Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRIỀU TRẦN VÀ CHIẾN LƯỢC TÌNH BÁO ( Về Trần Ích Tắc (Kỳ 2)

Vũ Bình Lục
Thứ tư ngày 16 tháng 11 năm 2022 4:58 AM


Trần Ích Tắc | Nghiên Cứu Lịch Sử
Một nhà quân sự bình thường, ít nhất, ai cũng phải hiểu câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”!

Để làm rõ thêm nội dung bài thơ XUẤT QUỐC của Trần Ích Tắc, chúng tôi xin nêu thêm một số lý do cụ thể:

1

Chỉ xét riêng về công việc tổ chức màng lưới tình báo chiến lược, trong lịch sử ngàn năm ở nước ta dưới thời phong kiến, không có triều đại nào có thể so sánh với triều đại nhà Trần. Đó là một sự khẳng định.

Ngay từ cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất, triều Trần, dưới sự lãnh đạo tài giỏi của tầng lớp quý tộc tinh hoa, đứng đầu là Thống soái tối cao Thái sư Phụ chính Trần Thủ Độ (1194-1264). Triều đình đã nhân việc Mông Cổ yêu sách An Nam (Đại Việt) 6 điều, trong đó có yêu sách triều Trần phải đưa Thái tử sang Mông Cổ làm con tin. Nhân việc này, triều Trần đã tiến hành tổ chức đoàn tình báo chiến lược đầu tiên.

Trần Thủ Độ là cháu ngoại của nhà Hậu Lý. Cha ông là Trần Thủ Huy, Phò Mã nhà Lý. Mẹ ông là công chúa Đoan Nghi. Trần Thủ độ được sinh ra trên đất khách, ở một bến đò, cho nên ông được cha mẹ đặt tên là ĐỘ (bến đò). Ông lớn lên ở Mông Cổ, chơi rất thân với Ngột Lương Hợp Thai, viên Thái sư Mông Cổ sau này đã đem quân xâm lược Đại Việt năm 1258. Quân Mông Cổ bị bao vây ở Thăng Long. Ngột Lương Hợp Thai phải viết thư nhờ Trần Thủ Độ nể tình xưa nghĩa cũ, mở vòng vây, cho phép quân Mông Cổ được rút khỏi Thăng Long an toàn. Trần Thủ Độ, bấy giờ là Thống soái tối cao, đã bàn bạc với triều đình, để tránh việc vì tình cảm riêng mà coi nhẹ việc nước. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, Đại Việt đã quyết định chấp nhận đầu hàng, mở vòng vây để quân Mông Cổ được về nước trong an toàn và danh dự.

Cuộc kháng cự của quân Mông Cổ chỉ diễn ra được vẻn vẹn trong vòng 1 tháng, đúng như Thái sư Trần Thủ Độ đã nói với vua và triều đình. Bởi chính ông đã nắm chắc phần thắng trong tay. Thế là sao? Là vì ông đã sống trên đất Mông Cổ, đã hiểu biết rất rõ Mông Cổ về mọi mặt. Ông phát hiện, chỉ ra chỗ yếu, chỗ mạnh của quân Mông Cổ. Họ rất mạnh về kỵ binh. Lính kỵ binh Mông Cổ vô địch trên các chiến trường bằng phẳng. Họ còn chế ra máy bắn đá để công thành. Họ đánh bại cả châu Âu, châu Á. Họ đang gặm nhấm con mồi to béo nhưng rất yếu ớt là nhà Tống. Nhưng họ thất thế trên chiến trường đồng lầy, nhiều sông ngòi và lam chướng ở Đại Việt. Kỵ binh họ sẽ không phát huy được tác dụng. Ta không xây thành trì vững bền, cho nên máy bắn đá của họ cho dù rất ghê gớm, nhưng cũng chẳng để làm gì. Thành trì của ta là lòng dân, là làng xóm phân tán. Chỉ trong khoảng một tháng, quân Mông Cổ nhất định sẽ bị đánh tan. Đó chính là chỉ đạo của Thái sư Trần Thủ Độ với các quan chức triều Trần, con cháu của ông cả.

