Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHIẾM ĐÀM VỀ ... CÁI MŨI!

Trần Huy Thuận
Thứ năm ngày 12 tháng 8 năm 2010 2:30 PM

MŨI là một bộ phận của cơ thể được "ngự" ngay giữa mặt, dưới MẮT và trên MỒM! Chỉ cái "vị thế" ấy của mũi đã cho thấy vai trò của nó quan trọng đến mức độ nào!
Tuy vậy, về hình thức MŨI cũng có nhiều loại lắm. Đẹp thì hình như duy nhất chỉ  có mũi "DỌC DỪA", còn lại đều... xấu. Mũi "LÕ" là mũi của người phương Tây, dân Á Đông mình vốn mũi "TẸT". Mũi lõ lại phân ra mũi "KHOẰM", mũi "NHÒM MỒM".... Mũi tẹt còn có anh em con chú con bác với mũi "SƯ TỬ" (gọi thế nhưng nhìn thì nó giống như con cóc ngồi chồm chỗm trên mặt vậy!). Về mầu sắc, mũi không chỉ đồng mầu với da mặt, mà đôi khi còn có mầu đỏ, thậm chí cả mầu xanh nữa, trông cũng ghê lắm!
Mũi của con người có hai chức năng chính, thứ nhất là "hít thở" không khí (cùng với cái mồm), thứ hai là "ngửi" mùi (thông qua cơ quan khứu giác cư trú ở đây).
Chức năng HÍT THỞ tác dụng đến sự sống mỗi người từng giây, từng phút như thế nào, chúng ta đều đã rõ - chỉ đến khi từ giã cõi đời, con người nói riêng và động vật nói chung mới không còn hít thở!
Chức năng NGỬI đối với con người tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn, nhưng thiếu nó - mũi bị ĐIẾC chẳng hạn, trước mắt sự hưởng thụ của chúng ta sẽ mất đi phần thi vị: Đứng trước một bông hoa, không được thưởng thức hương vị thơm tho đặc trưng của nó... Và không chỉ có vậy, khứu giác còn giúp ta sớm nhận biết sự vật ngay cả khi mắt và tai chưa kịp phát hiện - ví dụ mùi khét của lửa, sớm giúp phát hiện hoả hoạn, trước khi nhìn thấy ngọn lửa bốc lên, còn đến lúc nghe thấy tiếng nổ "lốp bốp" thì thường là đã quá muộn! Thậm chí, có những công việc cái mắt, cái tai không làm được, mà chỉ duy nhất cái mũi làm được. Ví dụ, để phân biệt loại và chất lượng nước hoa, người ta phải nhờ đến TÀI NGỬI của một số chuyên gia. Hoặc để phát hiện ma tuý, công an phải dùng đến tài ĐÁNH HƠI của chó nghiệp vụ...
Nhưng chức năng của MŨI không chỉ dừng lại ở hai cái đó, mà còn nhiều tác dụng khác không  kém phần quan trọng.
Đó là chức năng "biểu đạt tình cảm". Khi khó chịu điều gì đó mà chưa đến mức "đỏ mặt tía tai", thì người ta hay "NHĂN MŨI" lại. Ngược lại khi nghe được lời nói êm tai tâng bốc mình, thì trước khi "lên mây xanh", cái mũi thường PHỔNG LÊN phập phồng! Lại nữa, khi con người đau khổ quá mà khóc, thì thường không chỉ đôi mắt chảy nước mà ngay cả cái mũi cũng có nước chảy ra!...
Đó là chức năng "can thiệp" vào nội tình của người khác, hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của mình - chức năng... "NHÚNG MŨI"! Cái trò nhúng mũi này có mặt ở khắp tất cả mọi lúc mọi nơi, từ công sở đến trường học, từ trong nhà ra ngoài đường... gây khó chịu, bực bội cho nhiều người!
Đó là chức năng "do thám" hành vi của bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm... Dân gian gọi cái đó là trò "ĐÁNH HƠI" vào công việc, vào đời sống riêng tư của người khác. Muốn sống yên thân, mỗi chúng ta phải tìm cách lánh xa, cách ly những đối tượng ấy, càng sớm chừng nào càng tốt chừng ấy!
Như vậy, vai trò của cái MŨI trong cuộc sống là rất quan trọng. Quan trọng đến mức xưa nay mọi người vẫn bảo nhau: "Vuốt mặt phải nể mũi" - nghĩa là cái mặt có thể vuốt, nhưng cái mũi thì nên nể, đừng có động vào! Do đó, chúng ta nhất định phải luôn quan tâm chăm lo săn sóc, bảo vệ đến cái MŨI của chính mình một cách chu đáo! Lại phải biết cách GIOÁ DỤC nó làm sao để nó có được một đời sống VĂN HOÁ thực sự, không bao giờ làm cái việc NHÚNG MŨI hoặc ĐÁNH HƠI kiểu súc vật đồi với đồng loại.