Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN BÊN NGOÀI ĐẠI HỘI

Thiên Sơn
Thứ tư ngày 11 tháng 8 năm 2010 5:22 AM
 
Buổi tối hôm đại hội nhà văn Việt Nam, tôi gặp lại một người bạn cũ sau gần 10 năm xa cách. Anh là Chu Xuân Giao, tiến sỹ nhân loại học từ Nhật Bản về, trước đây đã từng là một cây Hán Nôm và văn học dân gian vào loại đứng đầu đất nước từ lúc còn sinh viên đại học Tổng hợp. Chúng tôi ngồi café 34 Phạm Huy Thông nhìn xuống hồ Ngọc Khánh nói vài câu chuyện văn chương.
Anh Giao hỏi tôi:
- Cuốn tiểu thuyết “Dòng sông chết” của cậu được bao nhiêu tiền nhuận bút? Tôi muốn biết, ông anh trai vợ tôi ở Đức đã đọc cuốn  này cũng muốn hỏi cho biết. Bạn nói đi, rồi tôi sẽ tâm sự với bạn những điều rộng hơn.
- Được năm triệu chứ mấy. Ấy là sách vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn lần thứ 3, được trả nhuận bút loại cao nhất đấy. Và tôi dùng toàn bộ tiền nhuận bút mua  sách để tặng bạn bè.
- Cậu viết trong bao lâu?
- Hơn một năm, khổ sở thêm một năm nữa để có thể in.
Chu Xuân Giao thở dài.
- Ông anh tôi nói mê cuốn sách này của cậu. Cuốn này ở Đức nếu xuất bản cậu có thể mua nhà đấy, còn sống được mấy năm. Nhưng thôi, hôm nay đại hội nhà văn, tôi thấy buồn quá.
- Buồn cái gì?
- Tôi thấy cả một hội trường đầu bạc. Nhà văn toàn sáu bảy chục tuổi cả. Còn một điều nữa, trong 5 năm, một nhiệm kỳ đại hội mà Đảng và nhà nước tài trợ cho Hội nhà văn Việt Nam 15 tỷ, ít quá. Ít một cách khủng khiếp. Vậy mà có người nói tài trợ như thế là nhiều. Tôi không hiểu đầu óc của họ ra sao? Cạnh nhà tôi, có người bán căn nhà 20 tỷ. Đầu tư của một đất nước 90 triệu dân cho nền văn học mỗi năm có 3 tỷ mà coi là nhiều, trong khi nhuận bút, mức sống của nhà văn như hiện này, đó là điều phi lý nhất, rẻ rúng nhất mà loài người không thể tưởng tượng ra được.
- Về hai điều trên thì một điều tôi đã nói với nhà thơ Nguyễn Hoa năm ngoái khi ông là phó ban công tác Hội viên, và một điều hôm nay tôi sẽ nói với anh.
- Cậu nói với ông Hoa thế nào?
- Hôm đó, theo lời của nhà thơ Hữu Thỉnh tôi đến để bổ sung cái lý lịch văn học xin vào Hội nhà văn. Tôi chưa bao giờ kiêu ngạo, nhưng trước anh tôi xin kiêu ngạo chút, tôi là người có học hành bài bản về văn học. Anh biết tôi từ lúc ở trường. Nay tôi đã viết 10 cuốn sách. Hơn 10 năm trước tiểu thuyết “Màu Xanh ký ức” của tôi đã vào đến chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam lần thứ nhất, và cuốn “Dòng sông chết” lần này cũng vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3. Tập truyện “Người bên lề” hơn 500 trang đã in 4 lần, đánh giá cao như thế trên các diễn đàn, tiểu thuyết “Quyền lực đen” dự kiến 1000 trang, 2 tập đã sắp xong. Nhưng lý lịch của tôi gửi, Hội nhà văn không thèm sờ đến (Có lẽ họ không biết. Chắc họ không có thời gian đọc). Chuyện ấy cũng chẳng sao. Tôi thuộc loại tự tin, tôi là người viết chân chính và có trách nhiệm, tôi muốn Hội nhà văn sẽ kết nạp tôi như một vinh dự cho Hội chứ không phải là một nỗi hổ thẹn. Nếu không kết nạp, tôi vẫn là tôi. Tôi có thể trở thành một cây bút độc lập, hoặc cần thiết, tôi sẽ lập ra nhóm bút của mình. Ngày Lãng Thanh chưa chết cậu ấy và tôi đã định làm nên những chuyện lớn hơn cho văn học.
 Nhưng cái hôm đó, tôi đã vui chuyện nói với nhà thơ Nguyễn Hoa thế này: Hội nhà văn phải mạnh dạn, loại bỏ hết những người không biết viết, không viết được nữa, quá 60 tuổi ra khỏi danh sách kết nạp. Bỏ đi cho gọn. Những người 60 tuổi không làm nên trò trống gì, thì thôi. Vào Hội làm gì? Những người năm mươi, nếu thấy non, cũng nên rút. Cần phải biết rút chứ. Chọn lấy danh sách khoảng một trăm, hoặc hơn chút, những người viết trẻ, tạo điều kiện giao lưu, theo dõi và kết nạp. Cần có những diễn đàn mạnh mẽ và rộng lớn cho người trẻ chân chính, có tâm huyết. Thế thì may ra, năm, mười năm nữa, Hội nhà văn mới có những người trẻ làm tăng sinh khí. Không tạo được đột biến, Hội sẽ trở thành hội người cao tuổi. Khi đó, nền văn học sẽ tiếp tục tụt hậu và không mong gì ngày khởi sắc, nếu không muốn nói sự lạc hậu sẽ làm phân rã Hội.
