Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BIỆN GIẢI VỀ CÂU CHUYỆN ĐẦU HÀNG CỦA TRẦN ÍCH TẮC (Kỳ 3)

Vũ Bình Lục
Thứ năm ngày 17 tháng 11 năm 2022 9:18 AM



(Tiếp theo kỳ 2)

Trần Ích Tắc cho rằng mình thông minh tài giỏi hơn các vị Hoàng tử khác. Trần Ích Tắc muốn được lên ngôi Hoàng Đế. Sử sách chép như vậy. Nhưng thử nghĩ mà xem. Trần Ích Tắc trước khi sang nhà Nguyên, ông còn giữ chức “Phiêu kỵ Đại tướng quân”, trấn giữ tuyến phòng thủ thứ 2, ở mạn Bạch Hạc (Việt Trì), trong khi em trai ông là Trần Nhật Duật trấn giữ tuyến đầu, biên giới phía Bắc. Khi quân Nguyên tiến công như vũ bão, Ích Tắc còn đứng bên cạnh vua, tham mưu tác chiến. Có lẽ, lãnh đạo nhà Trần đã phải tính đến cái kế đánh địch từ bên trong lòng địch, xây dựng lực lượng lâu dài để đối phó với kẻ thù lâu dài. Thế nên, phải cử Trần ích Tắc làm việc này. Không phải người tài giỏi như Trần Ích Tắc, không ai lúc bấy giờ hội tụ được các tiêu chí cần thiết, để có thể đảm đương được cái việc cực kỳ khó khăn này. Ví thử như một người nào đó kém tài, Hốt Tất Liệt cũng chỉ cho họ một chức quan nhỏ, để họ đủ sống được mà thôi. Phải có tài lớn, Hốt Tất Liệt mới ban cho chức quan lớn, đủ tầm để tiếp cận gần ông ta, tham mưu cho ông ta những quyết sách lớn. Tất nhiên rồi!

Sử ta chép, rằng Trần Ích Tắc muốn làm vua. Không được thì sinh ra bất mãn, bèn đem gia quyến chạy sang hàng nhà Nguyên. Tôi đã nói ở trên rằng, tất cả những tài liệu được viết ra, người đọc đời sau phải tư duy để xem xét, mới có thể tiếp cận được sự thật ẩn giấu ở bên trong.

Muốn làm vua ư? Điều này là phi lý và bất khả thi. Tại sao? Là vì thể chế nhà Trần rất rõ ràng, chắc như đinh đóng cột. Triều đình lúc nào cũng có hai vua (Nhị Thánh). Vua cha nhường ngôi cho vua con, lên ngồi ghế Thượng hoàng, nhưng vẫn có quyền phế truất vua con. Xem sử ta ghi câu chuyện vua Trần Anh Tông mới lên ngôi, uống rượu say sưa, mất cả thể diện. Có người tố cáo, đến tai Thượng Hoàng Nhân Tông. Ngài đang nghỉ ở hành cung Thiên Trường. Khi tỉnh rượu, Anh Tông vô cùng hoảng sợ. May gặp được anh học trò Đoàn Nhữ Hài đi qua, Anh Tông bảo Nhữ Hài viết cho tờ biểu tạ tội. Anh Tông cùng Đoàn Nhữ Hài vội vã về Thiên Trường đội sớ tạ tội. Thượng Hoàng Nhân Tông mắng Anh Tông như tát nước. Ngài bảo rằng, ta còn những Hoàng tử khác có thể làm vua. Nếu ngươi (Anh Tông) không ra gì, ta sẽ phế truất ngay đấy!

Ngôi chủ ổn định, chặt chẽ. Chỉ có con bà chính thất (Hoàng hậu) mới được phong Thái tử, kế vị ngai vàng. Người con trưởng không đủ tài làm vua, thì sẽ có một Hoàng tử khác con bà Hoàng hậu được chọn thay thế. Còn như các vị Hoàng tử con các bà Phi, thì LÀM GÌ CÓ CỬA mà sinh lòng nhòm ngó ngôi báu kia chứ? Trần Ích Tắc là con bà Phi thứ 5, dám đâu mơ ước hão huyền, cho dù ông thực sự là người rất tài giỏi. Trường hợp bất khả kháng, ví như Hoàng hậu không sinh được con nối dõi, bấy giờ triều đình mới tính đến việc chọn một Hoàng tử, con một bà Phi nào đó kế vị. Vậy nên cái câu chữ của sách sử, chúng ta đủ cơ sở để cho nó vào sọt rác, để hướng tới một cách nhìn, cách nghĩ chuẩn xác hơn, lấp ló ở phía sau.

