Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI TÌNH CỦA NHÀ VĂN

Trần Kỳ Trung
Thứ năm ngày 12 tháng 8 năm 2010 5:32 AM
 
         Chuyện Đại Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VIII, vừa diễn ra ở Hà Nội, có lẽ nhiều người biết, biết một cách tường tận, tôi không muốn đưa thêm chi tiết.
           Nhưng tôi muốn đề cập đến cái “ tình” của nhà văn hiện thời.
           Đến dự Đại Hội có đến hơn bảy trăm nhà văn, nhà thơ nhìn ai cũng thấy một phong cách đường bệ, nét mặt hồng hào, tiếng cười rổn rảng, tham luận đọc tiếng vang chan chát còn hơn búa gõ xuống đe, đề cập  trăm thứ bà rằn như làm thế nào để có tác phẩm hay? rồi tổ chức Hội nhà văn như thế nào? Hay như quy chế kết nạp Hội Viên phải chọn người xứng đáng v.v... và v. v... mà không một dòng nào trong báo cáo hay tham luận đề cập tới những nhà văn đang gặp khó khăn, họ hiện diện ngay trong Đại Hội này. Nhà văn Lê Lựu bị tai biến mạch máu não đi lại vô cùng khổ, phải có người dìu. Nhà văn, nhà thơ quân đội Phạm Ngọc Cảnh có những sông văn lừng lẫy một thời, giờ phải ngồi bệt xuống rệ cỏ cạnh hội trường để thở do sức khỏe quá yếu. Nhà thơ Trúc Thông một thời đẹp như thế với mái tóc bồng bềnh, giờ đi đâu cũng có vợ là chị Nguyệt, đi bên cạnh chăm sóc. Nhà thơ Trúc Thông nói, cười đều mệt. Tôi hỏi nhà thơ: “ Anh có nhận ra em không ? ” Nhà thơ chỉ gật đầu, nhưng cái nhìn lại ngơ ngác. Tôi nhìn nhà thơ, thực sự chạnh lòng thương cảm, không dám nghĩ đến Đại Hội lần sau... Nếu được ra dự, liệu  mình còn gặp lại các nhà văn, nhà thơ như các anh nữa không? Giá như, trong Đại Hội Nhà Văn, bớt đi thời gian vô cùng lãng phí của chuyện bầu bán, bớt đi những cuộc tranh cãi không đi đến đâu... hãy dành thời gian và sự nhiệt tâm của các Đại biểu trong với những nhà thơ, nhà văn có hoàn cảnh như trên, cho họ phát biểu đôi lời rồi tất cả các nhà văn, nhà thơ đang có mặt trong Đại Hội chung tay đóng góp, người ít kẻ nhiều có thể bằng vật chất, có thể bằng tinh thần để các nhà văn, nhà thơ có hoàn cảnh không may thấy ấm lòng, tốt bao nhiêu!
          Trong Đại Hội, tôi lại thấy một hình ảnh nữa, làm cho mình suy nghĩ, mới thấy cái tình của một số nhà Văn, nhà thơ có, nhưng số đó rất ít, còn coi trọng cái “danh hão” lại nhiều.
           Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Thời đương chức, mỗi lần Ông đến Đại Hội nào cũng công an canh cổng trước, lính gác cổng sau, rồi đến giờ giải lao các đại biểu thi nhau xoắn xuýt vây quanh Ông để chụp ảnh. Hiện tại, Nhà Thơ đã về hưu, nhưng vẫn sáng tác, tôi có cảm giác Ông sáng tác mạnh hơn, hay hơn thời đương chức. Trong Đại Hội Nhà Văn, Ông ngồi im lặng, không phát biểu, ánh mắt suy tư, gần như để suy nghĩ của mình trôi theo ký ức, giữa đám đông Ông cũng lặng lẽ, không muốn mình lộ diện... Nhưng có một số nhà thơ, nhà văn phát hiện ra, trong giờ giải lao họ kéo Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vào  chụp ảnh, trò chuyện...  tôi có bức ảnh Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và một số người khác chụp với ông rất chân tình, không phải bức ảnh “ xoắn xuýt tranh nhau đứng cạnh” như dạo Ông ở thứ bậc cao của chức tước. Đó là cái tình thật của nhà văn, nhà thơ với một nhà thơ đã có một thời “ lừng lẫy” trên uy quyền. Bây giờ dẫu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã về hưu nhưng tình cảm bạn văn, bạn thơ vẫn không nhạt nhòa. Cuộc gặp gỡ, trò chuyện, chụp ảnh ... của một số nhà thơ, nhà văn trong Đại Hội với Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không khoa trương mà lại thấy ấm áp. Ngược với hình ảnh đó là hình ảnh của ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, sau khi đọc xong lời chào mừng Đại Hội và tặng bức trướng cho đoàn Chủ tịch ông ra xe chuẩn bị về lại nơi làm việc, tôi thấy có rất đông nhà văn, nhà thơ bu quanh ông, xúm xít, thậm chí có người cố nhoài người ra để bắt tay!!! Nhiều người tranh thủ chọn thế thật mật thiết với ông Trương Tấn Sang để có một bức ảnh. Ánh đèn của máy ảnh lóe lên liên tục, người này kéo áo, người kia đẩy vai cốt làm sao có chỗ thật gần chỗ ông Trương Tấn Sang đang đứng. Tôi đã nhiều lần thấy ở phòng tiếp khách của mấy ông Giám đốc doanh nghiệp, khi mấy ông “ lớn” còn quyền “ nói không được cãi”, ảnh chụp các Giám đốc doanh nghiệp này đứng cạnh các ông “lớn” kia treo đầy trên tường, ngồi chỗ nào cũng thấy. Đến khi mấy ông lớn ấy về hưu thì họ cất đi, thay vào đó là treo các bức ảnh đứng cạnh mấy ông lớn khác. Đó cũng là một cách “ đầu cơ” danh tiếng trong việc buôn bán,  dọa thiên hạ. Với họ, việc ấy đồng nghĩa với chuyện kiếm tiền, không có một chút “ tình” nào.  Tôi đồ rằng, sẽ có những nhà thơ, nhà văn, không phải tất cả, đang cố chụp ảnh với ông Trương Tấn Sang rồi cũng phóng to bức ảnh này treo vào một chỗ thật trang trọng trong phòng khách hoặc phòng làm việc để “ khoe” và “ lòe” thiên hạ. Bức ảnh sẽ rất TO về hình ảnh nhưng lại rất NHỎ, thậm chí là NHẠT về tình. Nó khác xa bức ảnh của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và một số nhà văn, nhà thơ khác chụp chung với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Không biết sau này khi ông Trương Tấn Sang về hưu, một lúc nào đấy, vô tình ông quá bộ đến Đại Hội Nhà Văn, liệu có nhà văn, nhà thơ nào còn nhớ đến bức ảnh  đã chụp với ông trước thềm Hội trường Học viện Nguyễn Ái Quốc ở Đại Hội Nhà Văn lần thứ VIII ngày nào mang ra khoe hay đã vội cất đi,  giống như mấy ông Giám đốc doanh nghiệp nọ!
                Nghĩ lại thấy buồn
http://kytrungtran.com/index.php/index/detailarticle/314