Tôi nhìn Chu Xuân Giao:
- Tôi có luận cứ để nói đến sự nguy hiểm đe dọa đến sứ mệnh của Hội nhà văn và nền văn học hiện nay. Đội ngũ cầm bút gồm những người già, chỉ quen viết theo thói cũ đã hình thành nửa thế kỷ trước. Sức học và sức hiểu những vấn đề mới của những người này đã giảm. Không thể lý giải được hiện thực đang biến thiên, đang bị che đậy, ngụy tạo như hôm nay. Dù có tâm, những người viết cao tuổi cũng không thể đủ sức mở ra con đường thâm nhập vào xã hội đầy man trá như thế này, nhiều kiến thức mới làm họ đuối sức. Đội ngũ trẻ chia làm 2 loại, loại viết những chuyện rẻ tiền, trơ trẽn, nhân danh đổi mới để biến nền văn học thành một đống rác rưởi. Loại thứ 2 thầm lặng, kiên trì làm việc, hoặc dù có tâm nhưng chán nản dần, bỏ cuộc. Đời tôi đã chứng kiến bao người tài năng mà bỏ cuộc. Khi tôi vào đại học tổng hợp 20 năm trước, Khoa văn còn là nơi tập hợp của những sinh viên ưu tú. Nay thì những người ấy đã bị cơm áo gạo tiền nuốt mất họ rồi. Đấy, đội ngũ của chúng ta như thế. Đói nghèo. Thiếu hết những điều kiện để có thể áp dụng lối làm việc hiện đại. Lại phải phân tâm vào biết bao công việc vụn vặt. Ngoài ra còn phải đối mặt với 2 mỗi đe dọa khác: một là sự kiểm duyệt và hai là cạnh tranh từ bên ngoài. Sự dân chủ, tự do vốn là một đòi hỏi tối thiểu với người sáng tác, đến nay chúng ta vẫn chưa có. Nỗi sợ hãi các nhà cầm quyền, bộ máy an ninh vẫn là điều thường trực của các cơ quan xuất bản. Trong khi các công ty tư nhân thì phần lớn chỉ nhăm nhe dịch các tác phẩm nước ngoài về, đánh bóng tên tuổi, câu khách và bán những cuốn sách xa lạ với thực tế đất nước. Gần như cái gì dịch ở nước ngoài về họ cũng cho là hay. Điều đó làm tôi thấy sợ hãi cái bản tính nô lệ vẫn còn in sâu trong tâm trí không ít người…
Anh Chu Xuân Giao lặng im nghe tôi nói. Là một nhà khao học, có lẽ anh không muốn quan tâm đến những thứ quá nhức đầu như thế. Nhưng tôi đã nói thì phải nói đến nơi đến chốn. Chủ đề tiếp theo là chuyện tiền.
- Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước sở hữu 1,53 triệu tỷ đồng và hầu hết nguồn lực quốc gia, nhưng làm ăn lãi suất còn thấp hơn so với ngân hàng (khoảng 10,5% năm, chưa tính thuế). Có chuyên gia nói, chỉ cần mang khoản tiền này gửi vào ngân hàng, còn có thể mang lại nguồn lợi ích lớn hơn nhiều. Riêng thằng Vinashin sở hữu 90 ngàn tỷ, vay thêm 86 ngàn tỷ, theo nguồn tin BBC nói, thua lỗ của tập đoàn này là 80 ngàn tỷ. Tôi thử tính sơ, số tiền thua lỗ này có thể đủ tài trợ cho Hội nhà văn hoạt động trong 26.666 năm. Nghĩa là gấp khoảng 6,6 lần khoảng thời từ khi Mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng hình thành nên dân tộc ta. Đó là một câu chuyện kinh rợn nhất mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải từ xưa đến nay, và cũng để thấy, đầu tư cho văn chương ở xứ này ít ỏi đến mức nào.
Chu Xuân Giao bảo:
- Không nói nữa. Chuyện này có viết báo người ta cũng chẳng tin. Đưa lên Hội nhà văn họ đọc họ cũng ngạc nhiên…
Tôi tiếp lời:
- Tôi không muốn nói, lâu rồi tôi có nói đâu. Những bậc thầy của tôi luôn dặn rằng, tránh hết những cuộc tranh biện đi. Mất thời gian. Lo mà làm việc của mình. Hãy tập trung vào những gì quan trọng nhất. Cuộc đời ngắn ngủi, có nhiều việc phải làm.
- Cậu dành thời gian để viết. Nhà văn là phải có tác phẩm. Phải biểu hiện được những gì điển hình và sâu sắc nhất của thời đại. Làm nhà văn mà chỉ nói tầm phào, thì buông bút có hay hơn không.
- Cảm ơn anh Giao! Anh là người tôi luôn quý trọng và ngưỡng mộ. Anh là sự uyên bác mà tôi không thể có.
- Nhưng cậu là một ngọn núi. Tôi luôn thấy thế…
  Hà Nội 6-8-2010