2

Trong suốt thời kỳ giao chiến với quân Nguyên Mông, Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn luôn bố trí lực lượng canh phòng bảo vệ biên giới. Mấy ai thoát khỏi quân binh nhà Trần phục kích ngăn chặn những kẻ đầu hàng? Ví như Chương Hiến Hầu Trần Kiện (con Trần Quốc Khang) chạy đến biên giới, liền bị phục binh quân Trần dùng tên độc bắn chết. Nguyễn Địa Lô đã bắn trúng đầu gối Trần Kiện bằng mũi tên độc. Lê Tắc (tác giả cuốn AN NAM CHÍ LƯỢC), gia thần của Trần Kiện phải kéo xác Trần Kiện sang bên kia biên giới để chôn cất.

Vậy tai sao Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đem theo cả gia quyến ngựa xe kềnh càng phức tạp, lại không bị chặn đánh ở biên giới, kể cả đường bộ và đường thủy? Trần Ích Tắc còn “nguy hiểm” hơn Trần Kiện rất nhiều, sao lại tẩu thoát dễ dàng như vậy? Câu hỏi này đặt ra để các bạn suy nghĩ cho thấu đáo.

Thêm nữa, nên biết rằng Thượng Hoàng Trần Thánh Tông nghiêm khắc đến thế nào, các bạn nghe tôi kể đây. Khi ông Thiếu sư Trần Trọng Trưng người nước Tống đem cả gia quyến chạy sang nương nhờ Đại Việt (tương tự ông Hoàng Bính năm 1257), các vua Trần đối xử rất tốt với ông Trần Trọng Trưng (Lê Quý Đôn ghi là Trần Trọng Vi). Vua Trần còn phong chức tước cho ông Trần Trọng Trưng và cả con trai ông ấy là Trần Tôn. Khi Trần Trọng Trưng chết, vua Trần rất thương xót. Thánh Tông đã viết bài thơ khóc thương ông Trần Trọng Trưng rất cảm động. Tôi đã bình giải kỹ bài thơ này, để thấy được tấm lòng chân thành, nhân ái của các vua Trần.

Thế nhưng, khi Thoát Hoan tiến công mãnh liệt xuống Đại Việt từ hướng biên giới phía Bắc, thì Trần Tôn, con ông Trần Trọng Trưng (người Tống) lại đầu hàng. Hắn còn dẫn đường cho Thoát Hoan tấn công vào Vạn Kiếp, khiến quân Trần bị bất ngờ, thiệt hại khá lớn, phải bỏ căn cứ Vạn Kiếp rút lui bảo toàn lực lượng. Thượng Hoàng Thánh Tông rất tức giận. Ngài sai đào mả Trần Trọng Trưng (cha Trần Tôn), bổ quan tài hắn ra, để cho hả cơn giận. Kẻ phản bội nào cũng phải bị trừng trị nghiêm khắc như vậy. Tôi dẫn chuyện này, đã viết bài về chuyện này, để biết vua Trần nghiêm khắc như thế nào. Nhưng với “kẻ phản bội” Trần Ích Tắc thì khác đấy. Bạn nghĩ sao?

3

Trần Ích Tắc là một người tài giỏi vào bậc nhất đương thời. Chính ông là người đã mở trường tư thục đầu tiên ở nước ta, bên cạnh QUỐC TỬ GIÁM. Ông vừa bảo trợ, vừa là thầy dạy. Học trò ông nhiều người thành đạt, như Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu…Luật thời phong kiến rất nghiêm khắc. Nếu Thầy phạm tội, trò cũng phải vạ lây. Thậm chí, bị đuổi khỏi chức quan. Đôi khi còn bị giết theo thầy. “Tru di cửu tộc”, trong đó, có các học trò của thầy. Đơn giản là vì trò là sản phẩm tư tưởng của thầy. Ví như Nguyễn Trãi, đại công thần khai quốc bị giết cả ba họ (tru di tam tộc), thì học trò của cụ biến đâu mất tiêu. Không thấy ai để lại một câu nào nói về Thầy Nguyễn Trãi, mặc dù cụ có rất nhiều học trò làm quan đại thần trong triều. Nguyễn Trãi có bài thơ chữ Hán dạy bảo học trò của cụ đang làm quan trong triều phải chính trực, phải thương yêu giúp đỡ nhau. Có thấy ai tự nhận là trò của Thầy Nguyễn Trãi đâu? Nếu Trần Ích Tắc mắc trọng tội phản quốc, thì tại sao học trò ông như Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu vẫn làm quan to ngất ngưởng trong triều? Chẳng phải là một sự bất thường hay sao? Chẳng phải là một chi tiết để đời sau tìm hiểu hay sao? Thêm nữa, Trần Ích Tắc có cả phủ đệ riêng, vương giả, có thể chu cấp cho trò nghèo theo học. Ông là một nhà giáo dục lớn, một nhân cách lớn đấy. Chính ông là người đầu tiên mở cơ chế mới cho giáo dục, ngày nay còn tiếp tục làm theo. Bạn nghĩ sao?

