Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Các bậc hiền tài QUAN TÂM ĐẾN GIÁO DỤC

Đắc Trung
Chủ nhật ngày 20 tháng 11 năm 2022 5:56 AM

NHÂN NGÀY “NHÀ GIÁO VIỆT NAM” 20/10/2022



Thế kỷ XVIII. Nguyễn Thiếp (1723 - 1804). Là người "thiên tư sáng suốt, học rộng hiểu sâu" ("Đại Việt sử ký toàn thư" - Ngô Sĩ Liên). Từng đỗ đạt và làm quan dưới triều Lê.

Năm 1768. Bất bình với thế sự thối nát. Ông từ quan về ở ẩn. Tại trên dãy núi Thiên Nhẫn. Nghiên cứu thi thư, nghiền ngẫm đạo đời. Lấy hiệu là La Sơn Phu Tử.

Năm 1786. Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt nhà Trịnh. Có sai người đưa thư và vàng lụa lên sơn trại mời ông ra giúp việc. Nhưng ông từ chối.

Năm 1788. Trên đường ra Thăng Long trừ Vũ Văn Nhậm. Nguyễn Huệ lại gửi thư mời ông tới Lam Thành để cùng hội kiến. Lời thư rất tha thiết. Ông đành xuống núi. Nhưng vẫn chưa chịu ra giúp.

Năm 1791. Nhà vua cử người ra mời đón Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân tham vấn. Cảm động trước tấm lòng chân thành của nhà vua. La Sơn Phu Tử nhận lời. Khi yết kiến. Ông dâng lên Hoàng đế Quang Trung một bản tấu triết giải ba việc lớn:

“Quân đức” - mong bậc đế vương một lòng tu tâm, rèn đức theo đạo Thánh hiền. Lấy sự học vấn mà tăng thêm tài, mở rộng trí để trị quốc.

“Dân tâm” - nhà vua dùng nhân chính để chiêu hiền đãi sĩ, thu phục lòng người. Phải coi "Dân là gốc nước. Gốc vững nước mới yên".

“Học pháp” - khuyên vua chăm lo chấn hưng và cách tân giáo dục.

Ông coi việc học của mọi thần dân là yếu tố quyết định hưng vong quốc gia dân tộc. Giáo dục là việc quan trọng bậc nhất mà người đứng đầu xã tắc phải lo. Ông phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trong quốc sách giáo dục đương thời. Nền chính học đã bị thất truyền. Mục đích học không còn để biết sống theo “Đạo Làm người”. Để phụng sự quốc gia dân tộc và lập thân lập nghiệp. Trái lại học chỉ để mưu cầu danh lợi. Đua nhau lối học hình thức, giả dối. Chỉ cốt đỗ đạt, ra làm quan. Được trọng vọng, nhàn hạ và thu nhiều bổng lộc.

Những kẻ như vậy mà bổ làm quan thì chỉ biết dối trá, nịnh hót, luồn lọt. Trở thành lũ sâu mọt, lo vinh thân phì gia. Hậu hại không chỉ trước mắt mà rất lâu dài cho xã tắc...

Ông thẳng thắn nêu ra những việc nên và cần làm trong giáo dục...


Những điều tâm huyết của Nguyễn Thiếp.

Được vua Quang Trung rất trân trọng nghe theo.


Như La Sơn Phu Tử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đặc biệt quan tâm đến giáo dục quốc gia. Ông đọc rất kỹ, góp nhiều ý kiến vào bản "Dự thảo Luật Giáo dục" trước khi trình Quốc hội thảo luận thông qua. Đại tướng yêu cầu làm rõ mục tiêu, nguyên lý giáo dục. Nội dung chương trình sách giáo khoa. Hệ thống giáo dục quốc dân...


Trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương ngày 03 thấng 01 năm 2004. Ông viết:

"...Vừa qua cuộc Hội thảo lớn do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức. Đã cho thấy rõ hiện trạng yếu kém và bất cập của nền giáo dục nước ta. Tôi đề nghị Hội nghị Trung ương cần phân tích nguyên nhân. Vì sao một chủ trương rất đúng, coi giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Lại không được thể hiện trên thực tế. Mặc dù đã có chiến lược Chính phủ phê chuẩn?


