1
NT
Phiên âm:
HỒI QUỐC
Kỷ niên xuất quốc diểu vân sa,
Thân ký nhung an tạm đáo gia.
Thốc thốc lâu đài không nhật ảnh,
Doanh doanh châu thúy các thiên nha (nhai).
Chân thành Đông Hải quy Liêu hạc,
Cảm vọng Nam Môn nhập Trịnh xà.
Nhân vật vô hương vô xứ vấn,
Giang phong xuy lão lệ chi hoa.
Dịch nghĩa:
VỀ NƯỚC
Mấy năm xa nước, mờ mịt như mây trên trời, cát dưới đất,
Thân gửi ngựa trận tạm ghé nhà.
Lớp lớp lâu đài trơ bóng nắng,
Những thiếu nữ yêu kiều, trang sức bằng châu ngọc đều ở mỗi phương trời cách biệt.
Lòng thành muốn trở về biển Đông, giống như chim hạc muốn quay về đất Liêu.
Đâu dám mong thành con rắn Trịnh để vào thành Nam Môn?
Nhân vật quạnh hiu (cho nên) chẳng biết chốn nào mà hỏi,
Gió sông thổi mãi hoa lệ chi.
Dịch thơ
Mấy năm lìa nước cách xa vời,
Nhà cũ nương yên tạm tới nơi.
Lớp lớp lâu đài trơ bóng nắng,
Yêu kiều châu ngọc cách phương trời.
Hạc Liêu cột cũ về quê cũ,
Dám đâu rắn Trịnh ý giành ngôi.
Nhân vật thê lương không chốn hỏi,
Gió lay hoa vải úa vàng phơi.
(TTNCQH dịch)
Mấy năm xa nước mịt mờ,
Gửi thân lưng ngựa, tạm nhờ thăm quê.
Lâu đài trơ bóng nắng huê,
Yêu kiều thiếu nữ bạt về nơi đâu?
Lòng chim hạc muốn quay đầu,
Nam Môn rắn Trịnh dám đâu tranh giành.
Hỏi ai giữa chốn vắng tanh,
Gió sông vi vút lay cành lệ chi.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Đây là thời điểm quân Nguyên tiến đánh Đại Việt lần thứ 3 (1288). Hốt Tất Liệt trước đó đã
phong tước AN NAM QUỐC VƯƠNG, rồi chức “HỒ QUẢNG BÌNH CHƯƠNG CHÍNH SỰ”
cho Trần Ích Tắc. VÂN NAM VƯƠNG Thoát Hoan (của nhà Nguyên) lại được cử làm Chủ
tướng, Tổng chỉ huy quân Nguyên, đem đại binh thủy bộ khoảng 50 vạn quân các loại, hùng hổ
tiến sang quyết làm cỏ Đại Việt.
Hốt Tất Liệt sai Trần Ích Tắc cùng đi với Thoát Hoan, mượn danh nghĩa đưa AN NAM
QUỐC VƯƠNG về nước. Không thể chối từ, cho nên Trần Ích Tắc đành phải “thân gửi ngựa
trận tạm ghé nhà”, sau “mấy năm xa nước, mờ mịt xa xôi như mây trên trời, cát dưới đất”. Đó
cũng là tâm lý thông thường của những kẻ lữ thứ. Vả chăng, có lẽ, Trần Ích Tắc đã chuyển xong
những thông tin cần thiết về tình hình quân Nguyên cho Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại
Vương Trần Quốc Tuấn, Tổng chỉ huy lực lương kháng chiến của Đại Việt chăng? Chẳng thế mà
khi vua Trần hỏi Hưng Đạo Đại Vương rằng năm nay đánh giặc thế nào, Hưng Đạo Đại Vương
đã ung dung trả lời “Thế giặc năm nay dễ phá”! hoặc “Năm nay đánh giặc nhàn”, như một số tài
liệu khác đã chuyển ngữ câu nói này.
Có thể Trần Ích Tắc cũng rất tin tưởng rằng cuộc chiến lần thứ 3 này, quân Nguyên
Mông nhất định sẽ đại bại, thế nên, ông cũng muốn nhân dịp hiếm hoi này, theo chân quân
Nguyên về thăm lại quê nhà, để thỏa lòng khắc khoải mong nhớ bấy lâu nay…
Lê Tắc, Lê An, tướng người Việt đầu hàng, chỉ huy 5 ngàn quân hộ vệ Trần An, con trai
Trần Ích Tắc mới 9 tuổi về nước. Đạo quân này bị tướng Nguyễn Thế Lộc chặn đánh. Nhưng
Nguyễn Thế Lộc vẫn bỏ ngỏ hướng Bắc cho Lê Tắc và Lê An hộ vệ Trần An 9 tuổi có cơ hội
chạy về bên kia biên giới, đúng vào ngày Tết Nguyên đán năm Mậu Tý (1288). Người đọc sử
ngày nay, liệu có ai suy nghĩ về chi tiết có vẻ bình thường, mà không bình thường này chăng?
Tránh thế giặc đang mạnh, nhà Trần lại dùng kế “Thanh dã”, (vườn không nhà trống), rút
khỏi Thăng Long, chờ cơ hội phản công tiêu diệt đối phương binh hùng tướng mạnh. Trần Ích
Tắc theo chân Thoát Hoan (chỉ huy mũi chủ lực trong ba mũi tiến công) từ châu Tư Minh, vượt
qua biên giới vào Thăng Long mà không phải giao chiến với quân Trần. Đúng hơn là chỉ gặp
phải sức kháng cự không đáng kể của quân Đại Việt. Trần Ích Tắc có dịp trở lại Thăng Long
thăm nhà cũ. Đó là thời điểm cuối tháng 12 năm 1287.
Quang cảnh hiện ra trước mắt, chỉ thấy:
Lớp lớp lâu đài trơ bóng nắng,
Những thiếu nữ yêu kiều trang sức bằng châu ngọc (nay) đều ở mỗi phương trời cách biệt.
Chỉ thấy kinh thành Thăng Long hoang vắng, lâu đài trơ vơ dưới ánh nắng chiều. Những cung nữ
yêu kiều, bây giờ không biết họ đang ở nơi đâu. Quang cảnh kinh thành Thăng Long hoang
lương buồn bã. Cho nên, không thể không bùi ngùi, xa xót...
Thi nhân tha hương lâu ngày than thở:
Lòng thành muốn trở về biển Đông giống như chim hạc quay về đất Liêu,
Đâu dám mong thành con rắn Trịnh để vào thành Nam Môn.
Thế là sao? Đất Liêu là đất nào vậy? “Liêu hạc”, tức lấy ý từ câu thành ngữ “Hạc quy hoa biểu”,
để biểu thị sự biến thiên chìm nổi ở cõi người. Lâu đài thành quách vẫn như xưa, mà nay thế sự
đã thay đổi. Nhưng mà ta “đâu dám mong thành con rắn Trịnh để vào thành Nam Môn”! Chả là
“Trịnh xà” tức con rắn ở thành Nam Môn nước Trịnh. Truyền thuyết, nước Trịnh có con rắn ở
ngoài thành vào cắn con rắn ở trong thành. Rắn trong thành là yêu tinh, bị cắn chết, đó là điềm
Lệ Công sẽ được về nước. Sách AN NAM CHÍ LƯỢC của Lê Tắc chép như vậy đấy.
Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc khẳng định rằng, ông không phải là con rắn nước Trịnh,
vào thành Thăng Long để làm vua nước AN NAM (AN NAM QUỐC VƯƠNG). Ông còn có
nhiệm vụ khác, quan trọng hơn rất nhiều, ai biết?
Vậy nên:
Hỏi ai giữa chốn vắng tanh,
Gió sông vi vút lay cành lệ chi…
Thật là ngổn ngang tâm sự, khó nói thành lời…
Lại nhớ lại rằng, Trần Ích Tắc theo chân quân Nguyên Mông về nước, tại sao Hưng Đạo Đại
Vương không sai phục binh giết chết ông ấy từ cửa biên giới, HOẶC TRÊN ĐƯỜNG TỪ BIÊN
GIỚI VỀ Thăng Long, như nhà Trần đã từng thi hành “án tử” với AN NAM QUỐC VƯƠNG
Trần Di Ái? Chẳng phải là một chi tiết người đời sau phải nghĩ ngợi, phải tự lý giải để trả lời cho
chính thắc mắc của mình? Tại sao Nguyễn Thế Lộc chặn đánh đội quân của Lê Tắc và Lê An, lại
vô tình hay hữu ý để ngỏ hướng Bắc cho Lê Tắc và Lê An ôm đứa con 9 tuổi của Trần Ích Tắc
được sống, để trở về phủ Tư Minh bên kia biên giới đúng vào ngày Tết Nguyên đán? Liệu đã có
chủ trương bí mật gì đó hay chăng? KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ !
2
NT
Phiên âm:
ĐẠI MINH ĐIỆN THỊ YẾN
Ban bồi ngọc hốt thị hồng vân,
Nhật biểu hi hi thụy khí ôn.
Vạn phái triều tông thương hải khoát,
Chúng tinh hoàn củng tử vi tôn.
Ung dung “Trạm Lộ” ca thi thập,
Phảng phất quân thiên nhập mộng hồn.
Cô nghiệt thu hào giai để lực,
Nguyện đàn trung xích báo thâm ân.
Dịch nghĩa:
HẦU TIỆC Ở ĐIỆN ĐẠI MINH
Bầy tôi cầm hốt ngọc vua ban đến hầu tiệc trước cửa cung vua,
Mặt trời sáng rực, khí lành ấm áp.
Vạn dòng nước triều chảy vào biển lớn,
Ngàn sao vây quanh ngôi sao Tử Vi tôn nghiêm.
Ung dung hát bài ca “Trạm Lộ”,
Phảng phất trong hồn mộng thoáng nghe khúc nhạc “Quân Thiên”.
Chút việc cỏn con của cô thần đều nhờ vào tài sức vua cả,
Nguyện dốc hết lòng son báo đáp ơn sâu.
Dịch thơ
Bầy tôi hầu tiệc trước cửa cung,
Sáng rực mặt trời, khí mát trong.
Vạn nhánh nước triều vào biển lớn,
Ngàn sao vây cạnh Tử Vi hồng.
Bài ca “Trạm Lộ” ung dung hát,
Khúc nhạc “Quân Thiên” thoảng cõi lòng.
