LTG:
Trong đời làm biên tập tổng cộng chẵn 20 năm của mình, trái với vài người “khôn ngoan” cho rằng chẳng dại gì mà phải chết cho một cuốn sách, tôi luôn làm ngược lại: đặt việc xuất bản cuốn sách nào đó quan trọng hơn công việc của mình, nếu nó xứng đáng phải được xuất bản.
Nhưng phải nói ngay một sự thật: Tôi sẽ không thể làm được những gì như đã làm, nếu không có những đồng nghiệp tài năng, bản lĩnh, uy tín và lương tâm nghề nghiệp rất lớn, chấp nhận đứng mũi chịu sào. Bắt đầu là giám đốc Nguyễn Phan Hách, tuy công khai nói mình nhát, nhưng luôn lắng nghe và bảo vệ cấp dưới. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường là một tài năng và bản lĩnh lớn. Sau này, thời nhà văn Trung Trung Đỉnh làm giám đốc, tôi có cơ hội TOÀN QUYỀN làm theo ý mình. Sang thời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, về cơ bản ông ủng hộ mọi đề xuất của tôi, cùng hợp sức để vượt qua những giới hạn cấm kị và giống như Trung Trung Đỉnh, sẵn sàng nhận và chịu mọi trách nhiệm.
Nhờ những lãnh đạo như vậy, dù chỉ là một biên tập viên (về sau, do sự nài nỉ của Trung Trung Đỉnh suốt hơn một năm, tôi chấp nhận làm trưởng ban biên tập nhưng việc chính thì không thay đổi), tôi đã giúp cho ra đời và “xóa án” (tái bản những cuốn sách bị coi là có vấn đề) một số tác phẩm văn học quan trọng.
Tôi giúp tái bản Cơ hội của chúa (Nguyễn Việt Hà), Những mảnh đời đen trắng (Nguyễn Quang Lập), Những đứa trẻ chết già (Nguyễn Bình Phương), Chiều chiều (Tô Hoài), Miền hoang tưởng (Hoang tưởng trắng-Nguyễn Xuân Khánh), Lão Khổ, Đi tìm nhân vật (Tạ Duy Anh)…Khi một cuốn sách nào đó bị coi là có vấn đề mà được tái bản (thường không dễ) thì kể như án đình chỉ áp cho nó trước đó coi như bị xóa. Tại thời điểm những cuốn sách vừa kể được tái bản, không ở đâu ngoài Nhà xuất bản HNV dám làm.
Tôi đã nỗ lực để xuất bản bộ sách gần 10 ngàn trang (11cuốn) của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trần Bạt, cùng các tác phẩm văn học: Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường); Những ngã tư và những cột đèn, Đêm núm sen (Trần Dần); Xem đêm (Phùng Cung); Hồi kí Phạm Cao Củng; Lê Vân yêu và sống (Bùi Mai Hạnh); Để gió cuốn đi (Ái Vân), Cung đàn số phận (Kim Dung-Kỳ Duyên); Trư cuồng (Nguyễn Xuân Khánh); Lưng rồng (Đỗ Hoàng Diệu); Phép tính của một nho sĩ (Trần Vũ); Tuổi hai mươi yêu dấu (Nguyễn Huy Thiệp); Tuyển tập Hoàng Ngọc Hiến; Tuyển tập Phạm Vĩnh Cư; Tập sách vinh danh Nguyễn Đăng Mạnh giữa lúc tên ông bị đánh dấu đen sau khi cuốn hồi kí phát tán; Phê bình thế kỉ 20 (Thụy Khuê); Từng đoạn đường văn (Lại Nguyên Ân); Bát phố và các tập thơ của Bảo Sinh; Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn bốn ngày là đến 30 tháng tư (Thuận); Tập phê bình của Phạm Xuân Nguyên (khi ông có tên trong Ban vận động Văn đoàn độc lập); Đọc tôi bên bến lạ (Cầm Thi); Bút kí và các tập thơ của Du Tử Lê; Trần Lệ Xuân, quyền lực bà rồng (Monique Brinson Demery); Lolita (Nabocop); Chỉ tại con chích chòe (Dương Tường); Người sông mê (Phạm Toàn); Đất trời vần vũ ( Nguyễn Một); Phố hoài (Trần Thị Trường); Người Trung Quốc xấu xí (dưới cái tên Khoe bàn chân nhỏ-Bá Dương); Tư bản thân hữu ở Trung Quốc (Minxi Pei); Hoa đường tùy bút (Phạm Quỳnh); Một trời gió bụi (Thiên Sơn); các tập thơ thế sự của Phạm Xuân Trường; Con đường Hồi giáo (Phương Mai); Bức xúc không làm ta vô can, Thiện, ác và smartphone (Đặng Hoàng Giang); Đêm ngồi ngã ba sông (Nguyễn Thành Phong)…(Tôi không thể nhớ và kể ra hết). Chúng là những tác phẩm hầu như không thể xuất bản kể cả khi chấp nhận không còn nguyên vẹn ở đâu khác ngoài NXb Hội nhà văn. Khi ra đời nhiều tác phẩm trong số đó bị thu hồi, đình chỉ phát hành, cấm tái bản, còn lại hầu hết đều bị công văn cảnh cáo, yêu cầu sửa chữa….