Chẳng thế mà khi quân Mông Cổ tiến như vũ bão, quân Trần rút lui chiến lược, phải bỏ lại Thăng Long. Vua Trần chèo thuyền đến hỏi ý kiến Trần Nhật Hạo, ông này sợ vãi đái, miệng méo không nói được, phải chấm ngón tay vào nước viết lên mạn thuyền hai chữ “Nhập Tống”, nghĩa là chạy sang nước Tống. Thất vọng quá, vua Trần Cảnh lại chèo thuyền đến hỏi ý kiến Thái sư, rằng nên hàng hay nên đánh? Trần Thủ Độ, Thống soái tối cao bình tĩnh trả lời, rằng “ĐẦU TÔI CHƯA RƠI XUỐNG ĐẤT, XIN BỆ HẠ ĐỪNG LO”. Đấy, không biết địch biết ta, không có tầm nhìn chiến lược rộng lớn, không có ý chí quyết thắng, thì tại sao Trần Thủ Độ lại có niềm tin chắc thắng như vậy! Sử ta chép “Trần Thủ Độ ít học, nhưng là người mưu lược”, là bởi các vị ấy không biết gì nhiều về nhân vật vĩ đại này. Họ chỉ biết Trần Thủ Độ là dân đánh cá ở Hải Ấp, Thái Bình, cháu Trần Lý. Họ đâu biết Trần Thủ Độ là cháu ngoại nhà Lý, nhà quân sự và chính trị đại tài, chuyên gia hàng đầu về Mông Cổ!

Quả nhiên, sự thật cuộc chiến đã diễn ra như kế hoạch tác chiến. Chỉ đáng tiếc một điều là ông Thái úy Trần Nhật Hạo đã không tuân lệnh của Tiết Chế Trần Quốc Tuấn. Trần Nhật Hạo đã đem quân tinh nhuệ đối đầu trực tiếp với quân Mông Cổ trên cánh đồng Văn (Vĩnh Phúc), bị quân Mông Cổ đánh cho tơi tả. Ba bốn hiệu quân tinh nhuệ do Trần Nhật Hạo chỉ huy gần như bị quân Mông Cổ tiêu diệt.

Chính sử nước ta chỉ biết về giai đoạn Trần Thủ Độ ở với Trần Lý trở về sau, chứ các nhà chép sử không hề có thông tin gì về Trần Thủ Độ trước đó. Cha ông (Trần Thủ Huy) giận nhà Lý đối xử với ông quá tệ bạc. Triều Lý sau đó đã hối hận, cử sứ đoàn sang mời vợ chồng Trần Thủ Huy và công chúa Đoan Nghi về nước. Trần Thủ Huy cho vợ con về, còn ông ở lại Mông Cổ. Bà Đoan Nghi trên đường về quê hương xa vạn dặm, rất gian khổ, nên ốm chết dọc đường. Trần Thủ Độ theo sứ đoàn nhà Lý về nước. Không còn mẹ, lại không có cha, cho nên Thủ Độ phải ở với Trần Lý.

Lại nói về cụm tình báo chiến lược đầu tiên ở triều Trần.

Triều Trần đã dùng kế “tát nước theo mưa”, để tổ chức đoàn tình báo chiến lược đầu tiên (1258). Đoàn người hộ tống “Thái tử” Đại Việt sang Mông Cổ gồm 55 người cả thảy, đứng đầu là Hoàng tử, con trưởng của Thái Tông Trần Cảnh là Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy và hai nhân vật không thể thiếu, đó là bà công chúa Trần Ý Ninh (vợ Nhật Duy) và ông Vũ Sơn Hầu Tạ Quốc Ninh, bộ óc tuyệt hảo, cố vấn của “cống đoàn”. Tạ Quốc Ninh quê Sơn Tây, được ban tước Hầu, chức Thượng tướng quân (cao hơn Đại tướng), hàm Thái tử Thiếu bảo, Hiệp Biện Đại học sĩ, Đồng Tri Khu mật viện. Ông vừa là cố vấn, vừa tranh thủ dạy tiếng Mông Cổ, tiếng Hán cho các thành viên trong đoàn.

Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy là con trưởng của Trần Cảnh, do bà Tuyên Phi Mai Đông Hoa, quê ở làng Thụy Khuê, Tây Hồ sinh ra. Nhật Duy bằng tuổi Trần Quốc Khang, do Thuận Thiên Hoàng hậu sinh ra, Nhưng Quốc Khang thực chất là con Trần Liễu (anh trai Trần Cảnh). Vậy nên, Trần Quốc Khang chỉ được phong tước Đại Vương. Trần Nhật Duy được thay Thái tử Hoảng (Trần Thánh Tông) sang Mông Cổ làm con tin, vừa hợp lý, thuận tình. Mông Cổ không bắt bẻ được.

Nhật Duy là Hoàng tử rất thông minh tài giỏi. Lại thêm có sự giúp đỡ của cố vấn Ta Quốc Ninh và người bạn đời là công chúa Trần Ý Ninh. Đoàn người theo giúp Trần Nhật Duy đã hoàn thành nhiệm vụ tình báo chiến lược xuất sắc, vô cùng xuất sắc, mà Thái sư Trần Thủ Độ, vua Trần Cảnh và Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã giao cho. Đó chính là nhiệm vụ thăm dò, chia rẽ nội bộ Hoàng tộc Mông Cổ, khiến họ nghi ngờ nhau, đánh nhau, càng lâu càng tốt. Đồng thời, phải giúp nhà Tống đánh nhau với Mông Cổ càng lâu càng tốt. Để làm gì? Để họ không có thời gian rảnh rỗi suy nghĩ đến việc đem quân trả thù nước Đại Việt dưới triều Trần chứ sao! Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy và các cộng sự, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt khó khăn của mình. Thực tế, Mông Kha Đại Hãn đã nghi ngờ Hốt Tất Liệt. Họ đấu đá sống mái với nhau suốt nhiều năm. Thực tế thì nước Đại Việt ta đã có khoảng 30 năm yên ổn để ra sức củng cố lực lượng, xây dựng đất nước vững mạnh, để có thể sẵn sàng đương đầu với quân xâm lược Mông Cổ lần thứ 2, thứ 3 và có thể là lần thứ 4 nữa. Tuy nhiên, chính sử nước ta không thấy chép câu nào về Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy cả. Tất nhiên rồi!

Trên đường đi, bà Trần Ý Ninh đã sinh ra một người con trai rất anh dũng, tài giỏi, đó chính là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Trần Quốc Toản được cha mẹ đưa về nước, khi nhà Tống đã bị Hốt Tất Liệt tiêu diệt. Một số quý tộc nhà Triệu Tống, trong đó có Hoàng tử nhà Triệu Tống và cô em gái, công chúa Triệu Ngọc Hoa, đã chạy sang nương nhờ Đại Việt. Đoàn người nhà Tống đã được Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, tướng chỉ huy trấn giữ vùng biên cương phía Bắc thu nạp. Trần Quốc Toản nằm trong biên chế của đội quân do Trần Nhật Duật chỉ huy. Và cơ duyên trời định, cô công chúa nhà Triệu Tống là Triệu Ngọc Hoa đã trở thành vợ Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản.

Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản lại kế nghiệp cha làm tình báo chiến lược. Ông được lãnh đạo nhà Trần tổ chức bí mật sang nhà Nguyên, giúp Tống. Sử nhà Nguyên chép việc Trần Quốc Toản cùng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đánh nhau với tướng Trương Văn Hổ ở vùng cửa biển An Bang, khi Trương Văn Hổ quay lại với ý đồ cướp lại số lương thảo đã bị Trần Khánh Dư tịch thu trước đó. Sử Nguyên chép rằng Trần Quốc Toản bị thương nặng và mất tích. Thế thôi. Còn như về sau thì họ cũng không biết gì để chép thêm. Sử nước ta thì chép rằng Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản hy sinh trên trận tuyến sông Cầu (Như Nguyệt), khi ông mới 18 tuổi. Thực tế thì, viên tướng hy sinh trên trận tuyến Như Nguyệt lại là một viên tướng trẻ khác, thuộc tôn thất nhà Trần…