Chút việc cô thần nhờ vua cả,
Nguyện dốc lòng son báo thánh ân.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Bài thơ kể lại một sự việc có thực đương thời. Vua Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt thống trị Trung
Hoa. Sau 3 lần thất bại nhục nhã trước Đại Việt nhỏ bé mà “bướng bỉnh”, ông ta đã chuẩn bị kế
hoạch chi tiết cho một cuộc tấn công trả thù Đại Việt lần thứ 4, với quy mô cực lớn. Lý do là vua
Trần không chịu trực tiếp sang chầu. Nguyên Mông sẽ dốc toàn lực của cả chín châu, tức cả
nước Nguyên (tức cả Trung Quốc), để quyết tiêu diệt tận gốc rễ của “tiểu quốc” khó bảo nhất,
nhưng mà cũng đáng sợ nhất, đó chính là cái “thằng cha” Đại Việt mà họ gọi là “nhược tiểu” AN
NAM. Nhưng mà Hốt Tất Liệt có lẽ là chưa uống đủ liều thuốc tiên, thuốc “Trường sinh bất
lão”, để có đủ sức mạnh kháng lại cái quy luật “sinh lão bệnh tử” của cõi người. Thế nên, cuối
cùng thì ông ta cũng già yếu rồi ốm chết. Đó chính là năm 1294. Nhà Nguyên sai sứ đoàn do Lý
Trọng Tân và Tiêu Phương Nhai dẫn đầu mang chiếu thư sang Đại Việt thông báo việc vua mới
lên ngôi. Dó chính là Thiết Mộc Nhi (Nguyên Thánh Tông), cháu Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt.
Thế là cái mộng bành trướng của Hốt Tất Liệt chấm dứt từ đây. Mối lo của Đại Việt và
các nước chư hầu cũng theo đó mà vơi bớt. Người Trung Hoa cũng rất vui, là bởi vì kẻ thống trị
Trung Hoa tàn bạo nhất, đáng sợ nhất, cũng đã tiêu đời. Cháu Hốt Tất Liệt là Thiết Mộc Nhi
(Nguyên Thánh Tông), sau thời gian ngồi ghế Đông cung Thái tử, đã được ngồi lên ngai vàng.
Triều đình nhà Nguyên đã sai sứ sang Đại Việt báo tin vua mới nhà Nguyên đã lên ngội.
Triều Trần cũng sai sứ sang đáp lễ.
Trần Ích Tắc hiện đang là kẻ bề tôi của vua Nguyên. Ông cầm hốt (thẻ bàì của quan đại
thần) hầu tiệc vua Nguyên ở điện Đại Minh. Đây là tiệc lớn mừng ngày vui lớn (Đại khánh) của
vua Nguyên là Nguyên Thánh Tông (Thiết Mộc Nhi) lên ngôi.
AN NAM QUỐC VƯƠNG Trần Ích Tắc, đã được Hốt Tất Liệt phong chức HỒ QUẢNG
BÌNH CHƯƠNG CHÍNH SỰ, chẳng khác gì một sứ thần một nước chư hầu, trong nhiều nước
chư hầu vây quanh “thiên tử” (con trời), tựa như “ngàn sao vây quanh ngôi sao Tử Vi tôn
nghiêm”. Tác giả tỏ lòng ngợi ca vị vua của các vị vua, mà chắc chắn vị quan nào, vị sứ thần nào
cũng phải có lời ngợi ca xã giao như thế, không thể khác. Và cũng không thể chê bai những con
người buộc phải diễn cho tròn cái vai mà mình phải sắm.
Quang cảnh ngày vui lớn (Đại khánh) được miêu tả rất hoành tráng. Rất nhiều sứ thần
các nước về kinh đô của “thiên triều” dự lễ. Triều đình treo bảng VẠN QUỐC LAI TRIỀU (Vạn
nước đến chầu). Trần Ích Tắc tỏ ra rất vui mừng. Ông dùng ngôn ngữ khoa trương để tả cái cảnh
yến tiệc linh đình như chưa từng thấy, mà ông may mắn được tham dự.
Tác giả viết:
Mặt trời sáng rực, khí lành ấm áp.
Vạn dòng nước triều chảy vào biển lớn,
Ngàn sao vây quanh ngôi sao Tử Vi tôn nghiêm.
Toàn là những hình ảnh ẩn dụ, để chỉ hình ảnh vua Thiết Mộc Nhi (Nguyên Thánh Tông) và các
quần thần, sứ thần đông đúc đang vây quanh nhà vua mới. Tâm trạng Trần Ích Tắc tỏ ra đặc biệt
vui mừng. Thi nhân “Ung dung hát bài ca “Trạm lộ”, tức bài thơ đầu tiên được chép trong
KINH THI, phần TIỂU NHÃ, miêu tả cảnh nhà vua ban yến tiệc cho quần thần. Và tác giả thầm
kín tâm sự với chính mình, như thấy “Phảng phất trong hồn mộng , thoảng nghe khúc nhạc
“Quân thiên”. Thực ra,“Quân Thiên” là chữ được rút gọn từ “Quân Thiên quảng nhạc”, trong
thần thoại của Trung Quốc, tức khúc hát trên Thiên Đình. Chiêu Quốc Vương như đang lửng lơ
ở trạng thái mơ và thực lẫn lộn, cho thấy kích cỡ niềm vui thầm kín của ông, khi vừa hoàn thành
một công việc có ý nghĩa đại sự, với đất nước Đại Việt, và với cả chính ông. Không thể diễn tả
được chính xác trạng thái tâm lý này. Ông vui sướng đến mức như điên, vừa đi vừa hát vang trời
cái bài ca “Trạm Lộ”, tức bài ca vua ban yến tiệc cho quần thần kia.
Hình như thi sĩ đang say sưa mơ màng, tưởng tượng trong hồn mộng niềm sung sướng vô
bờ, không thể tả được, không sao nói ra được. Ông thầm nói với vua Nguyên, với cả chính lòng
mình, rằng “Chút việc cỏn con của cô thần, đều nhờ vào tài đức của vua cả”.
Thế là sao? Hình như Trần Ích Tắc muốn nói rằng, cái “chút việc cỏn con” của ông, của
một kẻ “cô thần” như ông, ví như ông đã nhỏ to với Thiết Mộc Nhi thế nào đó, tham mưu chính
sự như thế nào đó, để vua Nguyên Thánh Tông đã đưa ra một quyết định lớn, ban chiếu bãi binh
chẳng hạn. Thực tế là, Thiết Mộc Nhi đã nghe lời khuyên nên bãi binh của ông quan Tể tướng
(Bình chương Chính sự) Trần Ích Tắc. Chút việc “cỏn con” khiêm nhường chả đáng là gì, nhưng
ông hiểu rằng đó là một sự kiện vô cùng lớn lao, liên quan trực tiếp đến vận mệnh nước Đại Việt.
Theo tác giả, đó chỉ là một “chút việc cỏn con” thôi. Nhưng đó lại là một đặc ân, với tác
giả và đồng nghĩa với nước Đại Việt. Một quyết định sáng suốt, có ý nghĩa lịch sử vô cùng to
lớn. Trần Ích Tắc đã lập được một chiến công vĩ đại. Bao nhiêu năm kiên trì tô vẽ cái vỏ bọc là
kẻ hàng thần, bây giờ ông đã thành công mỹ mãn. Thì còn có niềm vui nào lớn hơn thế nữa đâu!
Thiết Mộc Nhi đã nghe lời khuyên của Trần Ích Tắc. Thế nên, ông mới chân thành, tự đáy lòng
ông, nói rằng thần sẽ đội ơn ngài, “Nguyện dốc tấc lòng son báo đáp ơn sâu”!
Bài thơ HẦU TIỆC Ở ĐIỆN ĐẠI MINH của Trần Ích Tắc ẩn chứa nhiều thông tin huyền
bí. Một bài thơ ẩn dụ toàn bài. Người đọc thơ Trần Ích Tắc đời sau phải có cái tâm trong sáng,
cái tuệ nhãn tinh tường, mới có thể cảm thấu được!
3
NT
Phiên âm:
VÃN HÀ NAM VƯƠNG
Triết nhân nuy hĩ đống lương khuynh,
Hồi thủ tây phong lệ thế linh.
Tam thế công danh kim cổ sử,
Bách niên quá khách đoản trường đình.
Thủ phù hồng nhật danh do tại,
Thân tựu hoàng lương mộng bất tinh (tỉnh)
Ký thủ Phần Dương cựu huân nghiệp,
Tử vi lưu chủng kế phương hinh.
Dịch nghĩa:
VIẾNG HÀ NAM VƯƠNG
Người hiền triết ốm chết rồi ư? Rường cột nghiêng đổ,
Quay đầu nhìn lại ngọn gió tây, nước mắt rơi.
Ba đời công danh rồi sê có sử sách ghi chép lại.
Trăm năm làm khách qua đường, trường đình ngắn ngủi.
Công lao phù trợ nhà vua của ngài thì tiếng tăm vẫn còn,
Ngài cũng đã đạt đến giấc mộng hoàng lương, không thể nào tỉnh lại.
Nhớ tưởng Phần Dương, công nghiệp cũ,
Ngài cũng đã lưu lại hạt giống tử vi để tiếng thơm lưu truyền mãi.
Dịch thơ
Người hiền đi mất rồi sao?
Ngoái gió tây, nước mắt trào đẫm mi.
Công danh, sử sách sẽ ghi,
Trường đình ngắn ngủi, nói gì trăm năm.
Giúp vua, công lớn ai bằng,
Giấc hoàng lương, chẳng vớt trăng được nào.
Nhớ Tử Nghi, nghiệp cũ cao,
Tiếng thơm hạt giống gieo vào núi sông.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Hà Nam Vương, nhân vật trong bài thơ này là ai? Chẳng thấy chú thích nào “giải trình” về hành
trạng của ông này. Nhưng có điều có thể suy ra, ông này được phong tước Vương ở Hà Nam, có
thể là một người con trai nào đó của Hốt Tất Liệt. Ví Như Thoát Hoan được phong là VÂN
NAM VƯƠNG chẳng hạn.
Hà Nam Vương đột ngột qua đời. Trần Ích Tắc đến viếng, ca ngợi ông Hà Nam Vương
hết lời. Một người hiền, rường cột của triều đình vừa ốm chết. Tình cảm của tác giả là rất chân
thành. Xót xa thương cảm. Nhưng tác giả cũng không quên khẳng định công đức của ngài Hà
Nam Vương, như một sự bất diệt. Công lao của ngài sẽ mãi được sử sách ghi chép, lưu lại cho
muôn đời sau.
Chỉ có điều cần phải nhớ, đây là công lao của Hà Nam Vương với triều đại Nguyên
Mông mà thôi!
4
NT
Phiên âm:
GIÁ ĐIỀN LIỄU LÂM TÙY THỊ
Tiên trượng bình minh ủng thúy hoa,
Cảnh Dương chung phát hải Đông hà.
Thiên quan bổng nhật lâm xuân điện,
Vạn kỵ đồn vân động hiểu sa.
Bạch diêu phiên phiên sơn vụ bạc,
Hoàng long kỳ phất liễu phong tà.
Thái bình khí tượng đồng dân lạc,
Nam bắc thê hàng động nhất gia.
Dịch nghĩa:
THEO HẦU VUA Ở RỪNG ĐIỀN LIẼU
Trời vừa sáng, đội quân thị vệ đã vây quanh lọng vàng của nhà vua,
Tiếng chuông trên điện Cảnh Dương lay động vầng ráng đỏ trên biển Đông.
Nghìn quan cùng rước vua ngự đến điện xuân,
Vạn kỵ binh dồn mây làm khuấy động bãi cát buổi sáng.
Diều trắng bay vùn vụt, làm tan lớp sương mù trên núi.