Những gì vừa nói vừa là tư liệu, vừa cho tôi cảm hứng để viết cuốn hồi kí “Lách qua luật ngầm” . Tôi viết xong từ lâu, kết thúc ở việc tiểu thuyết “Mối chúa” bị đình bản. Sau khi về hưu năm 2020, tôi bổ sung chút ít và kết thúc ở việc xuất bản tiểu thuyết “Đất mồ côi”. Như vậy thời gian diễn ra các sự kiện trong cuốn sách kéo dài chẵn 20 năm, chính là thời gian tôi làm công việc biên tập sách tại Nhà xuất bản Hội nhà văn. Lường trước việc có lúc trí nhớ phản lại tác giả, vì thế những gì tôi chưa chắc chắn là sự thật, tôi thấy tốt nhất là không nói tới. Tôi luôn duy trì nguyên tắc cứng rắn: Để một cuốn hồi kí không vô dụng và không vô đạo đức, không nhất thiết sự thật nào cũng phải được nói ra, nhưng những gì đã quyết định nói ra thì phải là sự thật.
Hy vọng sẽ có lúc tôi đủ cảm hứng và can đảm xuất bản cuốn sách.
Dưới đây, xin tặng bạn đọc phần nói về sự kiện xuất bản tiểu thuyết “Trại súc vật”, một sự kiện xuất bản rõ ràng là lớn nhất, tạo ra nhiều thuyết âm mưu nhất, gây chấn động nhất trong dư luận cũng như đối với các cơ quan quản lý. (Có tất cả 6 kỳ)
------------------------------------
KỲ 1-GEORGE ORWELL VÀ TIỂU THUYẾT TRẠI SÚC VẬT
Nhà văn George Orwell (1903-1950) tên thật là Eric Arthur Blair (25/6/1903 – 21/1/1950), là một trong những cây bút tiếng Anh được hâm mộ và tranh cãi nhất ở thế kỷ 20. Sinh tại Ấn Độ, trong một gia đình như ông tự miêu tả là "nhóm dưới của tầng lớp thượng- trung lưu". Lên 5 tuổi ông được đưa đến trường nam sinh ở Henley-on-Thames. Nhờ học giỏi năm 14 tuổi, George Orwell nhận học bổng King’s Scholar vào trường Eton. Sau khi tốt nghiệp ông làm việc cho Indian Imperial Police (Lực lượng Cảnh sát thuộc địa) tại Miến Điện. Những hiện thực tại đây đã làm ông nhận ra bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đế quốc. Năm 1927 ông quyết định từ chức và quay trở về Anh. Tác phẩm Burmese Days (Những ngày ở Miến Điện) xuất bản năm 1934 mang một cái nhìn tăm tối vào chủ nghĩa thực dân Anh tại Miến Điện chính là những trải nghiệm của ông khi còn ở xứ sở thuộc địa này.
Năm 1937, ông tới Tây Ban Nha, tham gia chiến đấu cho nền Cộng hòa chống lại lực lượng phát xít do Francisco Franco cầm đầu, mà như ông viết trong thư: “Nhất định phải ngăn chặn chủ nghĩa phát xít”. Theo ông, “quyền tự do và nền dân chủ đi liền với nhau, và cùng những thứ khác, bảo đảm tự do cho người nghệ sỹ; nền văn minh tư bản hiện hành bị tha hóa, nhưng chủ nghĩa phát xít là một thảm họa luân lý”.
Orwell sau đó bị thương nặng, và phải chuyển sang sống một thời gian tại Morocco trước khi trở về Anh. Những ngày chiến đấu chống độc tài Franco ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới quan của Orwell và các tác phẩm sau này của ông như “Animal Fram” (Trại súc vật-Chuyện ở nông trại) hay “1984”.
Ông mất ngày 21 tháng Một năm 1950 trong một bệnh viện ở London.
Trại súc vật là một truyện ngụ ngôn mang màu sắc trào phúng lấy bối cảnh nông thôn nước Anh, kể về một nhóm gia súc nổi dậy đuổi ông chủ trại tên Joens đi và chiếm quyền quản lý. Thoạt đầu chúng đề ra những nguyên tắc bình đẳng rất cao cả và mang tính lý tưởng, với mong muốn tất cả mọi công dân trong Trại súc vật đều được sống một cuộc sống tươi đẹp, ấm no. Nhưng dần dần một số gia súc cứ từng bước nắm trọn quyền hành và trở nên tha hóa biến chất, cuộc sống trong nông trại ngày càng xa rời mục đích cao đẹp ban đầu. Cuối truyện, lũ gia súc trở lại liên minh với loài người, thế lực mà trước đây theo chúng là “kẻ thù thực sự duy nhất”. Cuộc sống trong trại lại trở về cảnh lam lũ như ngày còn chủ trại Jones.