Vấn đề này, trước đây tôi đã có văn bản gửi Bộ Chính trị đề nghị: cần thiết phải có một cuộc cải cách giáo dục mang tính cách mạng. Đây chính là vấn đề quan trọng nhất liên quan đến chiến lược con người.


Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế hiện đại, tiếp cận với nền kinh tế tri thức. Cần phải đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, sách giáo khoa. Đối mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại hóa và tin học hóa hệ thống giáo dục. Đào tạo, kết hợp chặt chẽ giữa khoa học với nhu cầu kinh tế, văn hóa, xã hội...

Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục. Cần có chủ trương và chính sách cụ thể. Tạo điều kiện cho các nhà doanh nghiệp được tiếp cận rõ ràng và rộng rãi với mạng máy tính và Internet. Để phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu và kinh doanh...

Để thực hiện cuộc cải cách giáo dục có tính cách mạng. Cần tổ chức lại hệ thống giáo dục và đào tạo. Tôi kiên trì đề nghị tách Bộ Giáo dục và Đào tạo thành hai bộ: Bộ Đại học và Bộ Giáo dục do đối tượng mỗi Bộ rất khác và rất lớn. Sắp tới phải mở rộng không những cấp phổ thông. Mà còn cấp cao đẳng và đại học. Tách bộ phận dạy nghề khỏi Bộ Lao động và Thương binh Xã hội. Thành lập Tổng Cục dạy nghề trực thuộc Chính phủ và có quan hệ với hai bộ nói trên. Đồng thời kiện toàn tổ chức và cán bộ của các cơ quan lãnh đạo quan trọng đó để triển khai có hiệu quả công cuộc cải cách giáo dục...".

Đây là việc rất hệ trọng. Bởi nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo nhân tài cho đất nước và con người hữu ích cho xã hội. Nhân tài và con người quyết định tất cả. Tại sao nước Nhật bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ hai mà sau 20 năm họ đã là siêu cường kinh tế chỉ sau nước Mỹ. Người Nhật nổi tiếng giỏi cả phát minh sáng chế cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại?

Có nhiều nguyên nhân. Trong đó đặc biệt người Nhật coi nâng cao dân trí là điều kiện tiên quyết.

Muốn nâng cao dân trí phải phát triển giáo dục. Ngành sư phạm rất được coi trọng. Đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật in hình nhà giáo nổi tiếng Fukuzawa Yukichi. Muốn thi vào trường sư phạm trước hết hạnh kiểm phải tốt, đạt điểm chuẩn đầu vào cao. Tốt nghiệp ra trường được xếp thang lương hơn hẳn các ngành khác và không ngừng chịu sự sàng lọc tuyển chọn lại.


Ở nước ta các bậc tiền bối cũng coi giáo dục quyết định sự tồn vong quốc gia. Tiến sĩ Thân Nhân Trung viết: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì nước mạnh rồi lên cao. Nguyên khí suy thì nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng hiền tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên".

Gửi thư cho các cháu học sinh, Bác Hồ viết: "Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không. Chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".


Làm thầy thuốc sai lầm giết chết một người. Làm chính trị sai lầm tổn hại mấy thế hệ. Làm giáo dục sai lầm suy vong cả quốc gia dân tộc.

Đặt giáo dục không đúng tầm. Đầu tư cho giáo dục không thỏa đáng. Bố trí những người làm quản lý giáo dục không đủ đức tài. Chất lượng đào tạo đã quá thấp. Lại còn bị tàn phá bởi mọi thứ tiêu cực. Gian dối bằng cấp, học hàm, học vị bát nháo. Thật giả lẫn lộn không kiểm soát được ngay trong bộ máy công quyền từ Trung ương đến địa phương...

Thì vận nước suy là tất yếu và dẫn đến vong sẽ không tránh khỏi.

Giáo dục nước ta đang ở tình trạng báo động khẩn cấp.

Rất mong Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội và những người đang nắm rương cột xã tắc.

Cần suy ngẫm nghiêm túc việc này.

Trân trọng và tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các bậc hiền tài.

Như trước đây Hoàng đế Quang Trung đã làm.

“Phải có một cuộc cải cách giáo dục mang tính cánh mạng”.

Như trong bức tâm thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “kiên trì đề nghị”.


Được thế thì thật hồng phúc cho Quốc gia Dân tộc.