Lá cờ rồng vàng bay phần phật làm nghiêng ngả ngọn liễu trong gió.
Khí tượng thái bình, muôn dân vui vẻ,
Nam Bắc thông thương, cùng chung một nhà.
Dịch thơ
Sáng trời, nghi trượng quanh vua,
Cảnh Dương vọng tiếng chuông khua ráng ngời.
Nghìn quan rước kiệu vua ngồi,
Kỵ binh trùng điệp bời bời bụi tung.
Diều trắng bay, vỡ sương rừng,
Cờ vàng phấp phới tưng bừng gió xuân.
Thái bình nước mạnh yên dân,
Bắc Nam thông suốt, nhân quần chung vui.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Thơ tả không khí tưng bừng náo nhiệt một buổi “Theo hầu vua ở rừng Điền Liễu”. Rừng Điền
Liễu, có thể là một cánh rừng không xa kinh thành là mấy. Có thể là một cuộc vui chơi trong
cánh rừng nhân tạo của vua mới (Nguyên Thánh Tông Thiết Mộc Nhi), cháu Hốt Tất Liệt hay
chăng?
Hốt Tất Liệt cả đời ôm hận bị Đại Việt 3 lần đánh cho quân Nguyên Mông hùng mạnh
nhất thế giới tan tác. Ông ta chưa khi nào quên mối hận thua trận nhục nhã. Nguyên Thế Tổ Hốt
Tất Liệt rất tức giận, vì lẽ vua Đại Việt cứ dây dưa không chịu trực tiếp sang chầu. Ông ta đã
chuẩn bị cho một cuộc tiến công xâm lược lần thứ 4 xuống phương Nam, với kế hoạch huy động
lực lượng cả chín châu, quyết thắng. Tuy nhiên, do tuổi cao, Hốt Tất Liệt cũng ốm chết. Cháu
ông ta lên kế vị. Vua trẻ Thiết Mộc Nhi bèn ban chiếu bãi bỏ việc tấn công đánh chiếm Đại Việt
lần thứ 4.
Quang cảnh quan binh của triều đình được miêu tả khá chi tiết. Đông đảo quân hộ vệ và
các quan văn võ, tề chỉnh, uy nghiêm. Lộng lẫy các sắc màu, âm thanh rộn rã. Tâm trạng thi
nhân Trần Ích Tắc cũng có phần vui vẻ. Chưa biết niềm vui gì giấu kín trong lòng Chiêu Quốc
Vương. Là niềm vui gì ư, nếu không phải là vua Thiết Mộc Nhi nhà Nguyên đã sáng suốt quyết
định bãi bỏ kế hoạch tấn công Đại Việt lần tứ 4, do Hốt Tất Liệt vạch ra từ năm 1293. Nguyên
Mông sẽ không đem quân xâm lược Đại Việt lần nữa?
Đó niềm vui lớn không bút mực nào tả được. Bây giờ thì:
Khí tượng thái bình, muôn dân vui vẻ,
Nam Bắc thông thương, cùng chung một nhà.
Vua vui sống hưởng lạc, không nghĩ đến cái việc tham lam mở rộng bờ cõi, thì muôn dân cả
thiên hạ được hưởng phúc lành. Nước Đại Việt ở phía Nam, cũng được sống trong yên ấm bình
an. Hai nước thông thương, chung hưởng hòa bình, chẳng phải là mơ ước của trăm họ hay sao?
Chẳng phải đó cũng chính là niềm vui vô tận của tác giả bài thơ này hay sao?
5
NT
Phiên âm:
TỐNG NGUYÊN PHỤC SƠ
Giang lưu mạch mạch thảo li li,
Hoàng hạc ky đầu tửu nhất chi.
Báo quốc thốn tâm liên ngã lão,
Luận giao bản diện thức quân trì.
Chính đương trọng đỉnh điều mai nhật.
Hựu thị trường đình chiết liễu thì.
Mãn tái Thi Thư quy lộ viễn,
Phượng thành y ước cảnh tương kỳ.
Dịch nghĩa:
TIỄN NGUYÊN PHỤC SƠ
Sóng cuồn cuộn bất tận trên sông, cỏ xanh tươi tua tủa,
Hai người cùng ngồi trên ghềnh đá Hoàng Hạc, chuốc chén rượu chia tay.
Tấc lòng báo quốc, thương ta đã già yếu,
Buổi gặp mặt giao du chóng vánh, (rất tiếc) là gặp ngài hơi muộn.
Ngài hiện đang ở ngôi Thừa tướng, giữ trọng trách quốc gia,
Giờ lại là lúc bẻ cành liễu ở Trường Đình.
(Ngài) chở đầy Kinh sách, quay về đường xa,
Xin ước hẹn rằng chúng ta sẽ lại gặp nhau ở chốn Phượng thành.
Dịch thơ
Sóng cuồn cuộn, cỏ xanh tươi,
Vách núi Hoàng Hạc, hai người cụng ly.
Thương già, báo quốc vẫn ghi,
Gặp nhau chớp nhoáng, tiếc khi gặp ngài.
Chức cao, trọng trách trên vai,
Bây giờ đôi ngả chia hai Trường Đình.
Người đi, xe sách bên mình,
Phượng Thành ước lại “hồi sinh” cùng ngài!
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Nguyên Phục Sơ, tức Nguyên Minh Thiện (1269-1322), tên chữ là Phục Sơ. Nguyên Phục Sơ là
hậu duệ của dòng họ Thác Bạt ở thời Bắc Ngụy. Ông nổi tiếng văn chương, từng giữ chức quan
Tinh Duyện mấy năm ở Giang Nam. Ông cũng từng là thầy dạy văn cho Thái tử, sau là vua
Nguyên Nhân Tông. Nhân Tông phong chức Hàn lâm Trực học sĩ cho Phục Sơ Nguyên Minh
Thiện.
Thơ nói về cuộc chia tay lưu luyến của Trần Ích Tắc với ngài Nguyên Phục Sơ (Nguyên
Minh Thiện), trên hòn đá bên sông Trường Giang dưới chân lầu Hoàng Hạc. Cùng nâng chén
rượu chia tay, như đôi bạn tâm giao, tri âm, tri kỷ.
Chưa biết đây là cuộc chia tay khi ngài Phục Sơ về hưu, hay về quê thăm nhà, hay là ngài
đi nhậm chức ở một địa phương khác. Dưới kia, dòng sông đang cuồn cuộn chảy, vô tư như
chẳng hề biết đến có hai người tri âm đang cụng ly chuốc chén trên bờ đá bên sông. Ai cũng có
tâm sự riêng của mình. Với tôi, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc thì: “Tấc lòng báo quốc,
thương ta đã già yếu rồi”. Còn như “buổi gặp mặt giao du chóng vánh” hôm nay, ta tiếc là gặp
ngài hơi muộn”.
Biết ngài từng ở ngôi Thừa tướng, nhân vật trụ cột của triều đình. Nhưng bây giờ là lúc
“bẻ cành liễu ở trường đình”, tức phải chia tay. Chả là người xưa khi chia tay, người ta thường
bẻ cành liễu để tặng nhau. Ước lệ vậy thôi.
Nhưng có lẽ, hình ành ảnh ấn tượng nhất với ngài Phục Sơ, trong mắt Chiêu Quốc
Vương, đó chính là xe sách Kinh Thư ngài chở theo bên mình. Không phải là của cải châu báu
gấm lụa gì sất, mà đơn giản chỉ là một xe sách ngài mang theo. Nghĩa là ngài mang theo tri thức,
quý trọng tri thức, chứ không phải là vật chất tầm thường, nay có, mai mất. Một viên quan đầu
triều có học, thật đáng kính trọng. Vẫn hẹn sẽ lại gặp nhau ở Phượng Thành, tức kinh đô Trường
An một ngày nào đó!
6
NT
Phiên âm:
THU HIỂU THỤY GIÁC
Hải thủy doanh doanh lậu chuyển trù,
Sương phong xuy giác xuất tiền lâu.
Mộng hồi đạm nguyệt ngũ canh hiểu,
Tâm trực cô vân vạn lý thu.
Ngọc bạch kỷ niên tân thượng quốc,
Thi thư bán thể lão Trung châu.
Bình sinh sự nghiệp hồn như tạc,
Vô nại thanh đăng chiếu bạch đầu.
Dịch nghĩa:
SỚM THU TỈNH GIẤC
Đồng hồ nhỏ nước đầy chậu, (thời khắc) đã chuyển canh,
Tiếng kèn quân trong sương gió vọng ra từ chiếc chòi canh.
Tỉnh giấc là lúc trăng đã nhạt, đêm đã canh năm rạng sáng,
Lòng nhớ quê hương dõi theo đám mây lẻ loi ngoài vạn dặm thu.
Ta làm khách ở thượng quốc, đã bao năm (phải) dâng ngọc lụa,
Già nửa đời ở chốn Trung Châu vẫn theo đuổi nghiệp Kinh sách.
Cuộc đời, sự nghiệp vẫn như trước,
Buồn nỗi ngọn đèn xanh le lói soi mái đầu bạc.
Dịch thơ
Đồng hồ đã báo chuyển canh,
Kèn quân theo gió trên thành vọng ra.
Tàn đêm, trăng đã nhạt nhòa,
Nhớ quê, lòng những thiết tha trông về.
Mấy năm làm khách xa quê,
Nửa đời, ta vẫn một nghề Thư Kinh.
Cuộc đời, sự nghiệp trung trinh,
Cô dơn buồn nỗi tóc mình sương pha.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Tâm sự ngổn ngang của tác giả, sau một đêm thu tỉnh giấc. Chiếc đồng hồ nước nhỏ từng giọt
báo thời khắc chuyển canh. Canh Năm, trời đã rạng sáng. Ánh trăng đã nhạt nhòa. Tiếng kèn của
lính canh trên chòi cao trên thành rúc lên, theo gió bay đến đây, khiến lòng kẻ tha hương thêm
buồn bã. Lòng nhớ quê hương lại dâng trào, da diết. Nửa đời làm khách ở Trung Châu, biết bao
buồn tủi, tâm sự khó nói thành lời. Vẫn nghề đọc sách đấy thôi. Cuộc đời vẫn như cũ, sự nghiệp
hầu như không thay đổi. Vẫn phải diễn cho tròn cái vai không lấy gì làm vui vẻ mà mình gánh
vác.
Cuộc đời, sự nghiệp trung trinh,
Cô đơn buồn nỗi tóc mình sương pha.
7
NT
Phiên âm:
VẠN TUẾ SƠN THỊ YẾN
Bích lạc minh loan cách thế trần,
Ngọc kinh khai yến hội tinh thần.
Vũ hồi ngao bối tam sơn tuyết,
Tửu thướng long nhan vạn quốc xuân.
Vật bị nhân phong vinh ngự uyển,
Thủy hàm thánh trạch dạt Thiên Tân.
Việt Nam ky lữ bồi tân liệt,
Chỉ xích quang chiêm nhật nguyệt tân.
Dịch nghĩa:
HẦU TIỆC Ở NÚI VẠN TUẾ
Từ trời xanh vọng xuống tiếng chim loan, cách ngăn với trần thế,
Chốn cửa ngọc mở tiệc hội tụ với các vì tinh tú.