4

Luật nhà Trần rất nghiêm khắc, bất kỵ thân sơ. Đầu hàng quân Nguyên thực sự như Trần Di Ái, vừa về đến bên kia biên giới, đã bị quan binh nhà Trần chém chết ngay. Kẻ đầu hàng sẽ bị tước bỏ tất cả, đuổi cổ ra khỏi danh tính Hoàng tộc. Chỉ gọi tên. Ví như thằng A, tên B thôi. Thế thì cái tội cực lớn là “Phản quốc” như Trần Ích Tắc, sao không thấy vua Trần tước bỏ họ Trần của ông, mà chỉ gọi là Ả TRẦN, tức kẻ họ Trần mà hèn nhát yếu đuối như đàn bà? Sử chép, vua bảo rằng Ích Tắc là anh em máu mủ, nên không nỡ tước bỏ họ Trần của Ích Tắc. Thực ra, vua Trần không thể tước bỏ danh tính vẻ vang của Trần ích Tắc, là bởi ông ấy chỉ trá hàng đấy thôi. Đời sau sẽ làm sáng tỏ sự thật, trả lại tiếng thơm cho Trần Ích Tắc. Chúng ta, những kẻ hậu sinh, phải có trách nhiệm làm việc đó, chứ sao? Đấy là chỗ khác biệt, là cái ý thầm kín tế nhị. Những kẻ “người trần mắt thịt” như chúng ta phải suy lý, để tự tìm ra sự thật, để tự lý giải cho chính mình.

Sử ta còn chép, sau chiến thắng Nguyên Mông lần thứ 3, có người đem những bức thư đầu hàng của người này người khác, trong đó có cả thư xin hẹn đầu hàng của Trần Ích Tắc, cho Thượng Hoàng Thánh Tông xem, để trừng trị những kẻ đó. Thượng Hoàng sai đốt đi, để yên lòng dân. Bạn có suy nghĩ rằng, những thư từ của Trần Ích Tắc, nếu có, chẳng phải cũng chỉ là nghệ thuật phản gián, để đối phương hoàn toàn tin tưởng vào Tràn Ích Tắc, để Hốt Tất Liệt tin tưởng, phong cho ông ấy chức AN NAM QUỐC VƯƠNG, rồi cả chức Tể tướng (Bình chương chính sự) bên cạnh vua Nguyên nữa, chứ sao? Đối phương không tin tưởng tuyệt đối, thì làm sao có thể “leo cao chui sâu” được? “Người trần mắt thịt” sao thấy được điều này? Nhưng Thượng Hoàng Thánh Tông thì đương nhiên, chắc ông ấy sẽ nheo mắt mỉm cười độ lượng…

5

Kể từ khi Trần Ích Tắc chạy sang “hàng” quân Nguyên, nhà Trần không thua thêm trận nào nữa. Thế là sao? Bạn có biết điều này không?

Trong cuộc chiến lần thứ 3 (1288), vua Trần hỏi Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương, rằng năm nay đánh giặc thế nào? Hưng Đạo Đại Vương bình thản trả lời, rằng “năm nay đánh giặc nhàn”! Phải chăng, tin tức về giặc Nguyên Mông cũng thường xuyên được cập nhật về đại bản doanh của vị Tổng Tư lệnh tối cao? Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Binh pháp đã đúc kết thành nguyên lý trong chiến tranh là vậy! Bạn nghĩ sao?

6

Chúng ta cũng nên biết rằng, nhà Trần không chỉ tổ chức vụ tình báo chiến lược Trần Ích Tắc. Ngay sau cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất (1258), trước đó 30 năm, lãnh đạo nhà Trần đã tổ chức rất thành công vụ tình báo chiến lược đầu tiên, do Hoàng tử Trần Nhật Duy (con trưởng vua Thái Tông Trần Cảnh) dẫn đầu, như tôi đã viết ở bài trước. Đến lượt Hưng Ninh Vương Trần Tung, cũng trá hàng, rồi ban đêm dẫn quân tập kích Thoát Hoan, lại là một kiểu khác, trong tình huống khác.

Tóm lại, tình báo chiến lược trong chiến tranh, thì bên nào cũng tổ chức. Ngày nay, việc ấy lại càng tinh vi hơn nhiều. Nhưng cách nay đã gần ngàn năm, nhà Trần đã rất thành công trong tổ chức tình báo. Chúng ta phải thoát ra khỏi suy nghĩ đơn giản, một chiều, thoát ra khỏi những sách vở này nọ, để có tư duy khoa học, sáng suốt mới có thể tiếp cận được sự thật. Và cũng phải có cái “phông” văn hóa nhất định nào đó, mới có thể cảm thấu được CÁI KHÔNG NHÌN THẤY, vừa bí ẩn, vừa rất giàu hàm lượng thông tin. Sự đầu hàng của Trần Di Ái, của Trần Kiện, của Lê Tắc, là đầu hàng thật, rõ rồi. Việc đầu hàng của Trần Ích Tắc là việc đầu hàng theo kịch bản đã được thiết kế. Sao có thể đem ra để so sánh theo kiểu cơ học thông thường được?

(còn tiếp)