Có lẽ không cần phải là nhà văn, nhà báo mà bất cứ người bình thường nào cũng đều biết nghĩa của từ “thay mặt” và trong đời không ít thì nhiều đều đã đóng vai trò “thay mặt” một người nào đó hoặc nhiều người nào đó rồi. Này nhé, trong lễ cưới của con trai hay con gái mình thế nào cũng có một ông bố, bà mẹ đại diện cho nhà trai, nhà gái thay mặt hai gia đình cảm ơn họ hàng, quan khách và bạn bè “đã đến dự lễ thành hôn của hai cháu và chia vui cùng hai gia đình chúng tôi”. Còn trong lễ tang của bất cứ ai, từ ông to bà lớn đến người bình dân, thế nào cũng có một người thay mặt cho tang quyến trân trọng cảm ơn những người đã đến chia buồn và tiễn đưa người quá cố về nơi yên nghỉ cuối cùng…
Ngoài hai trường hợp trên, còn có rất nhiều trường hợp khác hai từ“thay mặt” được dùng “đúng lúc, đúng chỗ”, được người nghe chấp thuận, không phải “lăn tăn” điều gì. Chủ tịch nước có thể thay mặt nhân dân cả nước gửi thư thăm hỏi và chia buồn với nhân dân nước bạn bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra. Tổng Bí thư của Đảng có thể thay mặt Đảng dự Đại hội của Đảng bạn và đọc lời chào mừng tại Đại hội. Thứ trưởng có thể thay mặt Bộ trưởng để chỉ đạo cấp dưới thục hiện nhiệm vụ. Tổng Biên tập một tờ báo có thể thay mặt tờ báo của mình để mời gọi cộng tác viên viết bài cho báo…Tất cả những trường hợp “thay mặt” ấy đều “chính danh” và đều được mọi người chấp nhận.
Thế nhưng có những trường hợp người sủ dụng hai từ“thay mặt” không “đúng lúc, đúng chỗ”, không chính danh, khiến người nghe phản cảm. Nhiều khi người“thay mặt” không tự ý thức được điều mình nói, bởi chẳng có cương vị gì, chẳng ai uỷ quyền mà vẫn cứ khơi khơi“thay mặt”!
Do công việc của một nhà báo, từ trước đến nay tôi được dự khá nhiều đại hội của đủ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể… từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều đại hội, nhất là Đại hội Đảng các cấp đều có phần các cháu thanh niên, thiếu nhi đến tặng hoa chào mừng đại hội. Tôi xin không bàn về việc các cháu đến tặng hoa, chào mừng đại hội có thể làm cho không khí đại hội vui tươi, phấn khởi hơn, hay như có người nói nó không thật cần thiết, là một biểu hiện của bệnh hình thức mà thôi. Tôi chỉ xin thưa rằng, hầu hết trong lời chào mừng đại hội của các cháu thanh niên, thiếu nhi (do một cháu “thay mặt” đọc) đều có một câu “Chúng tôi xin thay mặt thanh niên (cả nước, thành phố, tỉnh, huyện, Tổng Công ty, Trường Đại học, Trường Phổ thông…) chúc đại hội thành công tốt đẹp”; hoặc: “Chúng cháu xin thay mặt các bạn thiếu nhi (…..) chúc đại hội thành công tốt đẹp. Chúng cháu xin hứa…”. Nghe các cháu thanh niên, thiếu nhi hồn nhiên đọc hai từ “thay mặt” nhiều khi rất to tát ấy, tôi tự hỏi: Không biết các cháu thanh niên, thiếu nhi cả nước, cả thành phố, cả tỉnh, cả huyện, cả Tổng Công ty, Trường Đại học, Trường Phổ thông…có biết và có uỷ quyền cho các cháu nói trên được “thay mặt” mình để đọc lời chào mừng ấy không? Còn các cháu đọc thì chắc chẳng bao giờ đặt ra câu hỏi ấy và cũng chẳng bao giờ thấy “lăn tăn” về việc này. Bởi vì phần lớn những điều các cháu đọc đều do các cô, các chú viết sẵn!
Thế đấy, chẳng ai uỷ quyền nhưng vẫn cứ vô tư “thay mặt”. Mà đâu chỉ có trong trường hợp như tôi kể trên đây! Thế có kỳ cục không?