Các nàng tiên múa xong trở về nơi ở chỗ ba ngàn núi tuyết,
Rượu dâng lên mặt rồng, rực rỡ màu xuân vạn nước.
Gió lành thổi khắp muôn vật, vườn ngự uyển tươi tốt.
Ơn thánh thấm nhuần như nước sông Ngân tràn đầy.
Người Việt ở phương Nam tha hương, vinh dự được xếp vào hàng tân khách,
Ngước mắt nhìn ánh sáng mới của mặt trời mặt trăng (vua) đang ở rất gần.
Dịch thơ
Trời xanh rót nhạc mừng xuân,
Cửa vàng tiệc lớn quây quần tú tinh.
Múa xong, tiên vút Thiên Đình,
Rượu dâng vua, rực xuân tình vạn bang.
Tươi vườn ngự, sáng muôn vàn,
Sông Ngân như thể ngập tràn Thánh ân.
Tha hương Việt quốc khách tân,
Ngước nhìn vua mới rất gần đó thôi!
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Đây là ngày đại khánh của vua Nguyên Thánh Tông (Thiết Mộc Nhi). Thiết Mộc Nhi lên ngôi kế
vị Hốt Tất Liệt. Đây cũng là thời điểm Hoàng Đế Thiết Mộc Nhi ban chiếu bãi binh, đại xá thiên
hạ.
Thường thì triều đình Bắc phương vẫn tổ chức mừng ngày Đại khánh (vui lớn). Có khi là
chúc thọ nhà vua. Có khi là mừng vua mới đăng quang. Khi ấy, các nước chư hầu phải đến dâng
lễ chúc mừng. “Thiên triều” thường treo biển VẠN QUỐC LAI TRIỀU, tức vạn nước phải đến
triều đình dâng lễ chúc mừng. Ở đời nhà Đại Thanh thống trị Trung Hoa, “Thiên triều” đã tổ
chức đại lễ BÁT TUẦN ĐẠI KHÁNH, mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi. Nhà Tây Sơn nước Đại
Việt ta cử sứ bộ 158 người mang lễ vật lên Yên Kinh (Bắc Kinh) chúc mừng. Phan Huy Ích, Vũ
Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn… là những người lãnh đạo sứ đoàn quy mô, hoành tráng chưa
từng có bao giờ trong lịch sử bang giao Việt-Hồ. Nhà Thanh đã xuất kho 800 ngàn lạng bạc cho
việc đón tiếp sứ đoàn ta. Tất nhiên vua Càn Long đã chủ trương cực kỳ thâm hiểm, như tôi đã
viết ở bài THỰC HƯ CÁI CHẾT CỦA VUA QUANG TRUNG, đăng trên mạng và cả trên tạp
chí VĂN HIẾN VIỆT NAM.
Xem tác giả tả quang cảnh hết sức linh đình được diễn ra ở núi Vạn Tuế, chúng ta có thể
hiểu được điều đó.
Tâm trạng thi nhân Trần Ích Tắc tất nhiên là rất bộn bề. Ông rất vui, phải nói là vô cùng
vui sướng, nhưng vẫn thấy phảng phất một chút tâm sự bùi ngùi. Cũng không thể khác được. Bởi
đó mới là tiếng lòng chân thật của chính ông.
Tác giả viết: “Người Việt ở phương Nam tha hương, vinh dự được xếp vào hàng tân khách”.
Ngày Đại khánh của vua nhà Nguyên, cả thiên hạ đều mừng vui khôn xiết. Tất nhiên là
tác giả cũng vô cùng vui sướng. Một niềm vui thầm kín, khôn tả, sen lẫn một chút bùi ngùi. Sao
vậy? Là vì tác giả vinh dự được cầm chiếc thẻ bài quan đại thần, nhưng là quan đại thần của
nước Nguyên. Dẫu ông không muốn, thiên hạ vẫn coi ông là kẻ “hàng thần lơ láo”, vẻ vang gì
nào? Nhưng thực chất, Trần Ích Tắc vẫn cho rằng, ông chỉ là “Người Việt ở phương Nam tha
hương” mà thôi!
Thế đủ biết, Trần Ích Tắc vẫn khẳng định rằng mình chẳng qua chỉ là một người Việt ở
phương Nam tha hương ở xứ người. Ông vẫn là người Việt. Tổ quốc của ông là nước Đại Việt ở
phương Nam. Vua mới ở đây, chẳng phải là vua Nguyên Thánh Tông (Thiết Mộc Nhi), người đã
ban chiếu bãi binh, chấm dứt cái họa chiến tranh “núi xương sông máu” mà phi nghĩa, phi nhân
tính hay sao? Trần Ích Tắc, trong vai trò rất lớn, ở vị thế Tể tướng (Bình chương Chính sự), được
gần vua Nguyên Thánh Tông. Không biết rằng ông với chức vụ rất lớn ấy, đã tham mưu khéo léo
với vua Nguyên những điều lợi hại gì đó, để Thiết Mộc Nhi quyết định ban chiếu bãi binh, chấm
dứt cuộc xâm lăng chắc chắn là sẽ vô cùng khốc liệt với Đại Việt.
Đây là bữa tiệc lớn vua Nguyên ban cho quần thần ở núi VẠN TUẾ. Quang cảnh cuộc
vui ở VẠN TUẾ SƠN, trong khu vực Cấm thành, được tác giả miêu tả rất hoành tráng.
Bích lạc minh loan cách thế trần,
Ngọc kinh khai yến hội tinh thần.
Các nhà biên soạn ở TTNCQH cho rằng “cụm minh loan” không phải là “tiếng chim loan”, mà là
tiếng của một thứ nhạc cụ (gọi là “loan”) dùng để cầm nhịp, giữ phách khi tấu nhạc xưa”. Trước
đó, đã có sách chuyển ngữ câu “Bích lạc minh loan cách thế trần” là “Tiếng chim loan hót vọng
xuống từ không xanh”. Tôi tán thành cách chuyển ngữ này. Hay hơn, thơ hơn. Cái đặc sắc tài
hoa của thi sĩ Trần Ích Tắc chính là ở chỗ đó. Còn như cách hiểu của TTNCQH, cũng là một
cách hiểu, nhưng câu thơ đã bị vật chất hóa đi rồi. “Tiếng chim loan hót vọng xuống từ khoảng
không xanh biếc”, mới là câu thơ hàm ẩn, mang tầm vóc vũ trụ, tương ứng với quang cảnh được
tác giả miêu tả ở những câu thơ tiếp sau, tràn đầy thi vị.
Quả là một đại yến tiệc, chỉ có ở chốn cung vàng điện ngọc, hội tụ quây quần muôn ngàn
tinh tú. Các nàng tiên bay xuống từ trên trời. Múa hát xong, các tiên nữ yểu điệu thướt tha lại lả
lướt bay về trời. Rượu dâng lên vua, rạng rỡ màu xuân vạn nước. Quả đúng là “VẠN QUỐC
LAI TRIỀU”. Thế nên mới lại thấy:
Gió lành thổi khắp muôn vật, vườn ngự uyển (của nhà vua) tươi tốt,
Ơn thánh thấm nhuần như nước sông Ngân tràn đầy.
Cả đất trời dường như tươi tốt lại trong ngày Đại khánh. Đây chẳng phải là khi triều đình nhà
Nguyên tổ chức đại lễ, yến tiệc linh đình, để mừng vua mới Thiết Mộc Nhi lên ngôi Hoàng đế đó
sao? Vua lên ngôi, đồng thời ban chiếu bãi binh, đại xá thiên hạ, để thiên hạ khắp bốn phương
được ấm áp thanh bình. Thế nên, tác giả mới khẳng định rằng “Ơn thánh thấm nhuần như nước
sông Ngân tràn đầy”. Chẳng phải là niềm vui cực lớn cho tác giả, cho nước Đại Việt, cho cả bách
tính khắp gầm trời này hay sao?
Cho nên:
Người Việt ở phương Nam (là ta) vinh dự được xếp vào hàng tân khách,
Ngước mắt nhìn vua mới, ánh sang mới của mặt trời mặt trăng, đang ở rất gần.
Tâm trạng của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc nhìn chung là vô cùng sung sướng và tự hào.
Niềm vui của tác giả như đã nhuốm cả vào thiên nhiên, tạo vật. Lòng tác giả như nở hoa, muôn
ngàn hương sắc tốt tươi. Cả cái vườn ngự uyển của nhà vua, vốn chỉ dành cho vua và các cung
nữ đi dạo, vui chơi, bây giờ dường như nó cũng đang chuyển động, đang rì rầm tốt tươi trở lại.
Hỏi rằng không sung sướng, không tự hào sao được. Bởi chính ông đã vừa lập được một chiến
công vô cùng vĩ đại, vô cùng hiển hách, là đã ngăn chặn được một cuộc xâm lăng được lên kế
hoạch từ tên bạo chúa Hốt Tất Liệt. Thế nên, tác giả thầm biết ơn ân đức của vua mới, ngước
nhìn vua mới như thể “mặt trời mặt trăng, đang ở rất gần”!
Thơ thể hiện tầm vóc tư tưởng và tâm hồn tác giả. Thơ phóng chiếu hình ảnh lịch sử,
chính xác nhất, sinh động nhất. Người xưa nói “Thi dĩ ngôn chí” là vậy!
8
NT
Phiên âm:
TẠ THANH CUNG TỨ TỬU
Hoàng phong tinh sứ khống kỳ lân,
Đằng đạp cao phong phất lộ trần.
Tiên lễ nhưỡng thành thiên thượng lộ,
Cung hồ phân tứ lạp tiền xuân.
Ân triêm Nam ký ba đào nhuận,
Khí chuyển Đông hoàng thảo mộc tân.
Bái biệt ung dung ca “Ký túy”,
Dao chiêm Hạc cấm hỉ tân tân.
Dịch nghĩa:
TẠ ƠN ĐƯỢC BAN RƯỢU Ở THANH CUNG
Sứ giả được (Thái tử) ban rượu Hoàng phong cưỡi con kỳ lân đến,
Phóng như bay đạp lên gió cao, rũ tung bụi đường.
Rượu tiên chưng cất thành mưa móc trên trời,
Rượu ngự phân ban để tế thần trước mùa xuân.
Ơn vua thấm khắp nước Nam như sóng cả,
Chúa xuân chuyển khí xuân làm cỏ cây tươi tốt.
Bái lạy xong, thong thả hát bài “Ký Túy”,
Ngửa mặt trông xa về nơi cung cấm, niềm vui dâng trào.
Dịch thơ
Cưỡi kỳ lân đến Thanh Cung,
Đạp gió cao, sứ rũ tung bụi đường.
Rượu tiên mưa móc khác thường,
Phân ban ngự tửu trước xuân tế thần.
Ơn vua Nam Quốc thấm nhuần,
Chúa xuân chuyển khí muôn phần tốt tươi.
