

Tôi rất khâm phục phần ca dao mới trong tập sách. Nó vừa phong quang vừa hài hước, đặc biệt rất ưu thời mẫn thế mà áp dụng lập tức trong đời sống hàng ngày. Cái chính yếu vẫn là đem lại tiếng cười sảng khoái, thâm thúy để tìm thấy mình, cân bằng mình, biết được thật giả chua cay: - Chưa đi chưa biết Đồ Sơn/ Đi thì mới biết chẳng hơn đồ nhà/ Đồ nhà tuy có hơi già/ Nhưng là đồ thật không là đồ sơn; - Chưa hưu kẻ đón người đưa/ Hưu rồi đi sớm về trưa mặc lòng/ Chưa hưu lắm bạn nghĩa tình/ Hưu rồi giáp mặt lặng thinh không chào/ Chưa hưu tiền bạc dồi dào/ Hưu rồi xin vợ vài hào mua xôi...; - Con gà cục tác lá chanh/ Mới cục vài tiếng đã thành gà quay...; - Con gì ăn ít uống nhiều/ Tiền tiêu như rác miệng kêu bồ bồ...; - Con người mỗi lúc một đông/ Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều; - Có vợ mà cho đi Tây/ Giống xe không khóa để ngay Bờ Hồ; - Đàn ông năm bảy lá gan/ Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người/ Đàn bà tám, chín tiếng cười/ Tiếng nào tiếng nấy chết mười đàn ông...

Trên thực tế, văn học dân gian sau năm 1986, nhất là phần ca dao đã xuất hiện từ lâu. Từng có những bài một thời vô số người thuộc, ví dụ như: Đầu đường Đại tá vá xe/ Giữa đường Trung tá bán chè đỗ đen/ Cuối đường Thiếu tá bán kem/ Trong làng đại úy thổi kèn đám ma/ Thượng úy buôn vịt buôn gà/ Trung úy ở nhà kéo cày thay trâu/ Hỏi chàng Thiếu úy đi đâu?/ Ba lô lộn ngược nhảy tàu Bắc Nam... thì đã thấy ở đó không chỉ tiếng cười mà còn là bộ mặt mưu sinh của một thời, dẫu là cười ra nước mắt đấy nhưng cũng nhẹ nhàng thanh thoát đấy.

Với những thói hư tật xấu của ngày hôm nay chẳng hạn, ca dao hiện đại lập tức có tác dụng khiến đối tượng bị châm cũng phải thừa nhận dù ngoài miệng cứ cười cười: Bộ đi công tác Sơn La/ Khi về tổng kết được ba vấn đề/ Sơn La nhà cửa đề huề/ Cớ sao lại để Bộ về tay không?/ Trâu bò, ngan ngỗng đầy đồng/ Cớ sao chẳng thấy vặt lông con nào?

Đừng tưởng dân trí không cao hơn quan trí.

Thế mạnh của PGS.TS Trần Thị Trâm không riêng vấn đề dày công sưu tầm và biên soạn Văn học dân gian Việt Nam sau 1986, mà cái chính yếu là từ đó thông điệp gì đã được đưa ra? Điều này vô cùng quan trọng, nhất là trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Văn học dân gian phải là những sản phẩm thực sự có ích, tinh hoa chắt lọc, chứ không thể dung tục, tầm thường. Trong bể văn học dân gian mênh mông ấy, chọn lọc, sưu tầm và tuyển chọn thế nào đây quả là một công việc không hề dễ dàng. PGS.TS Trần Thị Trâm đã dành thời gian hai mươi năm để thực hiện công trình hữu ích này. Rất cần được sự ghi nhận và chia sẻ của mọi người với một người phụ nữ, một trí thức có đóng góp chân thành và thiết thực với nghề văn bút.

PGS.TS Trần Thị Trâm với các công trình đã xuất bản: Văn học và báo chí từ một góc nhìn; Hoàng Ngọc Phách - người đổi mới tiểu thuyết; Từ cội nguồn văn chương; Phát huy ưu thế văn học trong sáng tạo tác phẩm báo chí; Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam; Văn học dân gian trong xã hội hiện đại; Ẩn sau từng con chữ; Giáo trình Văn học Việt Nam; Tài hoa Việt từ một điểm nhìn... và đặc biệt là Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 đã cho thấy nội lực trầm hậu và sức lao động miệt mài của bà.

Và từ đó góp lên những khung trời rộng mở.