Ngay từ khi ra đời, Trại súc vật đã gây nhiều tranh cãi. Giống như nhiều ngụ ngôn khác, tác phẩm có thể được diễn giải theo nhiều hướng khác nhau, có thể phù hợp hoàn toàn hay một phần với các sự việc, nhân vật trong thực tế lịch sử. Đặc biệt, do Trại súc vật ra đời ngay sau Thế chiến II, thời kỳ khởi đầu của Chiến tranh lạnh nên đây cũng là cuốn sách chịu nhiều ảnh hưởng chính trị, và bị các bên đưa ra các phán đoán chủ quan với mục đích riêng. Tới nay, tựu trung có 3 luồng ý kiến:
-Luồng thứ nhất, do các học giả của các nước tư bản thời kỳ 1950 khởi xướng, coi Trại súc vật là một câu chuyện thu nhỏ chế độ Stalin, trong đó miêu tả đậm nét cuộc tranh giành ảnh hưởng và quyền lực giữa Stalin và Trosky. Luồng ý kiến này đặc biệt được khai thác trong thời kỳ chiến tranh lạnh, với mục đích bôi nhọ Liên Xô.
-Luồng thứ hai, chỉ ra những ngụ ý của Orwell trong Trại súc vật với những diễn biến có thực dưới chế độ phát xít Đức, đặc biệt là những tương đồng giữa nhân vật Nã Phá Luân trong truyện với lãnh tụ đảng Quốc xã Adolf Hitler, bên cạnh đó là các chi tiết trùng hợp: vụ Nã Phá Luân say rượu tưởng bị mưu sát trong truyện với những cuộc mưu sát Hitler ngoài đời thật, vụ tàn sát cướp trứng nhóm gà mái với cuộc diệt chủng tàn bạo người Do Thái dưới chế độ phát xít, công cuộc xây cối xay gió với những kế hoạch to lớn của nước Đức quốc xã, vụ Nã Phá Luân giết 4 con lợn với cuộc thanh trừng các nhân vật chống đối năm 1937 v.v. Nhà tuyên truyền Joseph Göbbels, Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền được xem là hình mẫu cho nhân vật Mồm Loa (Squealer) trong truyện.
-Luồng thứ ba, coi Trại súc vật đơn giản là một câu truyện ngụ ngôn, như chính Orwell đã đặt nhan đề phụ cho cuốn sách: “Animal Farm, a fairytale” với tất cả những đặc thù lâu đời của loại truyện này, từ ngụ ngôn Esop cho tới ngụ ngôn La Fontaine. Tác phẩm mượn cuộc sống của các con vật để thể hiện những tình cảm phổ quát của con người: tình yêu thương đồng loại, căm ghét bạo tàn, cũng như những bài học đã thành quen thuộc: quyền lực khi không được giám sát sẽ mau chóng bị tha hóa và di hại khôn lường.
George Orwell viết bản thảo của cuốn sách trong khoảng cuối năm 1943 đầu 1944. Ấn bản đầu tiên được Nhà xuất bản Secker and Warburg xuất bản năm 1945.
Cuốn sách luôn được vinh danh trong hầu hết các danh sách hay bảng xếp hạng uy tín. Tạp chí Time đã chọn cuốn sách này là một trong 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh (1923 tới 2005). Đến nay, tác phẩm đã được in nhiều triệu bản, được dịch ra 70 thứ tiếng trên thế giới và thường xuyên được tái bản.
Trung Quốc là quốc gia có nhiều bản dịch nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ hiện đã có tới gần 20 bản dịch khác nhau tác phẩm này. Nhà xuất bản Thượng Hải cũng đã xuất bản Trại súc vật từ năm 1989, bản dịch mới nhất do Nhà xuất bản Văn học nhân dân xuất bản năm 2012. Năm 2004, Trại súc vật được Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nam, Trung Quốc giới thiệu trong series “100 tác phẩm nổi tiếng ảnh hưởng tới cuộc đời trẻ thơ”.
Việc xuất bản “Animal Farm” ở Việt Nam được tiến hành khá sớm, ngay những năm 50 của thế kỷ trước đã có bản dịch mang tên “Cuộc cách mạng trong trại súc vật”. Tới năm 1975 lại có một bản dịch của Giáo sư Đỗ Khánh Hoan mang tên “Trại súc vật”. Tuy nhiên do những hiểu lầm, ngộ nhận, cùng nhiều tranh cãi như đã nói trên, “Animal Farm” trở thành một vấn đề cấm kỵ bất thành văn trong công tác xuất bản, và một thời gian dài không có thêm bản dịch nào chính thức ra đời. Đây cũng là nguyên nhân khiến hiện nay có nhiều bản dịch trôi nổi trên mạng, hoặc được in không chính thức với chất lượng dịch, biên tập khó kiểm chứng và nội dung không được kiểm soát.
(Còn tiếp)
Nguoonf FB Lão Tạ