Bái xong, “Ký Túy” say lời,
Ngửa trông cung cấm, niềm vui đang trào.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Đây là bài thơ Trần Ích Tắc thể hiện rất rõ tâm trạng vui sướng của ông, khi được Thái tử (Đông
cung) mới lên ngôi vua, ban rượu quý ở Thanh Cung. Có lẽ, trong thời gian giữ chức quan HỒ
QUẢNG BÌNH CHƯƠNG CHÍNH SỰ, Trần Ích Tắc có dịp gần gũi Thái tử Thiết Mộc Nhi,
người sẽ kế vị Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt.
Chúng ta không thể biết Trần Ích Tắc đã dùng những lời lẽ gì để tác động đến ngài Thái
tử, dẫn đến việc Thiết Mộc Nhi khi đăng quang, đã lập tức ban chiếu bãi binh. Cho nên, việc ông
được Thái tử (vua mới) ban rượu “Hoàng Phong” đặc biệt ở Thanh Cung, chẳng phải là một đặc
ân hiếm có đấy sao? Chẳng phải là niềm vui bất tuyệt hay sao?
Thế nên, tác giả viết:
Sứ giả được vua ban rượu Hoàng Phong, cưỡi con kỳ lân đến,
Phóng như bay, đạp lên gió cao, dũ tung bụi đường.
Theo quan niệm của người xưa, Kỳ Lân là loài vật quý trong thần thoại Trung Hoa và ở cả một
số nước phương Đông. Kỳ lân xuất hiện thường đem lại điềm lành. Một khi Kỳ Lân xuất hiện,
đó chính là điềm đất nước thái bình.
Trần Ích Tắc tự xem mình là sứ giả của nước An Nam (Đại Việt) được vua Nguyên Thiết
Mộc Nhi mới lên ngôi ban rượu “Hoàng Phong”, một loại rượu rất quý, vua ban cho các quan đại
thần ở Thanh Cung. Thế thì thời thiên hạ thái bình đã đến. Tin vui cực vui, cho nên tác giả mới
vội vã “phóng như bay”, mới mạnh mẽ cưỡi con kỳ lân, xông pha “đạp lên gió cao”, “dũ tung bụi
đường”. Quả là một hình ảnh hoành tráng phi thường, được phóng đại lên, thể hiện niềm vui vô
giá, bất tuyệt. Không thể không vội vã trong tình huống, trong sự kiện trọng đại có một không
hai này.
Thực ra, làm gì có con Kỳ Lân nào mà cưỡi. Chẳng qua chỉ là cưỡi con tuấn mã mà vội
vã phi đến, bay đến Thanh Cung đấy thôi. Nhưng thi nhân đã không ngại dùng nghệ thuật khoa
trương mà thơ hóa lên, tạo ra một hình ảnh thẩm mỹ kỳ vĩ rất ấn tượng. Làm sao phải vội vã như
thế? Là bởi vì vua nhà Nguyên đã ban chiếu bãi binh. Trần Ích Tắc cũng chả cần giấu đi cảm xúc
chân thật của mình. Ông viết:
Ơn vua thấm khắp nước Nam như sóng cả,
Chúa xuân chuyển khí xuân, làm cỏ cây tươi tốt.
Tại sao ư? Khi vua Nguyên Thánh Tông Thiết Mộc Nhi lên ngôi, ngài đồng thời ban chiếu bãi
binh, đại xá thiên hạ, cũng có nghĩa rằng nước Nam ta không phải tiến hành thêm một cuộc chiến
đấu chống xâm lược, mà chắc chắn sẽ là vô cùng khốc liệt nữa. Nói rằng “Ơn vua thấm khắp
nước Nam như sóng cả” chẳng phải là hồng phúc của dân tộc Đại Việt hay sao? Chẳng phải là
hạnh phúc của sinh linh trăm họ hai nước hay sao?
Thế nên, tác giả cho rằng:
“Ơn vua thấm khắp nước Nam như sóng cả,
Chúa xuân chuyển khí xuân, làm cỏ cây tươi tốt”
Đó là những hình ảnh ẩn dụ, đều liên quan đến việc Nguyên Thánh Tông Thiết Mộc Nhi
ban chiếu bãi binh. Có thể nói rằng, niềm vui trong lòng Trần Ích Tắc là bất tuyệt. Ông có cảm
giác như “rượu tiên vua ban xuống như mưa móc kết tinh từ trên trời”. Hay là “rượu Hoàng
Phong của vua ban, kết tinh thành sương móc trên trời”. Thêm nữa, “Chúa xuân chuyển khí
xuân làm cho cỏ cây tươi tốt”. Tất cả đều như tươi mới, sáng trong, ngập tràn hạnh phúc. Ngày
vui của nhà vua, cũng chính là ngày vui của chính tác giả, của muôn dân nước Nam (Đại Việt) là
vậy!.
Cho nên, tâm trạng Trần Ích Tắc vô cùng sung sướng. Một sự sung sướng vô bờ, không
bút mực nào tả hết được.
Tác giả viết:
Bái lạy xong, thong thả hát bài “Ký Túy”,
Ngửa trông xa về nơi cung cấm, niềm vui dâng trào.
“Ký Túy” là một bài thơ trong “Kinh Thi”, ở phần “Đại nhã”. Nội dung thể hiện cảm hứng vui
say bất tuyệt. Chiêu Quốc Vương như đang hát vang lên bài ca “Ký Túy”. Hiện thực như trong
mơ, như một giấc mơ tuyệt hảo. Và đặc biệt câu “Ngửa trông về nơi cung cấm xa vời, niềm vui
dâng trào”. Cung cấm mà Trần Ích Tắc nói ở đây, có thể hiểu là cung cấm của vua Nguyên,
nhưng cũng có thể hiểu là cung cấm của triều đình nước Đại Việt ở phương Nam? Ở quê nhà,
nào ai biết được sự kiện rất đặc biệt quan trọng, liên quan đến vận mệnh quốc gia này, cùng tâm
trạng vui sướng của kẻ lữ thứ đã từng phải chịu đựng biết bao đau khổ, phải vào luồn ra cúi bao
năm nay, phải đeo cái tiếng xấu là kẻ “hàng thần lơ láo” này được. Cho nên, giờ đây, ta phải hát
vang lên cho thỏa thích, là bởi vì niềm vui của ta đang dâng trào như sóng biển, không sao kiềm
chế được!
Bài thơ âm điệu tươi vui, thể hiện tâm trạng vô cùng sảng khoái của tác giả. Chiêu Quốc
Vương Trần Ích Tắc đã bao năm lao tâm khổ tứ, nghĩ suy, hành động, khôn khéo, vừa để bảo vệ
được chính mình, gia quyến của mình, vừa hoàn thành được sứ mệnh cao cả. Bằng trí tuệ tuyệt
vời sẵn có, bằng tài năng văn chương và ngoại giao đặc biệt, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc
chỉ tự xem mình là sứ giả của Đại Việt, đã ngăn chặn được một cuộc chiến tranh chắc chắn là sẽ
vô cũng đẫm máu của giặc Nguyên Mông lần thứ 4. Số phận một dân tộc nhỏ bé đã được định
đoạt. Sẽ không có cảnh xương chất thành núi, máu chảy thành sông nữa. Công lao của ông, ai
sánh được nào? Vinh quang của ông, ai sánh được nào?
9
NT
Phiên âm:
TRIỀU HỒI XUẤT ĐÔ THÀNH ĐẠO TRUNG
Tây phong mã hướng Vũ Xương thời,
Hà niệm chanh hoàng giải chính phì.
Kim điện trùng đồng ân vũ lộ,
Ngọc đường chư lão cú châu ky.
Tiêu tiêu đoản mấn xuy tàn tuyết,
Phất phất quy tiên niểu tịch huy.
Bích lạc vô vân nghi quyện hạc,
Thả tùy thu nhạn cộng Nam phi.
Dịch nghĩa:
VÀO CHẦU TRỞ VỀ, TRÊN ĐƯỜNG RA KHỎI ĐÔ THÀNH
Khi gió thu thổi, ta ruổi ngựa theo hướng Vũ Xương,
Xa nhớ mùa cam chín vàng, mùa cua đang béo.
Ở điện vàng, vua Thuấn ban ơn mưa móc,
Nơi điện ngọc, chư lão cho lời ngọc châu.
Gió thổi vù vù trên mái tóc còn đọng tuyết,
Roi ngựa ve vẩy lay động dưới ánh chiều.
Bầu trời xanh biếc không mây, cánh hạc mỏi,
Hãy theo chim nhạn mùa thu cùng bay về phương Nam.
Dịch thơ
Gió thu ruổi ngựa Vũ Xương,
Nhớ quê cua béo, cam đường thơm ngon.
Điện vàng, mưa móc ban ơn,
Ngự tiền chư lão tặng thêm lời vàng.
Đầu pha tuyết, gió quét ngang,
Vẩy ve roi ngựa ánh vàng long lanh.
Mệt nhoài cánh hạc trời xanh,
Hãy theo chim nhạn bay nhanh về nhà.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Đây là một bài, trong chùm thơ 5 bài, Trần Ích Tắc thể hiện tâm trạng vui mừng khôn tả của ông,
khi vua Nguyên Thiết Mộc Nhi lên ngôi kế vị Hốt Tất Liệt. Khi đã chính vị, Thiết Mộc Nhi bèn
ban chiếu bãi binh, đại xá thiên hạ. Chả là khi còn sống, Hốt Tất Liệt đã chuẩn bị kế hoạch tổng
tấn công lần thứ 4, dốc toàn bộ binh lực cả nước Nguyên, quyết trả thù Đại Việt.
Căn cứ vào nội dung chùm thơ Trần Ích Tắc viết về sự kiện vô cùng quan trọng này, theo
đó là tâm trạng vô cùng hứng khởi của ông, người đọc thơ, không chỉ biết thưởng lãm cái hay,
cái đẹp nghệ thuật của tài thơ Trần Ích Tắc, mà còn phải suy ngẫm về nội dung tư tưởng, ngõ hầu
tìm ra những tình ý thầm kín ở phía sau câu chữ lạnh lùng. Hóa ra, Trần Ích Tắc đã bằng cách
nào đó, kiên trì, bền bỉ và khôn khéo tác động vào tư duy, vào ý chí của Thiết Mộc Nhi (cháu
Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt), khiến ông ấy phải ban chiếu bãi binh. Nghĩa là Thiết Mộc Nhi đã
bãi bỏ kế hoạch tấn công Đại Việt lần thứ 4.
Xuất xứ của bài thơ đã được nêu ở tên bài. Đó là khi “VÀO CHẦU TRỞ VỀ, TRÊN
ĐƯỜNG RA KHỎI ĐÔ THÀNH. Một khoảnh khắc quang cảnh thiên nhiên tuyệt vời. Tâm trạng
thi nhân vô cùng vui vẻ, náo nức.
Tác giả viết:
Khi gió thu thổi, ta gióng ngựa ruổi theo hướng Vũ Xương,
Xa nhớ mùa cam chín vàng, mùa cua đang béo (ở quê nhà).