Những tư liệu tôi vừa nói đây, là nguồn từ sách ĐÔNG A DI SỰ, do bà Huệ Túc Phu Nhân (Hoàng Chu Linh), bà vợ người nước Tống của vua Trần Cảnh ghi chép. Bà Huệ Túc Phu Nhân theo cha là ông Hoàng Bính, một quan chức cao cấp của nhà Tống. Ông Hoàng Bính xem thiên văn, đoán biết nhà Tống sẽ bị Mông Cổ diệt, mà phương Nam khí đang vượng, cho nên Hoàng Bính đã đem theo cả gia quyến gồm 1200 người, chạy sang nương nhờ Đại Việt vào mùa xuân năm 1257. Bà Hoàng Chu Linh khi ấy mới 16 tuổi, rất giỏi bói toán, xem số tử vi. Tháng 6 năm 1257, bà Hoàng Chu Linh được tiến cung, làm vợ vua Trần Cảnh, được phong là Huệ Túc Phu Nhân. Chính bà Huệ Túc Phu Nhân đã khuyên vua Trần Cảnh và Thái sư Phụ chính Trần Thủ Độ giao chức Tiết Chế (Tổng chỉ huy quân đội) cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ngay từ cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất (1258). ĐVSKTT chỉ ghi có một câu rất ngắn, viết về chi tiết này. Phần đông chúng ta đều đoán rằng Trần Quốc Tuấn chỉ được phong Quốc Công Tiết Chế trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1288) mà thôi.

Ở cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 (1288), nhà Trần lại dùng kế trá hàng. Người thực hiện việc này, lại chính là Hưng Ninh Vương Trần Tung (anh trai Trần Quốc Tuấn). Trần Tung đã tự nguyện sang đại bản doanh của Thoát Hoan, Tổng chỉ huy quân Nguyên Mông để “xin hàng”. Lý do chắc sẽ là việc ông bất mãn với vua Trần. Thoát Hoan hoàn toàn tin theo. Trần Tung hứa sẽ về làm nội ứng cho Thoát Hoan. Nhưng ngay đêm đó, Trần Tung đã đem quân tinh nhuệ bất ngờ tấn công vào doanh trại Thoát Hoan. Quân Nguyên tan vỡ nhanh chóng. Nhưng Thoát Hoan thoát chết. Hắn cay đắng tức giận, nhưng đành phải thu vén tàn quân rút chạy về Bắc. Sự kiện này, sách ĐVSKTT của ta có ghi chép.

Trở lại câu chuyện Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, để các bạn thấy rằng, triều Trần đã lại tiến hành một vụ tình báo chiến lược thứ 2, thành công rực rỡ như thế nào. Đấy là chưa kể đến câu chuyện công chúa An Tư được đưa sang làm vợ Thoát Hoan, được giao nhiệm vụ gì. Nhưng tình riêng và việc chung đều tốt cả. Công chúa An Tư đã sinh hạ cho Thoát Hoan 2 người con.

Nhân đây, cũng lại phải kể thêm câu chuyện công chúa Trần Huyền Trân được gả cho vua Chiêm là Chế Mân. Công chúa Trần Huyền Trân về làm Hoàng hậu vua Chiêm. Đoàn tùy tùng theo hầu Hoàng hậu, có hầu nữ và có cả nam giới. Họ đều ở lại bên cạnh Huyền Trân ở thành Đồ Bàn, để giúp bà trong sinh hoạt đời thường theo nếp sống của người Việt. Nhưng mà không chỉ có thế. Họ còn được giao thêm nhiệm vụ khác nữa. Chẳng cần nói ra thì các bạn cũng hiểu rồi. Hai vị đại quan có trách nhiệm bảo vệ, đưa tiễn Huyền Trân về Chiêm, chính là danh sĩ Đoàn Nhữ Hài và Trần Khắc Chung (tên thật là Đỗ Khắc Chung). Thông tin cụ thể này, chúng ta chỉ được biết sau khi tư liệu chỉ viết về Hoàng tộc nhà Trần, là sách ĐÔNG A DI SỰ, do chính bà Huệ Túc Phu Nhân khởi thảo, tiếp nữa là Đoàn Nhữ Hài, đệ tử thân tín của Bà Huệ Túc. Cuối cùng là Tư Đồ Trần Nguyên Đán, đồng tác giả. Các tài liệu về nội bộ nhà Trần lưu lạc bên Trung Quốc, do cô Vũ Khánh Ngọc, du học sinh ở Phúc Kiến sưu tầm được. Gia phả dòng họ Trần Ích Tắc và Trần Quốc Toản được người đời sau biết đến từ đây…

(còn tiếp)