Ngồi trên lưng ngựa rời khỏi đô thành, về hướng Vũ Xương, lòng thi nhân nước Đại Việt bỗng
nhớ quê nhà, với “mùa cam chín vàng” trải khắp các vùng quê, từ trung du đến đồng bằng. Rồi
thì bây giờ chính là thời điểm “mùa cua đang béo” ở đồng bằng châu thổ sống Lô (sông Hồng).
Xem thế đủ biết lòng nhớ quê hương luôn thường trực, luôn day dứt trong lòng kẻ lữ thứ xa quê.
Nhớ quê xa, lại bất chợt nhớ quang cảnh mới diễn ra gần đây. Rằng “ở nơi điện ngọc, các vị ‘chư
lão cho lời ngọc châu”…
Lời ngọc châu gì thế? Chả là ở cung điện triều Nguyên, vua mới đăng quang là Thiết
Mộc Nhi vừa ban chiếu bãi binh. Ta vui mừng khôn xiết. Là bởi tờ chiếu bãi binh vừa được vua
mới Thiết Mộc Nhi ban ra, Tờ chiếu này có liên quan trực tiếp đến vận mệnh nước Đại Việt của
ta. Không có cuộc chiến tranh lần thứ 4 với Đại Việt nữa. Dân ta được sống trong hòa bình. Sinh
linh hai nước Việt Hồ không bị cuốn vào vòng xoáy binh lửa điêu tàn, núi xương sông máu.
Thế thì quá vui rồi, quá sung sướng rồi. Lòng ta vui bất tuyệt. Bao nhiêu năm mong chờ,
điều ta ao ước, kiên tâm hành động và chờ đợi, nay đã thành công. Thế nên, các vị chư lão, các
quan đại thần khán chầu đều rất vui vẻ, hồ hởi tặng ta, chúc mừng ta bằng những lời châu ngọc,
quý báu vô cùng. Các vị chư lão đại thần, có người Mông Cổ, có người Tống, có vị người Triều
Tiên, Miến Điện, Nhật Bản và nhiều nước khác. Họ chân thành tặng ta những lời tốt lành, đẹp đẽ
như châu báu. Chỉ có ta là người đại diện cho nước Đại Việt ở đây, chẳng chúc mừng ta thì còn
ai nữa! Ta tự hào và sung sướng vô biên…
Bây giờ ta trở về Vũ Xương đường dài vất vả, mặc cho “Gió thổi vù vù trên mái tóc cằn
cỗi còn đọng tuyết sương”, nhưng lòng ta vẫn chưa thôi cảm xúc tươi rói ở nơi cung điện vừa rồi.
Ta vẫn vừa đi vừa nghĩ theo cái cảm hứng bất tuyệt, cứ để cho chiếc “roi ngựa ve vẩy lay động
cả ánh nắng chiều”. Quả là một hình ảnh thơ rất giàu tính tạo hình, chứa chan mỹ cảm
Ô kìa, ngẩng đầu lên, lại thấy:
“Bầu trời xanh biếc, không một gợn mây, cánh hạc bay mỏi,
Hãy theo chim nhạn mùa thu cùng bay về phương Nam”
Bầu trời trong veo xanh biếc. Lòng ta cảm thấy thanh thản vô cùng. Chim hạc đang sải cánh nhẹ
nhàng kia, chính là biểu tượng của tác giả. Sau bao nhiêu vất vả nhọc nhằn, căng thẳng, giờ đây,
cũng đã có cái cảm giác mệt mỏi rồi. Nhưng niềm vui lớn vô bờ vẫn lấn át tất cả. Ta muốn bay
ngay theo đàn chim nhạn mùa thu để có thể về ngay quê nhà, để báo tin vui cho những người anh
em, bà con ruột thịt của ta, cho đồng bào ta, rằng vua Nguyên đã quyết định bãi binh. Sẽ không
có cuộc tấn công Đại Việt tiếp theo nữa. Còn có niềm vui nào lớn hơn thế nữa đâu!
Thật là
“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời”!
11
NT
Phiên âm:
SINH NHẬT TỰ THỌ
Đãng đãng càn khôn nhất chuyển bồng,
Quang âm vô hạn, lạc vô cùng.
Uyên hồng hà xứ tam thiên khách?
Quy hạc lưu hình lục thập ông.
Thúy tiểu cấm trung do tạc nhật,
Bạch tần giang thượng hựu thu phong.
Lưu hà bản túy quỳnh lâu hiểu,
Thân cận tằng vân Bắc Đẩu đông.
Dịch nghĩa:
SINH NHẬT TỰ CHÚC THỌ
Đất trời bao la bát ngát, (ta như) một cánh cỏ bồng chuyển xoay theo gió,
Thời gian vô hạn, niềm vui vô cùng.
Ba ngàn tân khách như hồng bay lạc nhạn, giờ ở nơi đâu?
Ông lão sáu mươi tuổi như ta được sống lâu như loài rùa và hạc.
Khóm trúc xanh xanh trong cung cấm hãy còn giống như ngày xưa không?
Lại thêm gió thu thổi qua đám rau tần trắng ở bên sông (Lô).
Sáng sớm ở lầu quỳnh uống rượu ngon say chếnh choáng,
Thân mình như gần kề tầng mây phía đông chỗ sao Bắc Đẩu mọc.
Dịch thơ
Cỏ bồng theo gió bay xa,
Thời gian vô hạn, vui ta vô cùng.
Ba ngàn tân khách tưng bừng
Giờ đâu? Sáu chục, ta mừng sống dai.
Trúc xanh cung cấm xanh hoài?
Đám rau tần trắng ở ngoài bãi sông?
Lầu quỳnh chếnh choáng hương nồng,
Tưởng bay lên mãi tận cùng Đẩu sao…
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Cứ theo như tình ý bài thơ, thì thấy, năm Trần Ích Tắc tự chúc thọ mình 60 tuổi, chính là năm
1313, hoặc 1314. Ông sinh năm 1253, cộng thêm 60 năm, đúng là năm 1313, hoặc 1314.
Ở Đại Việt, đầu năm 1314, niên hiệu Đại Khánh năm đầu, triều vua Trần Minh Tông,
Nguyễn Trung Ngạn được cử làm Chánh sứ cùng quan Lang Trung Phạm Tông Mại sang nhà
Nguyên. “Niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 11, đời vua Trần Dụ Tông (1351), vua ngự điện Thiên
An, duyệt cấm quân ở sân rồng, cho Nguyễn Trung Ngạn mặc áo chiến bào, đội mũ võ, đeo thẻ
bài gỗ vuông bịt vàng, duyệt các cấm quân, định hạng hơn kém” (ĐVSKTT). Năm thứ 15
(1355), gia phong chức Nhập nội Hành khiển, Thượng thư hữu bật, kiêm Thị Kinh diên Tri khu
Mật viện sự, Đại học sĩ, tước Trụ quốc Khai huyện Bá, kiêm chức Kinh lược sứ trấn Lạng
Giang” (ĐVSKTT) Bấy giờ, Nguyễn Trung Ngạn đã 67 tuổi.
Đối chiếu tiến trình lịch sử, ở thời điểm này, con trai thứ hai của Trần Ích Tắc là Trần
Hữu Lượng đang nổi dậy, tự xưng Hán Đế, treo cờ Hán, quốc hiệu là ĐẠI HÁN. Lực lượng quân
sự của Trần Hữu Lượng rất hùng hậu. Khoảng sáu chục vạn tinh binh. Thủy binh gồm hạm đội
lớn, thuyền to thuyền nhỏ rất nhiều. Trần Hữu Lượng không dưới 3 lần sai sứ về Đại Việt yêu
cầu Trần Dụ Tông giúp sức. Nhưng dưới thời Dụ Tông, Đại Việt đã suy yếu. Dụ Tông ăn chơi xa
đọa, dân tình khốn khổ, không thể giúp gì cho Trần Hữu Lượng. Lần thứ 3, Dụ Tông chỉ cử
Nguyễn Trung Ngạn, bấy giờ đang kiêm chức Kinh lược sứ trấn Lạng Giang (khu vực biên giới
phía Bắc) sang xem xét tình hình bên kia biên giới, đồng thời đề phòng một số thế lực chống
Nguyên và chống nhau, có thể bất ngờ tràn sang Đại Việt. Nguyễn Trung Ngạn chỉ quẩn quanh ở
bên kia biên giới, rất buồn chán. Khoảng 4 tháng, vua mới có chiếu lệnh triệu hồi về kinh. Thơ
Nguyễn Trung Ngạn “khai rõ” rõ điều này.
Trần Ích Tắc tự mừng thọ 60 tuổi. Nghĩa là tự ông, một mình ông uống rượu mừng thọ
chính ông. Tác giả viết:
Đất trời bao la bát ngát,(ta như) một cánh cỏ bồng chuyển xoay theo gió,
Thời gian vô hạn, niềm vui (của ta) vô cùng.
Tác giả vừa nâng chén rượu, vừa suy tư nghĩ ngợi nhiều bề, như để “kiểm toán” lại các sự kiện,
các việc lớn nhỏ ông đã từng phải làm. Ông cho rằng, giữa đất trời bao la, mênh mông vô tận
này, ông như “một lá cỏ bồng chuyển xoay theo gió”. Thế nghĩa là ông tự xem mình như viên
tướng ở ngoài biên ải, tự mình suy tư, tự lên kế hoạch hành động, tự quyết định lấy cuộc đời của
mình. Độc lập tất cả. Tùy cơ mà ứng biến. Hoặc “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Mục tiêu chiến lược
bất biến là phải làm tan rã triều đại Nguyên Mông. Từ việc ngoại giao khôn khéo thế nào, sắp đặt
kế hoạch thế nào, để đạt được mục đích chiến lược như thế nào, để bảo vệ chính mình và gia
quyến đông đúc hàng ngàn con cháu và tùy tùng…
Tác giả cho rằng, “thời gian thì vô hạn”. Nó cứ bình thản vô tình trôi đi. Còn như “niềm
vui của ông thì vô hạn”. Việc lớn nhất mà ông đã hoàn thành, đó chính là việc ông đã tác động
để vua mới Thiết Mộc Nhi ban chiếu bãi binh. Nghĩa là cuộc tấn công xâm lược Đại Việt lần thứ
4 đã bị bãi bỏ. Điều ấy khiến ông vô cùng sung sướng. Cho nên mới khẳng định rằng, đó chính là
“niềm vui vô hạn” của ông. Chưa hết. Ông đã chiếm lĩnh được niềm tin tuyệt đối của vua
Nguyên, được vua Nguyên trao cho chức vụ rất quan trọng. Từ chức vụ này, ông được gần vua,
lại có nhiều thuận lợi trong kết giao bạn bè, để thực hiện kế hoạch phá địch từ bên trong, bằng trí
tuệ sắc sảo, bằng học vấn sâu rộng nhiều mặt và cả ý chí ngoan cường.
Đọc một số bài thơ khác, thì biết thêm Trần Ích Tắc đã kết thân với khá nhiều bạn bè, cả
người Nguyên, người Tống làm tay sai cho triều đình nhà Nguyên, người triều Tiên và một số
nước khác cũng đang làm quan cho triều đình nhà Nguyên. Ví như ngài Nguyên Phục Sơ
(Nguyên Minh Thiện), dòng họ Thác Bạt, hiện giữ chức Thừa tướng của triều đình nhà Nguyên,
cũng là người bạn tri âm tri kỷ của Trần Ích Tắc. Kể cả ngài Hà Nam Vương dòng dõi qíu tộc
Mông Cổ. Trong các mối quan hệ bạn bè thân thiết ấy, ông đã kiên trì khôn khéo tác động đến
tâm lý, đến tình cảm và nhận thức của họ, khiến họ nhận ra chính mình, căm ghét nhà Nguyên,
rồi âm thầm chống lại nhà Nguyên. Đặc biệt là những người nước Tống bị mất nước, bây giờ
đang phải chịu luồn cúi dưới ách đô hộ của Mông Cổ. Nhục nhã lắm. Không thể biết Trần Ích
Tắc đã âm thầm hành động như thế nào, cụ thể ra sao, nhưng ta biết người Tống đã nổi dậy
chống Nguyên. Một viên Thái giám người Triều Tiên cũng góp phần tha hóa triều đình nhà
Nguyên. Cuối cùng thì triều đại Nguyên Mông đã sụp đổ. Sự sụp đổ của triều đại Nguyên Mông,
có vai trò rất lớn của cha con Trần Ích Tắc. (Tất nhiên, những biến động xã hội lớn này diễn ra
sau khi Trần Ích Tắc đã tuổi cao sức yếu và qua đời).
Thế thì chẳng vui sao được? Một niềm vui vô tận vô cùng!
Nhưng giờ đây, nâng chén rượu tự chúc thọ mình, tác giả lại ngậm ngùi nhớ về quê nhà. Một
thuở xa xưa huy hoàng rực rỡ:
Ba ngàn tân khách như hồng bay lạc nhạn, giờ ở nơi đâu?
(Thế mà) ông lão sáu mươi như ta được sống lâu như loài rùa và hạc.
Thời còn ở trong nước, Chiêu Quốc Vương tiếng thơm lừng lẫy. Phủ đệ của ông rất đông đảo tân
khách đến từ khắp nơi trong nước. Ông mở trường tư thục, bên cạnh QUỐC TỬ GIÁM, để dạy
bảo học trò. Người nào khó khăn thì ông tài trợ. Phủ đệ của ông được ông ví như phủ đệ của
Bình Nguyên Quân, Xuân Thân Quân, Tín Lăng Quân ở thời Chiến Quốc bên Tàu. Người đời
vinh danh Bình Nguyên Quân là “Mạnh Thường Quân”. Ta có thua kém gì Bình Nguyên Quân
đâu!
Trần Ích Tắc tài hoa nhiều vẻ. Chính ông, khi làm quan ở triều đình nhà Nguyên, ông đã
họa chân dung của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan… để làm món quà ngoại giao
khôn khéo. Không biết bây giờ những tân khách và môn khách và học trò của ông như Mạc Đĩnh
Chi, Bùi Phóng, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, “chúng nó” đang ở phương nào? Mấy
cậu học trò xuất sắc này thi đỗ cao, làm quan to trong triều Trần. Không biết bây giờ “chúng nó”
đang ở phương trời nào? Mà “Ông lão sáu mươi như ta lại được sống dai như rùa như hạc”!
Lại còn:
“Khóm trúc xanh trong cung cấm (của ta) liệu có còn giống như ngày xưa hay không”?
Lại thêm gió thu (heo hắt) thổi qua đám rau tần trắng bên dòng sông (Lô) lả lướt?
Quang cảnh cuộc sống thanh bình những ngày xưa yêu dấu ở kinh thành Thăng Long cứ lũ lượt
hiện về trong tâm tưởng Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc. “Khóm trúc xanh” là khóm trúc trong
phủ đệ của ta. Đám rau tần trắng (bạch tần) là đám rau vật vờ lả lướt bên sông Lô, (tức sông
Hồng ngày nay) theo làn gió thu lành lạnh, ta thường ra đó ngắm chơi. Không biết bây giờ quang
cảnh ấy như thế nào. Ôi chao là nhớ. Lòng nhớ quê cứ dào dạt dâng lên, khiến ta day dứt khôn
nguôi.
Nhưng trước mắt, hôm nay là ngày ta chúc thọ chính ta, Cụ Nam Tào cho ta sống đến
hôm nay là quý lắm rồi. Một mình ta uống với ta. Ta say với ta, với cái bóng của ta, chếnh
choáng, mơ màng. “Sáng sớm ở lầu quỳnh, tự chuốc chén rượu ngon say chếnh choáng”. Thế
đấy! Thêm chén nữa nào. Ta ngất ngưởng say ta, say gió say mây. Lầu Quỳnh (Quỳnh Lâu) nó là
cái lầu chi nhỉ? Phải rồi, nó là cái lầu ở cung điện trên cung trăng. Truyền thuyết của cái “thằng
Tàu” nó chép như thế. Ta đang uống rượu ngon ở cung tiên trên trời đây. Cho nên, ta cảm thấy
“thân ta như gần kề với tầng mây phía đông, ở chỗ sao Bắc Đẩu mọc”. Lòng ta sáng trong như
ngọc, điều ấy “chỉ có trời mới biết”. Ta đâu phải như Tấn Văn Công, chỉ muốn mượn sức của
ngoại bang về làm vua nước Tấn? Ta như ngài Vi Tử (Cơ Tử) muốn làm vua ở nước khác, xây
dựng cơ đồ ở nước khác. Đúng hơn là ta muốn đòi lại giang sơn nước Nam Việt thời Triệu Vũ
Đế huy hoàng. Ta muốn giành lại nước Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng anh hùng liệt nữ. Ai biết
cái chí lớn xoay trời chuyển đất của ta nào! Cuộc đời vẻ vang của ta sẽ được sử sách lưu truyền
mãi mãi.
Ấy thế mà mấy trăm năm sau đã mấy người hiểu được tiếng lòng của ta, biết được công
lao vĩ đại của ta? Những kẻ có dăm ba chữ, cứ thấy chúng nó gào lên chửi ta là đồ phản quốc.
Chúng nó ngu si vô học thì cũng chả chấp làm gì. Nhưng có mấy tay hàm vị cao ngất ngưởng,
mà cũng ngu như lợn. Chúng cũng ông ổng tru lên chửi ta là đồ phản quốc. Chỉ có mấy bài thơ
của ta, mà chúng cũng không hiểu nổi, thì thử hỏi rằng chúng làm được việc gì cho đất nước, hay
chỉ làm cho con cháu ta ngu muội dần đi? Lại còn con cháu họ Trần của ta, nhiều đứa giỏi giang
lắm đấy. Nhiều đứa được làm quan to, vàng bạc chất cao như núi. Ấy thể mà chúng chỉ ham kéo
bè kết cánh vun vén tư lợi, làm mất lòng dân. Một khi có giặc phương Bắc lại kéo sang, thì dăm
ba cái trò chọi gà, khoe mông khoe vú, liệu có thể dùng làm kế đánh giặc được hay không? Nhà
lầu dát vàng, vợ đẹp như tiên, liệu có bảo toàn được trước sức mạnh của lũ giặc tham tàn hay
không? A ha! Hừm! Rượu ngon làm chén nữa đây.
Thôi mặc! Tấc lòng son với đất nước Đại Việt của ta, trước sau rồi cũng được sáng tỏ mà
thôi. Ta say lắm rồi đây! Chếnh choáng rồi đây! Tạm biệt cái Lầu Quỳnh tràn ngập hương thơm
này nhé! Ta cắp be xuống chơi dưới trần gian, vừa đi, vừa gõ be, vừa hát bài ca “Tương Tiến
Tửu” của Trích tiên Lý Bạch. Lão ấy thơ quá hay. Hừm! Tiên sư anh Tào Tháo!....
12
NT
Phiên âm:
ỨC XUẤT QUỐC THỜI MẠN THƯ
Quế hoa hương ngoại viễn Long Biên,
Điệp điệp quan sơn tỏa chướng yên.
Phương thốn thường hoài thần Bắc thượng,
Trần ai bất kiến Nhật Nam biên.
Mộ niên dĩ lạc Bân phong thổ,
Trù tích tằng ưu Kỷ quốc thiên.
Khách lộ điều dao thu mấn cải,
Kỷ hồi văn nhạn Động Đình thuyền.
Dịch nghĩa:
NHỚ LẠI LÚC RỜI NƯỚC, CHÉP TẢN MẠN
Bên ngoài hương hoa quế, xa cách Long Biên,
(Chỉ thấy) núi non trùng điệp, khói độc che phủ.
Tấc lòng thường nhớ sao trên trời Bắc,
Bụi trần che khuất không thấy bên cõi Nam.
Tuổi già đã vui với lề thói bên nước Bân,
Trước kia thường lo buồn như người nước Kỷ sợ trời sập.
Trên đường dài xa xôi nơi đất khách, tóc mai thay đổi,
Mấy lần nghe tiếng nhạn kêu trên thuyền ở hồ Động Đình.
Dịch thơ
Ngoài hương quế, cách Long Biên,
Núi non trùng điệp, một miền chướng lam.
Sao trên trời Bắc đa mang,
Bụi trần che khuất Lĩnh Nam cõi ngoài.
Nước Bân, lề thói quen hoài,
Từng lo trời sập như ngài Kỷ bang.
Đường dài đất khách mang mang,
Động Đình nhạn réo lại càng thương quê.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Bài thơ NHỚ LẠI LÚC RỜI NƯỚC, GHI CHÉP TẢN MẠN, được Trần Ích Tắc viết trong thời
điểm ông đã xa nước lâu ngày. Một lúc nào đó, được thảnh thơi thư nhàn, ông bỗng chợt nhớ về
quê nhà, ở đây là khi rời nước ra đi.
Tác giả tâm sự:
Bên ngoài hương hoa quế thơm, xa cách Long Biên,
(Chỉ thấy) núi non trùng điệp, khí độc che phủ.
Câu đầu nói về hiện tại. Có Lẽ Trần Ích Tắc đang ngồi ở phủ đệ của ông bên đất giặc, “bên ngoài
hương hoa quế thơm” mà bồi hồi nhớ lại cái ngày xửa ngày xưa, xa lắc. Bây giờ thì đang “xa
cách Long Biên” lắm rồi. Long biên có thời là kinh đô, là trung tâm Phật giáo lớn nhất và cổ nhất
của nước ta. Tác giả lấy Long Biên làm biểu trưng cho Thăng Long hoa lệ, kinh đô nước Đại
Việt. Mồ mả cha mẹ và những người anh em, bà con xa gần của ông đang ở Đại Việt. Trông về
quê hương, chỉ thấy núi non trùng điệp, chỉ thấy khí độc lam chướng bốc lên mờ mịt mà thôi.
Lòng kẻ tha hương biệt xứ, ai mà chẳng nao lòng, xa xót.
Phải lên phương Bắc xa xôi, mới đầu thì chưa thể biết rõ phương Bắc nó như thế nào, chỉ
nhìn sao trên trời Bắc mà tưởng tượng. Nơi ấy, là nơi ta phải đến, phải định cư lâu dài, để thực
hiện giấc mơ lớn. Nhưng giờ đây “bụi trần che khuất, không thấy quê nhà bên cõi Nam” nữa.
Thế mà:
Tuổi già (ta) đã vui với lề thói bên nước Bân,
Trước kia thường lo buồn như người nước Kỷ sợ trời sập.
Nước Bân là nước nào? Nước Bân là một nước ở đời nhà Chu, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây của
Trung Quốc. Tác giả muốn nói rằng, cả gia quyến của ông phải sống nhiều đời trên đất khách.
Thế nên, những nếp sinh hoạt, tập quán, lề thói của “nước Bân”, lâu ngày cũng đã quen rồi, cũng
đã vui với nó rồi. Làm sao có thể khác được.
Lại còn nhớ “Trước kia, ta cũng từng lo buồn như người nước Kỷ sợ trời sập”. Thực
lòng, trước sức mạnh vô địch của Nguyên Mông, cả châu Âu, châu Á, với biết bao cường quốc
hùng mạnh, cũng đã bị vó ngựa Mông Cổ dẫm nát. Thật kinh hoàng. Ngay như nước Tống
khổng lồ đây, cũng đã bị Mông Cổ xiết chặt cổ họng còn gì? Ta cũng sợ, cũng biết bao lo lắng
cho nước Đại Việt nhỏ bé của ta, có thể cũng như số phận các cường quốc kia vậy. Ví như cái
người nước Kỷ thời xưa sợ trời sập. Đơn giản thế thôi. Ai mà chẳng có tâm lý như ta? Trước kia
là vậy. Bây giờ thì khác.
Nhưng mà:
Trên đường dài xa xôi nơi đất khách, tóc mai (của ta) đã thay đổi nhiều,
Đã mấy lần nghe tiếng nhạn kêu trên thuyền ở hồ Động Đình.
Ta cũng đã già đến nơi rồi. Tháng năm cứ vô tình trôi đi mải miết. Nhưng lòng ta lúc nào cũng
nhớ đến quê hương, vẫn nghe tiếng nhạn kêu trên hồ Động Đình, khi chúng bay về phương Nam
tránh rét. Động Đình là một cái hồ lớn, ở phía đông bắc tỉnh Hồ Nam. Nhiều nhánh sông khác
đều dồn nước vào đây. Các sứ đoàn Đại Việt lên Yên Kinh (Bắc Kinh) đều phải qua đây.
Thơ thể hiện một khoảnh khắc tâm trạng của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, trong
hoàn cảnh xa nước xa quê, phảng phất nỗi buồn thăm thẳm.
12
NT
Phiên âm:
ĐIẾU ĐÀI
Túc vô thân xứ Nghiêm lăng khứ,
Đầu dĩ đồng thời Lã Vọng quy.
Đông Hán cố nhân Chu thượng phụ,
Nhất can thùy thị hựu thùy phi.
Dịch nghĩa:
ĐÀI CÂU CÁ
Thấy chân mình không duỗi được, bèn tới xứ Nghiêm Lăng ở ẩn,
Khi mái đầu đã rụng hết tóc, Lã Vọng mới quay về (để giúp nhà Chu).
Cố nhân ở Đông Hán với quan Thượng phụ nhà Chu,
Cùng đi câu nhưng ai đúng, ai sai?
Dịch thơ
Bó gối, nên về với Nghiêm Lăng,
Tử Nha hết tóc, giúp Chu Văn.
Nghiêm Quang so với ngài Lã Vọng,
Câu cá cùng chơi, ai đục, trong?
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Thơ vịnh cái ĐÀI CÂU CÁ, nhưng là để bình luận về hai con người. Thứ nhất, gần hơn, đó
chính là Nghiêm Lăng, tức Nghiêm Quang, tên chữ là Tử Lăng, ở thời Đông Hán. Nghiêm
Quang giúp Lưu Tú làm nên sự nghiệp. Dẹp xong Vương Mãng, Lưu Tú lên ngôi vua, tức Hán
Quang Vũ, mở đầu thời kỳ Đông Hán. Lưu Tú muốn cùng Nghiêm Quang hưởng phúc lâu dài.
Tuy nhiên, Nghiêm Quang không màng đến danh lợi. Là vì ông cảm thấy, nhận thấy cái việc làm
quan nó bó buộc chân tay, con người mất cả tự do. Thế nên, Nghiêm Quang bèn bỏ về núi Phú
Xuân (Chiết Giang) ở ẩn. Hán Quang Vũ nhiều lần mời ông về triều làm quan, nhưng Nghiêm
Quang cũng chẳng màng. Ông thường ngồi câu cá trên một hòn đá ở Phú Xuân. Người đời sau
gọi tảng đá ấy là “Nghiêm Tử Lăng điếu đài”.
Người thứ hai, xa xôi hơn, chính là Lã Vọng, tức Khương Tử Nha (1156TCN-
1017TCN)., tên thật là Khương Thượng. Khương Thượng lấy tên chữ là Tử Nha, tên hiệu là Phi
Hùng, quê tỉnh Sơn Đông. Lã Vọng là hiền nhân tài giỏi. Biết Lã Vọng là nhân tài kiệt xuất, Chu
Văn Vương trực tiếp đánh xe mời Lã Vọng về giúp mình. Văn chương thì viết “cỗ xe cầu hiền
chăm chắm còn giành phía tả” là để nói về hình ảnh Chu Văn Vương tự đánh xe đến rước Lã
Vọng về làm thầy, giúp ông ấy làm nên nghiệp lớn. Bấy giờ Lã Vọng đã vào tuổi bát tuần, “đầu
rụng hết tóc”. Chu Văn Vương bái Lã Vọng làm thầy, làm quan “Thượng phụ nhà Chu”. Khi
Văn Vương mất, Khương Tử Nha tiếp tục giúp Vũ Vương diệt Trụ, lập nên nhà Chu.
Tác giả đặt câu hỏi cho chính mình, cả hai vị cùng ngồi câu cá trên tảng đá bên sông, ai
đúng, ai sai? Hỏi đấy, nhưng mà khẳng định đấy. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau, thời thế
khác nhau, nhưng cả hai bậc hiền triết Nghiêm Quang và Lã Vọng đều chẳng có ai sai. Đúng hay
sai, là tùy ở nhận thức của mỗi người vậy!
Bài thơ ngắn, nhưng tình ý thật sâu sắc. Có thể là Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc ngầm
gửi gắm ý tưởng xa xôi thầm kín gì đó chăng? Ví như ông với các vua Trần ở Đại Việt chẳng
hạn. Bảo là khác nhau cũng phải. Nhưng bảo là giống nhau, cũng không sai vậy!
KẾT LUẬN
Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, gặt bỏ những xác chữ bồng bềnh vô cảm ở sách này sách kia,
khiến người đọc đời sau chưa hiểu được chính xác và đầy đủ về nhân vật lịch sử Chiêu Quốc
Vương Trần Ích Tắc. Chúng tôi cho rằng, Trần Ích Tắc đã phải cả đời hy sinh danh dự, để âm
thầm thực hiện nhiệm vụ vô cùng cao cả, vì nghĩa lớn, vì sự tồn vong của dân tộc Đại Việt, trước
một thế lực ngoại bang hùng mạnh nhất thế giới, cường bạo nhất thế giới, đó chính là đế quốc
Nguyên Mông.
Đây chính là vụ tổ chức tình báo chiến lược rất lớn, cực kỳ quan trọng, sau vụ tình báo
chiến lược của Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy, người anh em cùng cha khác mẹ của Chiêu Quốc
Vương Trần Ích Tắc, do lãnh đạo nhà Trần kỳ công xây đắp, sau cuộc kháng chiến chống Mông
Cổ lần thứ nhất.
Nếu như vụ tình báo chiến lược Trần Nhật Duy thành công ở chỗ là đã khiến nội bộ
Mông Cổ phải nghi ngờ lẫn nhau, cụ thể là Mông Kha và Hốt Tất liệt, dẫn đến những cuộc chiến
đẫm máu, tranh đoạt lẫn nhau trong nội bộ Mông Cổ, đồng thời với cuộc chiến giữa nhà Tống và
Mông Cổ kéo dài, khiến Mông Cổ không rảnh tay để tiếp tục xâm lăng trả thù Đại Việt; thì
trường hợp Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc trá hàng, thành công ở chỗ, Trần Ích Tắc trong vai
hàng thần, ông đã góp phần không hề nhỏ, làm đế chế Nguyên Mông suy yếu. Đặc biệt, Trần Ích
Tắc đã tác động tích cực, thông qua Nguyên Thánh Tông Thiết Mộc Nhi (cháu Hốt Tất Liệt),
ngăn chặn được cuộc tấn công xâm lược Đại Việt lần thứ 4, do Hốt Tất Liệt xây dựng kế hoạch
từ năm 1293, trước khi Hốt Tất Liệt chết (1294). Đồng thời, Trần Ích Tắc đã cùng con trai ông là
Trần Hữu Lượng xây dựng được lực lượng vũ trang rất lớn mạnh, cùng các tập đoàn nổi dây
khác như Chu Nguyên Chương, Trương Sĩ Thành, khuấy đảo thiên hạ, khiến Nguyên Mông phải
tan rã, rút chạy lên phía Bắc, thành lập triều đại Bắc Nguyên. Đó chính là những điều đã sáng tỏ,
không thể bác bỏ được.
Việc nghiên cứu, giải mã thơ ca của Trần Ích Tắc, chúng ta càng hiểu rõ thêm, tỏ tường
hơn chân dung nhà tình báo chiến lược vĩ đại Trần ích Tắc. Theo đó là công lao không ai sánh
nổi của ông, trong việc bảo vệ từ xa sự tồn vong của dân tộc Đại Việt.
Hãy tưởng tượng mà xem, nếu không có sự ra đi của Trần Ích Tắc, nhà Trần sẽ phải điêu
đứng như thế nào, phải gồng mình lên chống đỡ như thế nào, trước một tên đế quốc khổng lồ,
cường bạo nhất thế giới trong lịch sử nhân loại, nếu chúng được rảnh tay. Nhà văn Mỹ gốc Nga,
từng đoạt giải Nôbenl văn chương, đã viết: “Để hiểu được một con người, một dân tộc cả ngàn
năm trước, thì chỉ có thơ ca mới làm được điều đó mà thôi”. Với Chiêu Quốc Vương Trần Ích
Tắc, qua việc giải mã một số bài thơ còn lại của ông, đủ biết ông vĩ đại đến chừng nào. Phải có
con “mắt xanh”, có tầm và có cái tâm trong sáng, mới cảm nhận được, mới đánh giá được đầy đủ
và chính xác nhất về cuộc đời và sự nghiệp vô cùng lớn lao của Chiêu Quốc Vương Trần Ích
Tắc.
Phải trả lại sự thật cho lịch sử. Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc phải được tôn vinh là
ANH HÙNG DÂN TỘC. Đó là trách nhiệm của chúng ta, của người hậu thế!
Hà Nội 10-10-2022
Nhà văn VŨ BÌNH LỤC
.